Tính đến thời điểm hiện tại, hơn nửa dân số thế giới đang sinh sống trong các đô thị. Những mặt trái của quá trình đô thị hóa trên toàn cầu đã được nói đến nhiều, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, vấn nạn rác thải... Một nơi sống lý tưởng với riêng cá nhân tôi, có lẽ sẽ giống một làng quê hay vườn rừng hơn, “nơi bình yên chim hót”, trong một cộng đồng tỉnh thức, gắn kết, có đời sống tinh thần phong phú và sâu sắc.
Tuy vậy, tôi không thể phủ nhận những ưu việt của đô thị như là chốn tụ hội tri thức, tập trung những sinh hoạt văn hóa sáng tạo, hiện đại, đổi mới và thú vị. Thực ra, thành phố và thiên nhiên không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau, nhất là khi đô thị được quy hoạch tốt, hướng đến sự phát triển bền vững và tái tạo. [Nói đến đây làm tôi nhớ Đà Lạt và thấy tiếc quá, bởi Đà Lạt thiên nhiên thơ mộng trong ký ức tuổi thơ của tôi đã không còn. Một Đà Lạt từng được người Pháp quy hoạch với ý tưởng “thành phố trong rừng - rừng trong thành phố”].
Quy hoạch đô thị phức tạp bởi nó liên quan đến nhiều nhân tố luôn biến động và việc đáp ứng cho nhu cầu đa dạng của số lượng lớn con người. Nhà quy hoạch cần có tầm nhìn xa ở tương lai, nếu không chúng ta sẽ cứ phải luôn chạy đuổi theo các nhu cầu của hiện tại. Bài toán quy hoạch đô thị đòi hỏi các chuyên môn liên ngành, đa ngành, cần sự hợp tác chung tay giải quyết của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Một đô thị được quy hoạch tốt có thể tác động hữu ích lên rất nhiều khía cạnh đời sống hàng ngày của người dân, từ kinh tế, môi trường, xã hội, đến tâm lý và sức khỏe cộng đồng.
CÂU CHUYỆN SINGAPORE
Cuối tháng 5 vừa qua, Nhã Nam và enCity tổ chức buổi tọa đàm, ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Biên Niên Sử Singapore về Quy Hoạch Đô Thị” với tác giả - Giáo Sư TS. Heng Shye Kiang, Đại học Quốc gia Singapore, cùng khách mời - TS. Nguyễn Anh Tuấn, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM. Cuốn sách gốc nằm trong bộ 50 cuốn “Biên Niên Sử Singapore” bàn về 50 lĩnh vực chủ đề khác nhau - những gì đã làm cho Singapore trở thành Singapore như ngày hôm nay - được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm độc lập của đảo quốc Sư Tử (2015).
Điều gì đã khiến nơi từng là một trong những “khu ổ chuột tồi tệ nhất thế giới” (1948, báo cáo của Ủy Ban Nhà Ở, Anh Quốc) trở thành một thành phố xanh, sạch, an toàn, đáng sống với tầm vóc toàn cầu ngày nay? Kỳ tích của đảo quốc này thật truyền cảm hứng, xứng đáng để nghiên cứu và suy ngẫm. Tất nhiên, có rất nhiều yếu tố tạo nên bức tranh của Singapore hôm nay. Dưới đây chỉ phản ánh một số điểm chính mà tôi ấn tượng về đảo quốc Sư Tử, qua buổi tọa đàm và từ cuốn sách.
1. Tinh thần tự cường, vượt khó. Là một đảo quốc nhỏ, với quỹ đất hạn chế, khan hiếm tài nguyên và nguồn nước, Singapore rất ý thức về những khó khăn của mình và tầm quan trọng của việc phải quy hoạch đất nước một cách cẩn trọng, hiệu quả, không thể cho phép ô nhiễm hay lãng phí. Singapore nghiêm túc, trung thực đối mặt với những thách thức của chính mình, trong một tinh thần cầu tiến, nỗ lực không ngừng để hoàn thiện. Trỗi dậy từ khởi đầu khiêm tốn, Singapore kiên trì tiến bước, biến khó khăn thành động lực cho những sáng kiến phát triển.
2. Chính phủ một cấp, minh bạch, chí công vô tư. Vừa là một thành phố, vừa là một quốc gia, Singapore có cách tiếp cận “toàn chính phủ”. Hệ thống nhà nước tập trung tạo điều kiện cho hợp tác liên ngành, phối kết các cơ quan khác nhau, và có thể phản ứng nhanh nhạy trong những tình trạng khẩn cấp. Quy hoạch sử dụng đất tổng thể tham vấn kỹ lưỡng nhiều cơ quan chính phủ và các bên liên quan, đồng thời được triển lãm toàn quốc để công chúng góp ý. Quy hoạch cũng được rà soát, cập nhật định kỳ và minh bạch, công khai trực tuyến cho người dân ai cũng có thể truy cập. Chính phủ không thay đổi nhiều suốt 30 năm qua tạo thuận lợi cho việc quy hoạch dài hạn. Đồ án quy hoạch mang tính kế thừa, ổn định, đồng thời liên tục cập nhật dựa trên dữ liệu thực nghiệm và linh hoạt trong thực thi, cũng như luôn dành chỗ cho sự sáng tạo đổi mới.
Hiện tại chính phủ sở hữu hơn 90% diện tích đất đai tại Singapore. Điều này tạo điều kiện cho việc quy hoạch cơ sở hạ tầng công cộng, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, bảo vệ môi trường. Quy hoạch thực sự là công cụ của chính phủ giúp tối ưu quyền lợi quần chúng, hạn chế các tác động của thị trường cũng như việc đầu cơ đất đai. Kỳ hạn sử dụng đất công là 99 năm đối với nhà ở xã hội và 20 năm, 30 năm, 50 năm tùy loại dự án. Khi hết hợp đồng thuê, chính phủ thu hồi đất, giúp quỹ đất được tái tuần hoàn và tái phân bổ cho nhu cầu phát triển tương lai.
3. Nhà ở xã hội (public housing). GS Kiang gọi việc quy hoạch nhà ở xã hội là “open hidden secret of our success” - một bí quyết mở cho thành công của Singapore. Ông nhấn mạnh nhà ở xã hội không chỉ cung cấp nơi sống cho người dân, mà còn liên quan đến bảo tồn và phát triển các di sản, chuyển dân từ khu vực trung tâm đã xuống cấp và tắc nghẽn nghiêm trọng sang các khu đô thị mới hiện đại, an toàn vệ sinh hơn (dù phần nào cũng cắt đứt mối gắn kết cộng đồng) đồng thời giải phóng quỹ đất trung tâm đắc địa. Các khu đô thị mới có khoảng cách hợp lý tới các tiện ích công cộng, được tách biệt nhau bởi các hành lang xanh nối với trung tâm tạo thành mạng lưới các công viên và không gian mở và hệ thống giao thông công cộng phủ kín toàn đảo.
4. Tầm nhìn xa, hướng đến tương lai và sự phát triển bền vững. Từ khi độc lập, triết lý quy hoạch của Singapore luôn theo định hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, ngay cả trước khi các thuật ngữ này trở nên phổ biến. Môi trường xanh, sạch luôn là ưu tiên hàng đầu, chính phủ đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng môi trường thân thiện với thiên nhiên ngay khi đảo quốc này vẫn còn là một nền kinh tế non trẻ.
Quy hoạch luôn dành chỗ cho những mảng xanh, chú trọng phát triển các công viên và không gian xanh ngoài trời phục vụ cho việc giải trí của người dân. Hệ số sử dụng cây xanh tỉ lệ 3:5 được áp dụng trong thiết kế cảnh quan. Nỗ lực liên tục mấy chục năm qua, đến nay, hơn 40% diện tích được phủ xanh và Singapore trở thành một trong những “thành phố vườn” xanh nhất thế giới. Chương trình phủ xanh đã giúp cải thiện thẩm mỹ cảnh quan đường phố, cung cấp bóng mát, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm tiếng ồn và khói bụi, nâng cao chất lượng đời sống.
Singapore tận dụng mọi không gian cho mảng xanh. Các ý tưởng vườn trên cao được chương trình cảnh quan và không gian đô thị (URA) Singapore giới thiệu năm 2009. Chính phủ tài trợ đến 50% chi phí lắp đặt vườn đứng (cây cối phủ trên bề mặt đứng) và vườn sân thượng trên các cao ốc. Sáng kiến nông trại dọc (vertical farming) sử dụng thủy lực - Sky Greens của Singapore là giải pháp đô thị hướng đến sản xuất rau quả an toàn, tươi ngon trong khi sử dụng tối thiểu đất, nước và năng lượng.
Dải thực vật và mái xanh trên các tòa nhà được thiết kế để lọc nước mưa, cải thiện chất lượng nước chảy vào sông. Bên cạnh phát triển công nghệ lọc nước thải, khử muối nước biển, nước mưa được tận dụng và thu gom qua hệ thống hồ chứa và mạng lưới phủ khắp đảo quốc.
Một nỗ lực lớn phối hợp nhiều bộ và cơ quan chính phủ kéo dài trong 10 năm là chiến dịch làm sạch sông ngòi năm 1977, loại bỏ dần các ngành gây ô nhiễm như sửa chữa đóng tàu, di dời các xưởng thủ công, trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm ở thượng nguồn, nạo vét lòng sông. Chiến dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý ô nhiễm tại nguồn, thiết lập các hệ thống thoát nước và nước thải riêng biệt để giữ các kênh nước sạch sẽ và kiểm soát lũ lụt.
Sáng kiến năm 2006, chương trình nước sạch, đẹp, tích cực (ABC Waters - Active, Beautiful, Clean Waters) được đưa ra nhằm chuyển đổi các cơ sở hạ tầng “xám” như cống, kênh đào, hồ chứa… thành mạng lưới đường thủy xanh lam, tạo ra không gian cộng đồng cho các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao.
5. Quy hoạch không gian ngầm. Khai thác không gian ngầm khá đắt đỏ mà không phải thành phố nào cũng có khả năng thực thi. Bên cạnh hệ thống tàu điện ngầm, giờ đây Singapore còn có cả các đường hầm hạ tầng đô thị như hệ thống đường hầm nước thải sâu dưới lòng đất liên kết đến 3 nhà máy xử lý nước thải. Những khu vực an ninh quốc phòng, cơ sở đạn dược bảo quản an toàn vật liệu cháy nổ cũng được ngầm hóa để giải phóng đất bề mặt làm không gian công cộng cho người dân giải trí. Hang đá Jurong lưu trữ dầu ở sâu dưới đáy biển.
6. Rewild Singapore! Thiên nhiên hóa (hoang dã hóa) nhằm tăng tính đa dạng sinh học, đưa Singapore ngày càng gần nhiều hơn với tự nhiên. Đây là điều tôi thích thú nhất từ buổi tọa đàm, và nó không có trong sách, vì cuốn sách gốc tiếng Anh được xuất bản năm 2015, trong khi ý tưởng hay ho này mới chỉ được đưa vào ở Singapore từ năm nay 2023.
Theo GS Kiang, ý tưởng này cần một sự chuyển đổi về tư duy trong quy hoạch đô thị xanh! Đây là một kế hoạch dài hạn nhằm đưa vào các hành lang sinh thái, cho phép sinh vật di chuyển từ những khu vực sinh thái khác nhau với nhau bên trong hành lang. Tất nhiên điều này cũng sẽ dẫn đến khả năng về những cuộc “chạm trán” giữa con người với động vật như heo rừng, khỉ xuất hiện trước nhà dân chẳng hạn. 😆
Thiên nhiên hóa không chỉ là việc trồng cây mà là trồng nhiều loại cây đa dạng khác nhau. Đó là sự chuyển đổi từ cảnh quan được cắt tỉa cẩn thận sang trạng thái hoang dã tự nhiên có chủ ý, cân bằng giữa sự phát triển của thực vật được trồng và phát triển tự nhiên, tạo nên hệ sinh thái riêng của nó.
Cuối cùng, mặc dù việc lãnh đạo của chính phủ rõ ràng rất quan trọng, một quốc gia muốn phát triển bền vững chắc chắn cần có những người dân với ý thức cao về trách nhiệm xã hội và môi trường. Điều này luôn quay về chủ đề quan trọng muôn thuở, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét