Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2007

Văn minh xe đạp

http://watermarked.cutcaster.com/cutcaster-photo-100123082-Bike-with-flowers.jpg
Một trong những điều làm mình thấy thú vị nhất ở Copenhagen, ngoài thiên nhiên môi trường trong lành, sự thân thiện, hiếu khách, còn là tình yêu xe đạp của người dân nơi này. Copenhagen được mệnh danh là một trong những thành phố xe đạp hàng đầu thế giới (có lẽ chỉ sau Amsterdam của Hà Lan thôi). Bạn có thể thấy xe đạp đủ mọi kiểu dáng, màu sắc ở khắp nơi trên mọi nẻo đường, góc phố, những bãi đỗ xe gần nhà ga kín đặc những chiếc xe đạp cũ mới. Người người đạp xe, nhà nhà đạp xe, từ những ông bà cụ già đến những đứa trẻ nhỏ, chú phát thư, những cô gái mặc áo công sở duyên dáng trên những chiếc xe đạp thời trang, những ông bố bà mẹ chở con trên những chiếc xe đạp ba bánh có nôi (giống như kiểu xích lô). Mình vẫn nhớ lần đó khi đang dạo phố ở trung tâm, nhìn thấy một chiếc xe đạp với phần yên dài ngoằng thiết kế thật ấn tượng: chủ nhân gần như vừa nằm duỗi lưng ra vừa đạp, hết sức thoải mái! 

Đọc thống kê trên net, đến hơn 1/3 dân số đi làm bằng xe đạp, chưa kể tỉ lệ người sử dụng xe đạp để giải trí, đi dạo, shopping…, hay như một phương thức thể thao. Chính quyền thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích văn hóa xe đạp (bicycle culture) này bằng những luật lệ ưu tiên, cũng như việc xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp. Ngoài ra, thành phố còn cho thuê xe đạp miễn phí ở những khu vực gần trung tâm, chủ yếu phục vụ khách du lịch hay người từ nơi khác đến tham quan. Bạn chỉ cần đút một đồng xu 20 kroner (khoảng hơn 2 Euro) vào lỗ khóa là mở được chiếc xe, như một dạng thế chân. Rồi bạn có thể chạy thoải mái, và khi dừng lại ở bất kỳ trạm nào, bạn chỉ việc khóa xe là lấy lại được tiền. Chương trình xe đạp công cộng miễn phí (City Bike) này của Copenhagen hiện có khoảng 2000 xe, và theo kế hoạch mục tiêu cuối cùng của họ là đạt 5000 xe phủ khắp nội thị. Hiện nay thành công của chương trình đang bắt đầu được nhân rộng đến nhiều thành phố khác ở châu Âu. 

Xe đạp vừa rẻ, vừa linh động dễ chạy, có hư cũng dễ sửa, không gây ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, giảm rủi ro tai nạn, giảm kẹt xe bởi diện tích chiếm chỗ ít, làm đường phố thông thoáng hơn, trong lành hơn. Xét về mặt năng lượng thì xe đạp là phương tiện hữu hiệu nhất, không tốn nhiên liệu khi sử dụng. Hơn nữa, đạp xe còn là một hình thức vận động rất tốt cho sức khỏe, nhất là khi béo phì đang trở thành vấn nạn ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. 

Copenhagen quá lý tưởng cho xe đạp phát triển bởi vì thành phố không lớn lắm, quy mô vừa đủ để giao thông bằng xe đạp thuận tiện. Thành phố lại xanh những hàng cây, đạp xe dưới những tán lá mát dịu mới thích (môi trường trong lành như vậy cũng có góp phần từ hệ quả của "văn hóa xe đạp" này). Chứ như mùa đông Phần Lan âm 30 độ, hay dưới cái nắng nóng và khói bụi oi bức của Sài Gòn thì cũng khó mà tận hưởng cái thú đạp xe nổi. Đi xe đạp ở các đô thị lớn nhà mình nhiều khi lại còn nguy hiểm vì không có làn xe riêng. Nhưng thiết nghĩ với vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí, sự gia tăng chi phí nhiên liệu như hiện nay, xe đạp sẽ là một trong những giải pháp khả thi, đơn giản mà hữu ích cần được khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Nhất là trước mắt có thể bắt đầu với những thành phố nhỏ còn trong lành thanh bình như Hội An, Huế, Vũng Tàu… 

Chuyện giao thông đô thị này còn nhiều vấn đề bất cập, có dịp nào đó mình sẽ quay trở lại tiếp sau. 



Thứ Ba, 11 tháng 9, 2007

Tình yêu của Maija

Maija2

Cô Ajar có hai nàng công chúa xinh đẹp là Maija và Millard. Millard duyên dáng, có chút gì đó e lệ trong nụ cười dịu dàng, mái tóc dài thường để xõa. Còn Maija năm nay mười sáu tuổi, giống cha như tạc, mạnh mẽ, độc lập và trầm tĩnh. Mình còn nhớ hồi đến chơi nhà cô, trên tủ trong phòng ăn có một tấm ảnh chú Matti hồi trẻ, đẹp phong trần với mái tóc chấm vai. Maija kể có lần một người bạn tưởng nhầm tấm ảnh đó là hình của cô.

Cô bảo chắc sau này sẽ không lập gia đình, vì tính cách của cô độc lập quá, và cô cũng thích cuộc sống như vậy. Nhưng Maija có một tình yêu lớn dành cho thiên nhiên, đặc biệt là những chú ngựa. Trong phòng cô dán đầy trên tường bản đồ thế giới và tranh ảnh các loài động vật đủ kiểu lớn nhỏ, nhiều nhất là ngựa. Tủ sách của cô cũng có một dãy toàn những cuốn dày dày kiểu như các tập bách khoa toàn thư về thiên nhiên. Vì thế mà không có gì lạ khi cô bảo sau này muốn trở thành một nhà sinh vật học.

horse2

Thứ hai mỗi tuần Maija đi học cưỡi ngựa. Cô kể tuần rồi được cưỡi ngựa xuyên rừng rất thích. Ngoài ra, Maija còn đọc sách, lên net tìm hiểu đủ thứ về chúng, các chủng loại, cách nuôi dưỡng, chăm sóc...v.v. Nào là ở Phần Lan chỉ có hai giống ngựa nhưng ở Thụy Điển có đến mười mấy chủng loại khác nhau. Có giống ngựa đẹp làm cảnh và để cưỡi, có giống ngựa khỏe kéo xe hay làm các việc đồng áng. Ở Anh các môn thể thao với ngựa cũng khá phổ biến...

Maija luôn kể về những chú ngựa thật say sưa với một niềm hoan hỉ chân thành. Dường như cái gì xuất phát thực sự từ trái tim luôn có khả năng truyền cảm lây lan sao đó. Tình yêu trong sáng và sự nhiệt tình ấy của Maija làm mình vừa cảm động vừa ngưỡng mộ.

Chủ nhật vừa rồi gặp, Maija nói có lẽ sau này sẽ không làm nhà sinh vật nữa mà cô muốn học chuyên về ngựa, giống như kiểu học ngành nông nghiệp chăn nuôi ngựa trong trang trại hay sao đó. Thấy mình ngớ ra ngạc nhiên, Maija bảo thực ra ngành học này hiện nay cũng phổ biến nhiều ở Phần Lan và các nước khác nữa chứ không phải mới lạ gì đâu. Có người bạn trong lớp của cô còn thích sau này trở thành bác sĩ thú y cho ngựa (horse veterinarian).

Ngẫm nghĩ thấy tuổi trẻ ở đây cũng sướng ha. Cuộc sống được bảo đảm bởi phúc lợi xã hội nên thích cái gì thì chọn học cái đó, không phải lo nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền, vất vả mưu sinh, cũng không phải bận tâm chọn những ngành học thời thượng, dù có thể mình không thích, không giỏi (tất nhiên nếu thích và giỏi nữa thì quá tốt rồi).

Cô bé vẫn còn trẻ lắm, không biết sau này cô có thay đổi ý định không nhỉ. Dù sao, luôn mong rằng Maija sẽ đạt được ước mơ của cô trong tương lai. Nếu có say mê và làm việc hết lòng thì cho dù đó là công việc gì, cho dù kết quả thế nào, bạn cũng đã thành công và trọn vẹn với nghề rồi. 

horse


Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2007

Cát bụi


Soul

Nếu sau này chết đi, mình muốn được hỏa táng, rồi tro của mình sẽ được rải xuống sông hay hòa vào lòng đất. Hỏa táng vừa sạch, không gây ô nhiễm môi trường, linh hồn cũng dễ được siêu thoát khi không phải nhìn thấy xác thân mình rữa mục từ từ, không còn gì luyến tiếc nữa. Cũng sẽ không có hình ảnh những nghĩa địa u ám với những hồn ma chập chờn. Càng ngày đất càng chật người càng đông, hỏa táng sẽ nhường nhiều chỗ hơn cho người sống...

"Rồi ra hình hài là cát bụi

Em ở đâu hề giữa hư không?"