Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Ba cấp độ tu tập trong Phật giáo



Buổi chia sẻ của Sara "View, Meditation and Action in Buddhism", 4.11.2018
"Sara Finnerty sinh năm 1971 tại Hoa Kỳ. Cô đã theo Phật giáo Kim Cương Thừa từ năm 1991. Cô đã gặp Lama Ole Nydahl khi còn là một sinh viên đại học ở San Francisco.
Sara đã giúp thành lập và sống tại các trung tâm Phật Giáo Kim Cương Thừa trên toàn nước Mỹ từ năm 1993, ở California, Texas, New Mexico và hiện đang ở Nevada. Theo yêu cầu của Lama Ole, cô đã đi giảng dạy Phật giáo Kim Cương Thừa từ năm 2015. Hiện tại, cô sống ở Las Vegas, Nevada và Seattle, Washington." ~ Saigon Gompa
Tối hôm qua được gặp lại nhóm các bạn Saigon Gompa và đi dịch cho bài nói chuyện của Cô Sara Finnerty. Buổi nói chuyện được tổ chức trong một phòng nhỏ Cà Phê Trung Nguyên trên đường Võ Văn Tần.

Mình có dịp được ôn lại và hệ thống hóa những gì đã tìm hiểu về Phật Pháp trước đây từ bài giảng của cô. Cô thật trẻ trung và ấm áp so với tuổi 47 của mình. Cô gợi nhớ cho mình rất nhiều đến Kelly, cũng gần trạc tuổi cô. Kelly và Sara, hai người phụ nữ xinh đẹp với trái tim nồng ấm và tấm lòng của Bồ Tát. Dù chỉ mới gặp nhưng Cô đã tạo cho mình những cảm giác rất tin tưởng, dễ chịu, bởi cô luôn động viên, khuyến khích và bảo mình đừng lo lắng, hãy “have fun”, vui vẻ và thoải mái.

Mình tóm tắt lại theo trí nhớ những điểm quan trọng trong bài nói của cô tối qua. Điều cô nói được Đức Phật giảng ngắn gọn mà tinh túy trong Kinh Pháp Cú: "Không làm các điều ác (1), Siêng làm những điều lành (2), Giữ tâm ý trong sạch (3)."

Người ta nói rằng Đức Phật đã giảng 84 vạn pháp môn tùy theo căn cơ của mỗi người.

3 cấp độ trong Phật Giáo

Cấp độ đầu tiên 
Cấp độ đầu tiên Đức Phật nói với những người tìm đến Ngài vì quá đau khổ và xin Ngài chỉ dạy cách thoát khỏi khổ đau. Đức Phật đã nói về Nghiệp và Nhân Quả (Karma và Causality). Trong tiếng Phạn, Karma có nghĩa là Action - Hành động. Tất cả những “hành động” của thân, khẩu, ý đều dẫn đến những tác động hay hệ quả nào đó. Nhận thức được điều này chúng ta hiểu rằng chính mình chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Chính mình là người kiến tạo nên tương lai của mình bằng những hành động của ngày hôm nay. Không có Vị Chúa nào phán xét chúng ta, hay Định Mệnh quyết định cuộc đời ta. Với ý thức đó, ta không còn đổ lỗi cho số phận, cho hoàn cảnh, cho chính phủ….

Khổ, Vô Thường, Vô Ngã

Vậy thì làm thế nào để thoát khỏi khổ đau trong đời sống? Đức Phật đã đưa ra 10 lời khuyên, trong đó có 3 lời khuyên về thân, 4 lời khuyên về khẩu và 3 lời khuyên về ý (tâm thức) giúp con người chuyển hóa khổ đau, hướng tới đời sống hạnh phúc.

Ba lời khuyên về thân:
  • Không sát sinh, không giết hại sự sống. Thay vào đó, hành động tích cực là trân trọng, bảo vệ sự sống, mở rộng lòng từ bi với tất cả mọi chúng sinh. 
  • Không lấy những gì không thuộc sở hữu của mình, và người ta không cho mình, không trộm cắp. Thay vào đó, thực hành bố thí, quảng đại (generosity), rộng lượng giúp đỡ người khác.
  • Không tà dục. Thay vào đó, giữ gìn tịnh hạnh, bảo vệ hạnh phúc gia đình của mình và của những người khác, mang lại niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác.

Bốn lời khuyên về lời nói (khẩu nghiệp):
  • Không nói dối với ý định làm hại người khác. Thay vào đó, nói lời chân thật, khiến người khác có thể tin tưởng mình.
  • Không nói lời thêu dệt, ngồi lê đôi mách (gossip). Thay vào đó, nói những lời động viên, khích lệ, ngợi khen chân thành những phẩm chất tốt đẹp của người khác.
  • Không nói lời gây chia rẽ, mất đoàn kết. Thay vào đó nói những lời tạo nên sự hòa thuận trong tập thể, góp phần làm cho mọi người vui vẻ, tăng tình thân ái, đoàn kết.
  • Không chửi thề, không nói lời thô tục, hung ác, không chửi mắng, chỉ trích làm cho người nghe hổ thẹn, khổ đau. Thay vào đó, nói lời dịu dàng, thanh nhã, khiến mọi người ai cũng hoan hỷ, tin tưởng và quý mến mình.
Ba lời khuyên về tâm ý (mind):
  • Không sân hận, thù ghét, giận hờn. Thay vào đó thực hành từ bi, yêu thương mọi chúng sanh, thực tập nhẫn nại trước khó khăn, nghịch cảnh.
  • Không tham lam những hình tướng vật chất bên ngoài. Muốn như vậy phải hiểu được Vô Thường. Hiểu được mọi thứ bên ngoài có sinh có diệt, luôn biến đổi, không thường hằng. Không có cái tôi độc lập, mà luôn tùy thuộc vào những điều kiện nhân duyên. Hiểu rằng không có cái gì là của tôi...
  • Không si mê, không bối rối. Bối rối, si mê vì chưa hiểu được lý vô thường vô ngã. Muốn vậy cần thực tập thiền, cần tách ra khỏi suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, trở thành người quan sát, nhận biết nó, không bị cuốn theo nó. Nhận ra mình không phải là những gì mình trải nghiệm (experiences) mà chính là người trải nghiệm (experiencer). [Mắt thấy nhưng không nhìn thấy được chính mình.] 
Người đời tham, sân, si vì bám víu vào những điều kiện bên ngoài, ngỡ đó là cội nguồn của hạnh phúc trường tồn, và bám chấp vào bản ngã, cái tôi, mà không biết nó mang hương vị khổ đau.
Động lực để mọi người hành động đều là để được hạnh phúc.

Bước cơ bản đầu tiên trong thực hành thiền là việc tập trung định trí. Ta có thể dùng hơi thở để neo lại tâm ý, không cho nó chạy lăng xăng. Cứ thư giãn, chỉ nhận biết, không phán xét, phân tích, để suy nghĩ, cảm xúc trôi qua như những đám mây đến rồi đi. 

Thiền không phải là làm cho không còn suy nghĩ bởi vì điều đó là không thể.

Cấp độ thứ hai - Con Đường Bồ Tát

Cấp độ này dành cho những người mong muốn thực tập giải thoát vì lợi ích của mọi chúng sanh. Đức Phật khuyên họ tu tập Bồ Tát Đạo. 

Sáu pháp tu của Bồ Tát - Lục Độ Ba La Mật
Sáu pháp tu đưa chúng ta vượt ra ngoài sự bám chấp vào cái tôi bản ngã. (Bring us beyond the fixing on our ego).
  • Generosity - Bố thí, độ lượng, quảng đại
  • Meaningful behaviors - Trì giới. 
  • Tinh tấn - Joyful efforts - Toàn tâm toàn ý, chú tâm hoan hỷ. Put the best of yourself to what you are doing.
  • Nhẫn nhục - Nhẫn nhục trước những khó khăn, nghịch cảnh, trước những người khó chịu. Hiểu rằng ai cũng như mình, cũng có những nỗi khổ riêng, cũng muốn mưu cầu hạnh phúc.
  • Thiền định - Meditation: Dù bốn điều trên đưa chúng ta ra khỏi sự bám chấp vào cái tôi. Nhưng điều thực sự có thể mang lại bốn điều trên lại chính là tham thiền. Chỉ có thông qua tham thiền, chúng ta mới gia tăng sức mạnh nội tại để thực hành tốt những điều trên.
  • Trí tuệ - Wisdom. Trí tuệ hiểu về chân lý, nhân quả, vô thường, vô ngã.
Thực hành: sống trong đời như những Vị Bồ Tát thành tựu 6 ba la mật trên, vì lợi ích của mọi chúng sinh. Tham thiền.

Cấp độ thứ ba - Kim Cương Đạo - Đồng nhất với tâm thức của Phật

Đức Phật giảng pháp này cho những người nhìn thấy sự tỏa rạng chiếu sáng, bình an phúc lạc của Ngài và tin tưởng rằng mình cũng có bản chất đó, cũng có thể có được sự giác ngộ, tỏa sáng đó. Sự hiện diện của Đức Phật khiến cho tất cả những ai xung quanh Ngài cũng cảm thấy được bình an, hạnh phúc, hứng khởi, hướng thượng, lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Hiểu rằng bản chất tinh túy của chúng ta là Phật tánh, là nhận thức, là tâm thức không thể bị hủy diệt, tràn ngập phúc lạc, bình an, không sợ hãi. 

Thực hành thiền: Đồng nhất hóa hình ảnh Vị Phật vào trong chính chúng ta. 

Hằng ngày trong cuộc sống: xem mình như một vị Phật, sống với những phẩm tính của Đức Phật, với Từ Bi, Trí Tuệ, Nhẫn Nại, Vô Úy, Hoan Hỷ, hiểu được chân lý, tự tin vào sức mạnh của bản thân kiến tạo cuộc đời, sống với sự tự tại, bình an, hoan hỷ, vô úy, ngập tràn phúc lạc.  





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét