Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Hài hòa Đời và Đạo

Em không biết làm thế nào để hài hoà tập thể của mình, em nghĩ ai đi trên con đường tinh thần cũng đều cần vượt qua giai đoạn này. Giai đoạn giằng co giữa vật chất và tinh thần. Một bên là các huynh đệ trong trường MF mình luôn động viên truyền cảm hứng để em tiến bước trên con đường tinh thần, nhưng ngược lại mọi người xung quanh em lại đang dần sống lại theo tư tưởng vật chất, còn bản thân mình loay hoay giữa 2 bên. Em vẫn muốn tiến lên trên con đường tinh thần mình đã chọn, nhưng công việc và cuộc sống sao cứ muốn kéo em quay lại. Chị Dương và mọi người chắc cũng đã trải qua giai đoạn này, cho em lời khuyên với.

Em thân mến, Chân Sư có nói đi trên đường Đạo là sống cuộc sống song đôi, vẫn sống hết mình trong thế giới (đưa Đạo vào đời, áp dụng Đạo trong đời, coi mọi khía cạnh đời sống hồng trần là hoàn cảnh để tu tập, vậy nên tất cả mọi hoạt động trong đời đều thiêng liêng), nhưng không thuộc về thế giới (không dính mắc, hiểu tính vô thường, cố gắng dần dần nhận ra và xua tan ảo ảnh của hồng trần, ảo cảm của cảm dục, và xa hơn nữa là ảo tưởng của trí tuệ...). 

Mình nghĩ để cân bằng được giữa 2 nhị nguyên đời sống ngoại môn và nội môn này chúng ta cần cả hai: sự tu tập nội lực bản thân (kết nối bên trong với chính linh hồn mình), và sự kết nối và hỗ trợ  tinh thần của nhóm nội môn. Mình nhận thấy khi có nhóm, kết nối với nhóm, năng lượng của tập thể nâng đỡ mình rất nhiều.

Ngoài ra, làm sao để hòa hợp với tập thể? Chân Sư đã đưa ra 3 việc mà nhóm nội môn cần làm cùng nhau như trên (1. hòa hợp tập thể bằng tư tưởng, hiểu biết lẫn nhau và thường xuyên ban rải tình thương, 2. tham thiền cùng nhau, 3. hoạt động cùng nhau). 

Các nhóm ngoài đời, mình có thể áp dụng pháp Lục Hòa của Phật giáo, (điều này thực ra lại cần mọi người trong nhóm phải cùng có ý muốn đó và cũng phải hướng đến sự tu tập): https://phatgiao.org.vn/loi-day-cua-duc-phat-ve-luc-hoa--6-phep-hoa-kinh-d34391.html 

1. Thân hòa đồng trụ (hoạt động, làm việc... cùng nhau, đồng cam cộng khổ)

2. Khẩu hòa vô tranh 

3. Ý hòa đồng duyệt (nuôi dưỡng ý tốt, hỷ xả vui vẻ với nhau)

4. Giới hòa đồng tu (cùng giữ giới, tu tập)

5. Kiến hòa đồng giải (cùng giải bày chia sẻ hiểu biết)

6. Lợi hòa đồng quân

Trích "Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới", Quyển I, trang 13

"Hãy luôn luôn tập coi bạn đồng môn của mình như những linh hồn bất diệt chứ không phải như những phàm nhân khiếm khuyết bất toàn.

Bởi vậy chúng ta có 3 mục tiêu như sau:

1) Hòa hợp tập thể bằng tư tưởng, hiểu biết lẫn nhau và thường xuyên ban rải tình thương.

2) Thiền định tập thể … như một nhóm thiền sinh, đặt nền móng vững vàng cho nhóm ấy trong cõi giới linh hồn và tăng cường tất cả những đệ tử liên hệ.

3) Hoạt động tập thể … đưa đến kết quả trợ giúp lẫn nhau trong vấn đề tánh hạnh trau dồi chứ không phải vấn đề sửa đổi hoàn cảnh. Các bạn hãy suy gẫm về sự dị biệt này.

Về sau, khi nhóm đã thật sự củng cố vững vàng, nó phải bắt đầu hoạt động ngoại tại và sự sống của nhóm phải bắt đầu làm cho thế gian chú ý. Nó phải luôn luôn hướng về việc tăng cường sức mạnh tâm linh của tất cả các nhóm mà những thành viên của nhóm có sự quan hệ liên đới và có thể kết hợp với các nhóm này. Tôi đề cập đến tất cả những nhóm đệ tử thuộc về kỷ nguyên mới và đang hoạt động theo những đường lối cứu chữa những nỗi khổ đau của nhân loại: khổ đau về vật chất, tinh thần, tâm trí và tình cảm."

Comment của Tony Triệu:

Chủ đề bạn chia sẻ ở trên thuộc về "vấn đề sửa đổi hoàn cảnh" của mỗi cá nhân, đừng nghĩ nó là xấu mà nó là 1 cơ hội, bởi vì nếu ko có hoàn cảnh đó thì chúng ta sẽ chẳng học được gì, nó là vấn đề nghiệp quả cần trang trải của mỗi người, nếu ai đó giúp bạn thì đó là hành động của trộm cắp vi phạm một trong 5 giới răn của Raja yoga. Vậy đâu là chỉ dẫn cần lúc này cho bạn, nó ngay trước mắt đó là mọi người có thể “trợ giúp lẫn nhau trong vấn đề tánh hạnh trau dồi”, và gợi ý của mình đó là hiểu sâu hơn về An Vui một trong 5 qui tắc của Raja Yoga, còn xét về tổng thể thì nên nghiên cứu Raja Yoga trong cuốn Ánh Sáng của LH một cách sâu sắc hơn, song song với nó đó là phát triển thể trí trang bị cho nó ánh sáng cần thiết thông qua các sách của Chân Sư DK để từ đó có sự phân biện đúng đắn trong mỗi tình huống hay hoàn cảnh mình gặp phải. 

Hiểu là 1 chuyện, thực hành tức trải nghiệm là một việc hoàn toàn khác, bản thân mình cũng vậy, hiện tại cũng đang giằng xé dữ dội và bài toán cũng tương tự như bạn, và nhiều anh em huynh đệ cũng tương tự, lao chao giữa 2 phía Tinh thần - Vật chất. Thử thách lớn bao trùm dành cho mỗi đệ tự trong thời đại hiện giờ đó là “sống trong một thế giới này nhưng có năng lực để hoạt động trong một thế giới khác” vì thế sống trong môi trường đô thị là một thử thách cực đại, chứ không phải trốn tránh vào rừng xanh bỏ nhà bỏ cửa, bỏ hết mọi thứ để tu luyện tinh thần mới chuẩn “cơm mẹ nấu” (nó thuộc về thời đại trước rồi).

Comment của Chương:

Cám ơn em đã mạnh dạn nêu vấn đề của 100% những người bước trên giai đoạn chí nguyện-dự bị đệ tử, anh tin rằng mọi người ở đây đều đã, đang hoặc sẽ gặp vấn đề này. Thật ra nó là một tin vui vì nó chứng tỏ sức lôi kéo của Linh hồn trong thực tế và chúng ta bắt đầu đồng hoá mình với linh hồn một phần, bắt đầu tách ra khỏi phàm ngã mà trước đó hàng ngàn kiếp sống chúng ta đã đồng hoá hoàn toàn. Khi tới ngã rẽ này thì chúng ta phải quyết định thôi, đi tiếp theo con đường tinh thần hay quay lại đường cũ của phàm ngã. Chúng ta phải quyết định  như người Thiên Bình phải đưa ra lựa chọn, dù không dễ dàng chút nào vì bản chất phàm ngã còn rất mạnh. Điều quan trọng là em muốn tiến lên con đường tinh thần, điều này em đã có, chỉ cần kiên trì và kiên nhẫn học và hành những gì được dạy tại MF thì em sẽ tiến tiếp và sẽ vượt qua hết chướng ngại này tới chướng ngại khác, vượt qua hết ảo cảm này tới ảo tưởng khác của đời sống phàm ngã. Nói gắn gọn là ý chí học đạo cần phải rất lớn, như ngôn ngữ của Chân sư là “một lòng nhiệt thành không gì lay chuyển nổi”. Một vài kinh nghiệm của bản thân anh xin chia sẻ tới em. Có câu này của Chân sư mà anh luôn được truyền cảm hứng để vượt qua thử thách, có lẽ đã quen thuộc nhiều ace MFVN rồi, nhưng mình vẫn dán lại vào đây để tham khảo:

“Như tôi đã nói, những chốn phồn hoa Phương Tây, chính là những vùng rừng sâu, núi thẳm của Phương Đông. Đó là cái bối cảnh để tập cho ta tìm thấy sự bình an giữa nơi náo động, sở đắc được sức mạnh trong cơn mệt mỏi, trung kiên bền chí khi thể chất suy nhược và thông cảm hiểu biết giữa sự cạnh tranh ồ ạt của Đời sống Phương Tây.

Bởi vậy, sự tiến bộ vẫn được thực hiện dù trong những hoàn cảnh trái ngang. Đối với những đệ tử như hàng môn đệ mà tôi sẽ hướng dẫn, không có việc rút lui ra khỏi cuộc đời thế tục. Không cần phải có điều kiện yên tĩnh và bằng an của thể chất để thúc động đến linh hồn và để thực hành công phu tu luyện như trong cơn im lặng, yên nghỉ của trạng thái xuất thần đại định mà Ấn Giáo gọi là Samadhi, tức là trạng thái hoàn toàn tách rời khỏi mọi trần duyên ngoại cảnh. Công phu hành đạo phải diễn tiến trong cơn náo động. Sự định tâm phải được giữa lúc tranh đấu ào ạt. Sự minh triết phải sở đắc được giữa cơn tâm trí giao động và công việc hợp tác với Đại Đoàn Chưởng Giáo về phương diện bí ẩn nội tàng phải diễn tiến giữa cơn xuẩn động cuồng loạn giữa nếp sinh hoạt tân thời ở các thành phố lớn. Đó là vấn đề khó khăn của chư môn đệ và cũng là vấn đề khó khăn của tôi trong việc huấn luyện trợ giúp các đệ tử.” [Đường đạo trong kỷ nguyên mới – tr.21 bản dịch của Nguyễn Hữu Kiệt]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét