Cuối tháng 11 năm 2011, dự án GIZ Sóc Trăng đã xây dựng thí điểm 10 m hàng rào chắn sóng bằng vật liệu địa phương như tre, mây, tràm tại khu vực trước đây bị xói lở là Vĩnh Tân. Toàn bộ tường chắn sóng đã được thiết kế và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012. Tường chắn sóng được sử dụng để giảm xói lở và tăng bồi lắng. Chỉ khi quá trình bồi lắng diễn ra, việc phục hồi rừng ngập mặn ở khu vực xói lở mới có thể tiến hành được hiệu quả.
Đó là những ngày cực nhọc nhưng đầy hứng khởi thú vị với những kỷ niệm khó quên! “Đội quân lấm bùn” chúng tôi có anh Thorsten – chuyên gia công trình sông và bờ biển đến từ Hamburg, Max – bạn thực tập sinh người Đức, Dũng và tôi – hai cán bộ dự án. Ngoài ra, chúng tôi còn có sự trợ giúp của các anh nhân công địa phương người Khmer. Thậm chí, trong ngày khởi công, anh Hoàng đoàn GIZ Bạc Liêu đến tham quan cũng đội nón, xắn quần xuống lội bùn cùng tham gia với chúng tôi.
Mỗi sáng, chúng tôi khởi hành đi từ thành phố Sóc Trăng, khoảng hơn một tiếng rưỡi mới đến Vĩnh Tân. Xe đậu lại trên đê còn chúng tôi chất một số thiết bị, thức ăn, nước uống lên hai chiếc thau, lội xuống biển bùn và đẩy đến chỗ thi công cách bờ khoảng 50 m. Một chiếc thuyền được neo cố định ngoài biển, làm trạm nghỉ và nơi chứa đồ đạc tại đó. Bùn đặc quánh và ngập đến ngang bụng khiến mọi di chuyển trở nên nặng nhọc và chậm chạp hơn.
Tôi trụ trên thuyền, với nhiệm vụ đơn giản là chụp ảnh, quan sát học hỏi, thỉnh thoảng chạy lăng xăng “tiếp tế” nước uống, vật liệu, dụng cụ và liên lạc với đất liền. Tôi đắp bùn non kín mặt, cổ và tay chân để chống nắng. Các anh cực hơn tôi nhiều vì phải lao động trong bùn, phơi mình suốt cả buổi ngoài trời. Hai hàng cột tre được dựng lên, rồi nối lại bằng những lớp tre ngang và quấn bằng dây mây. Các bó chà bằng bụi tre, nhánh tràm được đệm vào giữa những khoảng trống. Khó nhất là đóng các cọc tre xuống bùn, làm sao cho đảm bảo độ sâu cần thiết. Chúng tôi tiến hành nhiều cách với búa đầu 4 chân, búa tạ và cả dùng sức người nhảy dậm lên những dây đai để giộng tre xuống bùn. Có hôm chúng tôi xuất phát từ rất sớm khi trời còn tối mờ để canh nước lên, thử nghiệm giải pháp kỹ thuật đặt máy bơm phun nước tạo lỗ hổng để đặt tre vào nhanh hơn. Nhưng tiếc là hôm đó nước lên thấp quá không thử được phương pháp này. Công việc đôi lúc cũng có những khó khăn trở ngại như vậy.
Buổi trưa, chúng tôi lấy cơm hộp, bánh mì đem theo từ sáng ra ăn trên thuyền. Đó là những khoảng lặng nghỉ ngơi quý giá trong ngày làm việc, xung quanh chúng tôi là nước, bùn, mây trời và xa trong đất liền là những dải xanh mỏng mảnh…
Sau một ngày lấm lem với bùn, lội ngược vào bờ, chúng tôi chạy ùm xuống con rạch nhỏ đằng sau đê để tắm sơ cho sạch bớt bùn rồi thu dọn đồ đạc lên xe ra về. Tôi hát theo những bản nhạc xưa đang mở trên xe, con đường xa như ngắn lại...
Bianca và Thorsten kiểm tra đường kính thân tre
28.11.2011 - Tải thiết bị và dụng cụ
29.11.2011 - Thi công
Đặt tre vào bùn
30.11.2011 - Kiểm tra độ chịu lực
01.12.2011 - Hoàn thành bản demo 10 m hàng rào chắn sóng bằng tre
02.12.2011 - Kiểm tra bơm
Group photo at the end of the work week
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét