Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Khổ đau và Hạnh phúc

Nhân  cuộc đàm đạo về khổ đau và hạnh phúc trưa qua với những người bạn tinh thần quý mến, mình muốn chia sẻ đôi lời chưa kịp nói hết... 💖

Trước khi bước trên đường đạo, khổ đau giúp chúng ta thức tỉnh. Khi chúng ta cam kết bước trên đường đạo, thử thách khó khăn sẽ càng nhiều để chúng ta càng nhanh chóng hóa giải nghiệp quả, học bài học cần thiết, trui rèn bầm dập để mạnh mẽ mà còn phụng sự. Lúc này, khổ đau càng nhiều, sự "ngộ" hay chuyển hóa (có thể) càng sâu sắc. Tuy nhiên, khổ đau không phải là đích đến của sự tu tập (dù đó là một hành trình dài và gian nan qua nhiều kiếp sống). Chẳng phải Bát Chánh Đạo của Đức Phật là con đường giải thoát trầm luân đau khổ đó sao?

Lý do tại sao mình nói rằng sứ mệnh của tất cả chúng ta là lựa chọn sống Hạnh Phúc. Bởi vì Joy (An Vui) là một phẩm tính của Soul (Chân Ngã, Linh Hồn, Higher Self). Khi ta lựa chọn và sống dưới ánh sáng của Linh Hồn, hướng thượng, hướng thiện thì ta sẽ thấy hạnh phúc và viên mãn.

Khao khát hạnh phúc là ước mơ cố hữu, nội tại trong mỗi người, bởi đó cũng là khao khát sâu thẳm, được kết nối với Chân Ngã, với Soul mà vốn là An Vui. Do đó, cả đau khổ hay hạnh phúc đều cần thiết. Mọi đau khổ là do chúng ta đồng nhất với phàm ngã, còn khi chúng ta đã hợp nhất với linh hồn (vốn là quá trình dài với nhiều mức độ tích hợp từ từ tăng dần) hay xa hơn là chân thần thì chúng ta thoát khổ ngày càng nhiều hơn, tự do và an vui hơn.

"Nếu đau khổ quí báu như thế thì ta cần gì phúc lạc? Phúc lạc là một điều kiện cần cho sự giác ngộ. Sự vui sướng giữ một vai trò quan trọng trong thiên nhiên, vì nó cùng một bản chất với Chân Ngã và giúp Ngã biểu hiện dễ dàng qua các thể. Trong những lúc vui sướng, các Thể rung động một cách điều hòa thay vì chống chỏi như trong đau khổ. Nhà huyền học quí trọng trạng thái xuất thần là vì vậy, trong sự sung sướng cực độ, một niềm an lạc phát sinh, tràn ngập tâm hồn và điều hòa các Thể. Rồi sự giác ngộ đến và trong sự giác ngộ tuyệt diệu này, họ không còn lưu tâm đến các cõi thấp.

Vui sướng cũng như đau khổ đều có hữu ích riêng, người hiểu biết đón tiếp chúng nồng hậu như nhau và học cách sử dụng chúng mà không đồng hóa mình với cái nào cả, cái nào đến chúng ta cũng an nhiên, cái nào không đến chúng ta cũng không tham cầu. Chúng ta sử dụng cả hai để hoàn thiện mình, chúng ta trở nên bình thản và đạt được hạnh buông xả thật sự – Vairagya."

~ Annie Besant

"Ở đây thực sự chẳng có gì ngoài Hạnh Phúc...

Hạnh phúc vì cho phép mình tìm hạnh phúc trong khổ, trong đau, trong buồn, trong vui, trong thiếu, trong đủ… trong mọi trạng thái cảm xúc nguyên bản của một con người;

Hạnh phúc vì cho phép mình hào phóng cho đi và thoải mái khi nhận lại;

Hạnh phúc vì cho phép mình chấp nhận yêu mình, yêu người với đủ đầy hai phần sáng, tối;

Hạnh phúc vì cho phép mình chấp nhận những sự thật hiện hữu của tạo hoá và của chính mình và dũng cảm bước vào hành trình về Nhà bền bỉ;

Hạnh phúc vì mình lựa chọn hạnh phúc để sống tất cả những trải nghiệm trong cuộc đời!"

Phương Thanh

..."Cái gì trái nghịch, ngăn chặn, mới tạo ở nó sự cố gắng – đó là chức vụ chính yếu của đau khổ. Đau khổ rất cần để đánh thức cái Ngã. Chỉ khi nào cái Ngã cảm thấy đau khổ đập vào thì nó mới thức tỉnh.

...Nhiệm vụ thứ tư của đau khổ là huấn luyện. Các bài học quí báu nhất trong đời đều nhờ đau khổ nhiều hơn là vui sướng. Khi con người nhiều tuổi mà nhìn lại quãng đời đầy sóng gió, không ai không thấy các bài học vô giá của đau khổ. Nếu cần, tôi có thể quên tất cả niềm vui của cuộc đời, nhưng tôi không muốn gạt bỏ một đau khổ nào cả vì mỗi đau khổ là một ông thầy minh triết.

Nhiệm vụ thứ năm của đau khổ là khai mở quyền năng. Kinh nghiệm tích lũy được trong đau khổ sẽ chuyển thành quyền năng để sáng tạo cuộc đời.

Nếu đau khổ quí báu như thế thì ta cần gì phúc lạc? Phúc lạc là một điều kiện cần cho sự giác ngộ. Sự vui sướng giữ một vai trò quan trọng trong thiên nhiên, vì nó cùng một bản chất với Chân Ngã và giúp Ngã biểu hiện dễ dàng qua các thể. Trong những lúc vui sướng, các Thể rung động một cách điều hòa thay vì chống chỏi như trong đau khổ. Nhà huyền học quí trọng trạng thái xuất thần là vì vậy, trong sự sung sướng cực độ, một niềm an lạc phát sinh, tràn ngập tâm hồn và điều hòa các Thể. Rồi sự giác ngộ đến và trong sự giác ngộ tuyệt diệu này, họ không còn lưu tâm đến các cõi thấp.

Vui sướng cũng như đau khổ đều có hữu ích riêng, người hiểu biết đón tiếp chúng nồng hậu như nhau và học cách sử dụng chúng mà không đồng hóa mình với cái nào cả, cái nào đến chúng ta cũng an nhiên, cái nào không đến chúng ta cũng không tham cầu. Chúng ta sử dụng cả hai để hoàn thiện mình, chúng ta trở nên bình thản và đạt được hạnh buông xả thật sự – Vairagya."

~ Annie Besant

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Về nghiệp quả và tái sinh trong hoàn cảnh khó khăn

Trả lời câu hỏi của một bạn khán giả sau chủ đề Cái Chết.
Có phải những người bị khuyết tật hay bệnh tật bẩm sinh là do linh hồn lựa chọn quyết định?

Việc quyết định tái sinh như thế nào sẽ do linh hồn lựa chọn để tối ưu cuộc tiến hóa tâm thức của một người (lựa chọn hoàn cảnh sinh ra, các biến cố chính trong cuộc đời, gia đình và những người liên hệ quan trọng). Tuy nhiên, linh hồn không lựa chọn một mình mà cùng với một hội đồng các đấng nghiệp quả tinh quân Lipika, cũng như các linh hồn có liên hệ khác trong kiếp sống tới. Ngoài ra, các thể của con người trong lần tái sinh kế tiếp cũng sẽ phụ thuộc vào điểm tiến hóa trong lần tái sinh vừa qua (do các rung động của các thể được tích tụ trong các hạt nguyên tử trường tồn - giống như một kiểu các mã gene sẽ quy định các thể của kiếp sống tiếp theo). Điều này cho thấy sự liên tục của tiến hóa, chúng ta sẽ bắt đầu kiếp sống mới với điểm tiến hóa mà chúng ta đã để lại ở kiếp sống vừa qua. 

Như vậy, chúng ta thấy rằng hoàn cảnh cho kiếp sống tái sinh mới sẽ bị chi phối bởi luật nhân quả (vì bản thân luật nhân quả hiểu đúng là giúp chúng ta cân bằng và học bài học cuộc đời theo cách tốt nhất) mà vốn cũng sẽ hòa hợp và cùng với quyết định của linh hồn. 

Khi chúng ta còn chưa tiến hóa nhiều, còn phải học nhiều bài học thì chúng ta sẽ vẫn còn bị chi phối bởi nhân quả, và các quyết định của linh hồn cũng dựa theo đó để giúp chúng ta học các bài học tốt nhất.

Giai đoạn đầu trên con đường đệ tử sẽ có nhiều khó khăn do sự "nhồi quả" để có thể giải phóng càng nhiều nghiệp quả càng tốt và sau đó con người có thể phụng sự, gánh vác tiếp các cộng nghiệp của dân tộc, thế giới chứ không chỉ của bản thân nữa.

Khi chúng ta càng tiến hóa cao thì sự tự do khỏi nghiệp quả càng nhiều như ở các bậc điểm đạo đồ, thì họ chủ yếu tái sinh để phụng sự. Lúc này vẫn có trường hợp linh hồn quyết định lựa chọn sinh ra trong những hình hài khuyết tật nhưng không phải vì lý do để học bài học hay trả nghiệp, mà có thể vì một lý do đặc biệt, đánh thức tâm thức quần chúng, được phân biệt bởi ý chí kiên cường. Đó là trường hợp những vị Bồ Tát tái sinh nhằm làm gương cho nhân loại, truyền cảm hứng sống...

Tóm lại, chúng ta không thể nhìn vào vẻ ngoài hay hoàn cảnh của một người mà phán xét về mức độ tiến hóa của họ. Hơn nữa, phần đi vào luân hồi chỉ là một phần thấp kém, chưa hoàn thiện của con người, còn xét về bản thể, về linh hồn, ai cũng đều thiêng liêng như nhau. Do đó Chân Sư khuyên chúng ta hãy sống như những linh hồn, và xem những người khác cũng như vậy (như những vị Phật sẽ thành) để nhắc nhở và phát triển thiên tính, Phật tính bên trong chính chúng ta và trong họ.