Thứ Ba, 27 tháng 5, 2008

Cho ngày nay và cho muôn đời sau

Khi mới bắt đầu xuất hiện cách nay khoảng 30 năm, khái niệm phát triển bền vững (sustainable development, PTBV) được định nghĩa như là khả năng phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Có thể nói, nền tảng của sự bền vững nằm ở việc bảo đảm cho công lý, lẽ công bằng được hiển hiện. Dễ hiểu rằng mọi sự bất công đều tiềm ẩn những bất ổn dẫn đến sụp đổ. Sự công bằng và bình đẳng cần được tôn trọng: 

- không chỉ ở những người đang sống trong cùng một thời đại (intra-generational justice, tất cả mọi người trên hành tinh này, ít nhất về mặt nguyên tắc, có được quyền lợi bình đẳng)

- mà còn giữa thế hệ chúng ta đang sống với những thế hệ kế thừa (inter-generational justice, không làm tổn hại đến môi trường và vẫn để dành được tài nguyên cho các thế hệ tương lai).

Khái niệm PTBV giờ đây bao hàm và xoay quanh nhiều vấn đề của phát triển như xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, nhân quyền, hòa bình, an ninh lương thực, bảo tồn đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học, nước sạch và vệ sinh, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên… PTBV hướng đến bảo đảm chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người trên thế giới hôm nay và muôn đời sau

UNESCO đề xuất 4 phương diện của PTBV: 

1. Bền vững về xã hội, tương ứng với hòa bình và công bằng.

2. Bền vững về sinh thái, tương ứng với bảo tồn môi trường, đa dạng sinh học (mở rộng ra, con người cũng cần tôn trọng quyền sống và phát triển của muôn loài, những người anh em cùng chia sẻ mái nhà chung Trái Đất với chúng ta).

3. Bền vững về kinh tế, tương ứng với sự phát triển hợp lý.

4. Bền vững và ổn định chính trị, tương ứng với dân chủ.

Như vậy, ta có thể hình dung ra một thế giới bền vững là khi: 

- Con người yêu thương hỗ trợ nhau và cùng trân trọng công bằng xã hội, hòa bình.

- Con người biết yêu quý, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng tài nguyên hợp lý hơn mà không hoang phí.

- Xã hội phát triển đúng mực và bảo đảm chất lượng cuộc sống cơ bản cho tất cả.

- Những quyết sách của xã hội được đưa ra và thực thi trên tinh thần dân chủ, bình đẳng.

Tư duy cho PTBV cần một tầm nhìn sâu sắc hơn những lợi ích hạn hẹp trước mắt mà tiềm ẩn nguy hại lâu dài về sau. Sự bền vững hướng đến những giá trị tốt đẹp, chân thực, mãi trường cửu với thời gian. 

“Sustainability is thinking about forever”.
 
Tài liệu tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét