Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Trở lại Pathom Asoke

Tôi đến Pathom Asoke lần đầu tiên hồi cuối năm 2019, trên hành trình VCIL Travel School chủ đề Paradigm Shift - New Story. Chuyến đi ròng rã suốt gần một tháng trời đưa chúng tôi tham quan, học tập ở những môi trường giáo dục thay thế và cộng đồng tỉnh thức khác nhau tại Thái Lan và Ấn Độ. Mỗi nơi chúng tôi đi qua đều chứa đựng những câu chuyện truyền cảm hứng và độc đáo theo những cách riêng. Điểm chung của tất cả những nơi đó là ý thức cao về sinh thái, tâm linh và triết lý sống nhân văn, hướng đến sự phát triển bền vững, tái tạo.

Trong hành trình năm ấy, có hai nơi cho tôi cảm giác như chạm vào Utopia - xã hội không tưởng, là ngôi làng Phật giáo Pathom Asoke ở Thái Lan và thành phố bình minh (the City of Dawn) Auroville, Ấn Độ. Ở đó, người ta không dùng tiền, không có sở hữu cá nhân; giáo dục, y tế, nhà ở và các nhu cầu cơ bản đều được đáp ứng. Mọi người được tự nguyện lựa chọn làm công việc mình thích. Có lẽ nhờ ý thức tự giác và tinh thần tập thể cao, sự chú trọng đời sống tinh thần, nhu cầu vật chất chỉ cần vừa đủ nên “lý tưởng XHCN” đã được hiện thực hóa trước mắt, ngỡ ngàng, thú vị. 

Nếu Auroville giống như một “thiên đường” đa dạng sắc màu quốc tế, mang hơi hướng viễn cảnh tương lai, thì Pathom Asoke lại có chút gì đó đơn sơ, nhuốm màu hoài niệm khiến tôi như thấy mình xuyên không, lạc vào một thời quá khứ xa xưa, làng mạc thôn dã, yên bình, thuần hậu, chân chất.

Tháng 9 năm 2023, tôi trở lại Pathom Asoke sau gần bốn năm trời nhiều biến động của bản thân và cả đại dịch của thế giới. Ngôi làng vẫn vậy, có lẽ một chút vắng vẻ hơn. “Trở lại Pathom Asoke” không chỉ hàm ý thăm lại người xưa chốn cũ mà còn gợi nhắc tôi quay về với những giá trị cốt lõi, giản dị của thực tập Phật giáo, và quay về với đời sống bên trong nội tâm mình.

Pathom Asoke thuộc tỉnh Nakhon Pathom, là một trong 9 trung tâm lớn rải rác khắp Thái lan của phong trào phục hưng Phật giáo Santi Asoke, được khởi xướng bởi Sư Bhodirak. Sư Thầy sinh năm 1934, có cha người gốc Hoa và mẹ người Thái. Thời trẻ, với nghệ danh Rak Rakphongs, Thầy từng ở trên đỉnh vinh quang khi làm việc cho đài truyền hình Thái Lan, nổi tiếng trong vai trò người sản xuất và dẫn các chương trình giải trí và giáo dục. Thầy viết nhiều truyện ngắn, bài báo, làm thơ và còn là một nhà soạn nhạc tài năng, sáng tác nhiều bài hát và nhạc phim được yêu thích. Thế mà Thầy đã rời bỏ công việc và tất cả những hào quang của đời sống thế tục đó năm 35 tuổi, và vài tháng sau Thầy xuất gia, gây sốc cho tất cả những người thân và bạn bè. Người ta kể rằng từ một trải nghiệm tâm linh đặc biệt khiến Thầy thức tỉnh với sứ mệnh và “cuộc đời như mở ra trước mắt”. 

Không hài lòng với lối sống thừa mứa, thực hiện các phép thuật, bùa chú của một số tu sĩ bấy giờ, Thầy đã khởi xướng nhóm Santi Asoke như một cuộc chấn hưng, quay về bám sát với các thực hành căn bản gốc rễ của Phật giáo, ăn chay, sống giản dị, chuyên cần, tự lực, loại bỏ các hủ tục mê tín. Tính cách mạng triệt để và quyết liệt trong đường lối của Thầy đã từng phải đối mặt với những chỉ trích từ nhóm Phật giáo chủ đạo Thái Lan trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, “vàng thật không sợ lửa”, uy tín của Thầy càng thêm mạnh mẽ bởi lợi lạc lớn lao từ sự kiên định, nghiêm túc thực hành giới đức mà những người theo Thầy đã nhận được.

Từ nhóm Asoke này, Sư Thầy Bhodirak đã đưa vào mô hình Bunniyom, nơi các tu sĩ và Phật tử cùng chung sống trong không gian cộng đồng như những làng sinh thái, có đền chùa, trường học, ruộng vườn. Từ ‘Bun-niyom’ là lối chơi chữ, với ‘bun’ có nghĩa là ‘công đức’ đối lại với ‘thun-niyom’ là ‘chủ nghĩa tư bản’. Đối với người dân Asoke, đời sống không phải để tích tụ tài sản vật chất cho riêng mình hay mưu cầu danh vọng, quyền lực và địa vị thuộc thế gian, mà chú trọng vào phát triển “tài sản” tinh thần, tích lũy công đức qua hành thiện, tạo phước cho đời.

Triết lý Bunniyom nhấn mạnh việc nuôi dưỡng Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả), tôn trọng sự sống và phi bạo lực. Tất cả các cư dân trong cộng đồng đều giữ 5 giới, ăn chay, và cố gắng tự chủ nguồn lương thực, rau củ quả nhiều nhất có thể. Nhóm Asoke là một trong những nơi tiên phong tại Thái Lan khởi xướng thực hành nông nghiệp hữu cơ và hướng đến đời sống tự cung tự cấp, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, tôn trọng sự sống ngay cả với loài côn trùng nhỏ bé. Nông nghiệp hữu cơ lành sạch, không sử dụng hóa chất độc hại, vì thế không gây tổn hại cho bản thân chính người nông dân, người sản xuất, người tiêu dùng và cả các chúng sinh khác trong môi trường. 

Các trung tâm và cộng đồng Asoke hoạt động theo cùng triết lý nhưng mỗi nơi có những đặc trưng, thế mạnh riêng và cùng hỗ trợ, bổ túc cho nhau trong mạng lưới. Trung tâm Asoke tại Bangkok đóng vai trò như trụ sở truyền thông và thương mại chính cho toàn mạng lưới. Còn Pathom Asoke nổi bật với việc trồng và sản xuất dược liệu từ thảo mộc. Pathom Asoke có cả một nhà máy lớn, được đầu tư chuyên nghiệp bài bản các thiết bị và công nghệ, chuyên nghiên cứu và sản xuất các dược liệu, trà, mỹ phẩm tự nhiên từ thảo mộc. Làng không trồng lúa nên gạo sẽ được cung cấp từ cộng đồng Asoke cách đó hơn 60 km và các nhóm trong mạng lưới nông nghiệp tự nhiên.

Pathom Asoke được thành lập từ năm 1974, nằm trên khu đất hiện nay có diện tích khoảng 16 ha (100 rai Thái), phủ bóng cây xanh mát, có hồ nước và suối chảy qua. Trung tâm làng là đền chùa và trường học, giống như khu vực quản lý hành chính, có thư viện, đài phát thanh riêng truyền thông trong nội bộ cộng đồng. Các tu sĩ sống đơn giản với bình bát, chiếc chiếu manh và vài bộ áo trong những căn chòi nhỏ bằng gỗ lợp lá, cạnh khu vực đền thờ. Tu sĩ đóng vai trò quan trọng như những người lãnh đạo tinh thần trong cộng đồng. 

Pathom Asoke có trường nội trú cho học sinh cấp 2, 3 và trường nghề, tất cả đều miễn phí. Các em học sinh mặc đồng phục cùng màu xanh, đi chân đất như một thực hành để rèn sự chú tâm. Các em nữ cắt cùng kiểu tóc ngắn. Thầy cô giáo cũng là những người tình nguyện. Học sinh ở trường đa số được gửi đến từ những nơi khác. Triết lý giáo dục ở Asoke chú trọng nhiều vào việc phát triển nhân cách hơn là chỉ cung cấp tri thức, các em được rèn luyện để trở thành những người tử tế, thiện lành, chăm chỉ, kỷ luật, vị tha, có tinh thần tự chủ, khả năng lãnh đạo, biết cách hợp tác trong làm việc nhóm, cách trình bày ý kiến, thảo luận, thương thuyết các giải pháp cho những xung đột, chịu trách nhiệm cho hành xử của mình và có thể tự lực ở mọi nơi. Giáo lý và đạo đức Phật giáo là một phần quan trọng trong chương trình học. Các em thức dậy từ sáng sớm, theo chương trình học vào buổi sáng, tự phân công nấu ăn và buổi chiều thì lao động theo nhóm trong các xưởng hay vườn của cộng đồng. Sự học không chỉ từ sách giáo khoa mà còn đến từ công việc. Ở mọi nơi làm việc, những người lao động là những người thầy của các em. Các em được rèn luyện các kỹ năng sống, làm vườn, nấu ăn, dọn dẹp, sản xuất, chăm sóc, sữa chữa máy. Mỗi tuần một lần, các em có buổi phản tư cùng nhóm, xem xét lại về việc thực hành, giữ giới của bản thân.

Làng có xưởng làm đậu hũ và nước tương riêng, rồi trạm sản xuất than củi, các vườn rau hữu cơ, trang trại nấm cung cấp thực phẩm cho cộng đồng. Nước tương hữu cơ ở Pathom Asoke ngon tuyệt vời! Nhà hàng của Pathom Asoke vừa được xây mới khang trang. Khách đến ăn được phát phiếu và chọn món ở các quầy. 

Làng có trạm y tế riêng mà cô bác sĩ ở đó nói vui là ít có việc để làm. Vì mọi người ở đây đều hoạt động  tích cực, ăn đồ lành sạch, môi trường thân thiện, xanh đẹp, bình an nên ai cũng vui khỏe, ít bệnh tật. 

Mọi người đều làm việc và học được rất nhiều qua chính quá trình làm việc, và đó mới là điều quan trọng, chứ không phải thành quả. Làm việc với tinh thần phụng sự và trao tặng giúp ta phát triển lòng vô kỷ, vị tha, mang lại niềm vui và không phí thời gian, năng lượng vào sự chỉ trích. Tất cả mọi công việc tại làng đều được làm dựa trên tinh thần tình nguyện, không lương. Người ta làm việc trong làng như đi làm công quả trong chùa. Mọi người tự do lựa chọn hay thay đổi công việc của mình, với ý thức tự giác và tự quản cao. Thường các công việc không đòi hỏi kỹ năng nhiều bởi sẽ luôn được làm cùng với nhóm và được hỗ trợ từ mọi người trong nhóm. Làm việc nhóm đòi hỏi sự bao dung, nhẫn nại, từ bi và tập trung, chánh niệm.

Một số công việc chuyên môn cần phải thuê người từ bên ngoài thì sẽ dùng quỹ trung tâm để trả với chi phí thấp. Mọi thứ đều được tận dụng, tuần hoàn để hạn chế rác thải ít nhất có thể. Rác thải được phân loại theo các nhóm khác nhau. Rác hữu cơ được ủ làm phân bón; giấy, thủy tinh và kim loại được gửi đi tái chế; một số khác được đốt. 

Cửa hàng ở tất cả các trung tâm Asoke đều vận hành theo triết lý trao tặng và phụng sự, không nhấn mạnh vào lợi nhuận nên hàng hóa vừa rẻ vừa chất lượng. Món hàng được làm từ nguyên vật liệu lành sạch và từ tâm thiện, tình thương của người sản xuất, như một sự cúng dường và trao tặng nồng ấm đến người mua, chứ không phải là một giao dịch đổi chác lạnh lẽo vô tình. Thế nên, món hàng được bán hoặc với mức lời thấp, hoặc với giá hòa vốn, hoặc với giá thấp hơn chi phí sản xuất, hoặc được trao tặng miễn phí! 

Các nguồn lực chính trong cộng đồng đều thuộc sở hữu tập thể và có một quỹ trung tâm cung cấp tài chính cho các dự án. Những người thực hành theo phong trào Asoke nhưng sống và làm việc bên ngoài cộng đồng đều thường xuyên đóng góp. Người dân Asoke được chăm lo toàn bộ việc sinh sống, ăn ở, giáo dục, y tế… suốt cả vòng đời từ lúc sinh ra đến tận khi chết đi. 

Cuối làng là tòa nhà hỏa táng, nằm đằng sau bóng một cái cây to thật đẹp trong một khung cảnh yên bình. Chưa được chứng kiến, tôi chỉ nghe kể rằng đám tang ở đây cũng nhẹ nhàng, tĩnh lặng, như một sự chúc phúc cho người ra đi đến một hành trình mới, mà biết chắc rằng sẽ tốt đẹp bởi cả cuộc đời sống thiện lành đã trải qua ở nơi này. 

Năm 2019, chúng tôi đến Pathom Asoke đúng vào ngày 5 tháng 12, kỷ niệm sinh nhật Vua Rama IX (1927-2016), một bậc minh quân được nhân dân Thái Lan tôn kính và yêu quý, người đã khởi xướng triết lý Kinh Tế Vừa Đủ (Sufficiency Economy Philosophy), và đã làm việc hết mình vì người dân. Cả làng tổ chức lễ hội. Thức ăn chay đủ loại được phát miễn phí ở các quầy. Người ta cầu nguyện rồi hát múa trong những chương trình văn nghệ nhiều màu sắc. Tôi nhớ người tham dự còn được tặng cây mang về, thật ý nghĩa. Điều đó làm cho mình có trách nhiệm và niềm vui trong việc chăm sóc và nhìn ngắm một sự sống lớn lên.

Tự nhiên nghĩ về Thái Lan và tôi thấy họ thật may mắn có những nhà lãnh đạo hiền minh, tài đức như Vua Rama IX, Sư Thầy Bhodirak của Santi Asoke, và Ajarn Yak của mạng lưới nông nghiệp tự nhiên. Tôi mơ một ngày Việt Nam cũng sẽ có được những cộng đồng tỉnh thức, những làng sinh thái như thế, nơi mà người ta sống tử tế, thiện lành với nhau, với thiên nhiên...












4 nhận xét:

  1. Trương Hoàng Anh Vũ: "Pathom Asoke cũng là cộng đồng đầu tiên em được ở dài ngày và tình nguyệt bên Thái Lan. Mỗi lần nhắc tới thì trong em luôn có một cảm giác đặc biệt.
    Phong trào Asoke ra đời một phần vì Sư Bhodirak cảm thấy con đường tu tập đúng đắn không phải co rút lại vào rừng một mình.
    Do đó Asoke là một biểu hiện của trường phái Phật Giáo Dấn Thân. Tức là việc tu học gắn liền với tích cực tham gia đóng góp xây dựng xã hội. Nên cộng đồng không chỉ có chùa, mà còn có trường học, nhà ở cho người trong cộng đồng, nhà máy,… Một phần để có nguồn tài chính để vận hành cộng đồng độc lập, mặt khác đây cũng là cách Asoke tạo tác động tích cực lên nhiều mặt khác của xã hội.
    Lúc em ở đó thì cũng không thấy các sư ngồi thiền nhiều. Các sư các ni có thể đi dạy học, vận hành đài phát thanh, cố vấn cho người trẻ,…
    Trong ngữ cảnh Thái Lan lúc bấy giờ, Asoke đóng góp vào phong trào đổi mới Phật giáo, nhằm tìm lại những cốt lõi tinh tuý Triết lý của Đức Phật và khiến Phật Giáo trở nên gần gũi với đời sống hiện đại. Nên các sư ở đó đắp y (giống các sư nam tông) nhưng màu áo thì lại là màu nâu (giống các thầy ở vnam).
    Asoke cũng là một mẫu hình tốt để chúng ta tìm hiểu về “Kinh Tế Học Phật Giáo” và “Triết Lý Kinh Tế Vừa Đủ” (cũng được inspired bởi Phật Giáo). Các sản phẩm healthy lành tính được bán với giá cực kỳ rẻ so với cửa hàng organic thông thường vì các vị cố gắng theo các cấp độ:
    1) Bằng với giá sản xuất
    2) Thấp hơn giá sản xuất
    3) Trả tuỳ hỷ
    4) Cho không, miễn phí
    Bởi vì cho đi nhiều như thế, nên em thấy cộng đồng Asoke rất giàu có và trù phú 🥰."

    Trả lờiXóa
  2. Bế Thị Linh Chi: "Cộng đồng Asoke
    Nếu chưa từng được đến thăm và lưu lại nơi đây mà chỉ nghe và đọc đâu đó thì chưa chắc mình đã tin là người ta có thể vận hành một cộng đồng, một xã hội thu nhỏ theo cách vừa đơn giản, vừa lý tưởng một cách tràn đầy tình yêu thương đến vậy.
    Mình nhớ mãi cảm giác vui vui xen lẫn ngưỡng mộ khi nghe các thầy cô ở đây trả lời câu hỏi của tụi mình thế này:
    - Câu hỏi 1: hàng ngày cô y tá ở trạm xá thường phải chữa những bệnh/ vấn đề gì cho người dân ở đây?
    Trả lời: thỉnh thoảng mát xa cho vài người thôi. Người dân ở đây hầu như không có bệnh gì để mà chữa. Trước đây lúc mới có trạm xá thì có nhiều người làm ở đây hơn mà do không có việc gì để làm nên giờ chỉ còn lại 1 y tá và vài người hỗ trợ khi cần.
    - Câu hỏi 2: quy trình xử lý mâu thuẫn và các xung đột phát sinh như thế nào?
    Trả lời: chúng tôi không có toà án hay công an gì hết, mà mâu thuẫn hầu như cũng rất ít để mà xử lý. Nếu có thì chỉ cần 2 bên ngồi nói chuyện bình tĩnh với nhau và nghiêm túc xem xét xem mình đã thực hiện đúng 5 giới chưa. Khi cần thì những vị uy tín trong cộng đồng mới đứng ra nói chuyện và hoà giải.
    Bạn đã bao giờ nghĩ đến một xã hội mà bệnh viện, toà án, công an đều trở nên không cần thiết chưa?"

    Trả lờiXóa
  3. Kim Long: "Trong các cộng đồng mình đi, mình vẫn luôn yêu Pathom Asoke. Bởi cộng đồng không bỏ rơi ai, từ trẻ em tới người già. Cách giáo dục ở đây đậm chất Phật giáo, và trao quyền cho các bạn trẻ. Điển hình là bữa cơm hằng ngày ở đây là do các bạn lên đơn và chế biến. Mọi người làm việc trong cộng đồng, tuân thủ giới luật trong cộng đồng, không có lương. Tôi nhận thấy sự đủ đầy ở mỗi cá nhân nơi đây."

    Trả lờiXóa
  4. Đặng Thùy Dương: "...Hồi đó tôi suýt có ý định học tiếng Thái để sau này xin qua đây định cư, nhất là sau khi được ăn món takoyaki chay mà mấy em học sinh hướng dẫn làm 🥲
    Trong bài phỏng vấn thuộc chuỗi Power of Community Summit 2019 mà Global Ecovillage Network chủ trì, Rob Hopkins - co-founder của Transition Network - có chia sẻ rằng năng lực tưởng tượng là thiết yếu trong việc thúc đẩy một sự chuyển dịch cả về lối sống và hệ thống sang một mô hình mới bền vững hơn về mặt sinh thái và nhân văn hơn về mặt xã hội. Những mô hình như Asoke cung cấp ví dụ vô cùng trực quan để mọi người hình dung ra thứ chưa thể hình dung, tin tưởng điều tưởng như không tưởng - chẳng hạn như một nơi "vừa dân chủ vừa cộng sản" theo lời các Sư ở đây chia sẻ.
    Có điều, mô hình gì đi nữa cũng chỉ được hiện thực hoá bởi con người. Nếu không có những con người với hệ giá trị và sự thực tập trì giới, thực tập tứ vô lượng tâm thì không tồn tại được các Asoke như ta thấy ở đây. Với các vấn đề sinh thái xã hội hiện nay thì thảo luận về kỹ thuật hay mô hình chỉ là bề mặt - tất nhiên vẫn quan trọng trong chừng mực rằng hệ thống vận hành tương đối tự động và rằng đỡ hại hơn bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, chỉ là như thế không đủ để người ta yên tâm rằng mọi chuyện sẽ ổn mà không cần thay đổi suy nghĩ hay cách sống của mình."

    Trả lờiXóa