Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Cứu thế giới hay tự cứu chính mình?

 Tối qua em gái nhắn hỏi mình: 

"Tại sao có những người sinh ra họ nghĩ rằng họ phải cứu thế giới và giúp mọi người? Trong khi thực tế có khi là thế giới này có cách vận hành riêng không cần họ phải cứu ai hay làm gì ?

Họ chỉ nên học cứu chính mình?

Đạo Phật mục tiêu sau cùng cũng chỉ là chỉ cho ta nguyên tắc sống như là quy luật vận hành của Vũ trụ để ta nương vào đó mà làm theo để bớt khổ đau.

Người đi cứu thế giới có thể quên mất rằng chính mình cũng có nhiều khổ đau không nhìn thấy hết.

Vậy mong muốn đi cứu thế giới có phải cũng là một dạng “bệnh” cần chữa trị?

Nhưng gốc gác của nó là từ đâu?"

Em thương,

Đúng là dưới góc nhìn của Sự Thật Tuyệt Đối thì mọi thứ vốn tự thân đã hoàn hảo rồi, và chúng ta là những vị Phật (tương lai), là Tinh Thần, Thượng Đế bởi đó là Thiên Tính, Phật Tính cốt lõi của Bản Thể Chân Thật của chúng ta. 

Tuy nhiên, chúng ta đang sống với Sự Thật Tương Đối nhiều hơn, bởi Sự Thật Tuyệt Đối đó gần như phải ở một trình độ tiến hóa rất rất cao mới có thể đáp ứng hay phản ánh được. 

Với sự thật tương đối, ta thấy rõ những bất toàn của thế giới, do đó, thực tế có rất nhiều việc mà chúng ta cần làm, nên làm để giúp cho thế giới tốt đẹp hơn.

Đức Phật chỉ cho chúng ta nguyên tắc sống như những quy luật vận hành vũ trụ để nương vào thoát khổ. Và một trong những điều quan trọng được nhấn mạnh đó là Vô Ngã và Tương Tức. Có nghĩa là tất cả mọi thứ đều liên quan lẫn nhau, không có cái ngã cá nhân thực sự mà thật sự là Nhất Thể. Đó là tinh thần Đại Đồng, bình đẳng khi đối xử với mọi người. Có nghĩa là chúng ta không khác với những người khác. Môi trường, những người khác cũng chính là ta. 

Và tinh thần dấn thân của Đạo Phật được thể hiện nhiều qua hình tượng Bồ Tát mà Thầy Thích Nhất Hạnh cũng nhắc đến nhiều qua sự nhập thế của Phật Giáo Đại Thừa. Tinh Thần Bồ Tát hay tu theo con đường Bồ Tát đạo là con đường phụng sự, cứu khổ cho chúng sinh bằng tất cả những gì có thể. Và thực ra đó cũng là chân lý của sự thoát khổ, bởi khi cứu người khác ta cũng đang tự cứu chính mình. Vì chúng ta và người khác là Một.

Hơn nữa, khi tâm thức chúng ta hướng đến việc phụng sự, giúp đời, cứu đời, thì tâm ta cũng mở rộng, những muộn phiền nhỏ nhặt của cá nhân cũng giảm bớt với tâm quảng đại này. Điều đó chắc chắn mang lại niềm vui khi ta thấy mình sống có ý nghĩa và hữu ích.

"Người đi cứu thế giới có thể quên mất rằng chính mình cũng có nhiều khổ đau không nhìn thấy hết.…"  Bởi vậy nên muốn làm một người phụng sự tốt, ta phải tu tập, thanh luyện và healing bản thân trước, xây dựng nội lực mạnh mẽ để có thể làm việc hiệu quả.

Nhưng, điều đó không có nghĩa là phải chờ healing xong bản thân, thanh luyện xong hết rồi mới cứu đời. Vì công việc tu tập là suốt cả đời, nhiều đời. Cho nên ta vẫn tích cực làm những gì có thể trong khả năng của mình. Trau giồi trí tuệ, nghị lực để có sự phân biện, biết được cái gì mình có thể làm và nên làm trong sức của mình, cái gì mình chưa thể và cần tập trung vào bản thân trước.

Và như trên chị có nói, chính trong việc cứu giúp người khác thì ta cũng đang tự cứu chính mình.

"Vậy mong muốn đi cứu thế giới có phải cũng là một dạng “bệnh” cần chữa trị?" Đúng, nếu đó là một dạng ảo cảm của lý tưởng sùng tín cực đoan. Còn ngược lại, nếu nó là một khao khát chân thành, với trí tuệ phân biện và một trái tim yêu thương, tinh thần thiện chí, sự điềm tĩnh, không bị chấp vào kết quả (chỉ cần làm hết sức mình, còn kết quả là ý trời, vẫn vui vẻ dù thế nào) thì đó là một đạo tâm đáng quý.

Thương mến.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét