Tối nay đi ăn như thường lệ ở quán cơm chay Tâm Đức. Ăn xong chuẩn bị đi về rồi thì có một thầy tươi cười tiến đến hỏi chuyện (mình đoán là thầy giáo vì thầy mặc áo sơ mi trắng quần tây, khác với những người khách bình thường), như đã biết mình từ trước: “Ah, cô giáo đây ha, có phải là cô giáo làm việc cho tổ chức Teach for Vietnam.” Mình nói “dạ đúng rồi, mà sao thầy biết ạ.” Hóa ra con trai của thầy là bạn M.H, lớp 9 trường L.T.T, em sinh hoạt câu lạc bộ Tiếng Anh của giáo viên TFV nên thầy có biết. Rồi thầy hỏi thăm, nói chuyện, lúc đó mình mới bất ngờ biết được thầy là chủ của quán cơm chay này. Đó giờ mình vẫn cứ nghĩ hai anh chị bán cơm là chủ quán. Rồi mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi biết thêm câu chuyện về cuộc đời của thầy…
Thầy kể rằng nhà thầy ở Đồng Nai, gần chỗ bây giờ là khu thác Giang Điền. Mười năm nay thầy theo về quê vợ lập nghiệp ở Tây Ninh. Ngày xưa nhà thầy nghèo lắm, “là bần nông” mà, thầy nói. Thầy học về Toán, sau đó đổi sang Anh văn rồi đi học kinh tế. Vì tuổi thơ và tuổi trẻ cơ cực đó mà thầy thấu hiểu và thương những mảnh đời cơ cực, phát tâm nguyện muốn giúp họ thoát khổ.
Trung tâm ngoại ngữ Anh - Việt mà thầy sáng lập cách đây 5 năm hiện giờ đã trở thành một ngôi trường với số lượng học sinh kỷ lục, với hơn 70 lớp luôn đông đảo học sinh, hơn 20 giáo viên tiếng Anh. Thầy đưa vào những chương trình học của Cambridge, rèn luyện bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. Điều đáng quý là 30% doanh thu từ học phí trường dành ra để tài trợ những suất học bổng cho các bạn nhỏ khó khăn.
Chưa hết, thầy còn là người anh cả trong một ‘đại gia đình’ gần 50 con người từ khắp nơi, gồm những thanh niên, những bạn trẻ cơ nhỡ với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Thầy có một khu nhà, giúp họ chỗ ở, tạo cho họ công ăn việc làm, ví dụ như quán cơm này chẳng hạn. Những con người xa lạ đã tìm được một gia đình chung quây quần bên nhau. Quán cơm của thầy vừa rẻ, vừa ngon. Một phần cơm 12000 vừa có một dĩa cơm, một chén canh, kèm với một dĩa rau sống và nước uống miễn phí. Quá rẻ, nên cũng không có lời nhiều.
Vẫn chưa hết, thầy còn mở một mái ấm, tên là Bách Hoa Trang, nơi nuôi các trẻ em mồ côi, những thân phận mảnh đời bé thơ bất hạnh, nhiều khi bị ruồng bỏ bởi chính cha mẹ của mình.
Trời ơi, ngưỡng mộ quá xá! Rồi mình hỏi làm sao thầy lấy kinh phí ở đâu mà có thể vận hành cả 3 nơi với công việc nhiều như vậy? Thầy cười nói nhờ trời thương nên mái ấm Bách Hoa Trang cũng có các mạnh thường quân, và mọi thứ cũng đâu vào đó. Với ‘gia đình lớn’, điều quan trọng là thầy muốn giúp các bạn có ý chí vươn lên, có công ăn việc làm để có thể tự lập. Bên cạnh đó, trung tâm ngoại ngữ của thầy đã và đang hoạt động rất thành công.
Thầy nói chân thành “tui chỉ muốn sống một cuộc sống đơn giản mà tối về nhà có thể đi ngủ với tâm bình an, hạnh phúc.”