Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

Đức Mẹ - Tính Nữ Thiêng Liêng


Cuối tuần rồi, mình thật biết ơn khi được dự khóa học ấm áp và cảm động về Đức Mẹ - Tính Nữ Thiêng Liêng (Divine Mother). Mẹ Thiêng Liêng hiện thân cho Lòng Trắc Ẩn, Từ Bi, Tình Thương, Nuôi Dưỡng, Chăm Sóc, Bảo Hộ với nhiều biến thể trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Nếu phương Tây có Đức Mẹ Mary, thì phương Đông có Đức Mẹ Quan Âm. Đặc biệt, ở Ấn Độ, Đức Mẹ Thiêng Liêng được biểu hiện qua hình ảnh vợ của Thần Shiva - có khi là nữ thần Parvati xinh đẹp hiền dịu, có lúc lại hóa thân là nữ thần Durga hay Kali với tinh thần chiến binh dũng mãnh để bảo vệ cái Thiện trong cuộc chiến với kẻ ác.

Sự tôn thờ Đức Mẹ đã hiện diện từ rất lâu, trong các nền văn minh cổ đại thời Lemuria. Trong bản đồ lục địa Lemuria thời hoàng kim đó, đất nước Việt Nam nằm ở giữa, phải chăng vì thế mà ta có Đạo Mẫu từ truyền thống xa xưa. Thật thú vị khi được nghe các câu chuyện về những nền văn minh cổ, những thiên đàng đã mất không được nhắc đến trong chính sử, trên những lục địa đã chìm dưới đáy đại dương. Sự xuất hiện của những thiên thần sa ngã gây chia rẽ, những cám dỗ của tham vọng quyền lực và vật chất đã khiến các nền văn minh từng vĩ đại một thời sụp đổ. Về mặt biểu tượng, họ sụp đổ, chính bởi vì đã đánh mất ngọn lửa Mẹ Thiêng Liêng... Mình tin rằng chúng ta sẽ rút ra được rất nhiều bài học khi nghiên cứu những nền văn minh đó. Tin vui, ấy là với thời đại Bảo Bình đang đến, tính Nữ Thiêng Liêng được dự báo sẽ trỗi dậy, để lập lại cân bằng và hợp nhất trên thế giới.

Cô giáo đã kể một câu chuyện sự tích Quan Âm cảm động mà cô gọi là "The legend of Miaoshan". Có lẽ người Việt Nam mình khá quen thuộc với câu chuyện Quan Âm Thị Kính, nhưng còn Miaoshan? Sau khi tra cứu thì mình biết được rằng Miaoshan chính là công chúa Diệu Thiện hay còn gọi là Chúa Ba (ba từ chữ shan này chăng?), Quan Âm Nam Hải. Câu chuyện về sự hy sinh của Nàng đã để lại trong mình một ấn tượng sâu sắc...


HUYỀN THOẠI ĐỨC MẸ QUÁN THẾ ÂM


"Vua Diệu Trang Vương (Linh Ưu) có ba người con gái. Ba nàng công chúa lớn lên, nhà vua định hôn cho hai chị của Diệu Thiện là Diệu Thanh và Diệu Âm, với hai vị quan trẻ tuổi và tài giỏi trong triều đình; còn nàng con gái út Diệu Thiện thì nhất định không chịu lấy chồng, mà lại còn có ý xin phép vua cha và mẫu hậu xuất gia tu hành. Công chúa Diệu Thiện không những là tuyệt sắc giai nhân mà còn có tấm lòng thiện lương, tính cách điềm tĩnh nhẹ nhàng và thông minh sắc sảo. Tuy nhiên, nàng đã quyết tâm buông bỏ mọi vinh hoa phú quý chốn cung thành.

Vua Linh Ưu tức giận, đày Diệu Thiện vào trong Hoa Viên lo việc gánh nước tưới hoa, làm các công việc cực khổ; đồng thời cho người khuyến dụ nàng bỏ ý định đi tu, nhưng nàng nhứt định cam chịu khổ chớ không từ bỏ ý định tu hành.

Thấy vậy, Hoàng Hậu rất đau lòng, liền xin với vua Linh Ưu cho Diệu Thiện vào chùa Bạch Tước tu hành. Nhà vua chấp thuận, và ngầm ra lịnh cho các tăng ni trong chùa bắt Diệu Thiện làm các công việc nặng nhọc vất vả, để nàng không chịu nổi mà sớm trở về Cung nội. Diệu Thiện, tâm vẫn cương quyết, làm đầy đủ các bổn phận, dầu rất cực khổ, nhưng không một tiếng than, và luôn luôn lo việc tu hành. Diệu Thiện tu hành ở đó và tình thương của nàng cảm hoá được muông thú.

Nhà vua thấy cách này thất bại, nên nghĩ ra cách sai lính đốt chùa, để Diệu Thiện không còn nơi tu hành, phải trở về Cung nội. Quân lính phóng hỏa khắp bốn mặt, các tăng ni hốt hoảng lo chạy thoát thân, riêng DiệuThiện vẫn điềm tĩnh, nàng lâm râm cầu nguyện, rồi lấy cây trâm chích vào lưỡi, ngước mặt phun máu lên không, tức thì mây đen hiện ra, mưa tuôn xối xả, dập tắt hết các ngọn lửa. Quân lính đều hết sức kinh ngạc.

Nhà vua không vì sự mầu nhiệm đó mà hối hận, lại bắt Diệu Thiện về triều, tổ chức các cuộc đàn hát vui chơi, để làm cho Diệu Thiện say mê, bỏ việc tu hành. Nhưng vua cha vẫn thất bại bởi Đạo tâm vững chắc của nàng con gái út. Nhà vua quá tức giận vì không thực hiện được ý mình, nên ra lịnh tối hậu cho nàng Diệu Thiện chọn một trong hai điều: một là phế việc tu hành, lo bề gia thất; hai là chịu xử trảm vì cãi lịnh vua cha. Nàng Diệu Thiện nhứt quyết chịu chết chớ không chịu bỏ việc tu hành.

Thần Hoàng Bổn Cảnh vội vã bay về Trời tâu trình Thượng Đế, và Đức Thượng Đế ra lịnh cho Thần mau trở về bảo hộ nàng Diệu Thiện. Diệu Thiện bị đưa ra pháp trường hành quyết. Khi đao phủ đưa đao lên định chém xuống thì đao liền gãy nát; lại lấy cung tên đặng bắn cho chết thì khi mũi tên gần tới Diệu Thiện thì mũi tên bị gãy nát. Thấy không giết được Diệu Thiện bằng hai cách trên, kẻ hành quyết liền dùng hai bàn tay đến siết cổ Diệu Thiện.

Bỗng đâu cuồng phong nổi lên, cát bay đá chạy, thiên ám địa hôn, một đạo hào quang bay đến bao phủ nàng Diệu Thiện, rồi Thần Hoàng hóa thành một con hổ lớn cõng Công Chúa Diệu Thiện chạy bay vào rừng. Các quan giám sát cuộc hành quyết bị một phen hoảng vía, trở về triều báo cáo lại với vua tất cả các việc. Nhà vua không chút nao núng phán rằng: Công Chúa mang tội bất hiếu nên bị cọp tha mất xác cho đáng kiếp.

Công Chúa Diệu Thiện bất tỉnh, hồn Công Chúa thấy một vị Sứ giả mặc áo xanh, tay cầm tờ giấy nói rằng: Diêm Vương mời nàng xuống Diêm Cung để xem các cảnh khổ não và những hình phạt nặng nề những linh hồn mà trong kiếp sanh đã làm nhiều điều ác độc.

Thập Điện Diêm Vương cũng muốn nghe nàng thuyết pháp. Công Chúa vâng lịnh, dùng tâm từ bi và sức thần thông thuyết pháp cho 10 vua nghe, các tội hồn trong ngục cũng được nghe và liền giác ngộ. Trong phút chốc, chốn U Minh thành Lạc Cảnh, và các tội hồn đều được thoát ra khỏi ngục, đầu kiếp trở lại cõi trần.

Thấy các cửa ngục đều trống trơn, Thập Điện Diêm Vương vội đưa hồn Diệu Thiện trở lại dương thế và cho nhập vào xác. Nàng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm giữa rừng vắng vẻ, không biết phải làm sao và đi phương nào.

Đức Phật Nhiên Đăng hiện ra trên mây, bảo nàng hãy đi ra biển Nam Hải, đến núi Phổ Đà, tu hành thêm một thời gian nữa thì sẽ đắc đạo, đạt vị Như Lai. Muốn đi đến đó, phải trải qua 3000 dặm đường. Đức Phật Nhiên Đăng lại tặng cho nàng một trái Đào Tiên, ăn vào không biết đói khát trọn năm mà còn được trường sanh bất lão.

Nàng Diệu Thiện nhận lãnh và bái tạ Đức Phật, đoạn nàng tìm đường đi đến Nam Hải. Thái Bạch Kim Tinh hiện xuống, truyền cho Thần Hoàng biến ra Thần hổ, cõng Diệu Thiện đến Phổ Đà Sơn cho mau lẹ. Tại Phổ Đà Sơn, nàng Diệu Thiện tu thiền định trong 9 năm, đạo pháp đạt được cao siêu trở thành Đức Quan Âm Nam Hải.

Từ khi vua Linh Ưu ra lịnh giết chết Diệu Thiện, và Diệu Thiện được Thần Hoàng cứu thoát, nhà vua mắc một chứng bịnh nan y vô cùng khổ sở, thân thể nhà vua bị lở loét ngoài da cùng mình, mùi hôi thối xông ra nồng nặc, nhức nhối đau đớn vô cùng. Nhiều danh y tới điều trị mà bịnh vẫn không thuyên giảm chút nào.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở Nam Hải hay biết việc đó, nên Ngài hóa ra một vị sư già, đi đến kinh thành xin vào trị bịnh cho vua Linh Ưu. Sau khi xem mạch vua, vị sư già tâu: Bịnh của Bệ hạ do oan nghiệt nhập với chất độc cao lương mỹ vị và tửu nhục hằng ngày, nên phát sanh ra ngoài da thành bịnh nan y. Nếu muốn chữa lành thì phải có đôi mắt và đôi cánh tay của một người con thì mới chế thuốc được.

Nghe vậy, nhà vua cho đòi hai Công chúa Diệu Thanh, Diệu Âm và hai Phò mã đến, rồi nhà vua lập lại lời nói của vị sư già, hỏi xem có đứa con nào dám hy sinh để trị bịnh cho vua cha không?

Hai Công chúa cùng tâu: Xin Phụ vương đừng nghe lời ông sãi mầm nầy, bởi vì một người bị khoét đôi mắt và bị chặt hết hai tay thì dù có sống cũng chẳng ra chi. Chẳng lẽ cứu bịnh một người mà lại hủy hoại một người khác hay sao?

Vua Linh Ưu chợt nhớ tới Công chúa Út là Diệu Thiện, liền than: Nếu Diệu Thiện còn sống thì Trẫm ắt lành bịnh, vì Diệu Thiện sẽ hy sinh cho Trẫm.

Vị Sư già liền tâu: Tâu Bệ hạ, Bần tăng biết rõ Công chúa Diệu Thiện hiện vẫn còn sống, ở tại núi Phổ Đà, biển Nam Hải. Xin Bệ hạ cho người đi đến đó, tìm Công chúa thì may ra chế được thuốc cho nhà vua. Bần tăng xin để thuốc lại đây, khi nào có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện đem về thì nhập với thuốc nầy, nấu chung lại, rồi trong uống, ngoài thoa, bịnh của Bệ hạ sẽ hết ngay. Vị Sư già nói xong thì từ giã nhà vua trở về núi.

Vua Linh Ưu rất mừng, liền cho sứ giả sắp đặt hành trang lên đường đi Nam Hải, tìm Công chúa Diệu Thiện. Khi sứ giả đến được Phổ Đà Sơn thì gặp một đồng tử bưng ra một cái mâm phủ vải trắng còn thấm máu tươi, trong đó có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện, đem ra trao cho sứ giả và nói: "Đây là đôi mắt và hai cánh tay của Công chúa Diệu Thiện, sứ giả hãy mau đem về chế thuốc trị bịnh cho vua."

Hoàng Hậu khi nhìn thấy sứ giả đem đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện về, còn dính máu tươi thì òa lên khóc mướt. Thị vệ liền đem nấu với thuốc do vị Sư già để lại, cho nhà vua uống phân nửa, còn phân nửa để thoa lên khắp mình mẩy, phút chốc, thân thể nhà vua lành lặn như xưa, hết đau nhức, mà lại còn cảm thấy khỏe khoắn hơn trước.

Vua Linh Ưu và Hoàng Hậu cảm mến ơn nghĩa của Diệu Thiện, nên quyết định đi ra Phổ Đà Sơn một chuyến để tạ ơn. Xa giá đăng trình, gặp không biết bao nhiêu nguy hiểm, nhưng đều được Quan Âm Bồ Tát dùng thần thông cứu khỏi.

Đến nơi, vua Linh Ưu và Hoàng Hậu thấy một vị Bồ Tát đang ngự trên tòa sen, nhưng mất cả hai cánh tay và hai con mắt. Vua biết đó là Công chúa Diệu Thiện, con của mình, nên vô cùng xúc động, nhớ lại mà ăn năn sám hối lỗi lầm, rồi đồng quì xuống cầu nguyện cùng Trời Phật xin cho Công chúa được lành lặn như xưa.

Sự thành tâm cầu nguyện của vua và Hoàng Hậu có kết quả, Bồ Tát Diệu Thiện liền hiện hào quang với ngàn tay và ngàn mắt. Lúc ấy, vua và Hoàng Hậu đều giác ngộ, quyết rời bỏ điện ngọc ngai vàng, đem mình vào chốn Thiền môn, lo tu hành cầu giải thoát."

"Một chi tiết thú vị khác là thánh địa Phổ Đà Sơn, chốn bồng lai tiên cảnh ấy không chỉ có một, mà hiện hữu ở cả ba vùng đất nơi Phật giáo phát triển rực rỡ huy hoàng: Ấn Độ – Trung Quốc – Việt Nam. Cả ba ngọn núi ấy cùng chung một cái tên, ở Ấn Độ là Potalaka (Nam Ấn, thuộc tiểu bang Tamil Nadu), ở Trung Quốc là Phổ Đà Sơn (Chiết Giang), ở Việt Nam là núi Phổ Đà thuộc khu di tích Hương Sơn, chùa Hương, Hà Nội."



2 nhận xét:

  1. "Năng lượng nữ tính – Ánh sáng từ Ngọn lửa tình yêu của Đức mẹ thiêng liêng

    Năng lượng nữ tính thể hiện bởi sự từ bi, lòng bao dung, sự trắc ẩn, tình yêu thương, sự bình an, sự thuần khiết, sự quan tâm, chăm sóc, tận tụy, sự chân thật.

    Năng lượng nữ tính không phải chỉ đức tính hay phẩm chất của người phụ nữ.

    Năng lượng nữ tính là sự hiển lộ ánh sáng từ Ngọn lửa tình yêu của Đức mẹ thiêng liêng, là năng lượng của Nữ Thần Isis, và năng lượng này có thể được hiển lộ thông hình tướng của 1 người đàn ông hoặc 1 người phụ nữ.

    Năng lượng của Người Mẹ Thiêng Liêng có thể được hiển lộ thông qua Lão Tử, Đức Phật, Chúa Giêsu.
    Năng lượng thiêng liêng của Đức Mẹ là vô cùng to lớn. Chẳng hạn như Chúa Giêsu là người luôn có lòng thương xót rất lớn đối với phụ nữ. Và mối quan hệ với mẹ, với vợ là mối quan hệ với thượng đế. 1 người sẽ không được xem là “thánh thiện” khi họ xem thường và xúc phạm phụ nữ.

    Điều này, có vẻ trái ngược với 1 thời kỳ xa xưa khi mà người phụ nữ được xem là người phục dịch và tuân lệnh đàn ông, đã có 1 thời kỳ năng lượng nữ tính bị hạ thấp bởi cả 2 giới: nam và nữ. Đàn ông xem thường phụ nữ, và người phụ nữ cho phép người khác hạ thấp năng lượng nữ tính của mình. Nguyên nhân là do linh hồn bị mất cân bằng, mất kết nối với năng lượng nữ tính bên trong của chính mình. Và người mất kết nối với năng lượng nữ tính của mình, họ sẽ có khó khăn trong mối quan hệ với người mẹ vật lý, và do đó , họ cũng không thể kết nối với Năng lượng của Người Mẹ Thiêng Liêng Và thật khó khăn để người đó làm hòa với người mẹ vật lý của mình, họ luôn muốn có 1 người mẹ tốt, nhưng họ không tin tưởng vào sự tốt đẹp của người mẹ vật lý.

    Và khi 1 người đàn ông hay người phụ nữ, mất kết nối với năng lượng nữ tính bên trong chính mình, chúng ta cũng mất khả năng kết nối với thượng đế. Bởi vì Năng lượng nữ tính đại diện cho năng lượng của luân xa gốc, khi luân xa gốc bị mất kết nối, năng lượng không thể đi lên các luân xa cao hơn, ko thể đi qua huyệt bách hội, để kết nối với cái tôi cao hơn, kết nối với vũ trụ. Và năng lượng nữ tính cũng chính là năng lượng của Kundalini.

    Đánh mất năng lượng nữ tính, chúng ta đánh mất ánh sáng – ngọn lửa tình yêu của Đức mẹ thiêng liêng, đồng nghĩa chúng ta đã đánh mất sự kết nối với tinh thần thánh linh, và do đó, chúng ta có thể chỉ phát triển chủ nghĩa duy vật, sống đời sống vật chất và xem vật chất là quan trọng. Và đó cũng chính là nguyên nhân sụp đổ của nền văn minh Lumira (đánh dấu bằng sự nhấn chìm của lục địa Atlantic xuống đáy đại dương cách đây 12.000 năm, và bây giờ chỉ còn lại vết tích của vành đai lửa trên Thái Bình Dương)."

    ~ Quỳnh Châu

    Trả lờiXóa
  2. "Thế hệ của chúng ta quá bận rộn khi cố gắng chứng minh rằng phụ nữ có thể làm mọi thứ mà đàn ông có thể làm, phụ nữ đang đánh mất những phẩm chất độc đáo khiến chúng ta khác biệt.

    Sự nữ tính do Thiên Chúa ban tặng và sự độc nhất mà Đấng Tạo Hóa mang đến khi tạo ra chúng ta.

    Phụ nữ không được sinh ra để làm mọi thứ mà đàn ông có thể làm .... Phụ nữ được sinh ra để làm mọi thứ mà đàn ông không thể làm. "- Khuyết danh

    Con sư tử cái không cố gắng trở thành sư tử đực. Nó làm tốt vai trò của nó là một con cái. Nó khoẻ khoắn , bền bỉ và biết yêu thương chăm sóc. Không hề lẫn lộn giữa nhu mì và sự yếu đuối.

    Thế giới cần nhiều người phụ nữ tốt bụng, nhân ái, khiêm tốn, chung thủy, kiên trì, tự tin, quyết liệt, táo bạo, thuần khiết và dịu dàng.

    Hãy là một trong số họ. 🌹"

    FB:Sarah Vogel
    Translated by Kevvy.

    Trả lờiXóa