Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

An Lạc Trang



"Tất cả cũng tàn phai, chỉ tình thương ở lại.
Những gì trao hôm nay, sẽ theo nhau mãi mãi."

Đó là hai câu thơ viết theo kiểu thư pháp trên bức tường nhà kho rực rỡ sắc màu từ những cánh cửa cũ được sơn lại trong khu vườn Tình Huynh Đệ. Lá cây rụng đầy trên đất, trên chiếc ghế bằng tre. Kia là ấm trà còn dang dở, hẳn ai đó đã ngồi đàm đạo nơi đây. Hai chú chó Từ Bi và Trí Tuệ như hai thiên thần xinh xắn vừa cắn nhau ẳng ẳng đã quay lại nô đùa với nhau vui vẻ. 

Mình bước đi giữa một không gian tươi xanh, gió mát, líu lo tiếng chim hót xung quanh. Mình thấy lòng bình yên và có chút man mác hoài cổ. Dường như mình đã thấy những khung cảnh này đâu đó rất đỗi thân quen. Đó là những vạt lục bình trôi trên khúc sông nhỏ ở Cao Lãnh, Sóc Trăng... Đó là những lúc cùng đồng đội nấu ăn, rửa bát ở nhà chung hồi hè Trẻ Đồng Xanh tại Hội An... Mình muốn hít thật căng cả đất trời bình yên này, để những niềm an lạc đó thấm vào trong từng mảnh thẳm sâu của hiện tại, và ký ức...

Chủ nhật vừa rồi, tụi mình có một chuyến đi tiền trạm đến An Lạc Trang, chuẩn bị cho sự kiện dự định tổ chức vào tháng 4. Gần kết thúc hai năm fellowship tại Tây Ninh rồi, tụi mình cũng trăn trở muốn làm một cái gì đó cho các thầy cô...

Vừa mới đến nơi, tụi mình đã được trải nghiệm trò đu dây qua sông hồi hộp và thú vị. Giống như mình đang bay qua khúc sông ấy. Cảm giác thật là Yomost! Rồi khi qua đến cù lao, tụi mình như được bước vào một thế giới khác, riêng tư và thanh tĩnh. Mình thấy tụi mình thật diễm phúc bởi nhận được sự ưu ái từ người chủ vườn. Anh kể rằng anh có nghe về câu chuyện của Teach for Vietnam, về anh Huỳnh Hạnh Phúc và anh trân trọng, quý những người trẻ như các bạn. Anh nói có lẽ có chút thiên vị bởi vì anh quê ở Tây Ninh. Anh sinh ra và lớn lên ở Tân Biên, sau này lên Sài Gòn học đại học, rồi đi làm quản lý xây dựng. Ba mẹ anh vẫn còn ở Tây Ninh. Anh nói cảm ơn tụi em đã chọn Tây Ninh. Còn tụi mình thì lại nói, dạ mà thực ra là Tây Ninh đã chọn tụi em. 

An Lạc Trang nằm trên cù lao Bến Cỏ, sở dĩ có tên Bến Cỏ vì người dân hay cắt cỏ ở đây. Anh thích tên Bến Cỏ hơn (có lẽ vì nó thuần Việt hơn chăng), An Lạc Trang là do khách tham quan đặt cho. Năm 2004, anh đến đây. Năm 2005, cất căn nhà đầu tiên đến 2012 thì tạm xong như bây giờ. Cây cối đều là mọc tự nhiên, không bón phân, xịt thuốc. Đồ đạc, chất liệu nhà được tận dụng từ những vật dụng cũ, theo phong cách ‘low-maintenance”, điều kiện sống cơ bản, ít cần phải bảo dưỡng, quét dọn nhiều. Từ năm ngoái thì gia đình anh chuyển hẳn về đây vì anh muốn các con của mình được sống gần gũi với thiên nhiên, và hạnh phúc.

Những năm gần đây, An Lạc Trang đã trở thành một địa điểm yêu thích để tổ chức các khóa học yoga, thực hành thiền, các chương trình tu học…  Anh nói rằng mình đã học được rất nhiều từ những vị Thầy đến đây giảng (Thầy Hà Vĩnh Thọ, Thầy Minh Niệm, Sư Tâm Pháp, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc…). Anh mong muốn tạo nên một không gian thiên nhiên trong lành, xanh mát, một nơi chốn bình yên và yêu thương cho gia đình mình và chia sẻ với cộng đồng những người bạn cùng hướng đến lối sống tỉnh thức, những thực hành nuôi dưỡng tinh thần, hạnh phúc và chữa lành từ bên trong như thở, thiền, yoga... Đối với anh, hạnh phúc vốn có sẵn bên trong mỗi chúng ta, và hạnh phúc là quay về kết nối với bản thân nội tâm bên trong mình, là sự có mặt, hiện diện trọn vẹn tại đây, bây giờ để kết nối với thiên nhiên, với những người xung quanh mình, với những gì chân thật, thực sự quan trọng. 

“Không gian này đã làm thay đổi bản thân tôi nhiều hơn là tôi đã thay đổi nó. Khi bạn đi đúng đường và kiên trì thực hành, sự chuyển hóa sẽ đến. Chỉ trong hơn bốn, năm năm trở lại đây, nhờ học từ những vị Thầy đến đây, tôi đã thay đổi rất nhiều. Từ một người “tham lam” muốn ôm đồm nhiều thứ, làm cái này, làm cái kia, tôi đã biết dừng lại, buông bỏ, và nhận ra những gì mới thực sự là quan trọng trong cuộc sống của mình. Hạnh phúc là sự lựa chọn. Hạnh phúc cũng còn là năng lực chấp nhận bản thân cùng với những hạn chế của mình, và chấp nhận những người thân của mình, với tình thương yêu vô điều kiện.” 

Cảm ơn một ngày ở An Lạc Trang. Cảm ơn gia đình người chủ vườn tốt bụng. Cảm ơn những người bạn đồng hành. Câu thơ trong khu vườn Tình Huynh Đệ lại vang lên trong đầu mình. 

"Tất cả cũng tàn phai, chỉ tình thương ở lại." 










Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

Đức Mẹ - Tính Nữ Thiêng Liêng


Cuối tuần rồi, mình thật biết ơn khi được dự khóa học ấm áp và cảm động về Đức Mẹ - Tính Nữ Thiêng Liêng (Divine Mother). Mẹ Thiêng Liêng hiện thân cho Lòng Trắc Ẩn, Từ Bi, Tình Thương, Nuôi Dưỡng, Chăm Sóc, Bảo Hộ với nhiều biến thể trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Nếu phương Tây có Đức Mẹ Mary, thì phương Đông có Đức Mẹ Quan Âm. Đặc biệt, ở Ấn Độ, Đức Mẹ Thiêng Liêng được biểu hiện qua hình ảnh vợ của Thần Shiva - có khi là nữ thần Parvati xinh đẹp hiền dịu, có lúc lại hóa thân là nữ thần Durga hay Kali với tinh thần chiến binh dũng mãnh để bảo vệ cái Thiện trong cuộc chiến với kẻ ác.

Sự tôn thờ Đức Mẹ đã hiện diện từ rất lâu, trong các nền văn minh cổ đại thời Lemuria. Trong bản đồ lục địa Lemuria thời hoàng kim đó, đất nước Việt Nam nằm ở giữa, phải chăng vì thế mà ta có Đạo Mẫu từ truyền thống xa xưa. Thật thú vị khi được nghe các câu chuyện về những nền văn minh cổ, những thiên đàng đã mất không được nhắc đến trong chính sử, trên những lục địa đã chìm dưới đáy đại dương. Sự xuất hiện của những thiên thần sa ngã gây chia rẽ, những cám dỗ của tham vọng quyền lực và vật chất đã khiến các nền văn minh từng vĩ đại một thời sụp đổ. Về mặt biểu tượng, họ sụp đổ, chính bởi vì đã đánh mất ngọn lửa Mẹ Thiêng Liêng... Mình tin rằng chúng ta sẽ rút ra được rất nhiều bài học khi nghiên cứu những nền văn minh đó. Tin vui, ấy là với thời đại Bảo Bình đang đến, tính Nữ Thiêng Liêng được dự báo sẽ trỗi dậy, để lập lại cân bằng và hợp nhất trên thế giới.

Cô giáo đã kể một câu chuyện sự tích Quan Âm cảm động mà cô gọi là "The legend of Miaoshan". Có lẽ người Việt Nam mình khá quen thuộc với câu chuyện Quan Âm Thị Kính, nhưng còn Miaoshan? Sau khi tra cứu thì mình biết được rằng Miaoshan chính là công chúa Diệu Thiện hay còn gọi là Chúa Ba (ba từ chữ shan này chăng?), Quan Âm Nam Hải. Câu chuyện về sự hy sinh của Nàng đã để lại trong mình một ấn tượng sâu sắc...


HUYỀN THOẠI ĐỨC MẸ QUÁN THẾ ÂM


"Vua Diệu Trang Vương (Linh Ưu) có ba người con gái. Ba nàng công chúa lớn lên, nhà vua định hôn cho hai chị của Diệu Thiện là Diệu Thanh và Diệu Âm, với hai vị quan trẻ tuổi và tài giỏi trong triều đình; còn nàng con gái út Diệu Thiện thì nhất định không chịu lấy chồng, mà lại còn có ý xin phép vua cha và mẫu hậu xuất gia tu hành. Công chúa Diệu Thiện không những là tuyệt sắc giai nhân mà còn có tấm lòng thiện lương, tính cách điềm tĩnh nhẹ nhàng và thông minh sắc sảo. Tuy nhiên, nàng đã quyết tâm buông bỏ mọi vinh hoa phú quý chốn cung thành.

Vua Linh Ưu tức giận, đày Diệu Thiện vào trong Hoa Viên lo việc gánh nước tưới hoa, làm các công việc cực khổ; đồng thời cho người khuyến dụ nàng bỏ ý định đi tu, nhưng nàng nhứt định cam chịu khổ chớ không từ bỏ ý định tu hành.

Thấy vậy, Hoàng Hậu rất đau lòng, liền xin với vua Linh Ưu cho Diệu Thiện vào chùa Bạch Tước tu hành. Nhà vua chấp thuận, và ngầm ra lịnh cho các tăng ni trong chùa bắt Diệu Thiện làm các công việc nặng nhọc vất vả, để nàng không chịu nổi mà sớm trở về Cung nội. Diệu Thiện, tâm vẫn cương quyết, làm đầy đủ các bổn phận, dầu rất cực khổ, nhưng không một tiếng than, và luôn luôn lo việc tu hành. Diệu Thiện tu hành ở đó và tình thương của nàng cảm hoá được muông thú.

Nhà vua thấy cách này thất bại, nên nghĩ ra cách sai lính đốt chùa, để Diệu Thiện không còn nơi tu hành, phải trở về Cung nội. Quân lính phóng hỏa khắp bốn mặt, các tăng ni hốt hoảng lo chạy thoát thân, riêng DiệuThiện vẫn điềm tĩnh, nàng lâm râm cầu nguyện, rồi lấy cây trâm chích vào lưỡi, ngước mặt phun máu lên không, tức thì mây đen hiện ra, mưa tuôn xối xả, dập tắt hết các ngọn lửa. Quân lính đều hết sức kinh ngạc.

Nhà vua không vì sự mầu nhiệm đó mà hối hận, lại bắt Diệu Thiện về triều, tổ chức các cuộc đàn hát vui chơi, để làm cho Diệu Thiện say mê, bỏ việc tu hành. Nhưng vua cha vẫn thất bại bởi Đạo tâm vững chắc của nàng con gái út. Nhà vua quá tức giận vì không thực hiện được ý mình, nên ra lịnh tối hậu cho nàng Diệu Thiện chọn một trong hai điều: một là phế việc tu hành, lo bề gia thất; hai là chịu xử trảm vì cãi lịnh vua cha. Nàng Diệu Thiện nhứt quyết chịu chết chớ không chịu bỏ việc tu hành.

Thần Hoàng Bổn Cảnh vội vã bay về Trời tâu trình Thượng Đế, và Đức Thượng Đế ra lịnh cho Thần mau trở về bảo hộ nàng Diệu Thiện. Diệu Thiện bị đưa ra pháp trường hành quyết. Khi đao phủ đưa đao lên định chém xuống thì đao liền gãy nát; lại lấy cung tên đặng bắn cho chết thì khi mũi tên gần tới Diệu Thiện thì mũi tên bị gãy nát. Thấy không giết được Diệu Thiện bằng hai cách trên, kẻ hành quyết liền dùng hai bàn tay đến siết cổ Diệu Thiện.

Bỗng đâu cuồng phong nổi lên, cát bay đá chạy, thiên ám địa hôn, một đạo hào quang bay đến bao phủ nàng Diệu Thiện, rồi Thần Hoàng hóa thành một con hổ lớn cõng Công Chúa Diệu Thiện chạy bay vào rừng. Các quan giám sát cuộc hành quyết bị một phen hoảng vía, trở về triều báo cáo lại với vua tất cả các việc. Nhà vua không chút nao núng phán rằng: Công Chúa mang tội bất hiếu nên bị cọp tha mất xác cho đáng kiếp.

Công Chúa Diệu Thiện bất tỉnh, hồn Công Chúa thấy một vị Sứ giả mặc áo xanh, tay cầm tờ giấy nói rằng: Diêm Vương mời nàng xuống Diêm Cung để xem các cảnh khổ não và những hình phạt nặng nề những linh hồn mà trong kiếp sanh đã làm nhiều điều ác độc.

Thập Điện Diêm Vương cũng muốn nghe nàng thuyết pháp. Công Chúa vâng lịnh, dùng tâm từ bi và sức thần thông thuyết pháp cho 10 vua nghe, các tội hồn trong ngục cũng được nghe và liền giác ngộ. Trong phút chốc, chốn U Minh thành Lạc Cảnh, và các tội hồn đều được thoát ra khỏi ngục, đầu kiếp trở lại cõi trần.

Thấy các cửa ngục đều trống trơn, Thập Điện Diêm Vương vội đưa hồn Diệu Thiện trở lại dương thế và cho nhập vào xác. Nàng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm giữa rừng vắng vẻ, không biết phải làm sao và đi phương nào.

Đức Phật Nhiên Đăng hiện ra trên mây, bảo nàng hãy đi ra biển Nam Hải, đến núi Phổ Đà, tu hành thêm một thời gian nữa thì sẽ đắc đạo, đạt vị Như Lai. Muốn đi đến đó, phải trải qua 3000 dặm đường. Đức Phật Nhiên Đăng lại tặng cho nàng một trái Đào Tiên, ăn vào không biết đói khát trọn năm mà còn được trường sanh bất lão.

Nàng Diệu Thiện nhận lãnh và bái tạ Đức Phật, đoạn nàng tìm đường đi đến Nam Hải. Thái Bạch Kim Tinh hiện xuống, truyền cho Thần Hoàng biến ra Thần hổ, cõng Diệu Thiện đến Phổ Đà Sơn cho mau lẹ. Tại Phổ Đà Sơn, nàng Diệu Thiện tu thiền định trong 9 năm, đạo pháp đạt được cao siêu trở thành Đức Quan Âm Nam Hải.

Từ khi vua Linh Ưu ra lịnh giết chết Diệu Thiện, và Diệu Thiện được Thần Hoàng cứu thoát, nhà vua mắc một chứng bịnh nan y vô cùng khổ sở, thân thể nhà vua bị lở loét ngoài da cùng mình, mùi hôi thối xông ra nồng nặc, nhức nhối đau đớn vô cùng. Nhiều danh y tới điều trị mà bịnh vẫn không thuyên giảm chút nào.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở Nam Hải hay biết việc đó, nên Ngài hóa ra một vị sư già, đi đến kinh thành xin vào trị bịnh cho vua Linh Ưu. Sau khi xem mạch vua, vị sư già tâu: Bịnh của Bệ hạ do oan nghiệt nhập với chất độc cao lương mỹ vị và tửu nhục hằng ngày, nên phát sanh ra ngoài da thành bịnh nan y. Nếu muốn chữa lành thì phải có đôi mắt và đôi cánh tay của một người con thì mới chế thuốc được.

Nghe vậy, nhà vua cho đòi hai Công chúa Diệu Thanh, Diệu Âm và hai Phò mã đến, rồi nhà vua lập lại lời nói của vị sư già, hỏi xem có đứa con nào dám hy sinh để trị bịnh cho vua cha không?

