Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Các ảnh hưởng chiêm tinh lên một người ở một thời điểm

Ghi chép từ ý kiến của Zim trong nhóm Host chiêm tinh: 

Thực sự 1 thời điểm trong cuộc đời mình, nó chịu ảnh hưởng của những năng lượng sau đây:

- Lá số bẩm sinh

- Cấu trúc cung ray

- Lá số tiến trình

- Lá số quá cảnh ngày, giờ

- Lá nhật thực- ảnh hưởng 3 năm kể từ mỗi thời điểm diễn ra nhật thực

- Lá nguyệt thực ảnh hưởng 6 tháng

- Mà 1 năm 4-5 lần nhật thực nguyệt thực nên ảnh hưởng nó chồng lên nhau. Nhưng ảnh hưởng này chỉ rõ ràng khi nhật thực nguyệt thực tạo góc chiếu mạnh với lá số. Nếu ko thì cũng ko bị ảnh hưởng gì mấy.

- Ảnh hưởng tổng hợp của tâm thức nhóm người mình hay tiếp xúc gần gũi nhất

- Ảnh hưởng của công phu tu tập thiền định minh triết có thể chuyển hóa mọi năng lượng tốt xấu của các gạch đầu dòng trên

- Nên để xét một hiện tượng đã trổ quả trên cõi trần cho mình thấy thì thường là nó là kết quả tổng hòa của những gạch đầu dòng trên cái đầu dòng này.

- Tuy nhiên, có những thời điểm, một số góc chiếu chiêm tinh cá nhân quá mạnh đến nỗi nó manifest ra hiện tượng liên quan gần như trực tiếp với ảnh hưởng chiêm tinh đó mà thôi. Nhưng thời là trong 1 đoạn rất ngắn vì ngay khi nó diễn ra thì cách người ta phản ứng với sự kiện đã thêm vào năng lượng của tâm thức họ tại thời điểm đó và cộng nghiệp chung của môi trường họ đang sống.



Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Ngẫm về tiền

Hôm nay nghe Chị H. nói về tài chính dịp nguyệt thực quá cảnh nhà số 8, thấy hay ho, nên lưu lại. 

"Nhưng mà ngẫm lại về mối quan hệ với tài chính, tiền bạc hay phết, đây đúng là cơ hội để nhìn lại và học bài học. Thiên hạ trong đó đã từng có cả mình thật quá lãng phí thời gian xoay vần với tiền bạc, dù thực sự ko cần đến thế. 

Về 1 khía cạnh nào đó nếu tiền có nhiều hơn nhu cầu thì thực sự là gánh nặng😃 Vì nó hút sinh lực của mình vào việc bảo quản và duy trì giá trị của tài sản, mà bản chất lại là ảo vì không có nhu cầu thực. Chưa kể việc nắm giữ nhiều hơn mình cần lại tạo ra thiếu hụt ở người khác. Như đất đai chẳng hạn."




Nền tảng của vô úy chính là phát triển sự từ bỏ

"Dịu dàng là đỉnh cao của tinh thần chiến binh!" ~ Zim Zim

Hôm nay Zim gửi bài viết này trên trang Trí Tuệ Cảm Xúc: https://www.facebook.com/photo/?fbid=282353107233504&set=a.244317197703762

Bình luận của K. Panda:

"Ngài Chogyam Trungpa lập nên trường đào tạo "Shambhala". Nghe quen thuộc không ạ. Chắc hẳn Ngài có liên hệ nào đó với Shamballa. Một manh mối của đệ tử cung 1. Sức mạnh (strength), sự can đảm (courage - Mars), kiên định (steadfastness - công thức cung 4), fearlessness là tính chất của cung 1 và là kết quả thành tựu của Scorpio. 

Cách Ngài diễn giải về sự "không sợ hãi" thật thú vị. "Sự nhạy cảm đó là kinh nghiệm của chiến binh". Ngài sinh ra trong Pisces, chủ âm là sự nhạy cảm. Một đệ tử cung 1 trong Pisces có thể biểu hiện kinh nghiệm của một chiến binh nhạy cảm. Trong câu nói "Tinh thần chiến binh dịu dàng...trần trụi và nguyên dạng", diễn tả một kinh nghiệm cao siêu. Neptune, ruler của Pisces, là hành tinh của sự nhạy cảm, và cũng là hành tinh của sự trần trụi, vì Neptune là sự không giới hạn (boundrylessness), không có bất kỳ rào cản nào, không có "áo giáp". Tất cả đều được phô bày, tất cả đều được cho thấy sự "nguyên dạng", một tâm thức rất cao vì nó chạm vào "bản thể tinh thần" hay Như Lai. 

"Nền tảng của sự không sợ hãi...chính là phát triển sự từ bỏ" Chủ âm khác của Pisces là sự từ bỏ, cũng như đối cực của Scorpio là Taurus (giả định cung mọc của Ngài), nhưng đó cũng là tính chất của cung 1. Những người đi trên con đường Bồ Tát Đạo của cung hai luôn dịu dàng, ngay cả khi họ là một chiến binh. 

Nếu một người sinh ra trong Hổ Cáp, dưới sự thức tỉnh của Linh Hồn, người đó sẽ thể hiện "tinh thần chiến binh rất dịu dàng". Ngài dạy rằng "nền tảng của sự không sợ hãi là từ bỏ tâm hồn cứng rắn, mà trở nên dịu dàng". Có lẽ chính xác hơn thì Ngài dành lời khuyên này cho những người đệ tử cung 1, vốn không sợ hãi và thực hiện hạnh từ bỏ dễ dàng, nhưng tật xấu điển hình của họ là sự cứng rắn (hardness), sự kết tinh của Capricorn hay Saturn, và Đức DK khuyên nên vun trồng "sự dịu dàng, tính nhạy cảm (tenderness)". 

Hổ Cáp là có tất cả các cung này, bởi vì Hổ Cáp cai quản Con Đường Đệ Tử và Đệ Tử "The Disciple". Hổ Cáp truyền dẫn cung 1, thể hiện qua vị Huấn Sư cung 1 Hercules. Hổ Cáp là dấu hiệu tam phân, sự hợp nhất của cả ba trạng thái thiêng liêng, một sự cộng hưởng trạng thái thứ nhất Sự Sống và cung 1. Trạng thái thứ hai là Linh Hồn, biểu hiện cung hai "dịu dàng". Hổ Cáp dấu hiệu của Chiến Binh. Vậy thì một Hổ Cáp điển hình thực sự là "một Chiến Binh vô úy đầy dịu dàng" chiến đấu, chiến thắng, bằng sự trần trụi, và với sự từ bỏ, họ đạt đến sự nguyên dạng bằng cách vượt qua dục vọng."


Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Sự nhuốm màu của các cung năng lượng và Trí Tuệ của Trái Tim

 Chia sẻ của Zim Zim trong nhóm MFVN:

"Thêm một chút thông tin về sự nhuốm màu của các cung năng lượng, lượm lặt từ các cuộc nói chuyện ngắn với Thầy ạ. Cung Phàm Ngã (Personality Ray) sẽ nhuốm màu cung của thể xác (Physical body's ray). Nên ví dụ một người thấy mình có cung thể xác là cung 7 nhưng mà lại có khả năng làm việc với cường độ cao, không điều độ, ngủ ít mà vẫn function được là do cung phàm ngã (personality ray) cung 1 của họ nhuốm màu thể xác. Cái này bắt nguồn từ việc em hỏi sao bà Alice Bailey ngủ 3 tiếng 1 ngày mà bà ấy vẫn hoạt động bt đc. Thể xác của bà ấy là cung gì? Thầy trả lời, thể xác của bà là cung 7 nhưng phàm ngã của bà ấy là cung 1 nên nó điều khiển được cả cái thể xác của bà luôn.

Thêm vào đó, cung thể xác (physical body ray) cũng nhuốm màu tính chất của não bộ hồng trần. Nên một số người nghĩ mình có thể trí (mental body) cung 4 mà lại thấy mình cũng thích sắp xếp, tổ chức gọn gàng thì là do cung của thể xác (physical body) nhuốm màu lên cách bộ não hồng trần vận hành.

Tương tự như vậy, cung của linh hồn sẽ nhuốm màu cung của thể cảm dục và cung của Chân Thần sẽ nhuốm màu cung của thể Trí.

Linh Hồn có thể ảnh hưởng lên chúng ta ở các cấp độ lần lượt là trực giác, thể cảm dục và trái tim. Cho nên, chúng ta luôn luôn được nhắc nhở là làm mọi việc với "động cơ trong sáng", tức là động cơ xuất phát trực tiếp từ trái tim, heart intelligence là loại trí huệ cao siêu hơn rational mind thông thường. Nên mới có câu "suy nghĩ bằng trái tim" là như vậy. Trái tim, luân xa tim quan trọng lắm. Nhịp đập của trái tim vật lý, phản ánh phần nào hoặc toàn phần về sự chỉnh hợp giữa các thể của phàm ngã và phàm ngã với linh hồn. Điều này đã được khoa học thực nghiệm HRV chứng minh mối liên hệ của nhịp tim với cảm xúc, độ sáng suốt của trí tuệ và sức khỏe toàn diện của con người."



Trăng tròn Hổ Cáp - Tưởng niệm đồng bào

K. Panda chia sẻ trong nhóm MFVN:

"Tối nay cả nước cùng thắp đèn tưởng niệm chiến sĩ, đồng bào hy sinh, tử vong trong đại dịch. Đó là một nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, và ý nghĩa hơn khi thời điểm diễn ra vào ngày rằm tháng mười, theo quan niệm dân gian, việc hướng về Phật Thánh thường diễn ra vào ngày sóc vọng. Đây là lời khấn nguyện thể hiện ý định của quần chúng, chắc chắn rằng sẽ có tác dụng. 

Đối với học viên huyền bí, thời điểm này sẽ có nhiều ý nghĩa hơn vì khoảnh khắc trăng tròn Hổ Cáp đưa đến nhiều năng lượng có lợi. Gần một năm nay, Saturn,  vị Chúa Nghiệp Quả ở trong dấu hiệu phổ quát Aquarius thường gắn liền với nghiệp tập thể. Đặc biệt, khi được kích hoạt bởi năng lượng của Shamballa, vốn luôn rất mạnh mẽ ở phần tư đầu thế kỷ. Ảnh hưởng quá cảnh được kết hợp với ảnh hưởng trong một chu kỳ lâu dài hơn đến từ tam giác Leo - Saturn - Shamballa liên động với tam giác Capricorn - Mercury - Humanity, vì Saturn là chủ tinh của Capricorn. Saturn là hành tinh mang trong mình mầm mống của sự chết, kết hợp với sự thoái trào của kỷ nguyên Song Ngư, dấu hiệu liên quan đến phương diện hủy diệt của cung một. 

Song Ngư mang lại cái chết hay kết thúc chu kỳ cho những hình tướng cũ kỹ. Sự hủy diệt trên diện rộng là điều cần thiết để mở đường cho kỷ nguyên mới Bảo Bình đi vào. Một ảnh hưởng khác đến từ Aries - Leo - Virgo, trong đó, Aries là sự khởi đầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của trật tư mới và các mối liên hệ nhóm, Leo đang ảnh hưởng mạnh mẽ khi một số lớn người trở nên hữu ngã thức và đặc biệt liên quan đến cuộc điểm đạo thứ nhất nằm phía trước nhân loại, vốn đang bắt đầu đáp ứng với tâm thức Christ mà Virgo bảo dưỡng. 

Nghiệp quả, sự hủy diệt dẫn đến kỷ nguyên mới và điểm đạo. Tuy nhiên, tác động khủng khiếp của cái chết trong nhận thức của nhiều người là một cản trở. Cùng với nỗi sợ hãi, phiền muộn và đau khổ bao trùm, họ thường bị mắc kẹt ở trong cõi cảm dục.

Từ xưa đến nay, người ta thường làm các đàn lễ phả độ để giúp cho những người mới thoát xác được siêu thoát. Bản chất của phương pháp này là thượng thừa Phật Lực, được kêu gọi thông qua các nghi thức và thần chú, nhằm phá vỡ ngục tù hay dục giới đang giam cầm các thực thể trong lớp vỏ thể vía hay các lớp áo cảm dục. Về mặt huyền bí, cách thức này cũng giống như phương pháp xua tan ảo cảm, vốn sử dụng ánh sáng như tác nhân. Bởi Đức Phật là vị Chúa của Ánh Sáng, vào thời của Ngài, cùng với 900 vị La Hán, Ngài giáng cú đánh đầu tiên vào cõi cảm dục, vậy nên, phương pháp này luôn hiệu quả, đặc biệt khi được những nhà huyền bí sử dụng. Ánh sáng Giác ngộ cũng là chủ âm của Hổ Cáp, dấu hiệu đối cực với Kim Ngưu, Mẹ của Giác Ngộ. Hai đối cực luôn bổ sung và làm lợi cho nhau, và trong tâm thức của điểm đạo đồ, chúng được hợp nhất thành một tổng hợp uyển chuyển. Trăng tròn Hổ Cáp, cùng với Leo tháng 8, là hai kỳ mà năng lượng Sirius được kêu gọi. Sirius - Scorpio - Mars, được liên kết với Thánh Đoàn và do đó với nhân loại. 

Định luật nghiệp quả và định luật giải phóng có nguồn gốc từ Sirius. Đồng thời Sirius cai quản mọi cuộc điểm đạo. Ba yếu tố nêu ở trên, do đó, được liên kết chặt chẽ với Sirius. Trục năng lượng trên liên quan đặc biệt đến cõi cảm dục, vì đây là trục Bác Ái - Bồ Đề, cung 2 - cung 4 - cung 6. Ánh sáng giác ngộ qua con mắt Shiva chiếu rọi vào cõi cảm dục, xua tan sương mù dày đặc trong đó, nước thanh tẩy thanh lọc và rửa sạch những tàn dư và cặn bã của ảo cảm, và đạo tâm tinh thần liên kết cõi cảm dục với cõi bồ đề. Đây là một trong những ảnh hưởng tốt lành mà năng lượng Hổ Cáp và các năng lượng liên kết mang đến cho chúng ta. Nếu chúng được hướng vào cõi cảm dục và được tập trung vào những "đồng bào" tử vong vì đại dịch, đó có lẽ công việc phụng sự nhiều ý nghĩa. 

Chúng ta đang ở trong ngày trăng tròn và hai ngày sắp tới thường được gọi là "ngày phóng rải". Nhìn chung, sự phóng rải hướng về nhân loại. Hổ Cáp, Sao Hỏa tạo ra các mối liên giao đúng đắn, chuyển hóa xung đột đang phổ biến trên toàn cầu thành hài hòa. Ngoài ra, ảnh hưởng của các năng lượng này cũng mang đến hiệu quả hàn gắn và chữa lành vì Sirius, Thánh Đoàn truyền cung hai, trong khi Pluto đôi khi được gọi là mãnh xà chữa lành. Chữa lành, hàn gắn, giảm nhẹ nỗi đau cần thiết cho những người đang chống chọi với Covid."

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Những bản nhạc hay

Bữa nay ba gửi qua Zalo cho một bản nhạc hay quá nên muốn lưu lại. 



Có bản nhạc Forest Love Song rất healing thấy trên facebook, post lưu lại ở đây một thể.





Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Im lặng hay tịnh khẩu

Tịnh khẩu là một phép tu trong Phật giáo để rèn luyện sự chú tâm, tỉnh giác, óc quan sát, tập trung, chiêm nghiệm, hướng vào nội tâm để phản tư. Tinh khẩu - thanh tịnh khẩu nghiệp còn là rèn luyện sự kiên nhẫn, chịu đựng, một nội lực mạnh mẽ để đối mặt với mọi thị phi, thăng trầm bên ngoài. Thực sự đây là một hạnh mà mình rất trân quý.

Trong Dịch Lý, mọi thứ đều tương đối và có mặt tích cực hay tiêu cực mà thái quá, cực đoan đều không tốt. Như mới đây đọc được bài này, nói về sự im lặng trên trang A Crazy Mind, trích lưu lại ở đây.

"Im lặng có lợi của riêng nó. Nó cho bạn đủ một khoảng không vừa vặn để tự lắng nghe chính mình.

Và ngay khi bạn chọn im lặng, thì đừng quá kỳ vọng rằng một ai đó có thể hiểu hết được những suy nghĩ của bạn chỉ bằng việc giao tiếp ánh mắt.

Hiểu hết những suy nghĩ của một ai là điều thật sự khó. Nó càng khó khăn hơn nếu chỉ nhìn những hành động không lời mà đoán được ẩn ý đối phương.

Chọn im lặng bản thân bình tĩnh hơn, để suy nghĩ cẩn thận hơn trước những điều diễn ra trước mắt. Đừng im lặng rồi đòi hỏi ai đó hiểu thấu chính mình. Và nếu mọi chuyện không diễn ra theo mong muốn của mình, bạn lại quay về nghi ngờ tình cảm dành cho nhau.

Yêu thương dẫu nhiều đến đâu, cũng chẳng thể nào hiểu hết thế giới của một ai đó.

Giao tiếp là cách để con người hiểu nhau. Im lặng là cách để con người hiểu chính mình. Đừng nhầm lẫn vai trò của chúng nó để rồi đổ lỗi cho những thứ không liên quan.

Tình cảm gia đình, tình bạn, ngay cả tình yêu. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng đừng kỳ vọng ai đó có thể đọc hết những suy nghĩ của bạn khi bạn chọn im lặng. Ba mẹ sẽ chẳng thể hiểu hết những đứa con nếu tụi nó không bao giờ mở miệng chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Những cặp đôi dù có yêu nhau bao lâu đi chăng nữa thì vẫn sẽ có đôi lần đối phương không hiểu những suy nghĩ mà bạn che giấu đằng sau sự im lặng.

Có bao giờ bạn tự hỏi liệu chính bạn có hiểu được hết dòng suy nghĩ đang chảy trong tâm trí mình hay không? Ngay cả việc hiểu chính mình còn trở nên khó khăn thì việc người khác không hiểu bạn là một điều quá đỗi bình thường.

Sự im lặng sẽ giết chết đi một mối quan hệ nào đó là khi bạn quyết định không nói nhưng lại đòi hỏi người khác có thể đọc được hết những suy nghĩ của mình.

Trân trọng những con người ngay lúc này có thể hiểu bạn và cũng đừng vội trách một ai đó nếu đôi lần họ không đoán được những ẩn ý bạn muốn che giấu đằng sau."

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Đồng Nhân - Đại Hữu

Mấy nay dự án tập huấn liên tục các tối thứ hai, thứ ba, thứ tư (lớp ngôn ngữ ký hiệu y tế) và sáng thứ bảy, chủ nhật (lớp kỹ năng hỗ trợ người khiếm thính ở bệnh viện). Học viên các lớp đa số là giáo viên trường chuyên biệt, trường khuyết tật và cũng chính là các Sơ. Thật cảm động trước tinh thần học tập rất nhiệt tình của các Sơ. Vui khi thấy các bạn khiếm thính tham gia làm mẫu vui vì được tương tác với mọi người, có người hiểu mình. Thấy thương mọi người hết sức!!

---

Tối thứ tư Thầy dạy Quẻ Đồng Nhân - Đại Hữu, mà mình kẹt lịch đang tổ chức khóa tập huấn ngôn ngữ ký hiệu y tế nên không học được. Hôm sau nghe lại video trên Teams mà bị lỗi sao đó cũng không xem được. Thế là đành google đọc để tự học thì thấy 2 quẻ này hay quá. Thiên Hỏa Đồng Nhân - Hiệp lực đồng tâm, Hỏa Thiên Đại Hữu, thong dong, dung dưỡng nhiều, độ lượng, đức dầy, chiếu sáng lớn, sở hữu lớn. Tự nhiên liên hệ nghĩ các đại gia, các tập đoàn hẳn ứng với các quẻ này. Sau đó thì đọc được tin Chủ Tịch FPT quyết định mở trường nội trú nuôi dạy 1000 trẻ mồ côi vì Covid trong 20 năm. 

---

Ghi chép lại một số câu hay mà mình học được hôm nay:

- All is mind and all is energy. 

- Không ai sở hữu bất cứ gì, bởi Tạo Hóa sở hữu tất cả. Vì thế không nên quá bám chấp vào mọi thứ và nhìn thấy mọi thứ thực như chúng là.

- Khi trái tim thuần khiết, đầy tình thương và vô kỷ thì toàn bộ vũ trụ tuân theo bạn (at your demand). Thanh Tâm Quả Dục.

- Phụng sự mà không dính mắc vào kết quả công việc.

Còn câu này trong phần mình dịch về chữa lành sang chấn, về sức mạnh của sự tha thứ khi thấu hiểu câu chuyện đằng sau những người gây tổn thương cho người khác thì bản thân họ cũng chính là nạn nhân của khổ đau, thấy cảm động...

"Hãy hiểu rằng không có những con người bạo lực hay xấu xa - chỉ có những người đau khổ..."

THERE ARE NO VIOLENT OR WICKED PEOPLE - ONLY SUFFERING PEOPLE.




Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Tô Mạt Nhi




Hôm qua là tập cuối của bộ phim Tô Mạt Nhi truyền kỳ trên VTV3 mà mỗi buổi chiều mình cùng ba mẹ đều mong ngóng và hồi hộp theo dõi. Mình ngưỡng mộ và yêu thương Tô Mạt Nhi hết sức. Những câu chuyện ly kỳ xoay quanh cuộc đời cô với biết bao thăng trầm, sinh tử. Tô Mạt Nhi như một Bồ Tát giữa đời, dù chỉ là một thị nữ trong cung nhưng vốn lớn lên từ thảo nguyên Hoa Nhĩ Thống bao la, tâm hồn cô quảng đại, bao dung, luôn nghĩ cho người khác, nhận thiệt thòi về mình, hy sinh vì người khác, vì đại cuộc lớn lao. Xinh đẹp, tài năng và đức hạnh, văn võ song toàn, cô vĩ đại cao quý mà luôn giản dị, khiêm nhường, khi cần thiết cũng rất hiên ngang, bất khuất.

Tình yêu của Tô Mạt Nhi và Thập Tứ Gia Đa Nhĩ Cổn có lẽ là tình yêu đẹp nhất mà mình từng biết. Mình luôn ngưỡng mộ những tình yêu thủy chung, những người chung tình. Và chuyện tình của Tô Mạt Nhi, không chỉ đẹp vì sự thủy chung, son sắt của hai nhân vật chính dành cho nhau, đó còn là sự hợp sức của cả hai cùng phụng sự, cứu giúp muôn dân bá tánh, tình yêu và sự hy sinh cho đại cuộc, cho quê hương đất nước. 

***

Hôm nay học được một trích dẫn hay hay từ Khổng Tử (mà theo Joshua David Stone thì ông chính là tiền kiếp của Chân Sư D.K.) về tầm quan trọng của việc phản tư, self-reflection. Khổng Tử nói, có ba cách mà chúng ta học được minh triết: thứ nhất, bằng sự suy ngẫm, phản tư, đây là cách cao quý nhất; thứ hai, bằng sự bắt chước, đây là cách dễ dàng nhất; và thứ ba, bằng trải nghiệm, đây là cách đắng cay nhất.

“By three methods we may learn wisdom: First, by reflection, which is noblest; Second, by imitation, which is easiest; and third, by experience, which is the bitterest.” Confucian


Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Đánh thức trực giác và thượng trí

 Video mình thuyết minh và Phúc ghép phần lồng tiếng vào. 

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Sức mạnh Phân Biện và Quyết Định

Hôm nay mình đọc được câu này hay hay: "Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là cách đây 20 năm trước; và thời điểm tốt thứ nhì là NGAY BÂY GIỜ."

...

PHÂN BIỆN

Tối thứ ba tuần trước mình dự buổi giảng của Cô Trish bên Inner Space về sức mạnh phân biện (discerning). Cô Trish nhìn dịu dàng bình an như cô tiên vậy. Hình ảnh Cô quen thuộc với bộ đồ trắng, nụ cười hiền lành và giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng. Mình ghi vội lại mấy ý sau:

Phân biện là nhìn thấy chính mình, những người khác và hoàn cảnh như chúng thực sự là. Chúng ta cần phân biện giữa thật và ảo, đúng và sai... Sự khác biệt giữa tư duy phản biện và phân biện tích cực đó là tư duy phản biện hoạt động với thông tin (phân tích, là người tư duy chủ động chứ không thụ động); trong khi phân biện tích cực mang tính nội tại và bên trong hơn (lựa chọn của tôi trong cuộc sống...)

Những công cụ để phân biện là:

1. Trở thành người quan sát, có khả năng lùi lại ra xa khỏi những gì đang diễn ra và trở thành người quan sát, nhìn từ những góc độ, quan điểm của những người khác, không phán xét. Nếu đứng gần quá ta sẽ không thể nhìn được bức tranh lớn, toàn cảnh. 

2. Xóa đi những niềm tin giới hạn về bản thân, người khác, tình huống... Biết được những giá trị của mình và cũng nhìn thấy những giá trị của người khác. Bình tĩnh. Không so sánh. Hiểu rằng mỗi người có những tiềm năng của riêng mình.

3. Một tầm nhìn rộng mở. Nhìn mọi người từ một tầm nhìn rộng lớn chứ không chỉ ở một khoảnh khắc. Hiểu được quá khứ, hiện tại và tương lai. Để phân biện, chúng ta cần nhìn vượt ngoài khoảnh khắc hiện tại đến tác động của lựa chọn trong tương lai xa.

4. Tâm trí tĩnh tại, minh mẫn. Dành 5 phút để tĩnh lại. Trụ ở điểm giữa. Trung dung.

QUYẾT ĐỊNH

Tối nay vừa dự xong tiếp chương trình "Sức mạnh Quyết Định" của Cô. Quyết định là khả năng đưa ra lựa chọn hiệu quả từ những gì đã phân biện. Điều quan trọng khi đưa ra quyết định đó là giữ cho tâm thức tĩnh tại, cân bằng, an nhiên ở tâm điểm và chỉnh hợp với những giá trị, lương tri của chính mình. 

Hình sau của Cô đã tóm tắt lại những ý quan trọng cần cân nhắc trước khi ra quyết định.







Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Khoa học về Antakarana và 2 thể ánh sáng

 Hôm nay facebook nhắc lại một bài post trên trang Education for the New Age daily, nói về khoa học Antakarana và 2 thể ánh sáng khá thú vị, nên mình dịch lại đoạn đó:

"Khoa học về đường Antahkarana về mặt kỹ thuật là khoa học về sự biểu hiện ánh sáng với kết quả của nó là mặc khải và những thay đổi. Cần nhớ rằng:

- Ánh sáng là chất liệu, và từ góc độ tinh thần, ánh sáng là dạng thanh cao hơn hay dạng thăng hoa của vật chất.

- Ánh sáng cũng là phẩm chất hay đặc tính chính của linh hồn trong cõi riêng của nó, và của thể dĩ thái (một phản ánh của linh hồn) trong ba cõi tiến hóa của con người (cõi hồng trần, cõi cảm dục, cõi trí).

- Mục tiêu của khoa học này là hợp nhất ánh sáng thấp hơn với ánh sáng cao cả hơn, để thành một ánh sáng tỏa chiếu trong biểu hiện vật chất và hệ quả đưa đến một sự tổng hợp ánh sáng.

- Về mặt kỹ thuật, có hai thể ánh sáng tồn tại - thể sinh lực (thể dĩ thái - etheric body, vital body) và thể linh hồn. Thể dĩ thái đã hiện hữu và ngày nay đang hoạt động mạnh mẽ. Thể linh hồn đang trong quá trình được kiến tạo một cách chậm chạp, và đó chính là "ngôi nhà không được làm bằng tay, vĩnh cửu trên thiên đàng" mà Kinh Tân Ước nhắc đến (II Cor. 5:1). 

Điều thú vị là Kinh Cựu Ước nhắc đến thể dĩ thái (Ecc. 12:6-7) và việc xây dựng nó, còn Kinh Tân Ước nói đến việc kiến tạo thể tinh thần."

Sau đó mình tìm đọc lại thêm về việc kiến tạo đường Antakarana trên blog Minh Triết Thiêng Liêng với 4 lưu ý quan trọng, mình note lại ở đây để nhớ.

"Bốn yếu tố trong việc kiến tạo Antahkarana: (1) tham thiền; (2) nỗ lực kiên trì để khơi gợi trực giác; (3) giúp đỡ và tuân phục Thiên Cơ, và (4) sự kết hợp có ý thức với nhóm để phụng sự và cho mục đích đồng hóa vào toàn thể.
Trong việc kiến tạo Antahkarana, Đức hạnh là điều đương nhiên không phải bàn đến, nó đã được xây dựng trên Con đường Dự Bị và đó chỉ là bước sơ khởi. Trí tưởng tượng sáng tạo giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng Antahkarana.
Nửa đầu của đường Antahkarana nối Phàm ngã với Linh hồn (ngự trên cõi Thượng Trí), do đó dương nhiên nó phải được xây dựng bằng chất liệu trí tuệ. Điều này có nghĩa là người đệ tử “bắt đầu làm việc trong vật chất trí tuệ và tự huấn luyện mình về quyền năng và cách sử dụng tư tưởng”. Do đó, điều kiện để một người xây dựng Antahkarana là khả năng hoạt động trí tuệ, làm việc với chất liệu trí tuệ, và tập trung trí tuệ. Trong một đoạn khác, Chân sư DK nói rằng một người chỉ xây dựng Antahkarana một cách có ý thức khi y đang chuẩn bị điểm đạo lần 2."
...Antahkarana được gọi là sợi dây của sự liên tục (Thread of Continuity) bởi vì khi nó hình thành thì con người đạt được sự liên tục tâm thức, có thể trụ tâm thức của mình vào bất kỳ cảnh giới nào– “bước vào thế giới cao hơn theo ý muốn, để lại các thế giới thấp ở phía sau, hoặc y có thể trở lại và vượt qua trên con đường dẫn từ bóng tối ra ánh sáng, từ ánh sáng đến bóng tối, và từ các thế giới thấp hơn vào các cõi giới của ánh sáng”.
Các nỗ lực để khêu gợi trực giác đòi hỏi việc tham thiền huyền môn (không phải tham thiền thần bí). Nó đòi hỏi một trí thộng tuệ được huấn luyện, nhờ thế mà đường phân định ranh giới giữa nhận thức trực quan và các hình thức thông linh bậc cao có thể được nhìn thấy rõ ràng. Nó đòi hỏi một sự kỷ luật liên tục của thể trí, để nó có thể “giữ ổn định trong ánh sáng”, và sự phát triển việc giải thích đúng đắn được vun bồi để sao cho những kiến thức trực quan đạt được sau đó có thể khoác riêng của chúng trong những hình tư tưởng đúng đắn."


Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Tứ Vô Lượng Tâm

Hôm nay facebook nhắc lại ký ức cũ, là hai bài thơ của Tina Ng bằng tiếng Anh. Thế là, thay vì chỉ share lại như mọi lần, mình dịch nhanh để những bạn không biết tiếng Anh có thể đọc được. Mình cũng không nhớ biết đến trang của Tina từ lúc nào và như thế nào nữa.

"Có một thưc hành trong Phật giáo đó là phát triển Tứ Vô Lượng Tâm - Từ Bi Hỷ Xả. Bài thơ này tôn vinh những phẩm chất đó. Tứ Vô Lượng Tâm có tiềm năng chuyển hóa lớn lao, không chỉ làm khai mở trái tim mà còn nuôi dưỡng không gian đẹp giữa chúng ta." ~ Tina Ng

Em Chọn Yêu Thương

"Anh nói rằng chúng ta không có lựa chọn nào

Ngoài việc là chính mình 

Và sống cách mà chúng ta vẫn sống.

Nhưng em tin rằng chúng ta luôn có sự lựa chọn. 

Nếu xung đột xảy ra giữa chúng ta

Em sẽ không chọn đắng cay hay thù hận.

Em chọn vẫn yêu anh mà không kỳ vọng

Để giữ anh trong tâm tưởng của mình với sự tử tế và thứ tha

Và mong anh an vui hạnh phúc. 

Nếu em thấy anh đau khổ và lo lắng,

Em sẽ không chọn chán nản âu lo.

Em chọn thương anh với lòng từ bi

Để mở tâm mình với anh

Và đưa anh vào không gian bình an và tĩnh lặng của mình.

Nếu anh trở nên may mắn và thành công,

Em sẽ không chọn ghen tuông và ích kỷ.

Em chọn vui mừng cho anh

Để chia sẻ bất cứ gì em có với anh

Để anh có thể càng trở nên may mắn và thành công hơn nữa.

Và nếu sau tất cả vẫn không gì xoa dịu được nỗi buồn của anh,

Em sẽ không chọn giận dữ hay thờ ơ.

Em chọn bình an và thanh thản

Để anh đi trên con đường của riêng mình,

Còn em vẫn bước bên anh, 

Cho đến khi anh lại nắm tay em lần nữa."

~ Tina Ng

I Choose Love

"You tell me we don’t have a choice

But to be who we are

And to live the way we do.

I believe that we always have a choice.

If a conflict comes between us,

I won’t choose bitterness and hate.

I choose to still love you without expectation:

To hold you in my thoughts with kindness and forgiveness,

And wish you to be well and happy.

If I see you suffering and filled with worry,

I won’t choose frustration and anxiety.

I choose to have compassion for you:

To open my heart to you,

And draw you into my safety and calmness.

If you become fortunate and successful,

I won’t choose jealously and selfishness.

I choose to be happy for you:

To share whatever I have with you,

So you can become even more fortunate and successful. 

And if after all this and nothing eases your unhappiness,

I won’t choose anger or indifference.

I choose peace and equanimity:

To give you the freedom to walk your own path,

While I walk beside you until you’re ready to take my hand again."

~ Tina Ng

-----

"Nếu bạn phải là ai đó,

hãy là người tử tế.

Nếu bạn phải có cái gì đó,

hãy có sự chính trực.

Nếu bạn phải nỗ lực vì điều gì đó,

hãy nỗ lực vì Điều Thiện Lành.

Nếu bạn phải sở hữu cái gì đó,

hãy sở hữu tình thương bao la.

Nếu bạn phải đi đến nơi nào đó,

hãy đến nơi bình an sâu thẳm..."

~ Tina Ng.

"If you must be something,

be kind. 

If you must have something,

have integrity. 

If you must strive for something,

strive for goodness.

If you must own something,

own great love. 

If you must go somewhere,

go to the deepest peace..."

~ Tina Ng.




Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Nhật ký lớp học bằng thơ






Thế là chiều qua tụi mình (trong vai trò hỗ trợ lớp) đã kết thúc khóa tập huấn "Bồi dưỡng kỹ năng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu" trong chương trình dự án được Oxfam tài trợ của CED.

Khác với các khóa tập huấn trước về kỹ năng hỗ trợ người khiếm thính dành cho nhân viên y tế, sinh viên công tác xã hội, giáo dục đặc biệt, y tế cộng đồng, tổ chức vào hai ngày cuối tuần, khóa học này diễn ra 5 ngày sáng chiều liên tiếp online từ 21-25/06/2021 với hơn 34 học viên là các giáo viên các trường chuyên biệt, phụ huynh trẻ khiếm thính và sinh viên ở nhiều tỉnh thành Hà Nội, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Đăk Nông, Đăk Lắc, TPHCM... 

Hai ngày học đầu tiên, học viên được giới thiệu các mô hình lý thuyết phiên dịch, góc nhìn về phiên dịch như một nghề nghiệp cùng các quy tắc đạo đức của nghề, khung tham chiếu giúp đưa ra quyết định. Ngày học thứ ba, học viên được học các kỹ năng phụ trợ cho phiên dịch, chia nhóm thực hành và chia sẻ với lớp. Ở ngày học cuối, học viên được học về việc phân tích thông điệp khi phiên dịch, tầm quan trọng của thực hành soi chiếu, tự đánh giá, cho và nhận phản hồi từ đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ. Phần thực hành vào buổi chiều là bài tập tổng kết lại, áp dụng tất cả những gì đã học từ các buổi học trước. Buổi học kết thúc trong tình thân ái ấm áp của các học viên. Cô Phan Thị Sen, một giáo viên vừa nghỉ hưu đến từ Nha Trang còn làm ngay một bài thơ thật cảm động tặng lớp. Sau đó Cô kể mới biết đã làm đến 3 bài thơ cho khóa học này! 

Tụi mình được truyền cảm hứng thật nhiều từ tinh thần học tập rất tích cực, nhiệt tình và tình thương ấm áp của các Sơ, và cả các học viên lớn tuổi mà tràn đầy sự trẻ trung lạc quan. Các Sơ còn hát "Hello Teachers" và "Goodbye Teachers" tặng 2 Cô giảng viên người Mĩ. Cảm ơn tất cả! 

Thơ nhật ký lơp học của Cô Phan Thị Sen

Gửi đến lớp những bài thơ cô Sen làm trong dịp học online đầu đời này nhé,

Chúc cả nhà luôn vui vẻ!
Yêu thương nhiều nhiều ❤️❤️

Bài 1

GIÀ HỌC ONLINE.... !

Già rồi còn học online
Lúng ta lúng túng... chẳng ai giống mình
Micro để chình ình
Mà cứ nói với con mình như không!

Vào hình thấy người đông đông
Chuyên gia trao đổi chỉ mong hiểu bài
Đôi khi thở ngắn, thở dài
Già rồi ngồi học online làm gì?

Thế nhưng nghĩ kĩ lại thì
Đâu dễ có được dịp như thế này
Biết thêm cái gì cũng hay
Việc tưởng vô ích... sau này cần sao 

Thế là lại tham gia vào
Dần dần thấy được khó nào cũng qua
Bây giờ thuần thục rồi nha
Nhớ được passwords là tha hồ vào.

Đầu tiên xin gửi lời chào
Đến cô Kathleen và chào SarahC
hào em Dương Phương Hạnh nà
Và chào tất cả mọi người trong team. 

Lớp học có ích cho mình
Biết thêm chiến lược, quy trình ... khả năng....
Ngôn ngữ kí hiệu sẽ tăng
Và tính hiệu quả phiên dịch cao hơn! 

Chị Sen xin được cảm ơn
Em Dương Phương Hạnh đã mời tham gia
Chúc em và các chuyên gia
Và cùng các bạn một nhà thương yêu!

“Phiên dịch Ngôn ngữ kí hiệu”
Nhu cầu xã hội rất nhiều hiện nay
Để giúp người điếc giải bày
Cộng đồng đoàn kết, vui thay cuộc đời! 

 Nha Trang, 21.6.2021


Bài 2

ONLINE NGÀY BA ...

Bài học hôm nay khá dài
Mình ngồi miệt mài từ sáng đến trưa
Khát nước thì nhờ con đưa
Cơm trưa tranh thủ rau dưa qua ngày.

Bởi thấy bài học rất hay
Bỏ đi dang dở tiếc ngay ấy mà
Mặc dù tắt camera
Nhưng vẫn tự giác ngồi mà online. 

Cứ học từ từ lai rai
Học đâu hỏi đó ... cũng oai quá trời
Học dịch kí hiệu thành lời
Có nhiều chiến lược, quy trình đặt ra. 

Cảm ơn đức độ chuyên gia
Họ rất kiên nhẫn, dịu dàng lắng nghe
Vì thế nên chẳng e dè
Dù già vẫn đủ tự tin hỏi bài!

Thực hành bài tập ngày mai
Mỗi ngày câu chuyện càng dài thêm đây
Nhưng được học chung cô thầy
Ai cũng rất giỏi... thế này sợ chi!

Ngày mai nội dung học gì?
Tò mò... cứ đợi mai thì biết ngay
Chỉ cần học tập hăng say
Là thấy không uổng những ngày đã qua!

Nha Trang, 23.6.2021


Bài 3:

NGÀY CUỐI ONLINE ...!

Năm ngày đã khép lại rồi
Online ngày cuối... bồi hồi chia tay
Màn hình chụp ảnh hôm nay
Cô, trò, đồng nghiệp giơ tay vẫy chào!

Lớp học tình cảm biết bao
Học viên mọi miền... người nào cũng vui
Nên giờ cảm thấy bùi ngùi
Muốn gửi đến bạn những lời cảm ơn!

Năm ngày hiểu biết nhiều hơn
Hy vọng có dịp... làm ơn giúp người
Thương cộng đồng Điếc ai ơi
Các em cần lắm những lời từ tay!

Ngôn ngữ kí hiệu rất hay
Bao nhiêu lời thoại... từ tay dịch thành
Làm sao dịch đúng? Dịch nhanh?
Con đường duy nhất “phải đành học thôi”!

Vì thế mà năm ngày rồi
Gái già Năm Sáu vẫn ngồi online
Mong rằng có thể tương lai
Giúp được người Điếc... nối dài tình thương ! 

Lời cuối, trân trọng cám ơn
Cô Kathleen với Sarah rất nhiều
Cám ơn các bạn mến yêu
Chúc ai cũng khỏe, luôn nhiều niềm vui ! 

Nha Trang, 25.6.2021



Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Luân hồi - Hơi thở tuần hoàn của sự sống

(Ghi chép từ bài giảng của Thầy William Meader ngày 25.05.2021 
https://meader.org/course/reincarnation)

Chúng ta thường hay nói rằng đối lập với sống là chết. Nhưng từ quan điểm huyền môn, đối lập với sống không phải là chết, mà là sự sinh ra đời.

Trong triết lý huyền môn, chúng ta là những linh hồn đang lâm phàm. Linh hồn ngự trên cõi thượng trí khi đầu thai nhập thế sẽ phóng chiếu một phần của chính mình vào các cõi tâm thức thấp hơn, và biểu hiện thành phàm ngã trong đó. Như vậy, đầu thai là một hành động nhập thế vào hình tướng. Nhưng từ góc độ linh hồn, hành động đó là một dạng giam cầm.

Bởi vì từ góc độ linh hồn, trên cõi riêng của nó, linh hồn có sự thấu hiểu rộng lớn, nhưng khi một phần của nó phải lâm phàm vào hình tướng, nó tự khóa mình trong một vỏ chứa khiến nó giảm kém hơn so với bản chất thực sự. Vì thế, từ góc độ linh hồn, chính sự sinh ra đời thực sự là một nhân tố giới hạn nó. Do vậy, đối lập với sự sống và sự sinh ra đời. Và đó là lý do tại sao khi ta chết, ta tái kết nối với linh hồn của mình trong một cảm thức trọn vẹn hơn, ở ngoài giai đoạn lâm phàm. Ta nhận ra rằng ta thông thái hơn, bác ái hơn nhiều. Và ta có cảm giác sâu sắc hơn về mục đích và về mối quan hệ với tổng thể lớn hơn mà ta đã không nhận ra khi lâm phàm trong hình tướng. Như vậy đây thật là một phiên bản đảo ngược của sự thấu hiểu về sự sống và cái chết.

Sự sống là gì? Lý do chúng ta không thực sự hiểu sự sống là gì là bởi vì chúng ta chứng kiến sự sống một cách gián tiếp. Chúng ta nhìn thấy sự sống qua những hình tướng được làm sống động. Ta thấy một con người, họ suy tư, cảm nhận, hành động, và nói rằng, đó là sự sống. Ta thấy một cái cây đang lớn và nói, đó là sự sống. Ta thấy con vật đang chạy và nói đó là sự sống. Đó là sự sống làm sống động hình tướng, nhưng đó không phải là bản thân sự sống, độc lập khỏi hình tướng. Chúng ta chưa bao giờ thấy phẩm tính của sự sống độc lập khỏi hình tướng ở cấp độ phát triển của mình. Tuy nhiên, tại thời điểm trên đường đạo khi lần đầu tiên bạn thoáng nhìn thấy sự sống, độc lập khỏi hình tướng. Và đó là giai đoạn ở cuộc điểm đạo Biến Dung (điểm đạo lần 3), khi lần đầu tiên bạn thoáng nhìn thấy Chân Thần. Và Chân Thần là chủ chốt ở đây. Bởi vì Chân Thần là chính bản thân sự sống.



Chân thần là một phương diện bản thể của chúng ta thậm chí còn sâu sắc hơn linh hồn. Nó chính là người trông nom cho chính sự sống. Và chân thần là bản thể cao nhất so với phàm ngã là bản thể thấp của chúng ta. Linh hồn là bản thể cao hơn mà chúng ta đang nỗ lực để trở nên ngày càng sống với bản chất của linh hồn, sống như một linh hồn, tương phản với tính chất của phàm ngã. Linh hồn là tâm thức cao hơn của chúng ta, nhưng còn cao hơn, hay đúng hơn là sâu sắc hơn nữa là một cái khác được gọi là Chân Thần (Monad). “Monad” có nguồn gốc từ “mono”, có nghĩa là “một”, và có lẽ Pythagoras là người đầu tiên đã giới thiệu với nhân loại khái niệm về Chân Thần. Nhưng nó có những tương quan khác trong những hệ thống khác, ví dụ monad rất tương đồng với cái mà Công Giáo gọi là Tinh Thần thuần khiết; hay trong truyền thống phương Đông, monad tương ứng với Atma. Chân Thần đó trong bạn là cội nguồn của chính bản thân sự sống.

Chúng ta tiến hóa, từ dưới lên trên, từ phàm ngã, đến linh hồn và chân thần. Chân thần là Bản Thể Thiêng Liêng, nó đại diện cho tinh thần thuần khiết và truyền tải ý chí và mục đích và đó là Ý Chí Thiêng Liêng và Mục Đích Thiêng Liêng. Chân thần cũng được gọi là nơi hiện hữu tối hậu, một nơi sâu thẳm bên trong mà ở cấp độ phát triển hiện nay, chúng ta chưa thể tiếp xúc một cách hữu thức, nhưng rồi ngày đó sẽ tới. Đó là nơi bạn kết nối với tất cả mọi thứ thiêng liêng. Và thực sự, đó là Thượng Đế trong bạn. Trong khi linh hồn là Thiên Tính/Phật Tính (Christ) trong bạn thì chân thần là Thượng Đế trong bạn và có bạn. 

Trong ý nghĩa tối hậu, chỉ có Cái Một, Nhất Thể mà chúng ta có thể gọi đó là Thượng Đế hay Brahma hay bất cứ gì bạn muốn. Nhưng có một đại diện của sự sống vĩ đại đó ngự bên trong mỗi chúng ta, và đó chính là chân thần, một tia lửa khởi sinh từ Một Ngọn Lửa.

