Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Viết phản tư lớp tâm lý trị liệu - Buổi 13. Liệu pháp tích hợp

Xây dựng kế hoạch và chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân trong nghề tham vấn.

Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần đối với nhà tham vấn trị liệu là vấn đề căn cốt bởi chúng ta có khỏe mạnh thì mới có thể chăm sóc tốt cho những người khác. 

Người tham vấn cần biết cách “xả trược” sau mỗi ca trị liệu, bởi năng lượng nặng nề từ các thân chủ có thể ảnh hưởng ngược trở lại người tham vấn. Về mặt năng lượng, người tham vấn có thể thực hiện động tác vẩy mạnh tay, lòng bàn tay hướng xuống đất, để năng lượng trược khí có thể được đất hấp thụ và chuyển hóa.

Người tham vấn cần rèn luyện sự thấu cảm nhưng không dính mắc. Điều này đòi hỏi rèn luyện năng lực quan sát và duy trì sự tỉnh thức cao, để tách rời bản thân khỏi cảm xúc, tránh đồng nhất với cảm xúc hay suy nghĩ, không chỉ của người khác mà cả của chính bản thân. Việc này có thể được thực hiện thông qua thực hành thiền định hàng ngày, nâng cao định lực và nguyên khí, và thực hành chánh niệm trong mọi hoạt động của đời sống. Ngoài ra tham thiền cũng giúp người tham vấn có những khoảng lặng hữu ích để suy tư, chiêm nghiệm, đúc kết và cải thiện bản thân. 

Người tham vấn cũng cần thực hành sự chuyển hóa các bóng tối nội tâm (shadow work), những tổn thương chưa được công nhận hay bị chôn vùi, trong chính bản thân mình để không phóng chiếu hoặc bị ảnh hưởng bởi chúng. 

Người tham vấn cần thanh luyện bản thân để ngày càng trở nên thuần khiết hơn, vô tư hơn, hồi đáp với thân chủ trong sự tỉnh thức và trong sáng.



Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Viết phản tư lớp tâm lý trị liệu - Buổi 12. Liệu pháp hệ thống gia đình

 Cách tiếp cận của tâm lý học hiện đại đang dịch chuyển từ góc nhìn cá nhân sang góc nhìn hệ thống, cùng với sự lan tỏa của tư duy hệ thống. Tư duy hệ thống nhìn mọi sự vật hiện tượng trong mối liên quan lẫn nhau, liên kết như một mạng lưới với những chuỗi tương tác, nhân quả, đồng thời, chồng chéo, và trong những bối cảnh cụ thể. Tư duy hệ thống nhìn thấy cả khu rừng chứ không chỉ một cái cây, và nhìn thấy một vấn đề, không chỉ ở hiện tượng bề mặt mà còn những nguyên nhân như phần chìm của tảng băng ẩn sâu dưới đáy. Tư duy hệ thống giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề theo quá trình, chứ không chỉ tập trung vào kết quả. Sự phức tạp, phụ thuộc tương tác lẫn nhau của mọi thứ khiến chúng ta buộc phải hướng đến giải quyết vấn đề với tầm nhìn hệ thống. Liên hệ đến liệu pháp hệ thống gia đình, chúng ta thấy rằng triệu chứng của một cá nhân có thể là biểu hiện của cả hệ thống. Hành vi của cá nhân cần được xem xét trong bối cảnh gia đình (thậm chí rộng hơn là môi trường xã hội liên quan), vốn phản ánh tương tác giữa các thành viên và cấu trúc tổ chức gia đình. Nếu không ý thức, nhận diện và tách biệt hóa bản thân đúng đắn, con người rất dễ bị ảnh hưởng và mắc kẹt, giam cầm trong những giới hạn trong những khuôn mẫu tư tưởng, định kiến của hệ thống. Việc hướng đến sự tự do, độc lập và giải thoát khỏi những mãnh lực hệ thống mạnh mẽ mà vô hình này là cả một hành trình chữa lành, chuyển hóa và trưởng thành của mỗi cá nhân.