Hai Công chúa cùng tâu: Xin Phụ vương đừng nghe lời ông sãi mầm nầy, bởi vì một người bị khoét đôi mắt và bị chặt hết hai tay thì dù có sống cũng chẳng ra chi. Chẳng lẽ cứu bịnh một người mà lại hủy hoại một người khác hay sao?

Vua Linh Ưu chợt nhớ tới Công chúa Út là Diệu Thiện, liền than: Nếu Diệu Thiện còn sống thì Trẫm ắt lành bịnh, vì Diệu Thiện sẽ hy sinh cho Trẫm.

Vị Sư già liền tâu: Tâu Bệ hạ, Bần tăng biết rõ Công chúa Diệu Thiện hiện vẫn còn sống, ở tại núi Phổ Đà, biển Nam Hải. Xin Bệ hạ cho người đi đến đó, tìm Công chúa thì may ra chế được thuốc cho nhà vua. Bần tăng xin để thuốc lại đây, khi nào có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện đem về thì nhập với thuốc nầy, nấu chung lại, rồi trong uống, ngoài thoa, bịnh của Bệ hạ sẽ hết ngay. Vị Sư già nói xong thì từ giã nhà vua trở về núi.

Vua Linh Ưu rất mừng, liền cho sứ giả sắp đặt hành trang lên đường đi Nam Hải, tìm Công chúa Diệu Thiện. Khi sứ giả đến được Phổ Đà Sơn thì gặp một đồng tử bưng ra một cái mâm phủ vải trắng còn thấm máu tươi, trong đó có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện, đem ra trao cho sứ giả và nói: "Đây là đôi mắt và hai cánh tay của Công chúa Diệu Thiện, sứ giả hãy mau đem về chế thuốc trị bịnh cho vua."

Hoàng Hậu khi nhìn thấy sứ giả đem đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện về, còn dính máu tươi thì òa lên khóc mướt. Thị vệ liền đem nấu với thuốc do vị Sư già để lại, cho nhà vua uống phân nửa, còn phân nửa để thoa lên khắp mình mẩy, phút chốc, thân thể nhà vua lành lặn như xưa, hết đau nhức, mà lại còn cảm thấy khỏe khoắn hơn trước.

Vua Linh Ưu và Hoàng Hậu cảm mến ơn nghĩa của Diệu Thiện, nên quyết định đi ra Phổ Đà Sơn một chuyến để tạ ơn. Xa giá đăng trình, gặp không biết bao nhiêu nguy hiểm, nhưng đều được Quan Âm Bồ Tát dùng thần thông cứu khỏi.

Đến nơi, vua Linh Ưu và Hoàng Hậu thấy một vị Bồ Tát đang ngự trên tòa sen, nhưng mất cả hai cánh tay và hai con mắt. Vua biết đó là Công chúa Diệu Thiện, con của mình, nên vô cùng xúc động, nhớ lại mà ăn năn sám hối lỗi lầm, rồi đồng quì xuống cầu nguyện cùng Trời Phật xin cho Công chúa được lành lặn như xưa.

Sự thành tâm cầu nguyện của vua và Hoàng Hậu có kết quả, Bồ Tát Diệu Thiện liền hiện hào quang với ngàn tay và ngàn mắt. Lúc ấy, vua và Hoàng Hậu đều giác ngộ, quyết rời bỏ điện ngọc ngai vàng, đem mình vào chốn Thiền môn, lo tu hành cầu giải thoát."

"Một chi tiết thú vị khác là thánh địa Phổ Đà Sơn, chốn bồng lai tiên cảnh ấy không chỉ có một, mà hiện hữu ở cả ba vùng đất nơi Phật giáo phát triển rực rỡ huy hoàng: Ấn Độ – Trung Quốc – Việt Nam. Cả ba ngọn núi ấy cùng chung một cái tên, ở Ấn Độ là Potalaka (Nam Ấn, thuộc tiểu bang Tamil Nadu), ở Trung Quốc là Phổ Đà Sơn (Chiết Giang), ở Việt Nam là núi Phổ Đà thuộc khu di tích Hương Sơn, chùa Hương, Hà Nội."