Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Cõi trần ảo mộng

...Khi thiền xong em lại có cảm giác trần gian chỉ là mộng ảo và muốn đạt được trạng thái an lạc không vướng bận buồn vui nhân gian. Không biết đây có phải vấn đề gì không tốt không ạ? 

Em thân mến, khi mình tham thiền rồi đạt được trạng thái an lạc, đó là điều tốt, bởi đó cũng là một trong những hiệu ứng mong muốn của chúng ta khi ngồi thiền. Tham thiền mang lại rất nhiều lợi ích và tác dụng chữa lành cho cả ba thể thấp, sức khỏe cho thể xác, làm ổn định thể tình cảm và bình tâm cho thể trí. Tuy nhiên, với tham thiền huyền môn, mình sẽ còn cần phải đi xa hơn thế nữa, chứ không chỉ kẹt lại hay dừng ở trạng thái hỷ lạc đó. Tham thiền huyền môn còn là công việc xây dựng chiếc cầu nối giữa phàm ngã với linh hồn, để ánh sáng của linh hồn có thể qua đó mà khai sáng, mở rộng tâm thức của chúng ta, khiến chúng ta ngày càng thêm tỉnh thức, minh triết và bác ái. 

Việc em cảm thấy trần gian chỉ là mộng ảo cũng có nhiều phần chân lý trong đó, bởi cõi hồng trần vốn vô thường, mọi sắc tướng vốn không hiện hữu (hay có tự tính) riêng biệt mà chúng dựa trên sự tương tức, tương liên lẫn nhau, dựa vào nhiều điều kiện (duyên) mà hình thành hay hoại diệt. Việc hiểu được vô thường, không dính mắc quá vào thế giới vật chất của cõi hồng trần và hướng thượng đến những lĩnh vực tinh thần cao cả hơn là rất tốt. Tuy nhiên, cũng không cần quá cực đoan mà hãy giữ sao cho mình đi trên con đường cân bằng, con đường Trung Đạo. “Be in the world but not of the world”, sống trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới. Nhận ra rằng chúng ta là những thực thể tinh thần thiêng liêng nhưng cũng trân trọng những trải nghiệm của phàm ngã trên cõi hồng trần, bởi chúng là cần thiết và quan trọng cho sự tiến hóa. Cho dù biết đó là một cuộc dạo chơi, thì cũng hãy chơi hết mình, bởi cõi hồng trần chính là nơi cho chúng ta thực hành, rèn luyện và học những bài học quý giá để phát triển. 

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Làm sao để biết một việc có nên làm hay không?

Làm sao nhận biết một việc là có nên làm hay không?

Khi em càng thực hành tu tập nhiều thì tâm thức em càng được hòa nhập nhiều với linh hồn, em càng nhạy cảm với tiếng nói bên trong, tiếng nói của lương tri và tự nhiên em sẽ biết được việc mình làm có phải là đúng.

Ngoài ra, em có thể dùng 3 tiêu chí (ba bộ lọc) sau, nếu việc mình làm đáp ứng được đủ cả 3 tiêu chí sau thì em biết rằng mình có thể tiếp tục:

(1) Việc đó không gây hại cho chính bản thân mình 
(2) Việc đó không gây hại cho những người khác
(3) Việc đó không gây hại cho thiên nhiên, môi trường.

Như vậy, nếu việc làm nào của mình mà vừa đem lại lợi ích cho bản thân, cho người khác, và cho thiên nhiên, môi trường thì việc đó là việc rất rất nên làm. 

Làm sao để định trí?

Tâm trí thường suy nghĩ miên man khi ngồi tĩnh lặng cũng là chuyện bình thường như người ta hay nói “tâm viên ý mã”. Do đó mình mới cần thực tập thiền định. Ban đầu chưa quen mình có thể dễ bị miên man, nhưng không sao cả, cứ mỗi lần miên man mà mình nhớ ra quay về với bản thân và hiện tại là tốt rồi. Mình có thể miên man rồi nhớ quay về lại như vậy cả ngàn lần cũng không sao hết. 

Mình cứ thực tập đều đặn rồi dần dần việc định trí sẽ ngày càng hoàn thiện và dễ dàng hơn. Em nhớ thư giãn và thả lỏng, càng thư giãn và thả lỏng thì mình lại càng dễ tập trung và định trí lâu mà không bị mệt mỏi hay căng thẳng.

Em có thể dùng hơi thở như chiếc neo để giúp mình định trí trong hiện tại. Trong những công việc hằng ngày, em cố gắng duy trì chánh niệm tỉnh giác, tức là chú tâm vào từng việc mình làm, tỉnh giác và quán sát từng cảm xúc, suy nghĩ khởi sinh, những thay đổi cơ thể của mình, tách mình ra làm người lặng lẽ quan sát chính bản thân mình.