Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Trở lại Pathom Asoke

Tôi đến Pathom Asoke lần đầu tiên hồi cuối năm 2019, trên hành trình VCIL Travel School chủ đề Paradigm Shift - New Story. Chuyến đi ròng rã suốt gần một tháng trời đưa chúng tôi tham quan, học tập ở những môi trường giáo dục thay thế và cộng đồng tỉnh thức khác nhau tại Thái Lan và Ấn Độ. Mỗi nơi chúng tôi đi qua đều chứa đựng những câu chuyện truyền cảm hứng và độc đáo theo những cách riêng. Điểm chung của tất cả những nơi đó là ý thức cao về sinh thái, tâm linh và triết lý sống nhân văn, hướng đến sự phát triển bền vững, tái tạo.

Trong hành trình năm ấy, có hai nơi cho tôi cảm giác như chạm vào Utopia - xã hội không tưởng, là ngôi làng Phật giáo Pathom Asoke ở Thái Lan và thành phố bình minh (the City of Dawn) Auroville, Ấn Độ. Ở đó, người ta không dùng tiền, không có sở hữu cá nhân; giáo dục, y tế, nhà ở và các nhu cầu cơ bản đều được đáp ứng. Mọi người được tự nguyện lựa chọn làm công việc mình thích. Có lẽ nhờ ý thức tự giác và tinh thần tập thể cao, sự chú trọng đời sống tinh thần, nhu cầu vật chất chỉ cần vừa đủ nên “lý tưởng XHCN” đã được hiện thực hóa trước mắt, ngỡ ngàng, thú vị. 

Nếu Auroville giống như một “thiên đường” đa dạng sắc màu quốc tế, mang hơi hướng viễn cảnh tương lai, thì Pathom Asoke lại có chút gì đó đơn sơ, nhuốm màu hoài niệm khiến tôi như thấy mình xuyên không, lạc vào một thời quá khứ xa xưa, làng mạc thôn dã, yên bình, thuần hậu, chân chất.

Tháng 9 năm 2023, tôi trở lại Pathom Asoke sau gần bốn năm trời nhiều biến động của bản thân và cả đại dịch của thế giới. Ngôi làng vẫn vậy, có lẽ một chút vắng vẻ hơn. “Trở lại Pathom Asoke” không chỉ hàm ý thăm lại người xưa chốn cũ mà còn gợi nhắc tôi quay về với những giá trị cốt lõi, giản dị của thực tập Phật giáo, và quay về với đời sống bên trong nội tâm mình.

Pathom Asoke thuộc tỉnh Nakhon Pathom, là một trong 9 trung tâm lớn rải rác khắp Thái lan của phong trào phục hưng Phật giáo Santi Asoke, được khởi xướng bởi Sư Bhodirak. Sư Thầy sinh năm 1934, có cha người gốc Hoa và mẹ người Thái. Thời trẻ, với nghệ danh Rak Rakphongs, Thầy từng ở trên đỉnh vinh quang khi làm việc cho đài truyền hình Thái Lan, nổi tiếng trong vai trò người sản xuất và dẫn các chương trình giải trí và giáo dục. Thầy viết nhiều truyện ngắn, bài báo, làm thơ và còn là một nhà soạn nhạc tài năng, sáng tác nhiều bài hát và nhạc phim được yêu thích. Thế mà Thầy đã rời bỏ công việc và tất cả những hào quang của đời sống thế tục đó năm 35 tuổi, và vài tháng sau Thầy xuất gia, gây sốc cho tất cả những người thân và bạn bè. Người ta kể rằng từ một trải nghiệm tâm linh đặc biệt khiến Thầy thức tỉnh với sứ mệnh và “cuộc đời như mở ra trước mắt”. 

Không hài lòng với lối sống thừa mứa, thực hiện các phép thuật, bùa chú của một số tu sĩ bấy giờ, Thầy đã khởi xướng nhóm Santi Asoke như một cuộc chấn hưng, quay về bám sát với các thực hành căn bản gốc rễ của Phật giáo, ăn chay, sống giản dị, chuyên cần, tự lực, loại bỏ các hủ tục mê tín. Tính cách mạng triệt để và quyết liệt trong đường lối của Thầy đã từng phải đối mặt với những chỉ trích từ nhóm Phật giáo chủ đạo Thái Lan trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, “vàng thật không sợ lửa”, uy tín của Thầy càng thêm mạnh mẽ bởi lợi lạc lớn lao từ sự kiên định, nghiêm túc thực hành giới đức mà những người theo Thầy đã nhận được.

Từ nhóm Asoke này, Sư Thầy Bhodirak đã đưa vào mô hình Bunniyom, nơi các tu sĩ và Phật tử cùng chung sống trong không gian cộng đồng như những làng sinh thái, có đền chùa, trường học, ruộng vườn. Từ ‘Bun-niyom’ là lối chơi chữ, với ‘bun’ có nghĩa là ‘công đức’ đối lại với ‘thun-niyom’ là ‘chủ nghĩa tư bản’. Đối với người dân Asoke, đời sống không phải để tích tụ tài sản vật chất cho riêng mình hay mưu cầu danh vọng, quyền lực và địa vị thuộc thế gian, mà chú trọng vào phát triển “tài sản” tinh thần, tích lũy công đức qua hành thiện, tạo phước cho đời.

Triết lý Bunniyom nhấn mạnh việc nuôi dưỡng Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả), tôn trọng sự sống và phi bạo lực. Tất cả các cư dân trong cộng đồng đều giữ 5 giới, ăn chay, và cố gắng tự chủ nguồn lương thực, rau củ quả nhiều nhất có thể. Nhóm Asoke là một trong những nơi tiên phong tại Thái Lan khởi xướng thực hành nông nghiệp hữu cơ và hướng đến đời sống tự cung tự cấp, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, tôn trọng sự sống ngay cả với loài côn trùng nhỏ bé. Nông nghiệp hữu cơ lành sạch, không sử dụng hóa chất độc hại, vì thế không gây tổn hại cho bản thân chính người nông dân, người sản xuất, người tiêu dùng và cả các chúng sinh khác trong môi trường. 

Các trung tâm và cộng đồng Asoke hoạt động theo cùng triết lý nhưng mỗi nơi có những đặc trưng, thế mạnh riêng và cùng hỗ trợ, bổ túc cho nhau trong mạng lưới. Trung tâm Asoke tại Bangkok đóng vai trò như trụ sở truyền thông và thương mại chính cho toàn mạng lưới. Còn Pathom Asoke nổi bật với việc trồng và sản xuất dược liệu từ thảo mộc. Pathom Asoke có cả một nhà máy lớn, được đầu tư chuyên nghiệp bài bản các thiết bị và công nghệ, chuyên nghiên cứu và sản xuất các dược liệu, trà, mỹ phẩm tự nhiên từ thảo mộc. Làng không trồng lúa nên gạo sẽ được cung cấp từ cộng đồng Asoke cách đó hơn 60 km và các nhóm trong mạng lưới nông nghiệp tự nhiên.

Pathom Asoke được thành lập từ năm 1974, nằm trên khu đất hiện nay có diện tích khoảng 16 ha (100 rai Thái), phủ bóng cây xanh mát, có hồ nước và suối chảy qua. Trung tâm làng là đền chùa và trường học, giống như khu vực quản lý hành chính, có thư viện, đài phát thanh riêng truyền thông trong nội bộ cộng đồng. Các tu sĩ sống đơn giản với bình bát, chiếc chiếu manh và vài bộ áo trong những căn chòi nhỏ bằng gỗ lợp lá, cạnh khu vực đền thờ. Tu sĩ đóng vai trò quan trọng như những người lãnh đạo tinh thần trong cộng đồng. 

Pathom Asoke có trường nội trú cho học sinh cấp 2, 3 và trường nghề, tất cả đều miễn phí. Các em học sinh mặc đồng phục cùng màu xanh, đi chân đất như một thực hành để rèn sự chú tâm. Các em nữ cắt cùng kiểu tóc ngắn. Thầy cô giáo cũng là những người tình nguyện. Học sinh ở trường đa số được gửi đến từ những nơi khác. Triết lý giáo dục ở Asoke chú trọng nhiều vào việc phát triển nhân cách hơn là chỉ cung cấp tri thức, các em được rèn luyện để trở thành những người tử tế, thiện lành, chăm chỉ, kỷ luật, vị tha, có tinh thần tự chủ, khả năng lãnh đạo, biết cách hợp tác trong làm việc nhóm, cách trình bày ý kiến, thảo luận, thương thuyết các giải pháp cho những xung đột, chịu trách nhiệm cho hành xử của mình và có thể tự lực ở mọi nơi. Giáo lý và đạo đức Phật giáo là một phần quan trọng trong chương trình học. Các em thức dậy từ sáng sớm, theo chương trình học vào buổi sáng, tự phân công nấu ăn và buổi chiều thì lao động theo nhóm trong các xưởng hay vườn của cộng đồng. Sự học không chỉ từ sách giáo khoa mà còn đến từ công việc. Ở mọi nơi làm việc, những người lao động là những người thầy của các em. Các em được rèn luyện các kỹ năng sống, làm vườn, nấu ăn, dọn dẹp, sản xuất, chăm sóc, sữa chữa máy. Mỗi tuần một lần, các em có buổi phản tư cùng nhóm, xem xét lại về việc thực hành, giữ giới của bản thân.

Làng có xưởng làm đậu hũ và nước tương riêng, rồi trạm sản xuất than củi, các vườn rau hữu cơ, trang trại nấm cung cấp thực phẩm cho cộng đồng. Nước tương hữu cơ ở Pathom Asoke ngon tuyệt vời! Nhà hàng của Pathom Asoke vừa được xây mới khang trang. Khách đến ăn được phát phiếu và chọn món ở các quầy. 

Làng có trạm y tế riêng mà cô bác sĩ ở đó nói vui là ít có việc để làm. Vì mọi người ở đây đều hoạt động  tích cực, ăn đồ lành sạch, môi trường thân thiện, xanh đẹp, bình an nên ai cũng vui khỏe, ít bệnh tật. 

Mọi người đều làm việc và học được rất nhiều qua chính quá trình làm việc, và đó mới là điều quan trọng, chứ không phải thành quả. Làm việc với tinh thần phụng sự và trao tặng giúp ta phát triển lòng vô kỷ, vị tha, mang lại niềm vui và không phí thời gian, năng lượng vào sự chỉ trích. Tất cả mọi công việc tại làng đều được làm dựa trên tinh thần tình nguyện, không lương. Người ta làm việc trong làng như đi làm công quả trong chùa. Mọi người tự do lựa chọn hay thay đổi công việc của mình, với ý thức tự giác và tự quản cao. Thường các công việc không đòi hỏi kỹ năng nhiều bởi sẽ luôn được làm cùng với nhóm và được hỗ trợ từ mọi người trong nhóm. Làm việc nhóm đòi hỏi sự bao dung, nhẫn nại, từ bi và tập trung, chánh niệm.

Một số công việc chuyên môn cần phải thuê người từ bên ngoài thì sẽ dùng quỹ trung tâm để trả với chi phí thấp. Mọi thứ đều được tận dụng, tuần hoàn để hạn chế rác thải ít nhất có thể. Rác thải được phân loại theo các nhóm khác nhau. Rác hữu cơ được ủ làm phân bón; giấy, thủy tinh và kim loại được gửi đi tái chế; một số khác được đốt. 

Cửa hàng ở tất cả các trung tâm Asoke đều vận hành theo triết lý trao tặng và phụng sự, không nhấn mạnh vào lợi nhuận nên hàng hóa vừa rẻ vừa chất lượng. Món hàng được làm từ nguyên vật liệu lành sạch và từ tâm thiện, tình thương của người sản xuất, như một sự cúng dường và trao tặng nồng ấm đến người mua, chứ không phải là một giao dịch đổi chác lạnh lẽo vô tình. Thế nên, món hàng được bán hoặc với mức lời thấp, hoặc với giá hòa vốn, hoặc với giá thấp hơn chi phí sản xuất, hoặc được trao tặng miễn phí! 

Các nguồn lực chính trong cộng đồng đều thuộc sở hữu tập thể và có một quỹ trung tâm cung cấp tài chính cho các dự án. Những người thực hành theo phong trào Asoke nhưng sống và làm việc bên ngoài cộng đồng đều thường xuyên đóng góp. Người dân Asoke được chăm lo toàn bộ việc sinh sống, ăn ở, giáo dục, y tế… suốt cả vòng đời từ lúc sinh ra đến tận khi chết đi. 

Cuối làng là tòa nhà hỏa táng, nằm đằng sau bóng một cái cây to thật đẹp trong một khung cảnh yên bình. Chưa được chứng kiến, tôi chỉ nghe kể rằng đám tang ở đây cũng nhẹ nhàng, tĩnh lặng, như một sự chúc phúc cho người ra đi đến một hành trình mới, mà biết chắc rằng sẽ tốt đẹp bởi cả cuộc đời sống thiện lành đã trải qua ở nơi này. 

Năm 2019, chúng tôi đến Pathom Asoke đúng vào ngày 5 tháng 12, kỷ niệm sinh nhật Vua Rama IX (1927-2016), một bậc minh quân được nhân dân Thái Lan tôn kính và yêu quý, người đã khởi xướng triết lý Kinh Tế Vừa Đủ (Sufficiency Economy Philosophy), và đã làm việc hết mình vì người dân. Cả làng tổ chức lễ hội. Thức ăn chay đủ loại được phát miễn phí ở các quầy. Người ta cầu nguyện rồi hát múa trong những chương trình văn nghệ nhiều màu sắc. Tôi nhớ người tham dự còn được tặng cây mang về, thật ý nghĩa. Điều đó làm cho mình có trách nhiệm và niềm vui trong việc chăm sóc và nhìn ngắm một sự sống lớn lên.

Tự nhiên nghĩ về Thái Lan và tôi thấy họ thật may mắn có những nhà lãnh đạo hiền minh, tài đức như Vua Rama IX, Sư Thầy Bhodirak của Santi Asoke, và Ajarn Yak của mạng lưới nông nghiệp tự nhiên. Tôi mơ một ngày Việt Nam cũng sẽ có được những cộng đồng tỉnh thức, những làng sinh thái như thế, nơi mà người ta sống tử tế, thiện lành với nhau, với thiên nhiên...












Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Hành trình đi đến Tự Do và Trưởng Thành

 Thật vui khi dịp này Tú về Việt Nam sau hơn 8 năm trời, tụi mình tổ chức được sự kiện chia sẻ truyền cảm hứng này. Buổi trò chuyện đã diễn ra trong không khí thân mật, ấm cúng với các em MF Saigon và vài người bạn của Tú. Mong sao buổi trò chuyện sẽ tiếp tục được lan tỏa, hữu ích cho những người cần đến! 💖


Nó là việc mình phải đi xa, đi thật xa cái quen thuộc, cái nhỏ bé, cái vô thức, và đi đến một lúc nào đó mình chợt nhận ra ồ thì ra mọi thứ mình tìm kiếm không nằm ngoài kia mà nằm bên trong chính mỗi chúng ta. Đến lúc đó ta trở về, phủi hết mọi bụi đường, mọi ngộ nhận, mọi ảo tưởng và ta tìm thấy ta ngay tại nơi ta bắt đầu. 

Nó giống như việc ta đi tìm kho báu, đi hết các nơi, trải qua bao gian truân cuối cùng bản đồ chỉ cho ta kho báu nằm ngay dưới chân ta nơi ta bắt đầu cuộc hành trình. 

Tự Do và Trưởng Thành là một cuộc hành trình như vậy. Nhiều người sẽ nghĩ rằng sẽ phí thời gian công sức, có cách nào để thấy "kho báu" ngay từ lúc đầu không? Dạ không! Nếu từ lúc đầu mà không cất bước đi, thì sẽ mãi mãi không có kho báu. Cuộc đời là vậy, nó là một hành trình, và hành trình đó dạy cho ta bài học, những bài học này là kho báu, kho báu không phải là đích đến, mà là ngay bây giờ và ở đây trong cuộc hành trình của bạn.

Thương mời bạn xem lại video buổi chia sẻ về "Hành trình tự do và trưởng thành" diễn ra ngày 16/12/2023 tại đây:

https://youtu.be/T1WGiCRFIao

File trình bày (pdf):

https://tinyurl.com/hanhtrinhtudo

Xin chân thành cảm ơn mọi người đã tham dự chương trình trực tiếp và theo dõi gián tiếp qua livestream, đã có những chia sẻ, đóng góp, góp ý để buổi trò chuyện thêm phần ý nghĩa. ❤

Xin chúc cho mỗi chúng ta vững bước trên hành trình tự do và trưởng thành của chính mình. ❤ 

Thương,

Phạm Tú








Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

Hội nghị MFVN lần thứ nhất - Hà Nội, 21-22.10.2023

 



 



Hội nghị MFVN lần thứ nhất đã kết thúc tốt đẹp đúng như khẩu hiệu đã chọn “Tích hợp Nhóm trong Ánh sáng và Tình thương”, xin chân thành cảm ơn các Cô Chú và các anh chị em trong đại gia đình tinh thần thân yêu.


Một số hình ảnh từ hội nghị:




Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

Green Power House — Ngôi nhà năng lượng xanh

THE NEED TO GROW (2018)

Ngay sau chuyến đi VCIL Travel School tại Thái Lan về triết lý kinh tế vừa đủ và nông nghiệp tự nhiên (với nhiều điều hữu ích sẽ được kể từ từ trong những post khác), tôi tình cờ được thu hút tới và tìm xem bộ phim tài liệu đạt nhiều giải thưởng ở các liên hoan quốc tế, “The Need to Grow”. Chữ “grow” ở đây thú vị bởi nó hàm chứa hai lớp ý nghĩa, vừa là sự phát triển, vừa là sự gieo trồng. [Bạn có thể xem phim tại link sau https://grow.foodrevolution.org].


Việc lạm dụng hóa chất và độc canh trong nền nông nghiệp công nghiệp hóa hiện nay đang phá vỡ sự sống các sinh vật trong đất, làm đất ngày càng bạc màu và gây suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái. Đa dạng sinh học dẫn tới sự trù phú. Đa dạng về hạt giống là căn cơ cho an ninh lương thực. Khi đa dạng sinh học giảm thì lại càng phải cần nhiều phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hơn để đạt được cùng sản lượng trước đó và diệt trừ sâu rầy, mà vốn tự nhiên lẽ ra không phải là vấn đề trong một hệ sinh thái lành mạnh. Ngày càng phụ thuộc hơn vào hóa chất, chúng ta đang đầu độc đất, làm đất chết, tăng tốc xói mòn, ô nhiễm môi trường và cũng tự đầu độc chính mình. Thực phẩm từ canh tác lạm dụng hóa chất không những chẳng còn nhiều dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nguy cơ của nhiều căn bệnh thời đại.

Tốc độ mất đất đang diễn ra rất nhanh chóng, gấp nhiều lần so với tốc độ đất được tái tạo lại. Nếu cứ tiếp tục với tốc độ này, thế giới sẽ đi vào thảm họa, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, khan hiếm thực phẩm. Mọi thứ phát triển với tốc độ hàm số mũ chứ không tuyến tính, và nếu chúng sụp đổ, chúng cũng sẽ sụp đổ với tốc độ hàm số mũ. Tương lai thế giới sẽ phải, hoặc là hướng về những cộng đồng sống thuận tự nhiên, canh tác hữu cơ như mô hình các làng sinh thái, vườn rừng, rừng thực phẩm (food forest), kinh tế tuần hoàn; hoặc là nhân loại sẽ tự mình đi đến chỗ diệt vong. 

“Chúng ta càng chăm lo cho sự đa dạng sinh học, chúng ta càng chăm lo cho đất thì chúng ta càng thực sự trồng được nhiều thực phẩm.” ~ Vandana Shiva 

Ưu tiên hàng đầu hiện nay là cải tạo lại đất. Chúng ta không thể nuôi dưỡng thế giới bằng đất chết. Chúng ta cần bắt đầu chuyển đổi từ tư duy dựa trên sự chết chóc đến nền kinh tế dựa trên sự sống. Sự khác biệt giữa sự sống và cái chết, giữa điêu tàn và trù phú, giống như sự khác biệt giữa bụi và đất. Chúng ta cần áp dụng quá trình sinh học tự nhiên và tăng tốc tái tạo đất. Không có một giải pháp độc nhất nào, mà nhiều nhiều những giải pháp nhỏ, tập hợp lại cùng nhau sẽ thực sự dẫn đến chuyển biến xã hội. Nhưng cần có ý chí của mọi người, và thời điểm đã đến rồi.

Chỉ một nắm đất trong bàn tay có thể chứa đựng số vi sinh vật nhiều hơn dân số con người trên hành tinh. Toàn bộ chuỗi thức ăn và sự tồn tại của chính chúng ta có được là nhờ hàng tỉ tỉ những sinh vật nhỏ bé này, sinh sống ngay dưới chân chúng ta. Không cày xới để hạn chế phá vỡ các hệ thống vi sinh vật đất, luôn che phủ đất để giảm bốc hơi, và làm phân compost, tất cả những phương pháp này giúp giữ nước và làm giàu cho đất. Chúng giúp gia tăng các hợp chất humic, những chỉ thị quan trọng của đất khỏe. Các hợp chất humic , được hình thành từ phân hủy sinh học của thực vật chết, hỗ trợ dòng dưỡng chất thiết yếu cho cây trong cấu trúc đất, giúp đất màu mỡ, phì nhiêu. Acid humic tích lũy trong đất qua thời gian giúp đất tăng khả năng giữ chất dinh dưỡng. Khi cây hấp thụ CO2, carbon được cung cấp cho vi sinh vật qua bộ rễ. Bộ rễ cô lập carbon trong khí quyển vào đất. Do đó, đất khỏe có thể góp phần lớn vào việc cân bằng khí nhà kính trên hành tinh. 

Những nguyên lý hoạt động hài hòa với thiên nhiên này được biết đến như là nền nông nghiệp tái tạo (regenerative agriculture). Bằng việc tạo ra hệ thống thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng, nông nghiệp tái tạo không chỉ nuôi dưỡng thế giới mà còn là niềm hy vọng của hành tinh nhằm chủ động đảo ngược hiện trạng biến đổi khí hậu. Việc hồi phục, gia tăng sức khỏe cho đất thực sự như một mũi tên trúng nhiều đích, nó đồng thời giải quyết gần như nhiều vấn đề môi trường khác. Bộ phim và cả chuyến đi học tập tại Thái Lan đưa ra cùng một thông điệp chung về tầm quan trọng của đất và sự khỏe mạnh của đất đối với nông nghiệp và cả hệ thống thực phẩm: “hãy tập trung vào nuôi dưỡng đất, rồi để đất nuôi cây”, chứ không phải tập trung vào nuôi cây như cách bón phân hóa học hiện nay. 



Khác với những ý kiến rằng canh tác hữu cơ cho năng suất thấp, bộ phim đề cập đến nghiên cứu dài hơn 30 năm đã minh chứng rằng nông nghiệp hữu cơ có thể đọ được hoặc thậm chí vượt trội hơn năng suất canh tác thông thường, giàu dưỡng chất hơn, trong khi đó còn giảm 35% phát thải khí nhà kính, sử dụng 45% ít năng lượng hơn và tái tạo đất thay vì gây thoái hóa đất như canh tác thông thường với phân bón hóa học và hóa chất diệt côn trùng. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng đất càng được quản lý một cách toàn diện thì càng thực sự trồng được nhiều thực phẩm hơn.

Bộ phim kể về ba câu chuyện truyền cảm hứng của ba nhân vật chính nỗ lực mang lại những giải pháp cho cuộc cách mạng hệ thống thực phẩm: Alicia - nhà hoạt động môi trường chỉ mới 8 tuổi đấu tranh chống thực phẩm biến đổi gen và nâng cao nhận thức về thực phẩm hữu cơ; Eric Cutter - chuyên gia nông nghiệp tái tạo mang lại giải pháp trong không gian nhỏ của đô thị nhưng cho năng suất cao với các hộp rau đặt thẳng đứng chứa compost giàu dinh dưỡng, sử dụng ít nước, ít phân bón hơn so với canh tác thông thường; và Michael Smith - nhà khoa học phát minh Green Power House, tòa nhà được thiết kế dùng năng lượng mặt trời và tảo để xử lý chất thải nông nghiệp tạo ra than sinh học (biochar) và chất kích thích sinh học dạng lỏng thúc đẩy quá trình tái tạo đất. 

Hành trình của những con người tuyệt vời và đầy nhiệt huyết này không hề dễ dàng khi phải đối mặt với những trận chiến khó khăn để thuyết phục các ngành công nghiệp và chính phủ cho phổ biến rộng rãi ý tưởng của mình. Họ đã có lúc thất bại, hay gặp cả tai nạn như việc toàn bộ tòa nhà Green Power House từng bị cháy rụi. Bất chấp những thử thách đó, họ đã không bỏ cuộc và tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp. 

Cả ba nhân vật đều thật đáng được trân quý như những người hùng của cuộc cách mạng thực phẩm! Tôi muốn nói thêm một chút về Michael Smith và phát minh xuất sắc, quá ấn tượng của ông.

GREEN POWER HOUSE (NGÔI NHÀ NĂNG LƯỢNG XANH)

Với Green Power House, sáng chế có tiềm năng biến đổi thế giới (game-changing technology), một kết hợp tuyệt vời giữa công nghệ tiên tiến và trí tuệ sinh thái của tự nhiên, Michael Smith được ví như thiên tài Nichola Tesla thời hiện đại. Tầm nhìn xa rộng phi thường, những suy tư minh triết sâu sắc và trăn trở đầy tâm huyết của ông trong phim thực sự chạm đến trái tim, không khỏi làm chúng ta xúc động. Ông như một vị thiên sứ đã mang đến cho nhân loại đang khủng hoảng trên hành tinh này một giải pháp cứu rỗi trái đất, giải quyết đồng thời nhiều vấn đề môi trường, nông nghiệp và năng lượng tái tạo.



Tòa nhà vòm có hình dạng kim tự tháp lục giác Green Power House là một hệ thống thông minh tự động (intelligent self-management system) khép kín, tích hợp công nghệ kỹ thuật số và AI vận hành các bể sinh học nuôi tảo, kết hợp với thiết bị nhiệt phân, tạo ra đồng thời điện năng và chất giúp tăng tốc quá trình tái tạo đất là than sinh học và chất kích thích sinh học hữu cơ dạng lỏng. 

The Dragon - Con Rồng

Nối với tòa nhà vòm lục giác là hệ thống nhiệt phân hiện đại được gọi là Con Rồng (The Dragon). Khi sinh khối là các phế phụ phẩm nông nghiệp đi vào Con Rồng, nó sẽ được nung lên đến gần 1000 độ F (538 độ C). Điều kiến yếm khí, không có oxy, ngăn chặn sự đốt cháy, cho ra một cấu trúc carbon ổn định, tương tự như than củi (charcoal). Hoàn toàn độc lập, không gắn với lưới điện quốc gia (off-grid), nhiên liệu mà Green Power House sử dụng chỉ là năng lượng mặt trời và sinh khối chất thải nông nghiệp. Nhiệt tạo ra, vốn là sản phẩm phụ từ hoạt động của Green Power House, đủ cung cấp điện cho 100 ngôi nhà mỗi ngày hoặc cho nhà kính có thể trồng thực phẩm hữu cơ quanh năm ở mọi vùng khí hậu.


Biochar - Than sinh học

Than sinh học đang nổi lên như một trong những giải pháp tốt nhất cho vấn đề biến đổi khí hậu bởi việc tạo ra nó làm cô lập carbon; carbon thay vì phát thải vào không khí sẽ được lưu trữ trở lại vào trong đất. Có cấu trúc carbon cực kỳ bền vững với vô số các lỗ rỗng, tạo ra diện tích bề mặt lớn trong một không gian nhỏ, than sinh học có khả năng hấp thụ cao. Cấu trúc này là nền tảng tối ưu cho sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong đất, giúp nâng cao lượng mùn, tăng khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng, tạo ra các không gian cho không khí và vi sinh vật đất đi vào, từ đó giúp tái tạo đất và tăng cường sức khỏe của đất canh tác.


Green Power House có thể cố định trên 1 tấn carbon mỗi ngày, tương đương với khả năng hàng ngàn cái cây để làm công việc tương tự.

Công nghệ tảo thủy sinh - Algae Aqua Culture Technology

Các bể sinh học là hệ thống tự điều chỉnh (self-regulating system). Tảo là một trong những sinh vật tạo ra vật chất hữu cơ nguyên sơ trên bề mặt hành tinh và có khả năng sinh sôi rất nhanh chóng, nó giàu dinh dưỡng và có hàm lượng năng lượng cao. Khí carbonic được liên tục cung cấp từ Con Rồng cho các bể nuôi tảo. Tảo được thu hoạch với khối lượng lớn nhanh chóng mỗi ngày. Thông qua quá trình chuyển hóa sinh học, tảo trở thành phân bón giàu chất dinh dưỡng hữu cơ, kết hợp cùng với than sinh học, tạo ra một chất kích thích có thể giúp tái tạo đất mạnh mẽ. 


Methan, sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa tảo được đưa trở lại vào Con Rồng cung cấp nhiệt năng và xử lý tiếp tục phế thải sinh khối từ nông nghiệp. 

Như vậy, trong mỗi thành phần của Green Power House, đầu ra của bộ phận này trở thành đầu vào của bộ phận khác, tạo nên một hệ thống thực sự khép kín, tự vận hành, không chất thải và còn giúp cố định carbon.

Kỳ diệu là chỉ trong vòng 4 - 5 ngày, Green Power House có thể làm được điều mà thiết bị bình thường phải mất cả tháng, và tự nhiên có thể mất đến hàng trăm năm để chuyển hóa! Việc cô lập carbon hay chuyển hóa tảo, tất cả đều là những quá trình tự nhiên trong một vòng tuần hoàn khép kín và chìa khóa đơn giản chỉ là việc tìm ra cách gia tốc nó. Công nghệ này mở ra cơ hội tuyệt vời thực sự có thể làm thay đổi cách chúng ta sống, quay trở lại với các quá trình tự nhiên, vốn không có rác thải (zero waste).

Green Power House duy trì bên trong nó kiểu khí hậu nhiệt đới, có thể trồng được cả chuối và dứa, trong khi mùa đông ở bang Montana, nơi đặt tòa tháp vòm này, có lúc chạm ngưỡng âm 20 độ F (- 29 độ C). Hãy tưởng tượng sẽ lợi ích như thế nào khi chúng ta thiết lập được các Green Power House như thế trên khắp thế giới, giúp xử lý rác thải để cung cấp năng lượng cho cộng đồng, cung cấp thực phẩm tươi ngon, đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu, tái tạo đất gần như ở bất kỳ môi trường nào. Điều này cuối cùng dẫn tới sự độc lập về năng lượng, an ninh lương thực và tự chủ về thực phẩm.



Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Lịch sử tóm tắt về phương pháp phục hồi công lý trong giáo dục

Tóm tắt tài liệu đọc trước "Evans & Vaandering 2016, Chapter 2, History of RJE." cho khóa học Lớp Học Vòng Tròn.

Chương 2 đưa ra sơ lược về lịch sử của phương pháp Phục Hồi Công Lý trong Giáo Dục. Phương pháp này trước đây đã tồn tại trong những cộng đồng bản địa từ lâu như những không gian để giải quyết vấn đề trong cộng đồng. Những người thổ dân Navajo, Maori xem xung đột như một triệu chứng của sự mất kết nối và xem xét công lý qua lăng kính chữa lành và tái kết nối, khôi phục lại các mối quan hệ, xây dựng hòa bình.

Năm 1974, ứng dụng các nguyên lý công lý phục hồi lần đầu tiên tại phương Tây trong các chương trình hòa giải những nạn nhân - tội nhân, tiếp cận thương tổn và hồi đáp với tội phạm theo cách tập trung vào các mối hệ hơn là đơn thuần chỉ dùng luật pháp và trừng phạt. 

Năm 1999, phương pháp công lý phục hồi được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc.

Thập niên 1980 - 1990, phương pháp công lý phục hồi được mở rộng đi vào ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục chủ yếu tại Úc, New Zealand, Canada, Mĩ, Anh và Singapore.

Gần đây năm 2014, Bộ Tư Pháp và Bộ Giáo Dục Mĩ khuyến nghị đưa phương pháp công lý phục hồi vào bối cảnh giáo dục, thay vì đình chỉ và trừng phạt.

Ba dịch chuyển chính gần đây với phương pháp công lý phục hồi đó là (1) sự mở rộng thấu hiểu của phương pháp công lý phục hồi, (2) sự phát triển của lý thuyết công lý phục hồi cụ thể trong giáo dục, (3) Sự nổi dậy của phương pháp công lý phục hồi trong giáo dục trong các chương trình đào tạo chuẩn bị cho giáo viên. Phương pháp được xem như cách nuôi dưỡng bầu không khí lành mạnh trong trường học, chuyển hóa xung đột, chữa lành thương tổn và tạo ra môi trường học tập bình đẳng, công bằng.



Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Những chiếc lá xanh mùa hè


Không tức thị sắc, sắc tức thị không. Không bất dị sắc, sắc bất dị không.

Tinh thần (vô hình, không) và vật chất (sắc tướng, hữu hình) vốn không khác nhau, tuy 2 mà 1. Tinh thần là vật chất ở rung động cao nhất của nó, và vật chất là tinh thần ở rung động thấp nhất của nó. 

Cõi nội giới, cõi tinh thần là Nhân. Cõi hiện tượng, biểu lộ trên ngoại giới là Quả. Người hiểu đạo sẽ tập trung vào chuyển hóa nhân, cái bên trong, nội tâm vì đó mới là căn bản gốc rễ.

Định luật chu kỳ trong vũ trụ luôn vận hành từ bản chất tinh thần đi ra vật chất (đi xuống, giáng hạ) rồi quay ngược lại trở về gốc (phản bổn hoàn nguyên), từ vật chất quay trở vào trong với tinh thần (đi lên, thăng thượng). Đêm rồi sang ngày, hết ngày lại đến đêm; xuân hạ thu đông, rồi lại xuân…

Mỗi thời đều có ý nghĩa riêng của nó. Học đạo là học lẽ trời đất, sống thuận thiên thì có thể tận dụng được đặc tính của thời vận cho cuộc sống của mình. Có thời cần rút vào nghỉ ngơi, ta tận dụng rèn luyện, học tập, chuẩn bị, mài giũa cho một chu kỳ mới. Rồi khi thời hành động tới, ta bung nở, xiển dương. Có thời để gieo, có thời để gặt. Có thời của đất trời, có thời của mỗi cá nhân.

Giống như lời bài hát “The Green Leaves of Summer”:
A time to be reaping
A time to be sowing
The green leaves of summer
Are calling me home…



Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Nhân xem bộ phim về Cha Gabriel

Nhờ Chương giới thiệu trong nhóm MFVN, mình đã xem bộ phim "Thầy Trừ Tà của Giáo Hoàng" (The Pope's exorcist). Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Cha Gabriel Amorth, Thầy trừ tà trưởng của Vatican. Cuộc đời của Cha Gabriel, phong thái điềm tĩnh, hài hước, đức hy sinh và tình thương của Cha, thực sự xúc động và truyền cảm hứng! 

Cha Amorth gợi nhắc cho mình bài học quan trọng: "Điều duy nhất có thể đánh bại chúng ta là chính chúng ta". Quỷ dữ lợi dụng tội lỗi của chúng ta để chống lại chúng ta. Trừ tà là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự thanh luyện bản thân, sám hối trước đó và sự tỉnh giác lớn lao, bởi nếu không, thế lực hắc ám sẽ vin vào những lỗi lầm quá khứ để làm ta dằn vặt, đánh vào cảm giác tội lỗi mà làm ta hoặc yếu lòng, hoặc nổi sân, hoặc bị cám dỗ mà rơi vào cái bẫy khiêu khích của chúng.

Hình ảnh hai Đức Cha, một già một trẻ cùng nhau hợp lực cầu nguyện, chiến đấu và chiến thắng gợi nhớ đến lời Đức Christ rằng Người sẽ hiện diện ở bất cứ nơi đâu có hai hoặc ba người nhân danh Ngài. 

Ở đoạn cuối, Cha Gabriel nháy mắt cười, nói với Cha Esquibel khi vị linh mục trẻ chấp nhận đồng hành cùng ông trên những chặng đường sắp tới với những nhiệm vụ gian nan phía trước: "Welcome to Hell!" Tự nhiên có chút gì đó nghẹn lòng, vừa hài hước, vừa bi hùng, cảm động bởi tinh thần chiến binh ánh sáng, mạnh mẽ, dấn thân hy sinh, sẵn sàng lao vào những nơi chốn tối tăm và gian khó đó của Đức Cha, để cứu rỗi con người.

Sau bộ phim, mình tìm đọc thêm về Cha Amorth và biết Cha đã viết nhiều cuốn sách, thực hiện hơn 70.000 vụ trừ tà trong cuộc đời mình, giúp giải thoát biết bao người. Có những đoạn Cha nói khá ấn tượng về việc quỷ dữ rất thích điều khiển những người làm chính trị, mà trong lịch sử ta đã thấy như Hitler, Stalin. "Ma quỷ hiện diện nơi trường chánh trị rất là thường xuyên, vì chúng rất thích chỉ huy các nhà lãnh đạo kinh doanh và những ai nắm giữ các vị trí công quyền trong lãnh vực chánh trị. Chính Adolf Hitler và Stalin đã bị ma quỷ ám và điều khiển hoàn toàn mọi hoạt động của hai người này."

Điều gì giúp chúng ta thoát khỏi quỷ dữ? Đó chính là đức tin, là việc cầu nguyện và sự trong sạch của bản thân. Nhưng ai cũng có thể là nạn nhân của chúng. Đức Cha khuyên trong một bài phỏng vấn làm sao để bảo vệ khỏi những cám dỗ của quỷ dữ "Các biện pháp phòng vệ là sống trong ân sủng của Thiên Chúa, tín trung trong cầu nguyện và đừng làm điều gì để mở cửa lòng mình ra cho ma quỷ, nhất là đừng có làm công việc gì có tính chất huyền bí cả. Có ba việc làm chính thuộc về công việc có tính chất huyền bí: ma thuật, thông linh và thờ lạy Satan." 

Lời Cha gợi nhắc đến lý do Chân Sư D.K. đã khuyên các đệ tử tránh những giao tiếp với cõi trung giới (cõi âm), và tránh rèn luyện các thần thông thuộc hắc thuật (black magic). Đó là lý do tại sao tâm linh thực sự không phải là những mê tín, đồng cốt, pháp thuật mà phải bắt đầu bằng việc thanh luyện tứ hạ thể, kết nối với Linh Hồn, với sự thiện lương và minh triết bên trong mỗi con người và hướng tới thực chứng, biểu hiện thiên tính đó qua công việc phụng sự và trong đời sống. 

Thực ra, vẫn sẽ có một số người có sứ mệnh thực hiện những công việc tâm linh này, như Chân Sư D.K nói về nhóm hạt giống thứ 2 của Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian, những nhà quan sát lão luyện, với nhiệm vụ xua tan ảo cảm của thế giới. Họ phải rèn luyện bản thân nghiêm ngặt bởi họ cũng dễ bị là đối tượng tấn công của Hắc Phái.

Có điều mình không đồng ý với nhà thờ Công giáo đó là việc xem các môn chiêm tinh, bói toán, tử vi, tiên tri số mệnh là liên hệ với ma quỷ, dù thực tế vẫn có những trường hợp lợi dụng và mê tín. Tuy nhiên, ta không thể đánh đồng toàn bộ những ai làm các công việc này là như vậy, bởi như thế chẳng khác nào nhìn vấn đề ở một cực đoan khác. Cũng may là có những tiền bối, các Thầy Cô của chúng mình, là những nhà nghiên cứu chiêm tinh chân chính, sáng suốt và nhất là cuốn sách "Chiêm Tinh Học Nội Môn" của Chân Sư D.K!

Nói về Thế Lực Hắc Ám, mình nhớ hôm chiếu phim "Schooling the World" và trò chuyện với Manish Jain ngày 21.07 tuần rồi. Manish đã rất nhạy khi ông cảm nhận được cái "dark energy" - năng lượng tối của tiền bạc khi nó làm chủ con người (chứ không phải là phương tiện cho con người như đáng ra nó phải vậy). Trùng hợp, Chân Sư D.K cũng nói về Hắc Phái trong liên hệ với chủ nghĩa duy vật và ảo cảm vật chất. 

Mình trích dẫn lại đây một đoạn từ "The Externalization of the Hierarchy" (Sự Hiển Lộ của Thánh Đoàn), trang 74-75: "Các mãnh lực của chủ nghĩa duy vật, đang tuôn vào  ba cõi thấp từ cái được gọi là “các Mãnh Lực Hắc Ám” hay là Tà Đạo (Black Lodge) và từ các nhóm sinh linh và các nhà hoạt động đối nghịch với Thánh Đoàn - Đại Bạch Giai (Great White Lodge).

...Có một ít điều mà tôi có thể nói với bạn về các mãnh lực Hắc Ám. Chúng không phải là các vấn đề của nhân loại mà là vấn đề của Thánh Đoàn. Các mãnh lực hắc ám cũng là các năng lượng mạnh mẽ, đang tác động để bảo tồn những gì xưa cũ và thuộc về vật chất, do đó chúng lộ rõ là các mãnh lực của sự cằn cỗi, của việc bảo tồn hình hài, của việc thu hút vật chất, và lôi cuốn những gì hiện hữu trong sự sống sắc tướng thuộc ba cõi thấp. Tất nhiên, chúng có chủ tâm ngăn chận dòng chảy vào của những gì mới mẻ và mang lại sinh khí; chúng hành động để ngăn việc hiểu biết những gì thuộc Kỷ Nguyên Mới; chúng nỗ lực để lưu giữ những gì quen thuộc và cổ xưa, để chống lại các hiệu quả của nền văn hoá và văn minh sắp đến, để đưa sự mù quáng đến các dân tộc và để lúc nào cũng nuôi dưỡng các ngọn lửa hận thù, chia rẽ, chỉ trích và độc ác hiện đang có. 

Đối với các dân tộc thông minh trên thế giới, các mãnh lực này tác động một cách ngấm ngầm và che giấu nỗ lực của chúng bằng các lời lẽ hoa mỹ, thậm chí đưa các đệ tử đến chỗ tỏ ra oán ghét con người và các ý thức hệ, nuôi dưỡng các mầm mống căm ghét ẩn tàng đang có trong nhiều người. Chúng làm bùng lên nỗi sợ hãi và căm thù thế giới bằng cách cố gắng duy trì những gì xưa cũ và làm cho cái không quen biết hiện ra với vẻ không được ưa thích và giữ lại các mãnh lực tiến hoá và tiến bộ cho các mục đích riêng của chúng. Các mục tiêu này đều bí hiểm đối với bạn như là các kế hoạch của Đấng Cai Quản Shamballa."



Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Tu là chuyển mệnh

 Vài chia sẻ khi đọc bài post của Cá Chép.

"Những người sống với ý thức cao khi coi số mệnh sẽ không còn chính xác nữa. 

Xem số mệnh vô cùng chính xác với những ai hành động theo vô thức, cư xử với cuộc sống theo một cách bản năng tự nhiên nhất. 

Tức là bạn càng Tham, Sân và Si thì đi xem số mệnh sẽ rất hay và vô cùng chính xác.

Chính ba nguyên liệu Tham Sân Si tạo ra màu sắc và nhịp điệu của cuộc đời. Ai không tham lam, không nóng giận và không còn u mê thì tức là người đó đã có ý thức tự điều chỉnh được bản thân. 

Chính vì vậy, những ai tu hành hoặc có một đời sống tâm linh sâu sắc thì xem số mệnh không còn đúng nhiều nữa. 

Chuyện giàu nghèo giữ con người ở lại với lòng tham. Chuyện tình yêu làm con người ta mê đắm. Và chuyện xã hội làm ta nổi lửa trong lòng. 

Không còn ham muốn giàu nghèo, đã tự biết cách làm mình hạnh phúc mà không cần người khác, điều khiển được cảm xúc bản thân, chỉ cần làm được ba việc này thì xem số mệnh sẽ không còn chính xác nữa. 

Ai sống với ý thức cao thì không còn Tham Sân Si nữa, thì xem số mệnh cũng không còn chính xác nữa." ~ Cá Chép Phương Đông

Tu tập là chuyển nghiệp, chuyển mệnh. 

Thực ra số mệnh vẫn đúng nhưng mà những cái xấu thì sẽ được chuyển hóa thành tốt hơn. Khi tu tập rồi thì người đó sẽ vận dụng được nhiều hơn tiềm năng trọn vẹn của bản thân, các lĩnh vực của cuộc đời cũng hướng đến đời sống phụng sự và ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Trong chiêm tinh thì lúc này có thể áp dụng các chủ tinh nội môn cho lá số. 

Cùng một lá số nhưng với người có tu tập các sao sẽ thể hiện mặt tích cực nhiều hơn (mỗi sao hay dấu hiệu đều có cả 2 mặt tích cực và tiêu cực, mặt tiêu cực là do bản chất đó bị biến dạng, mặt tích cực là nguyên mẫu lý tưởng). Tu tập ở đây đơn giản là các thực hành tinh thần nhằm rèn luyện nâng cao nhận thức về bản thân, duy trì sự tỉnh thức và làm chủ bản thân chứ không bị vận hành theo quán tính của nghiệp quả, tập khí, bản năng, vô thức, tiềm thức...



Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

Ý thức trách nhiệm và sự khai mở luân xa tim

 


Hôm nay có một ý hay từ bài giảng của Cô Nicole trong lớp Esoteric Healing, đó là việc giao trách nhiệm cho trẻ em như là một cách giúp kích hoạt, thức tỉnh luân xa tim. Vì cảm thức về trách nhiệm là biểu đạt của luân xa tim hoạt động.

Quốc Khánh: "Chúng ta xem xét qua về mối liên hệ cung năng lượng (tâm lý) – năng lượng chiêm tinh – trung tâm lực:

- Song Ngư: truyền cung 1 và cung 2. Qua Song Ngư, điểm đạo đồ nhập vào Shamballa. Ý nghĩa của “cứu thế” là biểu lộ trạng thái sự sống qua bác ái, do đó, nó là một phương diện của “sự hy sinh” (thôi thúc hy sinh “chính nó là nguyên khí chi phối chính sự sống” – it is a governing principle of life itself”) - Đó là một trạng thái mong muốn, nhưng đó là khía cạnh năng động, tích cực chứ không phải khía cạnh cảm giác, thuộc giác quan-  It is an aspect of desire, but it is the dynamic, active side and not the feeling, sensuous side. [EP II 98] Ở đoạn trên chúng ta thấy khía cạnh cung 1 rất rõ trong Định luật Hy sinh, trong Song Ngư và trong “trách nhiệm tinh thần” : nguyên khí sự sống, khía cạnh năng động, tích cực.

- Sự liên hệ giữa Song Ngư và Ma Kết ta thấy rõ ở đoạn trên: bí nhiệm Makara là về Thái Dương Thiên Thần, Huyền Giai Sáng Tạo Thứ 5, “Trái tim của Tình Thương Rực Lửa”, Đấng Hy Sinh cho các mục tiêu tinh thần (phụng sự Thượng Đế, phụng sự linh hồn khác…)


- Ma Kết đặc trưng bởi trách nhiệm, Song Ngư ở giai đoạn cao nhất biểu lộ “Trách nhiệm tinh thần”. Cả hai đều truyền cung 1 và cung 2; cả hai đều liên kết với trái tim, và do đó, với trung tâm lực tim và trung tâm lực tim trong đầu.

- Leo: trách nhiệm cá nhân; Aquarius: trách nhiệm nhóm. Cả hai đều liên kết với cung 1: Leo truyền cung 1 (trong liên hệ với Shamballa là trạng thái Ý Chí của Vua Shamballa – The Will of the King of Shamballa); Aquarius truyền cung 1 (trạng thái sự sống, tâm thức phổ quát, Uranus): Cả Leo và Aquarius đều liên quan đến “phụng sự thế gian – the World Server” [EA 67] Phụng sự là một sự thể hiện của sự sống - Service is a life demonstration. (EP II 125); Cả phụng sự và cứu thế đều là sự hợp nhất của trạng thái sự sống và bác ái, biểu hiện qua trái tim; sự khác biệt ở chỗ phụng sự “sự đồng nhất hóa này với khía cạnh cảm xúc của mọi nhóm” [EP II 123], sự sống biểu hiện qua khía cạnh thứ hai (cảm xúc) của thiên tính dưới dạng “mong muốn nhóm – group desire”, do đó, nó liên quan đến trái tim và với Thánh Đoàn; “Cứu độ” cũng là một trạng thái của mong muốn/aspect of desire, nhưng ở khía cạnh năng động. Mong muốn/desire vừa là ý chí vừa là bác ái. Người phụng sự và người cứu độ đều biểu hiện qua trách nhiệm.

- Sự tương đồng giữa Aquarius và Capricorn là “ý thức trách nhiệm” khi cả hai đều mang gánh nặng của thế gian – the burden of the world [EA 333]
- Chúng ta có ba cấp độ trách nhiệm: trách nhiệm cá nhân (Leo – người bình thường) – trách nhiệm nhóm (Aquarius – đệ tử) – trách  nhiệm tinh thần (Pisces – điểm đạo đồ)
- Leo cai quản trung tâm lực tim (qua Jupiter) và trung tâm lực tim trong đầu hay luân xa ngàn cánh (Neptune; hoặc Leo được cai quản bởi Mặt Trời, mà Mặt Trời thay thế cho Vulcan, “tâm của Mặt Trời” liên quan đến trung tâm lực tim trong đầu) – Aquarius cai quản trung tâm lực tim và cũng trung tâm lực tim trên đầu (tự nó và qua các chủ tinh như Leo) – Song Ngư cai quản trung tâm lực tim, và trung tâm lực tim trong đầu (qua Jupiter, Neptune  và cung 2) – Capricorn, “viên ngọc trung tâm” trong mọi luân xa (Capricorn cũng cai quản trung tâm lực đầu), các Thái Dương Thiên Thần liên kết trái tim và đầu.

Ở đoạn trích trên chúng ta được dạy rằng luôn luôn liên kết trái tim (bác ái) và trạng thái sự sống: “Trái tim có liên quan với khía cạnh sự sống, vì có chỗ ngự của nguyên khí sự sống và có năng lượng sự sống được neo ở đó. Nó liên quan với sự tổng hợp, với Chân Thần, và với tất cả những gì nhiều hơn cái bản ngã riêng biệt.” 

Như vậy, chúng ta có thể thấy là “trách nhiệm – responsibility” là sự hợp nhất của trạng thái ý chí và trạng thái bác ái, hay cung một và cung hai; nó được liên kết với trung tâm lực tim, và từ đó đến trung tâm lực tim trong đầu.

Việc huấn luyện một đứa trẻ ý thức trách nhiệm, và qua đó học được sự nhẫn nại. Cả “nhẫn nại” và “trách nhiệm” đều là phẩm tính cung 2. Ở đây có cách áp dụng huyền bí vào việc khai mở trung tâm lực tim một cách an toàn (như được dạy trong LOM và TWM) bằng cách “lập hạnh” hay xây dựng phẩm tính. Về cơ bản, nó là tham thiền hữu chủng bằng cách kiến tạo tư tưởng, sau đó năng lượng đi theo tư tưởng và trung tâm lực tim được khai mở. Đối với việc trau dồi “ý thức trách nhiệm”, nó có điểm tương đồng về mục đích với bài “tham thiền Đức Thầy trong trái tim” vì sự liên kết giữa trung tâm lực tim - trung tâm lực tim trong đầu - Linh hồn. Nó ít phức tạp hơn và an toàn hơn là tham thiền. Với ý thức trách nhiệm, đứa trẻ sẽ sống như Linh hồn biểu lộ.

The blessing of your co-disciples is upon you and yours on them. [DINA 440] “Phúc lành của những người huynh đệ trong tay bạn và phúc lành của bạn trong tay họ”. Đoạn này thì em liên hệ đến bài thiền Tam Giác ngày thứ 4. Nó rất sâu sắc và huyền bí. Nó là điều kiện tất yếu của bài thiền này. Em coi câu này như một khái niệm về "ý thức trách nhiệm". Nó tương tự như ý nghĩa của câu này: “Y đảm-nhận nhiệm-vụ theo một ý nghĩa rất chân thực là trở thành người bảo vệ/giữ gìn của huynh đệ mình, và nhận ra rằng trên thực tế thì sự tiến bộ, sự thỏa mãn, sự yên tâm và thịnh vượng, không tồn tại cho y, khi chúng tách ra khỏi những thứ đó của huynh đệ y”.

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Singapore và câu chuyện quy hoạch đô thị

 


Tính đến thời điểm hiện tại, hơn nửa dân số thế giới đang sinh sống trong các đô thị. Những mặt trái của quá trình đô thị hóa trên toàn cầu đã được nói đến nhiều, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, vấn nạn rác thải... Một nơi sống lý tưởng với riêng cá nhân tôi, có lẽ sẽ giống một làng quê hay vườn rừng hơn, “nơi bình yên chim hót”, trong một cộng đồng tỉnh thức, gắn kết, có đời sống tinh thần phong phú và sâu sắc. 

Tuy vậy, tôi không thể phủ nhận những ưu việt của đô thị như là chốn tụ hội tri thức, tập trung những sinh hoạt văn hóa sáng tạo, hiện đại, đổi mới và thú vị. Thực ra, thành phố và thiên nhiên không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau, nhất là khi đô thị được quy hoạch tốt, hướng đến sự phát triển bền vững và tái tạo. [Nói đến đây làm tôi nhớ Đà Lạt và thấy tiếc quá, bởi Đà Lạt thiên nhiên thơ mộng trong ký ức tuổi thơ của tôi đã không còn. Một Đà Lạt từng được người Pháp quy hoạch với ý tưởng “thành phố trong rừng - rừng trong thành phố”].

Quy hoạch đô thị phức tạp bởi nó liên quan đến nhiều nhân tố luôn biến động và việc đáp ứng cho nhu cầu đa dạng của số lượng lớn con người. Nhà quy hoạch cần có tầm nhìn xa ở tương lai, nếu không chúng ta sẽ cứ phải luôn chạy đuổi theo các nhu cầu của hiện tại. Bài toán quy hoạch đô thị đòi hỏi các chuyên môn liên ngành, đa ngành, cần sự hợp tác chung tay giải quyết của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Một đô thị được quy hoạch tốt có thể tác động hữu ích lên rất nhiều khía cạnh đời sống hàng ngày của người dân, từ kinh tế, môi trường, xã hội, đến tâm lý và sức khỏe cộng đồng. 

CÂU CHUYỆN SINGAPORE

Cuối tháng 5 vừa qua, Nhã Nam và enCity tổ chức buổi tọa đàm, ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Biên Niên Sử Singapore về Quy Hoạch Đô Thị” với tác giả - Giáo Sư TS. Heng Shye Kiang, Đại học Quốc gia Singapore, cùng khách mời - TS. Nguyễn Anh Tuấn, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM. Cuốn sách gốc nằm trong bộ 50 cuốn “Biên Niên Sử Singapore” bàn về 50 lĩnh vực chủ đề khác nhau - những gì đã làm cho Singapore trở thành Singapore như ngày hôm nay - được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm độc lập của đảo quốc Sư Tử (2015). 

Điều gì đã khiến nơi từng là một trong những “khu ổ chuột tồi tệ nhất thế giới” (1948, báo cáo của Ủy Ban Nhà Ở, Anh Quốc) trở thành một thành phố xanh, sạch, an toàn, đáng sống với tầm vóc toàn cầu ngày nay? Kỳ tích của đảo quốc này thật truyền cảm hứng, xứng đáng để nghiên cứu và suy ngẫm. Tất nhiên, có rất nhiều yếu tố tạo nên bức tranh của Singapore hôm nay. Dưới đây chỉ phản ánh một số điểm chính mà tôi ấn tượng về đảo quốc Sư Tử, qua buổi tọa đàm và từ cuốn sách. 

1. Tinh thần tự cường, vượt khó. Là một đảo quốc nhỏ, với quỹ đất hạn chế, khan hiếm tài nguyên và nguồn nước, Singapore rất ý thức về những khó khăn của mình và tầm quan trọng của việc phải quy hoạch đất nước một cách cẩn trọng, hiệu quả, không thể cho phép ô nhiễm hay lãng phí. Singapore nghiêm túc, trung thực đối mặt với những thách thức của chính mình, trong một tinh thần cầu tiến, nỗ lực không ngừng để hoàn thiện. Trỗi dậy từ khởi đầu khiêm tốn, Singapore kiên trì tiến bước, biến khó khăn thành động lực cho những sáng kiến phát triển. 

2. Chính phủ một cấp, minh bạch, chí công vô tư. Vừa là một thành phố, vừa là một quốc gia, Singapore có cách tiếp cận “toàn chính phủ”. Hệ thống nhà nước tập trung tạo điều kiện cho hợp tác liên ngành, phối kết các cơ quan khác nhau, và có thể phản ứng nhanh nhạy trong những tình trạng khẩn cấp. Quy hoạch sử dụng đất tổng thể tham vấn kỹ lưỡng nhiều cơ quan chính phủ và các bên liên quan, đồng thời được triển lãm toàn quốc để công chúng góp ý. Quy hoạch cũng được rà soát, cập nhật định kỳ và minh bạch, công khai trực tuyến cho người dân ai cũng có thể truy cập. Chính phủ không thay đổi nhiều suốt 30 năm qua tạo thuận lợi cho việc quy hoạch dài hạn. Đồ án quy hoạch mang tính kế thừa, ổn định, đồng thời liên tục cập nhật dựa trên dữ liệu thực nghiệm và linh hoạt trong thực thi, cũng như luôn dành chỗ cho sự sáng tạo đổi mới. 

Hiện tại chính phủ sở hữu hơn 90% diện tích đất đai tại Singapore. Điều này tạo điều kiện cho việc quy hoạch cơ sở hạ tầng công cộng, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, bảo vệ môi trường. Quy hoạch thực sự là công cụ của chính phủ giúp tối ưu quyền lợi quần chúng, hạn chế các tác động của thị trường cũng như việc đầu cơ đất đai. Kỳ hạn sử dụng đất công là 99 năm đối với nhà ở xã hội và 20 năm, 30 năm, 50 năm tùy loại dự án. Khi hết hợp đồng thuê, chính phủ thu hồi đất, giúp quỹ đất được tái tuần hoàn và tái phân bổ cho nhu cầu phát triển tương lai. 

3. Nhà ở xã hội (public housing). GS Kiang gọi việc quy hoạch nhà ở xã hội là “open hidden secret of our success” - một bí quyết mở cho thành công của Singapore. Ông nhấn mạnh nhà ở xã hội không chỉ cung cấp nơi sống cho người dân, mà còn liên quan đến bảo tồn và phát triển các di sản, chuyển dân từ khu vực trung tâm đã xuống cấp và tắc nghẽn nghiêm trọng sang các khu đô thị mới hiện đại, an toàn vệ sinh hơn (dù phần nào cũng cắt đứt mối gắn kết cộng đồng) đồng thời giải phóng quỹ đất trung tâm đắc địa. Các khu đô thị mới có khoảng cách hợp lý tới các tiện ích công cộng, được tách biệt nhau bởi các hành lang xanh nối với trung tâm tạo thành mạng lưới các công viên và không gian mở và hệ thống giao thông công cộng phủ kín toàn đảo. 

4. Tầm nhìn xa, hướng đến tương lai và sự phát triển bền vững. Từ khi độc lập, triết lý quy hoạch của Singapore luôn theo định hướng phát triển bền vững,  thân thiện với môi trường, ngay cả trước khi các thuật ngữ này trở nên phổ biến. Môi trường xanh, sạch luôn là ưu tiên hàng đầu, chính phủ đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng môi trường thân thiện với thiên nhiên ngay khi đảo quốc này vẫn còn là một nền kinh tế non trẻ. 

Quy hoạch luôn dành chỗ cho những mảng xanh, chú trọng phát triển các công viên và không gian xanh ngoài trời phục vụ cho việc giải trí của người dân. Hệ số sử dụng cây xanh tỉ lệ 3:5 được áp dụng trong thiết kế cảnh quan. Nỗ lực liên tục mấy chục năm qua, đến nay, hơn 40% diện tích được phủ xanh và Singapore trở thành một trong những “thành phố vườn” xanh nhất thế giới. Chương trình phủ xanh đã giúp cải thiện thẩm mỹ cảnh quan đường phố, cung cấp bóng mát, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm tiếng ồn và khói bụi, nâng cao chất lượng đời sống. 

Singapore tận dụng mọi không gian cho mảng xanh. Các ý tưởng vườn trên cao được chương trình cảnh quan và không gian đô thị (URA) Singapore giới thiệu năm 2009. Chính phủ tài trợ đến 50% chi phí lắp đặt vườn đứng (cây cối phủ trên bề mặt đứng) và vườn sân thượng trên các cao ốc. Sáng kiến nông trại dọc (vertical farming) sử dụng thủy lực - Sky Greens của Singapore là giải pháp đô thị hướng đến sản xuất rau quả an toàn, tươi ngon trong khi sử dụng tối thiểu đất, nước và năng lượng. 

Dải thực vật và mái xanh trên các tòa nhà được thiết kế để lọc nước mưa, cải thiện chất lượng nước chảy vào sông. Bên cạnh phát triển công nghệ lọc nước thải, khử muối nước biển, nước mưa được tận dụng và thu gom qua hệ thống hồ chứa và mạng lưới phủ khắp đảo quốc.

Một nỗ lực lớn phối hợp nhiều bộ và cơ quan chính phủ kéo dài trong 10 năm là chiến dịch làm sạch sông ngòi năm 1977, loại bỏ dần các ngành gây ô nhiễm như sửa chữa đóng tàu, di dời các xưởng thủ công, trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm ở thượng nguồn, nạo vét lòng sông. Chiến dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý ô nhiễm tại nguồn, thiết lập các hệ thống thoát nước và nước thải riêng biệt để giữ các kênh nước sạch sẽ và kiểm soát lũ lụt.

Sáng kiến năm 2006, chương trình nước sạch, đẹp, tích cực (ABC Waters - Active, Beautiful, Clean Waters) được đưa ra nhằm chuyển đổi các cơ sở hạ tầng “xám” như cống, kênh đào, hồ chứa… thành mạng lưới đường thủy xanh lam, tạo ra không gian cộng đồng cho các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao. 

5. Quy hoạch không gian ngầm. Khai thác không gian ngầm khá đắt đỏ mà không phải thành phố nào cũng có khả năng thực thi. Bên cạnh hệ thống tàu điện ngầm, giờ đây Singapore còn có cả các đường hầm hạ tầng đô thị như hệ thống đường hầm nước thải sâu dưới lòng đất liên kết đến 3 nhà máy xử lý nước thải. Những khu vực an ninh quốc phòng, cơ sở đạn dược bảo quản an toàn vật liệu cháy nổ cũng được ngầm hóa để giải phóng đất bề mặt làm không gian công cộng cho người dân giải trí. Hang đá Jurong lưu trữ dầu ở sâu dưới đáy biển. 

6. Rewild Singapore! Thiên nhiên hóa (hoang dã hóa) nhằm tăng tính đa dạng sinh học, đưa Singapore ngày càng gần nhiều hơn với tự nhiên. Đây là điều tôi thích thú nhất từ buổi tọa đàm, và nó không có trong sách, vì cuốn sách gốc tiếng Anh được xuất bản năm 2015, trong khi ý tưởng hay ho này mới chỉ được đưa vào ở Singapore từ năm nay 2023. 

Theo GS Kiang, ý tưởng này cần một sự chuyển đổi về tư duy trong quy hoạch đô thị xanh! Đây là một kế hoạch dài hạn nhằm đưa vào các hành lang sinh thái, cho phép sinh vật di chuyển từ những khu vực sinh thái khác nhau với nhau bên trong hành lang. Tất nhiên điều này cũng sẽ dẫn đến khả năng về những cuộc “chạm trán” giữa con người với động vật như heo rừng, khỉ xuất hiện trước nhà dân chẳng hạn. 😆

Thiên nhiên hóa không chỉ là việc trồng cây mà là trồng nhiều loại cây đa dạng khác nhau. Đó là sự chuyển đổi từ cảnh quan được cắt tỉa cẩn thận sang trạng thái hoang dã tự nhiên có chủ ý, cân bằng giữa sự phát triển của thực vật được trồng và phát triển tự nhiên, tạo nên hệ sinh thái riêng của nó. 
Cuối cùng, mặc dù việc lãnh đạo của chính phủ rõ ràng rất quan trọng, một quốc gia muốn phát triển bền vững chắc chắn cần có những người dân với ý thức cao về trách nhiệm xã hội và môi trường. Điều này luôn quay về chủ đề quan trọng muôn thuở, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng!


Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Tự tình khúc



 "Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài
Một hôm thấy được đời tôi
Tôi yêu mọi người cỏ cây muôn loài
Làm sao yêu hết cuộc đời." 
~ Thơ Trịnh Công Sơn 

Mấy hôm nay, tua đi tua lại trong tôi là thước phim ký ức về những ngày tháng cũ, đan xen trong những giấc mơ và nỗi nhớ. Tôi thấy mình bên kia triền dốc hoài niệm, nhìn lại hơn nửa cuộc đời đã qua. Kết nối lại mọi thứ, tôi nhận ra cuộc đời đã sắp xếp những sự kiện thật kỳ diệu, mà có khi đến nhiều năm sau tôi mới hiểu hết. Tôi thật sự trân trọng và biết ơn tất cả, gia đình, bè bạn, những người thân yêu, những nhân duyên hạnh ngộ dù ngắn ngủi hay dài lâu. 

Những va vấp, sai lầm giúp tôi bớt ảo cảm, ngã mạn. Khổ đau buộc tôi học cách chấp nhận những hạn chế của bản thân, buông bỏ chấp trước. Tổn thương dạy tôi biết cảm thông trước những khó khăn của người khác. Tình thương của mọi người và niềm vui phụng sự tiếp thêm lửa và niềm tin, nhắc tôi biết mình đã diễm phúc biết bao, để tôi nhớ sẻ chia những “món quà” của mình với cuộc đời. 

Một chặng đường dài để tới tôi của ngày hôm nay, tuy vẫn còn nhiều khiếm khuyết, bất toàn, nhưng đã mạnh mẽ hơn và con đường cũng thêm sáng rõ. Trên hành trình, có ba báu vật của Lão Tử mà tôi vẫn luôn tâm niệm, gìn giữ cẩn thận: Từ, Kiệm và Khiêm. “Vì từ ái nên tận lực che chở dân mà sinh ra dũng cảm, trời muốn cứu ai thì cho người đó lòng từ ái để tự bảo vệ. Vì kiệm ước, chừng mực mà hóa ra sung túc, rộng rãi”. Vì khiêm hạ, tôn kính mà chạm tới thiêng liêng. Tôi viết lại, để tự nhắc mình luôn sống trong tràn đầy biết ơn và tình thương. 

Hãy cho tôi được nói lời yêu thương đến tất cả.

Nếu đã từng có lúc nào đó tôi vô tình làm tổn thương bạn, xin hãy tha thứ cho tôi.

Xin cảm ơn mọi người, cảm ơn cuộc đời! 💗💗💗




Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Áo nâu và áo trắng

Đọc được những lời sau từ Sư Cô Chân Lĩnh Nghiêm thấy như lời của vũ trụ. Nhớ tới Tú và ước nguyện tu gieo duyên của em. Và cả suy ngẫm về hành trình của mình, của một người đệ tử nguyện phụng sự nhân loại. Phải tu thật tốt, chuyển hóa bản thân rồi mới có thể giúp đời thật hiệu quả. Con đường mình đi, sẽ không nhất thiết phải là xuất gia như Sư Cô, mà phù hợp với mình hơn vẫn là cuộc sống cư sĩ tại gia như hiện tại, có nhiều tự do. Tuy nhiên, mình được nhắc nhở nhiều về việc phải thanh luyện bản thân, tu tập, thật miên mật, thật triệt để, để chuyển hóa mọi tham sân si, thất tình lục dục...

Mình ấn tượng câu nói của Sư Cô, mà nó cứ vang trong đầu mình những hôm nay: “con phải làm gì để giúp được nhiều người? Làm tu sĩ thì giúp được nhiều người hay làm cư sĩ sẽ giúp được nhiều người? Làm gì cũng được, miễn sao giúp được nhiều người thì tôi làm ngay, tôi chẳng quan tâm gì tới hình tướng hết." 

Có lẽ với mình, cũng ý nghĩa như vậy nhưng sẽ đổi "giúp" bằng chữ "phụng sự" hay hữu ích. Làm sao để phụng sự, hữu ích được nhiều hơn ở cả chất lượng và hiệu quả, chứ cũng không chỉ là số lượng người nữa. Điều đó làm mình nhớ đến khái niệm Scale Out của VCIL, thay vì Scale Up... Và hơn nữa, mình thấy khi hữu ích cho người khác là mình cũng được "giúp", được nhận rất nhiều, chứ không phải là người đi giúp hay người đi cho nữa. Niềm vui, sự trưởng thành, các bài học là những phần thưởng vô giá...

Em thân thương!

Hồi ấy tôi cũng giống như em bây giờ, tôi chẳng thiết tha chi với những bon chen trong cuộc đời trần tục. Tôi đã thấy được những giả tạm của cõi hồng trần, những hệ lụy khổ đau của kiếp nhân sinh, nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để giã từ. Đôi mắt của tôi còn mê mờ, tôi chưa phân biệt được đâu là trong, đâu là đục. Lúc ấy tôi không có một đoàn thể nào để nương tựa. Chẳng có ai để tôi gọi “sư cô ơi”, chẳng có ai xuất hiện chìa cánh tay ra và hỏi: “Có tôi đây, tôi giúp được gì nào?”. Tôi cứ thui thủi một mình dò dẫm, kiếm tìm, sờ soạng.

Tôi đắn đo trước tấm áo nâu và áo trắng. Nhìn hai tấm áo ấy tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất, câu hỏi làm tôi đau đầu nhức óc “chiếc áo nào có khả năng giúp được nhiều người?” Tôi đem hai tấm áo đặt lên cán cân trí óc, trí óc tôi bất lực. Tôi đặt hai tấm áo lên cán cân trái tim, trái tim tôi u mê. Đâu là trong? Đâu là đục? Câu hỏi réo rắt tâm can. 

May sao tôi còn có Mẹ - Mẹ Quán Thế Âm. Tôi đã thiết tha gọi Mẹ và hỏi Mẹ rằng: “con phải làm gì để giúp được nhiều người? Làm tu sĩ thì giúp được nhiều người hay làm cư sĩ sẽ giúp được nhiều người? Làm gì cũng được, miễn sao giúp được nhiều người thì tôi làm ngay, tôi chẳng quan tâm gì tới hình tướng hết. Một tuần sau tôi nhận được câu trả lời của Mẹ trong một cuốn sách:

“Trước khi giúp người khác con hãy giúp chính mình. Trước khi xứng đáng ngồi trên tòa Như Lai giảng pháp con hãy kết thảm cỏ, ngồi trong động đá để quán chiếu về sự vô thường, lý vô ngã. Và chỉ khi nào chứng được thanh tịnh tuyệt đối con mới được phép nhập thế gian mà không sợ bị sa ngã. Một người mù không thể dẫn đường cho những người mù. Một kẻ đang chết đuối không thể cứu được những người cũng đang chết đuối. Làm sao con biết rằng hành động của con hoàn toàn vô vị lợi? Làm sao con biết rằng con không tự lừa dối chính mình? Một việc làm cao đẹp chỉ có ý nghĩa khi nó được làm với một tâm vị tha chân thật. Chỉ khi nào con bước vào đời, làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có người được giúp thì khi ấy con sẽ hiểu lời ta nói “nhập thế gian mà không rời niết bàn”.

Lời dạy ấy khiến tôi trấn động tâm can. Nhát kiếm của Mẹ đã kết liễu cuộc đời cư sĩ của tôi. Tôi được tái sinh trong gia đình áo nâu. Giờ đây tôi đang ngụp lặn nơi bến nước trong. Đúng là bến nước trong, vừa trong vừa mát.

Tôi đã đi trước em rồi, con đường ấy lành và đẹp lắm. Đây là bàn tay tôi, khi nào cần xin em hãy nắm lấy.

(Viết cho em từ non vắng)