Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Áo nâu và áo trắng

Đọc được những lời sau từ Sư Cô Chân Lĩnh Nghiêm thấy như lời của vũ trụ. Nhớ tới Tú và ước nguyện tu gieo duyên của em. Và cả suy ngẫm về hành trình của mình, của một người đệ tử nguyện phụng sự nhân loại. Phải tu thật tốt, chuyển hóa bản thân rồi mới có thể giúp đời thật hiệu quả. Con đường mình đi, sẽ không nhất thiết phải là xuất gia như Sư Cô, mà phù hợp với mình hơn vẫn là cuộc sống cư sĩ tại gia như hiện tại, có nhiều tự do. Tuy nhiên, mình được nhắc nhở nhiều về việc phải thanh luyện bản thân, tu tập, thật miên mật, thật triệt để, để chuyển hóa mọi tham sân si, thất tình lục dục...

Mình ấn tượng câu nói của Sư Cô, mà nó cứ vang trong đầu mình những hôm nay: “con phải làm gì để giúp được nhiều người? Làm tu sĩ thì giúp được nhiều người hay làm cư sĩ sẽ giúp được nhiều người? Làm gì cũng được, miễn sao giúp được nhiều người thì tôi làm ngay, tôi chẳng quan tâm gì tới hình tướng hết." 

Có lẽ với mình, cũng ý nghĩa như vậy nhưng sẽ đổi "giúp" bằng chữ "phụng sự" hay hữu ích. Làm sao để phụng sự, hữu ích được nhiều hơn ở cả chất lượng và hiệu quả, chứ cũng không chỉ là số lượng người nữa. Điều đó làm mình nhớ đến khái niệm Scale Out của VCIL, thay vì Scale Up... Và hơn nữa, mình thấy khi hữu ích cho người khác là mình cũng được "giúp", được nhận rất nhiều, chứ không phải là người đi giúp hay người đi cho nữa. Niềm vui, sự trưởng thành, các bài học là những phần thưởng vô giá...

Em thân thương!

Hồi ấy tôi cũng giống như em bây giờ, tôi chẳng thiết tha chi với những bon chen trong cuộc đời trần tục. Tôi đã thấy được những giả tạm của cõi hồng trần, những hệ lụy khổ đau của kiếp nhân sinh, nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để giã từ. Đôi mắt của tôi còn mê mờ, tôi chưa phân biệt được đâu là trong, đâu là đục. Lúc ấy tôi không có một đoàn thể nào để nương tựa. Chẳng có ai để tôi gọi “sư cô ơi”, chẳng có ai xuất hiện chìa cánh tay ra và hỏi: “Có tôi đây, tôi giúp được gì nào?”. Tôi cứ thui thủi một mình dò dẫm, kiếm tìm, sờ soạng.

Tôi đắn đo trước tấm áo nâu và áo trắng. Nhìn hai tấm áo ấy tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất, câu hỏi làm tôi đau đầu nhức óc “chiếc áo nào có khả năng giúp được nhiều người?” Tôi đem hai tấm áo đặt lên cán cân trí óc, trí óc tôi bất lực. Tôi đặt hai tấm áo lên cán cân trái tim, trái tim tôi u mê. Đâu là trong? Đâu là đục? Câu hỏi réo rắt tâm can. 

May sao tôi còn có Mẹ - Mẹ Quán Thế Âm. Tôi đã thiết tha gọi Mẹ và hỏi Mẹ rằng: “con phải làm gì để giúp được nhiều người? Làm tu sĩ thì giúp được nhiều người hay làm cư sĩ sẽ giúp được nhiều người? Làm gì cũng được, miễn sao giúp được nhiều người thì tôi làm ngay, tôi chẳng quan tâm gì tới hình tướng hết. Một tuần sau tôi nhận được câu trả lời của Mẹ trong một cuốn sách:

“Trước khi giúp người khác con hãy giúp chính mình. Trước khi xứng đáng ngồi trên tòa Như Lai giảng pháp con hãy kết thảm cỏ, ngồi trong động đá để quán chiếu về sự vô thường, lý vô ngã. Và chỉ khi nào chứng được thanh tịnh tuyệt đối con mới được phép nhập thế gian mà không sợ bị sa ngã. Một người mù không thể dẫn đường cho những người mù. Một kẻ đang chết đuối không thể cứu được những người cũng đang chết đuối. Làm sao con biết rằng hành động của con hoàn toàn vô vị lợi? Làm sao con biết rằng con không tự lừa dối chính mình? Một việc làm cao đẹp chỉ có ý nghĩa khi nó được làm với một tâm vị tha chân thật. Chỉ khi nào con bước vào đời, làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có người được giúp thì khi ấy con sẽ hiểu lời ta nói “nhập thế gian mà không rời niết bàn”.

Lời dạy ấy khiến tôi trấn động tâm can. Nhát kiếm của Mẹ đã kết liễu cuộc đời cư sĩ của tôi. Tôi được tái sinh trong gia đình áo nâu. Giờ đây tôi đang ngụp lặn nơi bến nước trong. Đúng là bến nước trong, vừa trong vừa mát.

Tôi đã đi trước em rồi, con đường ấy lành và đẹp lắm. Đây là bàn tay tôi, khi nào cần xin em hãy nắm lấy.

(Viết cho em từ non vắng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét