Thứ Tư, 18 tháng 2, 2009

Duyên là do mình tạo ra

Ngày 5.2.2009

Bốn giờ chiều. Ba chở mình đi tìm chùa Nguyên Thủy ở Cát Lái, Quận 2. Qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh, đến Lương Định Của đi thẳng hoài, qua cầu Giồng Ông Tố, cây xăng Đàm Duy Tân, chùa Thiền Tôn… Nhìn bên tay trái, đường số 10, rẽ vào, bảng ghi Nguyên Thủy Tự. Đối diện với chùa là một khu nghĩa trang bình dân nhỏ…

Vào gặp Sư cô Hạnh Bảo và cô thư ký. Nhận tạm bộ quần áo trắng vì chưa kịp có đúng đồng phục cho thiền sinh nữ (váy nâu). Điền thư cam kết, phiếu đăng ký, sơ yếu lý lịch. Đến mục nghề nghiệp đang chưa biết nên ghi ra sao, mình ngẩng lên hỏi ba, giờ ghi cái gì ở chỗ nghề nghiệp ha ba. Cô thư ký nói, thì cứ ghi “nội trợ”. ;)

Ba thấy mình ổn rồi ba về. Cô Chung phát cho mình mùng, bát với ba cái móc áo, rồi cô dẫn ra thiền xá nữ, có chỗ cho khoảng mười mấy người, mỗi người một cái giường bố hoặc chiếu làm nơi ở, để đồ đạc dưới gầm giường. Thay đồ trắng rồi dạo quanh chùa. Mua cuốn sách Biết và Thấy, đã được nghe Sư cô Khema và chú Doãn giới thiệu trước đây. Ba về rồi, giữa cảnh chùa tĩnh mịch tự nhiên thấy buồn quá. Lòng còn ngổn ngang trăm thứ, nghĩ rằng mình không tu được…

Khoảng 7 giờ tối theo mọi người ra thiền đường, nghe Thiền Sư giảng pháp. Thầy giảng xem sân hận như con rắn độc trong đầu. Mỗi khi nổi giận hãy mở hộp trang điểm rồi nhìn vào gương để thấy lúc đó chúng ta xấu xí như thế nào. Sống thân ái là một thứ mỹ phẩm kỳ diệu, sẽ làm người ta trẻ trung và đẹp hơn, cái đẹp tỏa ra từ tâm hồn. Đức Phật dạy đối trị sân hận bằng lòng từ bi, tình thân ái (loving-kindness).

Chín giờ tối thầy kết thúc giờ thuyết pháp. Mọi người trở về thiền xá đi ngủ. Đèn tắt hết.

Ngày 6.2.2009

Ba giờ sáng, có tiếng chuông báo thức của ai đó vang lên giục giã. Mọi người lục tục thức dậy, vệ sinh cá nhân. 3h45 ra thiền đường, nhiều người đã ngồi sẵn nghiêm trang, tịch lặng trong bóng tối trên những tấm nệm nhỏ hình vuông màu đỏ.

Mỗi ngày có bốn thời thiền 4h-5h30, 7h30-9h, 12h30-14h, 15h30-17h, và giờ trình pháp với Thiền Sư tùy thầy ấn định mỗi ngày, thường là từ 16h30 chiều. Ngồi thiền đến 4h30 thì đèn bật sáng, Thiền Sư và các chư tăng đến. Mọi người tụng kinh bằng tiếng Pali đến gần 5h30. Sau đó, các tấm nệm được thu lại xếp vào một góc để lau nhà. Người quét người lau, thoáng chốc là xong.

6h sáng, kẻng báo giờ đi bát ăn sáng. Mỗi người cầm bát của mình, đi chân trần, xếp hàng từ cổng chùa theo thứ tự hạ lạp, người cao tuổi và chư tăng, ni đứng trước, thiền sinh nam rồi đến thiền sinh nữ.

Ăn sáng có cháo đậu đỏ với dưa mắm, bánh phồng tôm, chuối, kẹo, mứt dừa… Mình sẽ ghi lại những món ăn mỗi ngày để sau này bắt chước học. Thức ăn để dạng buffet cho mỗi người tự lấy một cách vừa đủ, không hoang phí. Ngồi theo vị trí riêng, chư tăng, ni, thiền sinh nam, thiền sinh nữ.

Trước khi ăn phải đọc bài kinh ngắn quán tưởng về vật thực, đại ý rằng: “Chúng ta thọ thực đây để duy trì sắc thân cho được tồn tại và bảo tồn sanh mạng, đặng giúp đỡ đến sự tu hành, tránh khỏi đói khát và ngăn ngừa sự ăn quá độ.” Mình ngồi chung bàn với mấy bác lớn tuổi. Các bác nói tụi con trẻ mà biết tu vậy là có phước.

Ăn xong mỗi người tự rửa chén của mình trong bốn thau nước lớn để sẵn: một thau nước tráng, một thau nước xà bông, và hai thau nước xả, tráng lại cho sạch. Sau khi ăn xong, mọi người tỏa ra quét lá ngoài sân chùa, quét và lau chánh điện…

7h30, tập trung trên thiền đường, lễ khai giảng khóa thiền đầu năm Kỷ Sửu, lễ bái sư.

10h30, chuẩn bị đi bát ăn trưa. Cơm trưa có canh chua, cải xào, mít non kho thơm, nấm và chả chay. Ăn cơm chùa lúc nào cũng thấy ngon. Ăn xong thì buồn ngủ. Ngủ đến 12h45 dậy, ra thiền đường.

Hai giờ chiều, đến gặp Thiền Sư cùng các bạn mới, để thầy hướng dẫn những bước cơ bản nhất đầu tiên. Đó là quán niệm hơi thở (mindfulness breathing), tập trung vào điểm xúc chạm nằm giữa mũi và môi trên, nhận biết hơi thở vào và hơi thở ra. Thầy dạy về những nơi chốn thích hợp để ngồi thiền: trong rừng, dưới một gốc cây, ở một nơi vắng lặng. Tư thế quan trọng là phải thẳng lưng, bắt tréo chân, không nhất thiết phải là tư thế hoa sen (kiết già) hay bán già, có thể xếp bằng và để tay sao cho thấy thoải mái nhất. Để trị phóng tâm (wandering thoughts), thầy dạy cách đếm số, ví dụ chọn số 8 (số được chọn nên lớn hơn 5 và nhỏ hơn 10), thì cứ đếm đến 8 lại quay lại đếm từ đầu…

6h chiều, lễ bái Tam Bảo. 7h tối thầy giảng pháp. Câu chuyện Đức Phật dạy chính con mình là Rahula khi có lần Rahula tự nghĩ, nếu cha ta không đi tu mà làm vua thì ta đã có thể là hoàng tử…Đức Phật dạy Rahula về bài học của Đất, Nước, Gió, Lửa…dù cuộc sống thăng trầm, dù người ta đối xử với mình tàn tệ hay tốt đẹp, dù thế nào, cũng hãy giữ được sự vững vàng và bình thản như Đất, như Nước, như Gió, Lửa… Và điều căn bản trước hết để xác định một người tu chính là giới đức (morality). Người tu sĩ phải giữ gìn giới đức như giữ gìn sinh mạng của chính mình. Một người được giàu sang nhờ giữ giới, có phước báu cũng nhờ giữ giới, có được thân người quý báu và trí tuệ để hiểu Đạo trước hết cũng nhờ giữ giới.

Buổi tối về phòng, mình quen được một cô bé dễ thương mới vào. Cô bé nhỏ hơn mình sáu tuổi, tên là Viết Hiền, người Hà Nội, cô dạy học nhiều môn và tiếng Anh ở một trường trung cấp ở Thủ Đức. Cô bé hỏi mình: “Chị có thiền bao giờ chưa? Chị có định xuất gia không?” Mấy cô bên cạnh nghe vậy khuyên: tu đi, tụi con xuất gia được là tốt lắm đó, trẻ học mới dễ vô, chứ già rồi học cái gì cũng khó. Mình bảo thấy tu khó quá, vì lòng mình còn vướng bận trần gian lắm, chắc phải có duyên mới xuất gia được. Em cười: “Duyên là do mình tạo ra.”
...