Linh hồn là bản thể cao hơn truyền dẫn tình thương tinh thần và minh triết qua tác nhân trí tuệ yêu thương. Linh hồn là tâm thức cao hơn của bạn, là tổng của tất cả những minh triết của bạn và ngập tràn tình thương như lòng bác ái của Đức Christ.

Linh hồn thật sự rất kết nối với cái chúng ta gọi là thể nguyên nhân (thể căn nguyên, nhân thể - causal body). Thể nguyên nhân chứa đựng toàn bộ minh triết của linh hồn. Chính thể nguyên nhân là cái tái sinh luân hồi, chuyển di từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Thể nguyên nhân hay linh hồn là phẩm tính của sự sống, trong khi chân thần là chính bản thân sự sống.

Sự sống là hiện hữu thuần khiết. Nó không phải tâm thức mà vượt ngoài tâm thức. Cấp độ cao nhất của tâm thức là cái mà chúng ta gọi là linh hồn, đó là phẩm tính của nguyên khí sự sống và là những đặc tính phẩm chất của sự sống nội tại như tình thương, minh triết, ý chí, lý tưởng, sự tận hiến, vẻ đẹp, tổ chức, tri thức...

Và khi chúng ta nói sự sống hình tướng tam phân, chúng ta đang nói về phàm ngã. Nó đại diện cho vẻ ngoài, và tam phân vì phàm ngã có thể trí, thể cảm dục và thể xác.

Như vậy, sự sống giáng xuống thành phẩm tính, và rồi phẩm tính tìm cách biểu hiện ra bên ngoài qua phàm ngã. Và trong chủ đề đầu thai tái sinh, cái đi đầu thai chính là linh hồn, thể nguyên nhân. Khi ta chết, phàm ngã tan rã nhưng linh hồn vẫn tiếp tục. 

Thực sự thì Chân thần là cái đã bên bạn còn lâu hơn nữa. Chân thần chính là bạn, đã hiện diện và nhập thế trước khi chúng ta trở thành con người. Trước khi sống đời sống của giới nhân loại, chúng ta đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa qua giới động vật, và trước đó là giới thực vật và thậm chí xa hơn nữa là giới khoáng vật. Và đó là tại sao một trong những tên gọi khác của Chân Thần là “người hành hương vĩnh cửu” (the eternal pilgrim), bởi vì nó thực sự là bất diệt.

Như vậy, chúng ta nỗ lực trở thành linh hồn, là dạng tâm thức cao hơn của chúng ta, nhưng ý nghĩa tối hậu, bạn và tôi là những hiện hữu sâu sắc hơn, cao cả hơn, thậm chí thiêng liêng hơn thế nữa. Bạn là chân thần thuần khiết, có nghĩa bạn là sự sống, mỗi người trong chúng ta đều là sự sống. Không phải là chúng ta có một đời sống, mà chúng ta chính là sự sống. Và sự sống đã vẫn luôn như thế và sẽ mãi luôn như thế.

Khi chúng ta nói về sự hiện hữu cấp độ chân thần, đó là đời sống của một chân sư. Một chân sư đã nâng tâm thức lên trên để trở thành chân thần. Chúng ta đang trên hành trình đi từ phàm ngã đến linh hồn, và chuyển hóa phàm ngã để nó trở thành một tác nhân hoạt động của linh hồn. Rồi sẽ đến một bước trên đường đạo khi bạn thực sự đi xa hơn, đi sâu hơn và chạm đến chân thần. Và cuối cùng, ở cuộc điểm đạo thứ sáu, bạn là Chân Thần thuần khiết.

Khi nhìn thấy một người chết và xác của họ trong phòng, phàm ngã thường nói ngay rằng người đó đã mất đi sinh mạng (sự sống). Nhưng từ quan điểm nội môn, người đó không mất đi sự sống. Người đó mất đi hình tướng, chứ không phải sự sống, bởi vì người đó là bản thân sự sống. Sự sống đã, vẫn đang ở đó, nhưng hình tướng là nhất thời. Đây là điều rất quan trọng mà chúng ta cần hiểu. Phần đông xã hội vẫn có nhận thức sai lầm với khuynh hướng tin rằng tâm thức là sản phẩm của hình tướng, và nếu hình tướng mất đi thì tâm thức cũng mất đi. 

Một trong những lý do của cái chết, sự thu rút khỏi hình tướng đó là mỗi cái chết góp phần vào sự tổng hợp của các trải nghiệm, và rồi chúng được lưu giữ trong thể nguyên nhân như một năng lực mới (new faculty). Qua mỗi lần đầu thai lâm phàm, linh hồn sẽ mở rộng một phần của nó để tạo nên một chiếc áo khoác bên ngoài với ba lớp (phàm ngã) là thể trí, thể cảm dục và thể xác. Phàm ngã này đi qua vô số những trải nghiệm trong suốt cuộc lâm phàm nhập thế. Và nhiều trải nghiệm trong số đó, tất nhiên không phải là tất cả nhưng nhiều trong số chúng là những trải nghiệm học tập rất quan trọng làm chúng ta giàu có vốn sống và giúp chúng ta thấu hiểu. Như vậy chúng ta có toàn bộ cả cuộc đời để thu đạt những hiểu biết mới về sự sống. Khi chúng ta thu rút khỏi hình tướng, hay nói cách khác, khi cái chết xảy đến, những trải nghiệm được lưu giữ trong tâm thức phàm ngã được chuyển vào thể nguyên nhân và rồi được chuyển hóa thành minh triết mới mà bạn sẽ mang theo với mình sang kiếp sống kế tiếp.

Mỗi kiếp lâm phàm, bạn sẽ có một thể nguyên nhân được gia tăng thêm tốt hơn và có thêm nhiều minh triết hơn trước đó. Hãy nhớ rằng, thể nguyên nhân là nơi lưu trữ minh triết mà bạn đã thu đạt qua vô số các kiếp lâm phàm nhập thế. Vì thế, thể nguyên nhân đôi khi còn được gọi là Kho Tàng. Và điều đáng nói là kho báu đó sẽ luôn ở bên bạn qua mỗi kiếp sống.

Một phương diện khác của thể nguyên nhân rất quan trọng cần ghi nhớ khi chúng ta tìm hiểu về luân hồi đó là chất liệu tạo nên nó. Chất liệu này thuộc một dạng thông tuệ tinh tế ở cấp độ rất cao mà đặc biệt nhạy cảm và đáp ứng với nguyên khí Christ (Thiên Tính, Phật Tính), có thể xem như tình thương vô kỷ và lòng trắc ẩn từ bi sâu sắc. Như vậy, thể nguyên nhân có cả thành tố minh triết mà bạn đã thu đạt được và cả thành tố tình thương nội tại trong nó.

HIỆN TẠI VĨNH CỬU (ETERNAL NOW)

Khi ta chết, sự sống thu rút khỏi hình tướng và trở về, đi vào lại thể nguyên nhân. Qua mỗi kiếp sống, chúng ta trải nghiệm thêm một chút về cái được gọi là hiện tại vĩnh cửu. Hiện tại vĩnh cửu không có nghĩa chỉ là “hiện diện ở trong hiện tại” dù việc chú tâm chánh niệm trong từng khoảnh khắc là quan trọng. Nhưng hiện tại vĩnh cửu ở đây là một dạng quan hệ khác với thời gian. Nó không chỉ là về hiện tại mà còn bao gồm sự phóng chiếu vào tương lại và sự nhạy cảm về quá khứ. Ở cấp độ đó, cả quá khứ, hiện tại và tương lai, tất cả được giữ lại cùng với nhau như một điểm kỳ dị của nhận thức (a singularity of awareness). Và khi một người hoàn toàn giác ngộ, khai sáng và không cần phải luân hồi tái sinh nữa, thì lúc đó họ bước trọn vẹn vào hiện tại vĩnh cửu. 

Mỗi lần đầu thai lâm phàm, nhất là khi bạn đang bước trên đường đạo, mỗi cái chết sẽ cho bạn một chút trải nghiệm sâu sắc hơn về hiện tại vĩnh cửu đó, và đó là ngụ ý thực sự của nó, bởi vì nó cũng giúp bạn nhìn thấy một cách sâu sắc hơn. Bạn là một phần của một tổng thể lớn hơn, và mỗi chúng ta là một phần của hệ thống sống rộng lớn hơn. 

KARMA (NGHIỆP QUẢ)

Nghiệp quả là gì? Cơ bản mọi người hiểu về Karma như là Luật Nhân Quả. Bạn cũng có thể nhìn một cách khác về karma như đại diện cho sự bất hòa (dissonance) trong tâm thức, không đồng điệu với trường hài hòa lớn hơn mà bạn đang tiến hóa vào. Và như thế, mỗi kiếp đầu thai lâm phàm là một quá trình cố gắng hóa giải nghiệp quả để trở nên hài hòa hơn vào tổng thể lớn hơn. 

Vì thế, karma là một tiến trình dần dần. Đó là tại sao luân hồi tái sinh xảy ra bởi vì bạn không tự do thoát khỏi luân hồi cho đến khi bạn đạt tới cuộc điểm đạo lần thứ tư, còn gọi là sự giác ngộ khai sáng. Khi bạn chết, đó là một dạng tự do. Linh hồn được tự do khỏi sự giam cầm của hình tướng mà nó đã bị chiếm giữ trong đó. Như vậy nhất định có một sự giải thoát, tự do xảy ra vào lúc chết. Nhưng đó là một sự tự do nhất thời. Còn sự tự do khỏi chính cuộc luân hồi, đó là khi bạn đạt tới sự hoàn thiện và bạn đã hóa giải tất cả những nghiệp quả cá nhân mà bạn đã tạo ra trong suốt toàn bộ lịch sử các kiếp sống lâm phàm của bạn. Tất cả chúng ta đều phải luân hồi trở lại trần gian cho đến khi chúng ta trở thành điểm đạo đồ bậc bốn. Khi đạt đến điểm đạo bậc bốn, tự do khỏi karma, bạn không cần phải lâm phàm trở lại, nhưng đó mới là tự do khỏi nghiệp quả cá nhân bạn. Bạn vẫn chưa thực sự tự do khỏi những dạng karma rộng lớn hơn, những cộng nghiệp như nghiệp quả của nhân loại, nghiệp quả của toàn cầu. Đó là những thành tố của karma mà bạn sẽ phải làm việc khi vượt ngoài điểm đạo bậc bốn.


Bên cạnh quả báo (karma of retribution) mà bạn phải hóa giải, còn có nghiệp phần thưởng (karma of reward). Nghiệp phần thưởng là khi bạn tận tâm làm gì đó góp phần nâng cao cho cái gì đó vượt ngoài bản thân mình và có ý nghĩa sâu sắc, một hành động phụng sự chân chính mà linh hồn mong muốn làm. Cho dù điều bạn làm thuộc về chính trị, giáo dục, nghệ thuật, khoa học…, mà bạn đang nâng cao và giúp chuyển hóa cho những người khác và không liên quan gì đến sự chuyển hóa của riêng bạn, không liên quan đến việc hóa giải nghiệp quả của riêng bạn, thì đó là nghiệp phần thưởng. Nghiệp phần thưởng mang tính tích cực và làm tăng tốc sự tiến hóa của bạn. Và bạn càng tiến xa trên đường đạo thì nghiệp phần thưởng sẽ càng rõ ràng. Bởi vì càng tiến xa trên đường đạo thì bạn càng đang không làm việc với những vấn đề của riêng mình mà sẽ càng cảm nhận thôi thúc phụng sự nhân loại. Như vậy, càng ngày bạn sẽ càng chú ý đến toàn thể lớn hơn sự chuyển hóa của riêng mình. 

Chúng ta thường nghĩ về nghiệp quả như là nghiệp quả cá nhân, nhưng có những dạng nghiệp rộng lớn hơn như nghiệp quả của gia đình, dòng họ, quốc gia… Mỗi quốc gia được xem như một thực thể và nó có linh hồn và phàm ngã của nó, và nó cũng đang nỗ lực chuyển hóa để hướng đến phiên bản cao cả hơn. Và cũng có toàn bộ tập hợp các vấn đề nghiệp quả liên quan đến tâm thức quốc gia nữa. Trong thời kỳ quá độ này, nhân loại đang chuyển dịch từ Thời Đại Song Ngư sang Thời Đại Bảo Bình. Sự chuyển dịch này thực sự mang tới và giúp chúng ta nhìn thấy những nghiệp quả mà chúng ta phải đối mặt. Cũng có cả nguy cơ là chúng ta có thể tạo thêm những nghiệp quả mới nếu không cẩn thận.

Trong văn học cổ đại, giới nhân loại và giới động vật cũng có nhiều nghiệp quả cần hóa giả. Như vậy toàn bộ các giới trong tự nhiên cũng được xem như những điểm biểu đạt sự sống, phát triển, hoàn thiện từ sự bất toàn hướng đến sự toàn hảo. 

Ngoài nghiệp quả hiện tại (current karma) chính là những quả báo từ hành động quá khứ mà hiện bạn đang làm việc để chuyển hóa chúng trong cuộc sống của mình, còn có nghiệp quả mới do chúng ta tạo ra trong chính cuộc sống hiện tại. Và cũng còn có một dạng nghiệp quả nữa được gọi là nghiệp treo (nghiệp ẩn ngầm, latent karma). Nghiệp treo là dạng karma mà chúng ta cũng phải đối mặt nhưng “theo kế hoạch” chưa xuất hiện trong kiếp này mà sẽ đến trong kiếp sau. 

Khi bạn bước trên đường đạo và thức tỉnh với linh hồn, khi linh hồn làm chủ thể xác, những ham muốn của nó, và cũng tràn đầy tình thương thiêng liêng (Christ-like love) đó là khi một người đạt đến cuộc điểm đạo lần thứ nhất. Đây là lý do tại sao cuộc điểm đạo lần thứ nhất được gọi là sự Giáng Sinh của Đức Christ trong trái tim và đó thực sự là một cột mốc vĩ đại. Từ thời điểm đó trở đi, hệ thống bên trong được thiết lập để cho nghiệp treo ẩn ngầm, một số thôi chứ không phải tất cả, được phép xuất hiện trong kiếp sống này để được chuyển hóa. Khi nghiệp treo ẩn tàng được đưa nhiều hơn vào kiếp sống hiện tại để hóa giải, điều này giúp tăng tốc quá trình tiến hóa nhưng cũng làm tăng cường các thách thức. Và đó là tại sao đường đạo không dễ dàng, bởi vì bạn thậm chí còn thêm vào cả những nghiệp quả mà đúng ra chưa xuất hiện trong kế hoạch. Linh hồn thêm nghiệp treo vào cuộc sống hiện tại của bạn, mong muốn bạn chuyển hóa để có thể sống chân thực gần hơn với thiên tính của linh hồn và phụng sự như linh hồn muốn bạn làm vậy. 

Vì thế đầu thai lâm phàm là toàn bộ quá trình từ từ chuyển hóa karma, đưa đến sự hoàn thiện cuối cùng, và tích hợp những trải nghiệm mới và minh triết vào thể nguyên nhân để qua mỗi kiếp sống, bạn có thêm trang bị, công cụ để làm việc, phụng sự. Tất cả những điều này dựa trên định luật vũ trụ vĩ đại được gọi là định luật chu kỳ (định luật tuần hoàn).

DHARMA VÀ KARMA

Chúng ta chưa hiểu nhiều về Dharma như là Karma. Dharma được sử dụng nhiều trong truyền thống phương Đông nhưng với những ý nghĩa có khác nhau đôi chút. Dharma trong Hindu - Ấn Độ giáo, có nghĩa là cầm giữ hay gánh mang, nhưng nó cũng có nghĩa là thứ bạn đang cầm giữ và gánh vác, đó là bản chất thiết yếu, vĩnh cửu của bạn. Theo quan điểm Hindu, Dharma của bạn là việc biểu hiện trọn vẹn bản thể của bạn trong tương lai xa. Trong Phật giáo có một chút khác biệt nhưng cũng vẫn tương đồng. Trong Phật giáo, Dharma nhấn mạnh đến sự chân chánh (đúng đắn), những cách sống đúng đắn, và bản chất của thực tại phổ quát là gì. Từ quan điểm nội môn, đơn giản ta xem Dharma như là nghĩa vụ, bổn phận của cuộc sống hay nhiều kiếp sống, như lý do bạn hiện hữu, mục đích vĩnh cửu của bạn. 

Như vậy, Dharma và Karma tuy khác nhau nhưng chúng có điểm chung và đây là điều rất quan trọng cần phải hiểu được. Dharma là biểu hiện thần lực sống trọn vẹn của bạn như mục đích đã được thiết kế từ cách đây rất lâu. Và bạn chỉ có thể hiện thực hóa Dharma trong khả năng của mình trong giới hạn của karma. Sâu thẳm bên trong bạn, bên trong mỗi chúng ta có một định mệnh hiện hữu. Và định mệnh đó chỉ có thể được hiện thực hóa trong bối cảnh những giới hạn mà karma (nghiệp quả) cho phép trong bất kỳ kiếp lâm phàm nào. Vì thế, mỗi kiếp lâm phàm là một quá trình chuyển hóa nghiệp quả. Mỗi kiếp lâm phàm, bạn sẽ phải tiến gần hơn một chút đến khả năng cảm nhận mục đích sâu sắc hơn của mình. Và lý do sâu sắc hơn của bạn là trở thành một chân sư. Một chân sư hoàn toàn giải thoát là người đã hóa giải tất cả mọi nghiệp quả, và vì thế sống trọn vẹn với Dharma của mình.

ĐỊNH LUẬT CHU KỲ

Có những chu kỳ biểu hiện và thu rút, thành trụ và hoại không. Tôi muốn đưa các bạn vào một bức tranh lớn, vào vũ trụ. Triết học nói rằng Thượng Đế, hay sự sống vĩ đại biểu hiện chính mình trong vũ trụ qua hơi thở ra vĩ đại (a great outbreath). Hơi thở ra đó là khuynh hướng lâm phàm nhập thế.



Hãy nhìn vào thần lực sống được gọi là Thái Dương Thượng Đế, thực thể sống của toàn bộ thái dương hệ. Chúng ta là những tế bào tâm thức bên trong bản thể của Ngài. Khi Thái Dương Thượng Đế đầu thai lâm phàm, điều đó được gọi là một hơi thở ra vĩ đại hay một manvantara - chu kỳ khai nguyên. Manvantara là hơi thở ra vĩ đại trong mọi thứ và nó dẫn đến sự biểu hiện. Như vậy, mọi thứ mà chúng ta thấy trong thái dương hệ là bằng chứng của tinh thần khai nguyên (manvantara) giáng hạ vào vật chất.



Rồi có hành trình trở về (phản bổn hoàn nguyên), được gọi là pralaya - chu kỳ quy nguyên. Đó là hơi hít vào, sự thu rút khỏi hình tướng và trở về với tinh thần. Rồi một ngày sẽ đến trong hàng tỉ năm nữa, khi Thái Dương Thượng Đế sẽ có một hơi hít vào vĩ đại. Và điều đó giống như là cái chết, nó sẽ thu rút chính mình khỏi hình tướng và đi vào một nơi hoàn toàn trừu tượng.

Mọi thứ đều được nhìn như những chu kỳ tuần hoàn. Định luật chu kỳ được xem như một trong hai hoặc ba định luật vĩ đại nhất trong tất cả các định luật hiện hữu, rằng mọi thứ đều có một chu kỳ. Chúng ta thấy nó hiện diện trong cuộc sống, sự tuần hoàn của ngày và đêm, của các mùa trong năm, các vòng đời sinh và tử và sự đến và đi của mọi thứ. Các chu kỳ nhỏ nằm trong các chu kỳ lớn và đến lượt chúng lại nằm trong những chu kỳ vĩ đại hơn nữa, và hoạt động tổng quan theo cùng cách thức.

Bây giờ, xuống đến cấp độ con người, chúng ta có một chu kỳ ở đây. Khi sống và lâm phàm nhập thế, chúng ta đang ở trong chu kỳ biểu hiện, tinh thần giáng hạ đi vào vật chất, manvantara. Khi chết, sự sống tự thu rút khỏi hình tướng và quay trở về thể nguyên nhân, và đối với một số người, thậm chí trở về chân thần, và đó là hành trình trở về, pralaya, chu kỳ quy nguyên. 

Bây giờ, ta lại tiếp tục chia nhỏ hơn nữa. Mỗi ngày khi bạn đi ngủ, bạn đi vào pralaya, và mỗi sáng thức dậy, bạn đi vào manvantara (của một ngày trên trái đất). Như thế, có những chu kỳ nằm trong những chu kỳ.

ANTAHKARANA

Điều gì xảy ra khi linh hồn lâm phàm. Linh hồn có phần mở rộng như một phần của mình đi vào hình tướng và tạo thành chiếc vỏ áo bên ngoài được gọi là phàm ngã. Thể nguyên nhân luôn ở trên cõi thượng trí, khi nó lâm phàm, không phải toàn bộ thể nguyên nhân, không phải toàn bộ linh hồn đi đầu thai mà chỉ là một phần mở rộng của nó. Và phần mở rộng đó thường được mô tả như hai sợi tuyến, một sợi được gọi là sutratma, sinh mệnh tuyến (life threat, hay còn gọi là sợi dây bạc, silver cord), và sợi thứ hai là Antakarana, tâm thức tuyến (consciousness thread), được gắn vào con người trên cõi hồng trần.



Đường antahkarana hoạt động qua cõi trí, cõi cảm dục và ngụ trong trung tâm dĩ thái trên đầu gần khu vực tuyến tùng. Thể dĩ thái của bạn làm nền tảng cho mọi tế bào trong cơ thể bạn và toàn bộ hệ thống luân xa là một phần của nó. Sợi tâm thức tuyến antahkarana neo trụ trong luân xa đầu, trong khi sợi sinh mệnh tuyến sutratma neo trụ trong luân xa tim, là tác nhân của sự sống. Trái tim dĩ thái hay luân xa tim và toàn bộ hệ tuần hoàn là sự tuần hoàn sự sống, sự tuần hoàn của nguyên khí sự sống. Sinh mệnh tuyến (life thread - tuyến sự sống) không đến từ thể nguyên nhân. Nó thực sự đến từ chân thần, bởi vì chân thần là sự sống, và sợi tuyến này là sự truyền dẫn sự sống đó đến hình tướng.

Khi bạn đi ngủ vào buổi tối, tâm thức thông qua đường antahkarana tách mình khỏi neo gốc của nó trong luân xa đầu (trong thể dĩ thái) và bắt đầu hành trình quay trở về thể nguyên nhân. Như vậy mỗi ngày chúng ta đều có một sự diễn tập cho cái chết. Sự khác biệt duy nhất giữa cái chết và giấc ngủ đó là sợi sinh mệnh tuyến cũng tách rời khi ta chết chứ không chỉ sợi tâm thức tuyến.  Việc nghiên cứu những giấc mơ là quan trọng. Những giấc mơ của bạn có ý nghĩa hay hoàn toàn không có ý nghĩa gì, liên quan rất nhiều đến việc sợi tuyến đó ở đâu. Trước hết nó sẽ đi qua cõi cảm dục thấp, rồi đến cõi cảm dục cao hơn, rồi đến cõi trí và cuối cùng quay trở về thể nguyên nhân. Trong khi đó, sinh mệnh tuyến vẫn giữ kết nối với thể xác. Đó là lý do tại sao giữa khuya, dù bạn không còn ý thức, trái tim vẫn đập, phổi vẫn hít thở. 

Linh hồn - thể nguyên nhân - được thấy trên cõi thượng trí. Cảm xúc được tạo thành từ những chất liệu thông tuệ sống động. Ở mỗi cõi tâm thức lại có những cõi phụ. Cõi cảm dục có những cõi phụ thấp đến cao. Khi bạn có một cảm xúc cao quý, bạn trải nghiệm chất liệu cảm xúc có nguồn gốc từ chất liệu của các cõi phụ cao cả hơn, còn khi bạn có một cảm xúc tiêu cực, như ghen tuông chẳng hạn, thì trạng thái cảm xúc đó đến từ chất liệu ở các cõi phụ thấp hơn. Do đó, toàn bộ hành trình thăng lên trở về là thanh luyện đời sống sao cho bạn có ngày càng nhiều hơn chất liệu cao cả và ngày càng giảm bớt đi chất liệu từ những cõi thấp này. 

Trước khi linh hồn đầu thai nhập thế, những sợi tuyến sutratma và antahkarana này được lưu trữ trong thể nguyên nhân, và ba nguyên tử trường tồn là một phần của nó. Khi quá trình lâm phàm bắt đầu, sợi tuyến này được mở rộng vào các cõi trí, cõi cảm dục và cõi hồng trần và những nguyên tử trường tồn này được đặt một cách chủ động vào những cõi đó. 

CÁC NGUYÊN TỬ TRƯỜNG TỒN

Các nguyên tử trường tồn có từ tính, chúng thu hút chất liệu vào chúng. Đơn vị thể trí (mental unit) hay nguyên tử trường tồn hạ trí, khi mở rộng, nó bắt đầu thu hút chất liệu và trong cõi trí, bắt đầu xây dựng cái sẽ trở thành thể trí của phàm ngã trẻ sơ sinh tương lai. Nguyên tử trường tồn cảm dục sẽ thu hút những chất liệu từ cõi cảm dục mà sẽ trở thành thể cảm dục của trẻ sơ sinh tương lai. Và cuối cùng, nguyên tử trường tồn hồng trần-dĩ thái sẽ thu hút chất liệu dĩ thái để xây dựng hệ thống luân xa cho trẻ sơ sinh tương lai. Đây là cơ chế mà bản thể thấp của bạn bắt đầu cấu trúc của mình. Như vậy, chức năng đầu tiên của các nguyên tử trường tồn là giúp xây dựng chiếc áo phàm ngã tam phân với thể xác - dĩ thái, thể cảm dục và thể hạ trí. 

Chức năng thứ hai của các nguyên tử trường tồn qua suốt toàn bộ kiếp sống của bạn, đó là lưu giữ lại những rung động từ trải nghiệm đời sống. 

Mỗi trải nghiệm tích cực bạn có trong đời, ví dụ đó là trải nghiệm trí tuệ, nó sẽ được khắc ghi vào nguyên tử trường tồn. Khi bạn có những trải nghiệm cảm xúc cao cả, ý nghĩa và chuyển hóa, điều đó sẽ được khắc vào nguyên tử trường tồn cảm xúc, và tương tự với trải nghiệm vật lý. Nhưng nếu bạn có những trải nghiệm tiêu cực, nó cũng sẽ được khắc ghi trong các nguyên tử trường tồn vật lý, cảm xúc và hạ trí tương ứng. Cả hai dạng trải nghiệm, tích cực và tiêu cực đều sẽ được khắc vào trong các nguyên tử trường tồn.

Khi bạn chết, toàn bộ sợi tuyến được rút lên trở về và ba nguyên tử trường tồn này bắt đầu chuyển giao những trải nghiệm tích cực, tốt đẹp vào thể nguyên nhân và chúng trở thành minh triết mới, một năng lực mới. Đó là cách minh triết được đưa vào thể nguyên nhân và chúng được lưu lại trong đó cho kiếp sống tiếp theo của bạn. Nhưng thể nguyên nhân chỉ thu lấy những trải nghiệm tích cực, nó không chấp nhận điều tiêu cực. Sự bất hòa không được cho phép trong thể nguyên nhân. 

Một trải nghiệm rất tích cực và phúc lạc được gọi là Devachan (Cõi Thiên Đàng, Cõi Trời Chân Phúc, Cực Lạc), đó là khoảng thời gian giữa các kiếp sống (sau khi chết và trước khi đầu thai kiếp mới) khi tất cả những phẩm tính tích cực được chuyển giao vào thể nguyên nhân của bạn, từ những nguyên tử trường tồn đó. Và bạn sẽ ở trong trạng thái đó cho đến khi quá trình chuyển giao được hoàn thành. Khi đó, linh hồn bắt đầu suy ngẫm về cuộc lâm phàm trong kiếp sống tiếp theo của nó và bắt đầu xướng lên chủ âm, nhìn xuống và chuẩn bị bắt đầu cho hơi thở ra lần nữa.



Nhưng những rung động tiêu cực vẫn lưu giữ trong các nguyên tử trường tồn. Ví dụ, tôi có vấn đề với tính nóng giận, nó phá hủy mối quan hệ và nó tạo ra cái gì đó bất thiện trong tôi như là kết quả của nó. Vì thế vấn đề nóng giận được khắc vào nguyên tử trường tồn cảm dục. Khi tôi chết, những gì tích cực, tốt đẹp được tích hợp vào thể nguyên nhân, nhưng những gì tiêu cực thì không. Khi tôi đầu thai, sợi tuyến đi xuống lần nữa và nó có cả tích cực và tiêu cực, và vẫn có phẩm chất tiêu cực đó. Khi nguyên tử trường tồn cảm dục bắt đầu thu hút chất liệu để xây dựng thể cảm dục mới của tôi cho kiếp lâm phàm mới, nó sẽ rung động, thu hút những chất liệu từ các cõi phụ thấp khiến cho tôi lại có trải nghiệm tức giận lần nữa. Nó thu hút chất liệu cảm xúc đại diện cho sự nóng giận và nó ở trong tôi, và tôi sẽ phải đối mặt với nó lần nữa. Như vậy nó cũng hình thành nên những hoàn cảnh sẽ kích hoạt sự nóng giận đó trong kiếp sống mới. Nhưng, ví dụ như lần này, tôi có tính nóng giận và tôi cảm thấy mình phải làm gì đó để xử lý nó. Tôi bắt đầu làm việc với bản thân và bản chất cảm xúc của mình. Có thể tôi quyết định đến gặp một nhà trị liệu, và có thể nhà trị liệu đó giúp tôi hiểu các cách thức có thể để chuyển hóa tính nóng giận thành chí nguyện đam mê cao cả vì những điều tốt đẹp. Dần dần, sự bất hòa bị khắc ghi trong nguyên tử trường tồn cảm dục được điều chỉnh và trở nên hài hòa. Rồi đến khi chết, sợi sinh mệnh tuyến tự rút trở về vào thể nguyên nhân. Và giờ đây, một rung động tích cực ở đó, được xây đắp vào thể nguyên nhân như một năng lực mới. Và điều đó thực sự khiến tôi trở nên hữu hiệu hơn trong việc giúp đỡ những người khác ở kiếp lâm phàm kế tiếp, những người đã phải vất vả với vấn đề tương tự. Đó là cách karma và minh triết được chuyển tiếp từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.

Khi thanh luyện bản thân, bạn có thêm những phẩm tính tích cực đưa vào các nguyên tử trường tồn qua mỗi kiếp lâm phàm và giúp xây đắp một chiếc áo bên ngoài với chất liệu mỗi lúc càng cao cấp hơn một chút. Như thế, bạn không chỉ có một thể nguyên nhân ngày càng được lấp đầy, hoàn thiện hơn mà bạn còn có một khí cụ bên ngoài tốt hơn để linh hồn làm việc qua đó trong kiếp sống.

Mỗi kiếp sống là để vun bồi, nuôi dưỡng, cải thiện và nâng cao những phẩm tính để bạn, như một người đệ tử của thế gian, phụng sự nhân loại một cách hiệu quả hơn. Một cách thức để chuẩn bị cho kiếp sống tới của bạn là tham thiền, hình dung quán tưởng về nó một cách thực tế và lạc quan để nhìn thấy và hình thành nó thậm chí trước cả khi bạn rời khỏi kiếp sống này. Cuối cùng thì điều cốt lõi là sống như những linh hồn, biểu đạt những phẩm tính linh hồn, ngày càng nhiều minh triết hơn, yêu thương hơn qua công việc phụng sự đến tổng thể lớn hơn. ❤


Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Cứu thế giới hay tự cứu chính mình?

 Tối qua em gái nhắn hỏi mình: 

"Tại sao có những người sinh ra họ nghĩ rằng họ phải cứu thế giới và giúp mọi người? Trong khi thực tế có khi là thế giới này có cách vận hành riêng không cần họ phải cứu ai hay làm gì ?

Họ chỉ nên học cứu chính mình?

Đạo Phật mục tiêu sau cùng cũng chỉ là chỉ cho ta nguyên tắc sống như là quy luật vận hành của Vũ trụ để ta nương vào đó mà làm theo để bớt khổ đau.

Người đi cứu thế giới có thể quên mất rằng chính mình cũng có nhiều khổ đau không nhìn thấy hết.

Vậy mong muốn đi cứu thế giới có phải cũng là một dạng “bệnh” cần chữa trị?

Nhưng gốc gác của nó là từ đâu?"

Em thương,

Đúng là dưới góc nhìn của Sự Thật Tuyệt Đối thì mọi thứ vốn tự thân đã hoàn hảo rồi, và chúng ta là những vị Phật (tương lai), là Tinh Thần, Thượng Đế bởi đó là Thiên Tính, Phật Tính cốt lõi của Bản Thể Chân Thật của chúng ta. 

Tuy nhiên, chúng ta đang sống với Sự Thật Tương Đối nhiều hơn, bởi Sự Thật Tuyệt Đối đó gần như phải ở một trình độ tiến hóa rất rất cao mới có thể đáp ứng hay phản ánh được. 

Với sự thật tương đối, ta thấy rõ những bất toàn của thế giới, do đó, thực tế có rất nhiều việc mà chúng ta cần làm, nên làm để giúp cho thế giới tốt đẹp hơn.

Đức Phật chỉ cho chúng ta nguyên tắc sống như những quy luật vận hành vũ trụ để nương vào thoát khổ. Và một trong những điều quan trọng được nhấn mạnh đó là Vô Ngã và Tương Tức. Có nghĩa là tất cả mọi thứ đều liên quan lẫn nhau, không có cái ngã cá nhân thực sự mà thật sự là Nhất Thể. Đó là tinh thần Đại Đồng, bình đẳng khi đối xử với mọi người. Có nghĩa là chúng ta không khác với những người khác. Môi trường, những người khác cũng chính là ta. 

Và tinh thần dấn thân của Đạo Phật được thể hiện nhiều qua hình tượng Bồ Tát mà Thầy Thích Nhất Hạnh cũng nhắc đến nhiều qua sự nhập thế của Phật Giáo Đại Thừa. Tinh Thần Bồ Tát hay tu theo con đường Bồ Tát đạo là con đường phụng sự, cứu khổ cho chúng sinh bằng tất cả những gì có thể. Và thực ra đó cũng là chân lý của sự thoát khổ, bởi khi cứu người khác ta cũng đang tự cứu chính mình. Vì chúng ta và người khác là Một.

Hơn nữa, khi tâm thức chúng ta hướng đến việc phụng sự, giúp đời, cứu đời, thì tâm ta cũng mở rộng, những muộn phiền nhỏ nhặt của cá nhân cũng giảm bớt với tâm quảng đại này. Điều đó chắc chắn mang lại niềm vui khi ta thấy mình sống có ý nghĩa và hữu ích.

"Người đi cứu thế giới có thể quên mất rằng chính mình cũng có nhiều khổ đau không nhìn thấy hết.…"  Bởi vậy nên muốn làm một người phụng sự tốt, ta phải tu tập, thanh luyện và healing bản thân trước, xây dựng nội lực mạnh mẽ để có thể làm việc hiệu quả.

Nhưng, điều đó không có nghĩa là phải chờ healing xong bản thân, thanh luyện xong hết rồi mới cứu đời. Vì công việc tu tập là suốt cả đời, nhiều đời. Cho nên ta vẫn tích cực làm những gì có thể trong khả năng của mình. Trau giồi trí tuệ, nghị lực để có sự phân biện, biết được cái gì mình có thể làm và nên làm trong sức của mình, cái gì mình chưa thể và cần tập trung vào bản thân trước.

Và như trên chị có nói, chính trong việc cứu giúp người khác thì ta cũng đang tự cứu chính mình.

"Vậy mong muốn đi cứu thế giới có phải cũng là một dạng “bệnh” cần chữa trị?" Đúng, nếu đó là một dạng ảo cảm của lý tưởng sùng tín cực đoan. Còn ngược lại, nếu nó là một khao khát chân thành, với trí tuệ phân biện và một trái tim yêu thương, tinh thần thiện chí, sự điềm tĩnh, không bị chấp vào kết quả (chỉ cần làm hết sức mình, còn kết quả là ý trời, vẫn vui vẻ dù thế nào) thì đó là một đạo tâm đáng quý.

Thương mến.


Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Chết một cách tốt đẹp

Death and Dying Well : From the Teachings of Master Djwhal Khul

Link video gốc ở kênh Monadic Media: https://youtu.be/Bygr4AP-Qsg

Phiên dịch và thuyết minh: nhóm MFVN.





Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Tự do là chính mình

Cuối tuần bận rộn với 2 ngày tổ chức tập huấn "Kỹ năng hỗ trợ người khiếm thính ở bệnh viện" của dự án Oxfam. Chị Hạnh giảng online từ xa. Học viên là các bạn sinh viên khoa Công tác Xã hội hay Giáo dục đặc biệt, có hai sơ đi học rất nghiêm túc nữa. Các bạn dễ thương, học nghiêm túc, thực hành với các bạn khiếm thính, quay video làm hoạt cảnh. CED được bên team Falcon Anh Điểm do Luật sư Hương giới thiệu hỗ trợ hệ thống đào tạo online xịn xò chuyên nghiệp. Cảm thấy thật biết ơn với nhiều phước lành của vũ trụ.

Tối thứ bảy, gặp lại nhà TFV trong đám cưới hai em. Một đám cưới độc đáo, đậm chất "Bùi Gia", thân tình, hạnh phúc và cảm động. Mình học được từ chia sẻ của Chú Rể về việc bạn ấy hạnh phúc khi được tự do là chính mình bên cô ấy, và cả sự ung dung, điềm tĩnh của Cô Dâu. 

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Nội môn và ngoại môn

Thảo luận của nhóm MFVN

Q: Sách EH. "Bệnh tật là trạng thái ức chế năng lượng của Linh Hồn, đúng trong mọi giới và mọi hình hài" vậy thì khỏi bệnh hoàn toàn đồng nghĩa với Đắc Đạo mới được.

Nên tóm lại là "Minh Triết Thiêng Liêng thì không dành cho kinh doanh" và tuyệt đối là vậy, ngay cả việc cho tặng cũng cần lưu ý.

K: Không có ích lợi gì khi xem lá số ngoại môn cho một người. Động cơ của họ vẫn còn thuộc về phàm ngã, và mong muốn thì hầu như là một định mệnh dễ chịu. Khoa học Định mệnh là khoa học diễn giải tương lai chỉ có thể tiến hành dựa trên nền tảng Khoa học về Cung Rays, Khoa học Diễn giải Nội môn được tiến hành qua Khoa học về Tam Giác và Khoa học về các Trung tâm lực. Các lá số của học viên MF sẽ được diễn giải theo góc độ nội môn, trong đó hướng đến nhận thức mục tiêu Linh hồn, mối liên hệ với nhóm, hiểu biết về tình trạng bản thân như mức độ tiến hóa đã đạt, những đặc trưng tâm lý của các thể, sau đó là phương pháp thiền, phương pháp tích hợp, phương pháp phụng sự...được đề xuất. Tất cả những gì liên quan đến nội môn được tập trung vào phát triển tâm thức, do đó, những chỉ dẫn ngoại môn vốn gắn liền với hình tướng không phải đối tượng xem xét. Yếu tố phụng sự là thái độ và lập trường, do đó, không yêu cầu và đòi hỏi sự hồi đáp dưới bất kể hình thức nào ạ.

T: Đề tài này rất thú vị, nó cũng là câu hỏi lớn mà em chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Đức Phật là một bậc Thầy về tướng số và thuật số trước khi thành đạo (phần lớn trong 500 câu chuyện về tiền kiếp có đề cập đến việc này) khi xem giáo trình về Chiêm Tinh học nội môn có thấy câu khuyến cáo như vầy "không học giỏi chiêm tinh học ngoại môn thì không thể đọc và hiểu các nội dung trong giáo trình của Đức D.K. bản thân em cũng nhờ quá trình nghiên cứu 3 năm về huyền học ngoại môn nên giờ đọc giáo lý của Đức D.K mới thông hiểu được đôi chút. Theo suy luận của cá nhân em thì phải học tốt các môn ngoại môn sau đó mới có thể đi nhanh về nội môn được. Vì các kiến thức huyền học ngoại môn thực chất cũng là do các Bậc Thánh nhân viết ra chứ người thường không thể nào chế được các kiến thức này: ví dụ Dịch lý, thuyết âm dương, thuyết ngũ hành, ...

K: Nội môn là thế giới của nguyên nhân, ngoại môn là thế giới hiện tượng. Định đề III:"Chính tính chất của một Sự Sống cung, trong thời gian và không gian, mới quyết định sắc tướng cõi hiện tượng". Bác Hương muốn làm việc với nguyên nhân hay kết quả, bác muốn làm việc với ngọn hay gốc? Thế giới bên ngoài không hoàn hảo với ảo tưởng, ảo cảm và ảo lực. Do đó nó không phản ánh chính xác nội tại. Người ta vẫn dựa vào các kết quả bên ngoài như manh mối truy tìm nguyên nhân, nhưng sự diễn giải phải từ trong ra ngoài. Nhu cầu của một người muốn tìm hiểu "ngoại môn" chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò cho phàm ngã. Khi bác xem lá số cho một người, động cơ của bác là định hướng tinh thần cho họ hay đáp ứng nhu cầu phàm ngã của họ cũng? Em tập trung vào câu hỏi: "động cơ và mục tiêu diễn giải lá số là gì?" Thế giới nguyên nhân là nơi tập trung sự chú ý của đệ tử, vì khi đã nắm bắt được các năng lượng, lực tương tác thì diễn giải ngoại môn rất đơn giản.

Bác H: Tôi xem lá số ngoại môn cũng biết người này Hướng ngoại, người này hướng nội. Ứng dụng hướng dẫn tu hành, ví như: Người thuần hướng ngoại thì như Chân sư DK nói "Không phải là đối tượng tu thiền", Người hướng nội thích hợp tu thiền. Hoặc người này nghiệp còn rất nặng, kiếp này chưa đủ duyên để tu đạo giải thoát. Chỉ nên hướng dẫn họ tu theo Pháp thế gian. Xem số cũng biết người này lên ưu tiên tu Bố thí gì trong 3 thứ Tài - Pháp - Vố úy. Ví dụ, họ có thọ mệnh ngắn, hoặc bệnh tật đầy thân thì tu Bố thí Vô úy là hàng đầu để kéo dài sự sống chứ không phải tu giầu có ... Đại khái vậy.

Lá số ngoại môn biết rõ về sự phát triển của trí tuệ, năng khiếu trí tuệ thuộc lĩnh vực gì, nên phát triển trí tuệ qua con đường Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội. .... Như Chân Sư DK nói, ngoại môn biết mọi mặt về đời sống con người. Ví như có người sợ ma quỷ, có người ma quỷ sợ họ. Người ma quỷ sợ họ thì có thể ngồi thiền giữa bãi tha ma được đó 

Nhưng môn sinh MF chúng ta thì đều là những người đang quá trình chuyển hóa năng lượng từ các Hành tinh ngoại môn sang chịu ảnh hưởng nội môn. Năng lượng đích đến Nội môn này thì ngoại môn không thể có được. Nó chẳng khác học sinh khối cấp I thì chẳng hiểu nổi giáo lý học cấp II, nhưng học sinh cấp II thì thành thạo kiến thức cấp I - Đây chính là lợi thế vô cùng tuyệt với của giáo lý MF vậy

D: Em rất đồng cảm với những điều Khánh nói ❤ về "Nội môn là thế giới của nguyên nhân (gốc rễ, nội tâm), ngoại môn là thế giới hiện tượng (ngọn, biểu hiện bên ngoài)... Thế giới nguyên nhân là nơi tập trung sự chú ý của đệ tử." (1) "Bồ Tát sợ Nhân, chúng sanh sợ Quả." Mặt khác, em cũng hiểu ý của Bác Hương (2), mà thực ra hai chuyện này không mâu thuẫn nhau. 

(1) Trọng tâm mà người đi trên đường Đạo hướng đến là thế giới của nguyên nhân, thế giới nội tại, sự thật, xua tan ảo cảm, chuyển hóa tâm thức. 

(2) Các môn huyền học, mệnh học, đa phần được trao truyền từ những Bậc Thánh Nhân xưa, đều chứa đựng phần nào minh triết thiêng liêng, trong nỗ lực giải mã ý nghĩa bản thiết kế gốc của Linh Hồn cũng như những quy luật của vũ trụ. Các môn này mang nhiều lớp ý nghĩa và biểu tượng. Ngoại môn cũng là nó mà nội môn cũng là nó (ở một bậc thâm sâu hơn hay cao hơn trên vòng xoắn ốc), tùy theo mức độ phát triển tâm thức của một người - tương ứng với sự chú tâm của họ vào đâu. Người đời có thể dùng quẻ Dịch để xem bói theo kiểu rất ngoại môn. Nhưng nếu hiểu thật sâu sắc về Dịch Học ta cũng sẽ thấy nó chính xác rất "nội môn" và hướng người ta về sự tu dưỡng, thuận với lẽ Đạo. 

Kiến thức cơ bản các bộ môn huyền học này như cái nền tảng mà cả nội hay ngoại đều dựa vào đó mà phát triển lên, mà diễn giải tùy theo động cơ và sự phát triển tâm thức. Nên em nghĩ ai nghiên cứu được gì thì cứ nghiên cứu, vì thực ra chân lý là một nên hiểu được sâu một ngành sẽ giúp ta dễ dàng liên hệ và kết nối để hiểu những ngành khác. Và tất nhiên, cứ ba trụ cột của trường MF Học Tập (nghiên cứu) - Tham Thiền - Phụng Sự (tu tập, rèn luyện = giúp mình, giúp đời) mà trau dồi thì ta vững vàng tiến bước thôi ạ.


Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Chiêm Tinh Cơ Bản - Phần 2

Buổi chia sẻ thứ hai về Chiêm Tinh Cơ Bản với nhóm MFVN, chiều Chủ Nhật 07.03.2021.





Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Thời Đại Bảo Bình

 Bài trình bày về Thời Đại Bảo Bình cho buổi họp nhóm MF Việt Nam, tháng Bảo Bình 2021.




Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Chiêm Tinh Học Cơ Bản - Phần 1

Buổi chia sẻ Chiêm Tinh Học Cơ Bản qua Zoom cho nhóm MF Vietnam và bạn bè, chiều Chủ nhật 03.01.2021.