Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Phá chấp và tự do

Em thân mến,
Việc em có sự suy ngẫm, đặt câu hỏi và phân vân, hướng đến sự tự lực trên con đường tìm cầu chân lý là một điều đáng trân trọng. Đức Phật, Chân Sư D.K. luôn khuyên các đệ tử có sự phân biện. Phân biện (discernment), phản tỉnh (reflection) là điều luôn được khuyến khích tại trường. 

Em nói rằng: "Cuộc sống này, thế giới này có quá nhiều sự che đậy. Thông qua một cách thức nào đó để đạt được điều gì đó trong cái gọi là “con đường tâm linh” cũng chỉ tạo thêm những bức màn khác chứ chẳng phải vén được bức màn để đến được với sự thật. Cái mà thu lượm được có chăng cũng chỉ kiến thức. Một trò chơi của cái trí, càng thu lượm kiến thức càng rời xa sự thật." Vâng! Blavatsky có nói "Cái Trí là kẻ giết chết sự thật". Câu này có lẽ rất khớp với điều em nói. Nhưng chính Cái Trí cũng là kẻ làm hiển lộ sự thật, khi nó được soi sáng bởi Linh Hồn. Ở đây chúng ta thấy có sự khác biệt giữa hạ trí (trí cụ thể, kiến thức) và thượng trí (trí trừu tượng, minh triết). Hạ trí phát triển quá mức có thể dẫn đến sự chia rẽ, tuy nhiên, hạ trí cần phát triển đến một mức độ nào đó để kết nối với thượng trí.

Em tự hỏi: "Có phải không có một phương pháp nào, người thầy nào dạy ta hiểu về chính mình, con đường này thật sự phải đơn độc? Liệu có một tự do như Krishnamurti đã gợi mở? Một sự tự do vượt khỏi định nghĩa, vượt khỏi quy định, vượt khỏi kiến thức, vượt khỏi hiểu biết? Một sự tự do như chính nó đang là mà vượt khỏi sự kiểm soát của cái trí, suy nghĩ, suy tưởng thông thường? Có phải lúc đó, tình thương mới thật sự hiện diện một cách vô vị kỷ?"

Con đường này có thực sự cô độc? Chị nghĩ là không, dù việc nỗ lực phải là tự thân (giống như không ai có thể ăn giùm bạn, hay chứng ngộ được giùm bạn). Người hành giả không đơn độc trên con đường bởi luôn có những người bạn đồng hành, những huynh đệ phía trước và phía sau y. Người hành giả khiêm nhường và mở lòng đều có thể học được từ tất cả mọi người xung quanh mình. Thậm chí ngay cả ở những khoảnh khắc đêm tối của linh hồn, hay những thử thách của các bậc điểm đạo tưởng chừng như chỉ có mình ta chiến đấu, cuối cùng, khi vượt qua được, ta hiểu rằng chính nó, sự cô lập đó cũng lại là một ảo tưởng.

Krishnamurti là một bậc giác ngộ có thể nói là đi trước thời đại và ở ông nổi bật về tư tưởng phá chấp những lề lối cũ kỹ, chật hẹp, khuyến khích sự tự do, tự lực. Tất nhiên phá chấp là tốt, nhưng cần có mức độ nhận thức đến chừng nào đó rồi mới có thể nói đến chuyện phá chấp và tự do, nếu không sẽ rất dễ có nhiều ngộ nhận.

Chân lý vốn chỉ có một nhưng có nhiều mặt, và tùy theo sự phát triển tâm thức của chúng ta mà chúng ta chỉ thấy được phần nào của sự thật. Càng tiến hóa thì cái nhìn chúng ta càng bao gồm hơn và càng gần hơn với sự thật. Sự phát triển trên đường đạo, song song với cái thấy còn cần rất nhiều sự tinh luyện các thể cho trong suốt, để có thể hồi đáp với những rung động ngày càng vi tế hơn trên các cõi cao.

Thân mến,
T.D

"Tư tưởng của Krishnamurti không dành cho những người thấp, còn đầy tính chất của phàm ngã, và như vị Chân sư trong The Initiate nói, có thể rất nguy hiểm. " ~ M.T.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét