Trao đổi thú vị về yêu bản thân vô điều kiện, từ câu hỏi trên nhóm MFVN, mình thấy hữu ích nên xin phép lưu lại ở đây.
Khi nói đến chữa lành sẽ nói đến tình yêu vô điều kiện cho bản thân. Hay hãy yêu bản thân mình vô điều kiện. Em thắc mắc liệu điều đó có đi ngược lại với tinh thần vô ngã khi phụng sự. Hay mọi người đang hiểu lầm. Thay vì nói hãy yêu bản thân vô điều kiện, ta nói Hãy để tình yêu vô điều kiện tồn tại trong bản thân mình? Nếu việc yêu bản thân vô điều kiện cũng là một bước mà chúng ta phải đi thì vai trò của nó là gì trên đường đạo?
Cam Xanh: "Yêu thương vô điều kiện không phải là nuông chiều bản thân bất chấp đúng sai, không phải là sự thỏa mãn tất cả các nhu cầu vật chất, không phải là tranh giành cho bằng được của cải vật chất hay phần đúng về phía mình, cũng không phải là sự đòi hỏi đặc quyền từ địa vị, chức danh, tuổi tác, giới tính,v.v…
Em thấy yêu thương bản thân mình là điều kiện tiên quyết để chữa lành nói riêng và phụng sự nói chung.
Chữa lành để trở nên toàn vẹn hơn, để hiểu cho tha nhân hơn, để mình có thể cảm thông cho người và yêu thương họ thực sự. Đó là lý do những người chữa lành thường là những empath, những người thấu cảm, họ có thể nhạy cảm hơn người bình thường, nhưng nếu họ không thể yêu thương bản thân họ ĐÚNG CÁCH thì họ sẽ không thể sử dụng khả năng thấu cảm của mình để giúp người khác. Trái lại, nó có thể khiến họ bị mệt mỏi và kiệt quệ về mặt năng lượng nếu tiếp xúc quá nhiều với năng lượng tiêu cực từ những người xung quanh/cần đến sự giúp đỡ của họ.
Theo em hiểu thì yêu thương bản thân vô điều kiện nó đòi hỏi rất nhiều điều kiện/sự yêu thương/kỷ luật ạ. Nó đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian cho bản thân mình; luôn học hỏi không ngừng và đặt câu hỏi cho bản thân; kiên nhẫn; lắng nghe và trả lời trung thực với chính mình; bao dung để chấp nhận con người mình; trao quyền và khuyến khích bản thân mình để mình có thể trở thành bất cứ phiên bản nào mà mình muốn trong giây phút hiện tại đó. Em thấy quá trình này nó tương tự với việc quay trở lại bên trong chúng ta, đào xới, tìm kiếm lại chính mình. Điều tốt và khiến mình cảm thấy được là chính mình và hạnh phúc thì mình phát huy, còn những điều mình nhận thấy mình sai, mình cần sửa lỗi thì mình thực sự cần rất nhiều sự can đảm để thừa nhận rằng mình sai, cần rất nhiều sự mạnh mẽ để bẻ gãy những thói quen/hành vi/lối suy nghĩ xấu/tiêu cực, rất nhiều bao dung để tha thứ cho bản thân mình và cần rất nhiều quyền lực tự thân để cho phép mình được thay đổi để trở thành phiên bản tốt hơn. Khi chúng ta hiểu, thương, kiên nhẫn, cho phép mình được sai, và biết rằng mình hoàn toàn có thể thay đổi để sửa sai trong tương lai, chúng ta cũng sẽ có thể làm điều tương tự cho người khác, hướng dẫn họ, giúp đỡ họ và chữa lành cho họ.
Ngoài ra, từ việc chấp nhận, yêu thương, không phán xét bản thân, bao dung và kiên nhẫn như vậy với chính bản thân mình. Chúng ta trở nên trọn vẹn hơn, chúng ta cho phép bản thân vá lành những vết thương, và trở thành một chiếc bình chứa của tình yêu thương. Chúng ta ai hẳn cũng từng nghe rằng: “Chúng ta chỉ có thể cho đi điều mà chúng ta có.” Nên nếu bản thân chúng ta thờ ơ với chính mình, đầy rẫy tổn thương không dám đối mặt, vậy thì ở đây chúng ta có thể cho đi điều gì? Hay chúng ta chỉ là gắng gượng THỂ HIỆN tình yêu thương với người khác để trốn chạy những vấn đề/nỗi đau mà chúng ta không dám động tới, để mong cầu nhận lại sau khi đã cho đi. Đừng để việc chữa lành hay phụng sự trở thành một cuộc chạy trốn chính bản thân mình được giăng đèn hoa. Và vì yêu thương bản thân nên chúng ta cũng rất trung thực với bản thân và nhận ra rằng tình yêu thương vô điều kiện là rất khó để đạt tới khi chúng ta ở trong thân người hay chỉ trong vỏn vẹn một kiếp người. Thay vì bắt ép bản thân phải trở nên yêu thương vô điều kiện ngay lập tức từ khi chúng ta biết đến nó. Chúng ta sẽ cho bản thân mình thể hiện tình yêu bằng những hành động nhỏ, ý thức trong từng suy nghĩ nhỏ, thay đổi bản thân trở nên tích cực và yêu thương hơn qua từng ngày. Việc này mang lại sự thoải mái, không ép gượng cho tâm trí và giúp chúng ta dần trở thành một người tràn đầy năng lượng tích cực và đáng yêu đáng quí. Vì em nhận thấy rằng việc mình nhận thức được rằng “mình có thể trở thành/trở về một ai đó và đang trên con đường trở thành/trở về người mà mình muốn trở thành/trở về”, nó quan trọng hơn ý nghĩ về việc “phải trở thành một ai đó”
Love is Divine power. Do đó, nếu chúng ta yêu thương một cách dần hướng tới sự vô điều kiện, chúng ta sẽ được nhận lại sự tự do khỏi những ảo cảm từ vật chất, cảm xúc và trí óc."
Cô Thư: "Chữa lành là làm việc với linh hồn Chúng ta yêu thương bản thân mình vô điều kiện có nghĩa là yêu thương với sự yêu thương của linh hồn thì cần vô điều kiện mới lan tỏa tình yêu thương đó đến người bệnh."
Zim Quỳnh Anh: "Trước hết, ta định nghĩa "bản thân" theo minh triết nội môn, thì đó chính là 3 thể trong tam giới, thể xác, thể cảm dục và thể trí. 3 thể này tạo nên cái phàm ngã mà người thường gọi là "bản thân". Ý nghĩa hiện sinh là 3 thể này là phương tiện để linh hồn sử dụng. Thì đơn giản là tả cần biết cách nuôi dưỡng, bảo trì chúng sao cho tốt nhất. Để làm được tốt nhất thì cần có trí tuệ hiểu biết về cơ thể người, dinh dưỡng để nuôi dưỡng thể xác, hiểu tâm lý học để nuôi dưỡng thể cảm dục, đọc sách minh triết, làm toán khó để trí tuệ ngày càng thông minh, thông thái. Nên việc yêu thương chăm sóc cho xác thân, tâm hồn mình không có gì là sai trái cả. Như là mình biết cách bảo trì công cụ lao động của mình thôi. Mình bảo trì tốt thì hiệu suất làm việc của mình cao, thậm chí còn quay sang giúp người khác bảo trì nữa.
Tuy nhiên, nếu coi bản thân chỉ là 3 thể thấp thì chưa đủ theo cách hiểu nội môn. Đó thực ra là cách hiểu của người bình thường. Bình thường mọi người luôn cho mình là xác thân này nhưng bạn có thấy là từ khi sinh ra, mình chưa bao giờ ở cố định trong một hình thái xác thân quá lâu không? Chúng ta đã ở trong cơ thể một em bé, rồi một cơ thể một học sinh, rồi cơ thể một thiếu niên, cơ thể một người trưởng thành, người trung niên, người già... Cái xác thân thì thay đổi không ngừng từ giây phút ta sinh ra và không trường tồn. Nên ta không thể định dạng bản thân chỉ dựa trên cơ thể vật lý vì nay ta là đứa trẻ, mai ta đã là một người lớn rồi.
Cái chúng ta thực sự là, cái "bản thân" mà ta đang cho là "mình" nên được nhìn xuyên qua lớp phương tiện hồng trần, thì đó chính là linh hồn, là đơn vị năng gốc, đơn vị này là một với trường năng lượng lớn hơn mà chúng ta gọi là "linh hồn duy nhất". Nên nếu xem " Bản thân" ở cấp độ này, thì sẽ không còn phân biệt là xác thân của ta hay xác thân của người khác. Từ đó ta sẽ yêu người khác như yêu thương chính mình. Ở cấp độ này thì mình có thể yêu thương, giúp đỡ chăm sóc cho người xung quanh giống như cho chính mình, không có sự phân biệt. Điều này thường được thấy qua cách cha mẹ chăm sóc cho con cái mình. Họ có thể hy sinh bản thân để có thể chăm sóc cho con mình tốt nhất. Nếu mở rộng sự hy sinh đó ra ngoài gia đình nhỏ của mình, và có thể làm vậy với tất cả mọi người (tất nhiên là trong điều kiện cho phép bởi sự hạn chế của quy luật thời gian-không gian trong cõi hiện tương) thì bạn sẽ không còn thấy sự mâu thuẫn giữa việc yêu bản thân mình với sự ích kỷ nữa vì "bản thân" bạn lúc này là linh hồn duy nhất, bạn biết bản thân mình có nhiều phiên bản, nhiều dạng biểu lộ, thì bạn yêu "bản thân" tức là bạn yêu tất cả những thứ muôn hình vạn trạng mà cái "bản thân" đó đang hiện hữu trong tam giới."
Chị Hà Trần: "Có lẽ em thử nghiên cứu giai đoạn đầu tiên, phàm ngã tích hợp chăng. Giai đoạn của leo trong sách chiêm tinh học nội môn. Thấy mình là trung tâm vũ trụ, sau đó mới tiến tiếp được."
Chương: "Trong câu “hãy yêu bản thân mình vô điều kiện” thì theo mình cái “bản thân” này không phải là linh hồn. Câu này là một phương pháp chữa lành khá đơn giản, do đó nó không diễn tả được nhiều mặt, dễ gây hiểu nhầm. Như các bạn đã bình luận, cần xem bối cảnh của câu nói, trong đó người khuyên điều này để làm gì thì sẽ hiểu rõ hơn. Thí dụ bối cảnh như bạn @Cam Xanh nêu có vẻ là đúng cho câu nói này, làm mình nhớ tới Sư ông Thích Nhất Hạnh hình như cũng gửi những lời an ủi này cho những người đang đau khổ trong nội tâm tìm tới Làng Mai để được tư vấn giải toả/chữa lành. Một ví dụ trong một tình huống cụ thể hơn, người tìm đến hỏi là người chí nguyện, có nhiều xung đột trong tâm lý, rõ ràng đã nhận ra điều quấy của bản thân, đang giằng xé giữa việc chấp nhận bản thân (cái tôi, cái phàm ngã này) không hoàn hảo, nó không đáp ứng được lý tưởng của anh/chị ta. Trong lý tưởng của anh/chị ta thì bản thân không được phép làm những điều quấy như vậy, do đó cứ bị dày vò mãi bởi điều này, thường tự trách bản thân. Tình trạng tâm lý như vậy sẽ không giúp ích gì cho y, mâu thuẫn nội tâm lâu ngày không đc giải quyết có thể trở thành trầm cảm. Khi đó, giải pháp đơn giản là đứng ở góc nhìn vượt khỏi cái tôi để nói rằng “hãy yêu thương cái tôi/phàm ngã này một cách vô điều kiện”, đừng có kỳ vọng quá về nó bởi vì sự mong cầu đó là một tâm lý thuộc phàm ngã (PN). PN này cũng như các PN khác đều bất toàn, vậy thì sao lại mong nó hoàn hảo như ý ngay lúc này. Hãy cho nó thời gian để nó rèn luyện, cũng như cho đứa trẻ thời gian để lớn lên. Nó là công cụ mà, có gì thì mình (linh hồn) sài đó, lành lặn hay què quặt đều mang giá trị tinh thần khi mình biết tận dụng tất cả điểm mạnh và điểm yếu của công cụ. Và đúng như Zim đã cảm nghiệm, coi PN này cũng như các PN khác thôi, có lẽ chúng ta phải cứu rỗi hết cả chúng với sự cộng tác của các linh hồn. Như vậy, theo mình câu nói này là đứng trên góc độ linh hồn để phát biểu, giúp tâm thức thoát khỏi tâm lý phàm ngã tiêu cực khi tự dày vò/ghét bỏ bản thân, thoát khỏi tâm lý sống trong quá khứ của những lỗi lầm đã qua (điều làm cho y thụt lùi), một ảo cảm hay xảy ra với một số người có lẽ thuộc đường lối cung mềm. Và tác dụng của câu nói này có hạn chế, không thể dùng cho nhiều tình huống khác nhau, vì thế không nên gặp tình huống gì cũng mang câu này ra như câu thần chú được.
Chữa lành nội môn có thể dùng câu này để khuyên/ làm thuốc chữa cho một số phàm ngã đang gặp tình trạng này. “Yêu thương vô điều kiện” là góc nhìn của linh hồn, còn phàm ngã thì ngược lại luôn yêu có điều kiện; và câu “Hãy yêu bản thân mình vô điều kiện” là đứng trên góc độ của linh hồn để đối đãi với phàm ngã của chính mình. Nhà chữa lành nội môn thực thụ, đã có sự kết nối thường xuyên với linh hồn thì không cần dùng câu này cho chính mình, bởi vì thường họ đã vượt qua giai đoạn này hoặc sẽ vượt qua một cách nhanh chóng thông qua thực hành chữa lành. Do vậy, trong các lời dạy của Chân sư DK đối với hàng đệ tử thực hành chữa lành nội môn không có lời dạy nào tương tự như câu này, theo những gì cháu đọc được tới thời điểm này. Đệ tử là người đã không còn chú ý tới phàm ngã bản thân, nhưng quan tâm tới khổ đau của phàm ngã những người khác mà y liên hệ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét