Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Saigon Gompa và dòng truyền thừa Karma Kagyu


07.09.2018 Buổi nói chuyện của anh Detlev về "Thiền trong đời sống hiện đại" được tổ chức bởi nhóm Saigon Gompa - the Diamond Way Buddhism

Hai tuần trước tình cờ qua Mi giới thiệu mà mình đi dịch cho buổi nói chuyện của anh Detlev về "Thiền trong đời sống hiện đại". Anh Detlev là người Đức, làm việc cho BMW, nhân dịp nghỉ phép anh cùng vợ đi du hành mấy nước châu Á kết hợp với việc chia sẻ về Phật pháp. Anh đã biết đến Phật pháp từ những năm hai mươi mấy tuổi và đã có hơn 30 năm học tập và thực hành cùng với Thầy Lama Ole Nydahl. 

Sau buổi nói chuyện với nhóm đông khán giả công chúng thì hai ngày cuối tuần kế đó là những ngày học chuyên sâu hơn cùng với nhóm nhỏ Saigon Gompa tại nhà anh Torsten. Mình nhớ ngày xưa hình như có lần đã đi nghe một buổi workshop do nhóm Saigon Gompa tổ chức tại khách sạn Sen Việt trên đường Cao Thắng, cũng về Phật giáo Tây Tạng. Lần đó chưa có ấn tượng gì mấy. Rồi bẵng đi một thời gian mấy năm qua. Cuộc hội ngộ lần này thực ra là hoàn toàn mới, những người bạn mới. Mọi người ai cũng thân thiện, dễ thương. Họ là một nhóm nhỏ chỉ khoảng chừng chục người, gần một nửa là người nước ngoài, thực tập cùng nhau mỗi tối thứ tư tại nhà anh Torsten. Mỗi người đều có những cái hay và thú vị. Nhờ đó mà mình mới biết thêm những lĩnh vực ngành mới mà các bạn đang làm, như Biotherapy của Trà Ngân, hay Systemic Constellation của anh Torsten... 

Mình được tặng cuốn "Chết không sợ hãi" do các bạn trong nhóm dịch, của Lama Ole Nydahl. Mình mua thêm cuốn sách "Theo Chân các Đạo Sư Tây Tạng" của Lama và say sưa đọc hết một lèo chỉ trong một buổi sáng. Mình được truyền cảm hứng từ Ông và các bạn để giờ mỗi ngày đang thực hành lễ lạy năm vóc sát đất. Mình bắt đầu tập từ ngày 18.9, với 20 lần một ngày, chắc còn lâu mới đến 111111.  Nghĩ đến các bạn tập 200 cái một ngày hay có những bạn tu tập toàn thời gian đến 3000 cái một ngày mà ngưỡng mộ. Chừng nào đạt mốc sáu số 1 đó mình sẽ ăn mừng, hihi, và dự định là sẽ vẫn tiếp tục duy trì thực hành cả sau đó. Đó là một bài tập vừa tốt cho sức khỏe thể chất, vừa tốt cho cả việc tu luyện thân, khẩu, tâm ý, làm giảm bớt bản ngã và loại bỏ những nghiệp xấu tích lũy của quá khứ và tất cả những bất thiện nghiệp. Mình thấy khỏe và đầu óc sáng suốt ra hẳn sau mới vài ngày tập...

Mọi chuyện không gì là ngẫu nhiên và mình cảm thấy cuộc gặp gỡ này có thật nhiều ý nghĩa tâm linh. Nó giúp mình xác nhận thêm về một số điều mình đã từng băn khoăn. Mình hiểu thêm về lịch sử Phật giáo Tây Tạng với bốn trường phái Kim Cương Thừa chính hiện nay là Gelugpa (Ngài Đạt Lai Lạt Ma, vị Tổ là Tsongkhapa, hóa thân của Đức Văn Thù Bồ Tát), Nyingmapa, Kagyupa và Sakyapa. Học một tông phái là sẽ hiểu được mọi tông phái [Một câu châm ngôn Tây Tạng nói rằng khi bạn ném một bông hoa vào mạn đà la, nó rơi vào vị thần nào thì vị ấy là của bạn. Bất cứ tông phái nào bạn gặp đầu tiên và nhận được giáo huân từ đó sẽ rất quan trọng với bạn]. Mỗi trường có đặc tính chuyên biệt riêng.  Như trường Gelugpa thiên về đào tạo ra các học giả, kinh viện, còn trường Kagyupa hay dòng truyền thửa Karma Kagyu tập trung vào việc thực hành nhiều. Dòng truyền thừa Karma Kagyu là một trong những dòng truyền thừa lâu đời nhất ở Tây Tạng, đứng đầu là các Đức Karmapa tái sinh. Lama Ole Nydahl là học trò của Đức Karmapa thứ 16. Và hiện nay là Đức Karmapa thứ 17, Ngài có một người vợ xinh đẹp và họ vừa có con cách đây khoảng một tháng.

Dòng truyền thừa Karma Kagyu tiếng Việt gọi là Ca Nhĩ Cư (dòng khẩu truyền, nhĩ truyền) với vị Tổ là Marpa, cũng là vị Thầy của Đức Milarepa. Cuộc đời của Milarepa là một câu chuyện thú vị và cảm động về sự chuyển hóa, Ngài được xem như vị hành giả vĩ đại nhất Tây Tạng. Câu chuyện của Ngài dạy chúng ta bài học về sự khiêm tốn, việc tỉnh giác về sự vô thường và cái chết.

Tam Bảo trong Phật Giáo: Phật, Pháp, Tăng, thì trong Kim Cương Thừa hay Mật Thừa, vai trò của Vị Thầy là rất quan trọng. Đối với người Tây Tạng, đây là yếu tố cần thiết thứ tư cho sự giác ngộ. "Trạng thái giác ngộ của người Thầy sẽ là cầu nối giữa người học trò với Phật. Vị Thầy là biểu hiện của sự thống nhất bao hàm cả ba yếu tố Tam Bảo."

Giác ngộ là sự nhận biết được bản chất chân thật của tâm thức, vô tận, trong sáng và rộng mở, vô úy, tràn đầy niềm vui, tình thương và sức mạnh của nó vượt ra khỏi mọi trí tưởng tượng.

Có một số đoạn trong sách mình thấy hay nên chép lại ở đây.

Về Karma: Đối với một bậc đã giác ngộ thì nghiệp là không gian tự do để vận dụng nhưng đối với những chúng sinh bình thường, nó là một chuỗi nguyên nhân và kết quả. Nó theo họ vì sự vô minh và nó đặt ra một thế giới có điều kiện. Nghiệp mà bạn trải nghiệm là một dấu ấn liên tục được tích tụ của đời này và muôn kiếp trong quá khứ. Nếu không được gột rửa hay chuyển hóa, những dấu ấn này sẽ phát triển bẳng chính sức mạnh của chúng.

Với phương pháp của Phật giáo Đại Thừa, những chúng sinh có lòng yêu thương lớn lao có thể thẩm thấu và thay đổi nghiệp xấu của người khác. Họ không chỉ loại bỏ những tác hại, sự khổ đau mà còn loại bỏ cả những nguyên nhân cơ bản gây ra khổ đau, sự vô minh.

Một người chỉ cần nhận ra một phương pháp để tới được giác ngộ, giống như chỉ cần ăn một đĩa là bạn đủ no. Dù một nhà hàng tốt có thể có nhiều món.

Về lễ khai tâm - điểm đạo: Bằng sự tập trung, với những pháp khí thực hiện nghi lễ, người thầy sẽ kích hoạt một phần tâm thức Phật vô biên và truyền trao nó cho đệ tử. Kết quả là hành giả có thể trải nghiệm cả tự thân và thế giới ở mức cao hơn cho tới khi mọi hoạt động trở nên tự nhiên và không cần nỗ lực. 

Hành giả nên kiên trì theo đuổi dòng truyền thừa nào mà mình thấy thích hợp nhất và không bao giờ có ý nghĩ rằng những dòng truyền thừa khác là thấp kém hơn mình.

Về vấn đề chữa bệnh: "Hãy làm tất cả những gì có lợi mà con có thể làm cho người khác và đừng bao giờ nghĩ về bản thân con."

...Để phá tan cái tôi, sự ngã mạn thì cần phải có một thứ thuốc nổ cực mạnh, và Karmapa thì có rất nhiều.

...Kim Cương Chùy là biểu tượng của Trí Bát Nhã, con đường dẫn tới đại giác ngộ.

"Karmapa Chenno": hiệu lực của câu chú này rất mạnh mẽ, và nó có nghĩa là "Người thực hành lời Phật dạy đang đến với tôi."

Om Mani Padme Hum: Vua của các mantra, là lời cầu nguyện của Đức Quán Thế Âm, biểu hiện tình thương yêu của tất cả các Vị Phật với chúng sinh và chuyển hóa phiền não thành trí tuệ; sự bám chấp và thù hận thành bản chất tự nhiên tốt đẹp của tâm.

Mật Thừa sử dụng thần chú để cam kết làm những điều tốt đẹp.

Mahakala (Đại Hắc Thiên): một trong những vị thần hộ pháp của Tây Tạng. Sức mạnh của vị ấy là để chinh phục những điều xấu và năng lượng vô biên của Ngài là để phá hủy những cảm thọ phiền não bên trong, cũng như những khó khăn bên ngoài để chúng ta có thể trưởng thành. Ngược với vẻ bề ngoài, bản chất của vị ấy là tình thương của tất cả các Chư Phật.

Tulku nào thực sự là những người giữ được sự tỉnh thức về bản chất của tâm, thường sẽ là những bậc thầy siêu việt. 

Đại Thủ Ấn (Chagchen hay Mahamudra) chính là tự tính của mọi vật và tồn tại trong trạng thái tỉnh giác tại bất cứ thời gian, bất cứ nơi nào, đó là giác ngộ hoàn toàn.

Không điều gì có thể phá hủy nghiệp lành bằng sân hận.