Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2008

Bức tranh màu xám

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử. Chưa bao giờ văn minh nhân loại đạt nhiều thành tựu kỳ diệu trong khoa học và kinh tế như ngày nay. Tuy nhiên, cũng chưa từng bao giờ trong quá khứ, hành tinh chúng ta phải đối mặt với những thách thức tuyệt vọng về suy thoái môi trường và bất ổn xã hội trên diện rộng như vậy. 

Các nhà khoa học cảnh báo rằng những hoạt động của con người đang gây nên cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt trên thế giới. Đô thị hóa, biến đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp, phá rừng…làm mất nơi chốn sinh sống của động vật hoang dã và dẫn đến tổn thất lớn đa dạng sinh học. Rừng không chỉ cung cấp cho chúng ta gỗ quý, hoa trái, là tủ thuốc thiên nhiên, rừng còn là lá phổi xanh lọc sạch không khí, cây rừng giữ lớp đất mặt giàu dinh dưỡng khỏi xói mòn. Rừng là một bộ đệm tự nhiên ngăn lũ, cân bằng môi trường vi khí hậu. Vẻ đẹp lặng lẽ của rừng, dòng suối mát trong, tiếng chim ca…khiến tâm hồn ta thư thái, bình an. Thế mà, diện tích rừng trên thế giới đang ngày càng thu hẹp, thu hẹp dần. Các nhà khoa học ước đoán hàng triệu loài sẽ tuyệt chủng trong vòng 50 năm tới, chủ yếu do biến đổi khí hậu. 

Biến đổi khí hậu ngày nay không chỉ còn là dự báo mà đã và đang xảy ra trên hiện thực. Những diễn tiến khí hậu cực đoan, phức tạp và bất thường ngày càng nhiều trên thế giới: lốc bão, gia tăng mực nước biển, lũ lụt ở nơi này trong khi hạn hán kéo dài ở nơi khác. Băng tan ở vùng cực và đỉnh băng trên dãy Himalaya sẽ gây ra sự thiếu nước về lâu dài. Đại dương ấm lên gây ra hiện tượng mất màu (chết) của các rặng san hô (coral bleaching) và sự suy giảm nhiều loài thủy sinh vật nhỏ, từ đó lần lượt ảnh hưởng đến những sinh vật ăn chúng ở các cấp cao hơn trong chuỗi thức ăn như cá, chim và con người. Cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh cây rừng, thì đại dương là nguồn hấp thụ carbon (carbon sink) chính của hành tinh. Vì vậy, đại dương ấm lên sẽ dẫn đến hạn chế khả năng hấp thụ CO2 của nó và điều này, như một cái vòng lẩn quẩn, lại càng góp phần gia tăng hiệu ứng ấm lên toàn cầu. 

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. Khi bị đốt cháy, carbon tích tụ trong nhiên liệu hóa thạch kết hợp với oxy tạo thành CO2. Bình thường lượng CO2 nhất định là cần thiết trong bầu khí quyển để giữ điều hòa nhiệt độ cho Trái Đất (nếu không có những khí “nhà kính” như vậy, Trái Đất chúng ta sẽ giống như Mặt Trăng, ngày cực nóng đêm cực lạnh, khó duy trì những điều kiện cho một hành tinh sống). Từ thời cách mạng công nghiệp đến nay, chỉ trong vòng hơn hai trăm năm, nhân loại đã đốt cháy một lượng nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá...) mà tự nhiên mất hàng trăm triệu năm để tích tạo nên, lượng CO2 thải ra đã vượt quá mức cần thiết, gây nên mất cân bằng nghiêm trọng tỉ lệ CO2 trong khí quyển. Bên cạnh hiệu ứng nhà kính (hiện tượng Trái Đất ấm lên), việc đốt nhiên liệu hóa thạch còn gây ra mưa axit, ô nhiễm không khí, khói đô thị… 

Mọi hoạt động trong cuộc sống đều cần đến năng lượng. Năng lượng là huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng năng lượng hiện nay cho thấy một viễn cảnh không mấy sáng sủa. Nền kinh tế thế giới quá phụ thuộc vào dầu mỏ đang tiến dần đến khủng hoảng năng lượng khi nguồn nhiên liệu này đang ngày càng cạn kiệt (dự kiến trữ lượng dầu mỏ trên toàn cầu chỉ có thể đáp ứng trong vòng 30-50 năm tới với mức tiêu thụ như hiện tại). Dầu mỏ cũng là nguyên nhân sâu xa của các cuộc chiến tranh giành những nguồn nhiên liệu này ở Trung Đông. Trong khi đó, năng lượng hạt nhân chưa thể là một lựa chọn thay thế tốt đẹp bởi những nguy cơ an toàn, vấn đề chất thải hạt nhân vẫn chưa được giải quyết triệt để và nỗi ám ảnh hủy diệt của chiến tranh vũ khí hạt nhân. 

Chúng ta vẫn thường nghe khẩu hiệu “công nghiệp hóa – hiện đại hóa”, và quả thực công nghiệp hóa đã trở thành một “phong trào” mạnh mẽ lan rộng trên toàn cầu như một tiến trình khẳng định cho sự phát triển. Tuy nhiên, ô nhiễm là “sản phẩm” không mong đợi của mọi nền kinh tế công nghiệp mà chúng ta phải trả giá đắt để theo đuổi tăng trưởng kinh tế. Môi trường toàn cầu ngày nay hoàn toàn bị ô nhiễm, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những hóa chất độc hại ở mọi nơi trên Trái Đất: trong không khí ta thở, trong thực phẩm ta ăn, trong nước ta uống, trong sông hồ, đại dương, đất mặt… Hàng ngàn những sản phẩm, thiết bị gia dụng nhân tạo, từ máy tính, chất tẩy rửa, sơn, thuốc trừ sâu…chứa những hóa chất độc hại cho sức khỏe con người. Dường như chúng ta đang sống trong một thế giới của chất thải, độc hại và ô nhiễm ngày càng gia tăng. 

Thậm chí thực phẩm ngày nay cũng không an toàn bởi vì nó đến từ một hệ thống nông nghiệp không bền vững. Chúng ta không thể phủ nhận thành công của cuộc Cánh Mạng Xanh (đưa phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chuyên canh… vào nông nghiệp) trong một thời gian ngắn, đã giải quyết khẩn cấp nạn đói và cung cấp lương thực cho người dân, nhất là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện đại phụ thuộc hầu hết vào những yếu tố bên ngoài như tưới tiêu, năng lượng hóa thạch, phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu…tiềm ẩn những bất ổn và gây nên hàng loạt những hậu quả môi trường: rửa trôi chất dinh dưỡng, xói mòn đất, phung phí nước, ô nhiễm, lờn thuốc trừ sâu (dẫn đến phải sử dụng liều mạnh hơn, độc hơn), hiện tượng phú dưỡng hóa (eutrophication) ở sông hồ. Đất nông nghiệp bị ô nhiễm bởi các hóa chất (phân bón, thuốc sâu) làm cho thực phẩm ô nhiễm và cuối cùng là ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. 

Nền nông nghiệp được “công nghiệp hóa” còn đe dọa đến đa dạng sinh học của nguồn gene. Toàn cầu hóa đã làm trầm trọng thêm tình hình ở các nước đang phát triển, nơi mà những hoa màu được độc canh (monoculture crops) để chuyên dành cho xuất khẩu. Thương mại thế giới làm cho địa phương mất quyền kiểm soát về các sản phẩm nông nghiệp của mình, hơn nữa năng lượng bị phung phí đáng kể bởi việc vận chuyển thực phẩm đường dài. 

Đô thị hóa là một hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa. Liên Hiệp Quốc dự đoán đến 2015 sẽ có khoảng 22 siêu đô thị (megacities) với dân số hơn 10 triệu trên thế giới. 16 trong số đó là ở các nước đang phát triển, nơi mà gần một nửa dân số sẽ sống trong thành phố. Nếu khuynh hướng này cứ tiếp tục mà không có điều chỉnh nào, đô thị hóa cùng với gia tăng dân số sẽ tạo nên sức ép trên toàn cầu cùng với nhiều vấn nạn môi trường và xã hội của chúng: ô nhiễm, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, thiếu hụt nguồn nước sạch… 

Những vấn đề xã hội liên quan đến quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng tiềm ẩn nhiều cay đắng khi những mối liên kết giữa truyền thống và văn hóa trong các cộng đồng bị phá vỡ. Xu hướng chủ nghĩa cá nhân trong giới trẻ ngày càng phổ biến, con người tự tạo nên những “bức tường” đối với thế giới bên ngoài. Sự ghét bỏ xã hội (social alienation), cô lập với gia đình và láng giềng, cuối cùng dẫn đến gia tăng tội ác và nỗi sợ. 

Dường như con người đang tiến đến thời đại của giới hạn, khi mà chúng ta đang ngày càng đi quá sức chịu đựng của Trái Đất. Còn hay không một chiếc vé nào cho hy vọng?

Tài liệu tham khảo chính:

Global Issues -Social, Political, Economic and Environmental Issues That Affect Us All http://www.globalissues.org/
Seitz, John L., Global issues – an introduction, Blackwell, 1995.
Solbrig, Otto T. (Editor) – Globalization and the rural environment, Harvard Univ. Press, 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét