Trở về từ chuyến đi với thật nhiều điều muốn viết mà vẫn chưa viết được vì phải giải quyết nhiều công việc. Mình lưu lại tạm ở đây những bài viết của Huy vì những đồng cảm, và Huy đã nói lên chính xác nhiều điều mình muốn nói, nhất là về SECMOL. Lúc nào sắp xếp được thời gian, mình sẽ viết thêm về chuyến đi, với cảm nhận về những người bạn đồng hành thú vị và những bài học từ Ladakh...
Vậy là hành trình 15 ngày của chương trình VCIL Travel School 2022: Ladakh - Mindful Travel & Sustainable Development đã đến hồi kết thúc. Hành trình này không quá ngắn, nhưng cũng không quá dài, nó vừa đủ để mỗi người tham gia tự rút ra những bài học, những chiêm nghiệm, cũng như tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân mình, về sự phát triển, về toàn cầu hóa hay thử thách những niềm tin và hiểu biết của bản thân.
Thời gian ở Ladakh, tất cả mọi người đều có cơ hội trải nghiệm những thứ mới lạ. Từ việc di chuyển ở độ cao hơn 3500m, cộng với cái nắng gay gắt vào ban ngày và không khí loãng hơn bình thường, đến việc ăn những món ăn do chính người dân địa phương chuẩn bị với những nguyên liệu hữu cơ từ vườn; đến việc dạo quanh khu phố cũ của Leh và ngắm nhìn sự thay đổi nhanh chóng với lối kiến trúc hiện đại của những căn nhà ở trung tâm thành phố; hay việc sống chung với người dân ở các ngôi làng xa xôi trên những ngọn đồi, để sống lối sống của họ, làm những công việc họ làm, nghe những câu chuyện họ kể. Tất cả là để mỗi người tự trải nghiệm và học những bài học của riêng mình; và thấy được một bức tranh lớn hơn, đầy đủ hơn về tác động của toàn cầu hóa, câu chuyện giáo dục và câu chuyện biến đổi khí hậu.
Dù chúng ta là ai, khi đã đặt chân đến một vùng đất nào đó, tức là chúng ta đã bắt đầu tạo tác động lên địa phương ở đấy rồi. Do đó trong suốt chương trình, chúng tôi muốn truyền tải đến mọi người về khái niệm Mindful Travel (du lịch tỉnh thức), giúp mỗi người hiểu hơn về những tác động của mỗi cá nhân mỗi khi đi du lịch lên cộng đồng địa phương.
Trong những bữa ăn, chúng tôi được ăn những thực phẩm hữu cơ, được trồng ở địa phương, thay vì phải ăn những thực phẩm được vận chuyển từ xa, gây phát thải khí carbon trong quá trình vận chuyển. Buổi sáng thức dậy, bọn tôi được người dân mời đủ thứ trà ở Ladakh: trà masala, trà bơ, trà đen. Điều không thể thiếu ở chương trình chính là những món ăn chậm chất Ladakh: "màn thầu" momos, món súp Tây Tạng Thukpa, món "bánh nước" Chhutagi hay rượu lúa mạch lên men Chhang.
Ở những ngôi làng như Tarchit hay Thiksey, chúng tôi luôn có cảm giác an tâm. Bước ra khỏi ngôi nhà, chúng tôi có thể thấy được con suối ngay trước mặt là nguồn nước để uống mỗi ngày. Chúng tôi biết được thức ăn được trồng ở ngay trong vườn, cần là ra vườn hái ăn, hay đến từ những khu chợ do chính dân làng tự trồng lấy và buôn bán. Chúng tôi cũng biết được chất thải của chúng tôi sẽ được xử lí như thế nào bằng cách sử dụng nhà vệ sinh khô... Điều này rất khác so với khi chúng ta sống ở thành phố, nơi mà chúng ta rất khó để xác định được nguồn gốc ly nước ta uống, thức ăn chúng ta ăn hay chất thải của con người sẽ đi về đâu.
Chúng tôi ở những ngôi nhà do người dân địa phương đón tiếp, nơi chúng tôi gọi là Guest House. Nhờ vậy, chúng tôi cũng có cơ hội trải nghiệm sâu sắc những nét đẹp truyền thống, mang đậm văn hóa người dân Ladakh. Chúng tôi lúc nào cũng được ngồi ở Chansa, phòng ăn truyền thống của người Ladakh, nơi cũng là thành phòng bếp vào mùa đông và phòng khách mỗi khi cần.
Điều thú vị nhất mà chúng tôi được trải nghiệm là văn hóa hiểu khách của họ, đôi lúc chúng tôi ăn no căng bụng nhưng vẫn bị các cô chú chủ nhà nhiệt tình bỏ đồ ăn vào đĩa, đến nỗi mỗi đứa phải la lên "dikley" hay thậm chí giấu đi cái đĩa để khỏi "bị" bỏ thức ăn vào nữa. Chúng tôi còn có cơ hội mặc thử Lokpa - trang phục truyền thống được sử dụng trong các dịp lễ, cưới của người Ladakh; trải nghiệm đội Perak; hay được học cái bài dân ca từ các Ama, Ana, Ale. Điều này khác với kiểu du lịch truyền thống, khi khách du lịch có xu hướng đến thăm những nơi nổi tiếng, đi nhiều nhưng không kết nối được bao nhiêu với vùng đất họ đặt chân đến, không chạm được một cách sâu sắc đến văn hóa, lịch sử bản địa.
Không chỉ đến ở nhà của người dân trong thành phố ở Leh, chúng tôi còn đến ở những ngôi làng cách thành phố hơn 5 giờ đi xe, ngôi làng Tarchit hay Thiksey, để xem lối sống đậm chất Ladakh là như thế nào. Chúng tôi đến thăm những trường học như SECMOL hay HIAL để thấy được những nỗ lực của người dân trong việc giải quyết các vấn đề do hệ thống giáo dục hiện đại gây ra ra sao. Hoặc chúng tôi tham gia những workshop, webinar được tổ chức bởi các NGOs như Local Future, The Woman's Alliance of Ladakh để biết được những vấn đề và khó khăn mà Ladakh phải đối mặt và cách những tổ chức này góp phần để giải quyết các vấn đề đó.
Một lần nữa, những trải nghiệm này giúp cho mỗi người thấy được một bức tranh lớn hơn, đầy đủ hơn về tác động của toàn cầu hóa, câu chuyện giáo dục và câu chuyện biến đổi khí hậu.
Đi du lịch không chỉ để mà đi, mà còn là một phương thức để thúc đẩy nền kinh tế địa phương một cách bền vững thông qua những lựa chọn có ý thức. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi ở nhà người dân, ăn thức ăn địa phương, mua sách của các NGO địa phương,.. qua đó giúp nền kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ở vai trò là người đi du lịch, hay người tiêu dùng, chúng ta có quyền lực để định hình nên xã hội ta muốn xây dựng. Với mỗi quyết định tiêu dùng được đưa ra, ta đã góp phần định hình nên xã hội mà ta muốn xây dựng. Câu hỏi ở đây là, bạn lựa chọn điều gì? Và những lựa chọn đó gây nên những tác động gì? Đó cũng là những câu hỏi mà VCIL Travel School 2022: Ladakh - Mindful Travel & Sustainable Development muốn đặt ra cho người tham gia, và mỗi người sẽ phải tự đưa ra câu trả lời cho riêng mình!
NGƯỜI NHẠC SĨ TRÊN DÃY HIMALAYA
Tôi gặp anh trong một buổi trò chuyện với những nhà khởi nghiệp địa phương ở Leh, Ladakh. Anh là một nhạc sĩ. Anh có tình yêu lớn với quê hương Ladakh của mình. Anh cũng có một tình yêu sâu đậm khác, đó chính là âm nhạc.
Mỗi người nhạc sĩ có một hướng đi âm nhạc riêng của mình, anh cũng thế. Anh muốn hát về những câu chuyện của người Ladakh, cover lại những bản nhạc dân ca giản dị mà chất phát của tổ tiên mình. Và tất nhiên, anh làm điều đó theo cách riêng của mình.
Người ta muốn anh hát những bài dân ca bằng nhạc cụ truyền thống. Anh hát nó với cây đàn ghi-ta hiện đại. Anh làm họ điên lên vì điều đó. Người ta chửi bới, phát xét rằng anh đang phá hoại văn hóa truyền thống. Tuyệt lắm, anh cười với tôi, người ta còn nói về nhạc dân ca, tức là nó vẫn còn sống.
Âm nhạc không có hình dáng, vô hình vô tướng, nó chỉ đơn giản là âm thanh. Miễn nó truyền tải được câu chuyện của người Ladakh, lối sống của người Ladakh, tinh thần của người Ladakh, thì tôi chơi nó, tội gì phải phân biệt nhạc cụ truyền thống với cây đàn phương tây. Thế giới đổi thay, văn hóa cũng biến chuyển theo, âm nhạc cũng thế, tội gì phải dính mắc vào cái phương tiện. Đừng đóng khung chúng lại rồi giam chúng vào bảo tàng kí ức, như cách người ta làm với mấy cái ly, tách, đồ vật trong bảo tàng ngày nay. Mấy cái thứ đó đã chết rồi. Âm nhạc thì nó không chết, nó sống và nó tiếp tục biến đổi theo thời đại.
Dù sao thì âm nhạc cũng là do con người làm ra, cớ sao lại phân biệt quá khứ, tương lai, hiên đại, truyền thống làm gì, con người giống nhau cả mà, anh nói thêm.
...
Cuối buổi, anh muốn biểu diễn cái thứ âm nhạc mà anh nhắc đến cho mọi người.
Anh biến tấu một đoạn kinh Phật trong Phật giáo Tây Tạng thành một đoạn nhạc hùng hồn, mạnh mẽ, làm kinh ngạc tất cả mọi người. Người tròn xoe mắt ngạc nhiên, người nín thở, người bịt mồm lại để khỏi phải phát ra một thành nào đó có thể làm hỏng bài hát.
Hôm đó, mọi người thấy sự tư do.
Hôm đó, mọi người thấy sự giải thoát.
Hôm đó, mọi người thấy sự hòa hợp.
Anh ấy thể hiện điều đó chỉ qua những âm thanh trầm ấm mà mạnh mẽ. Nhẹ nhàng mà vang vọng. Đơn giản mà sâu sắc.
Anh ấy là một nhạc sĩ trên dãy Himalaya.
CẢM NHẬN VỀ SECMOL
Chuyến đi này mình gặp nhiều thứ đáng nhớ lắm. Từ trải nghiệm văn hóa ăn uống, tiếp khách, bày trí không gian, cầu nguyện, phật giáo Tây Tạng... đến gặp những người đồng hành có background đa dạng từ professional hip hop dancer, đến người làm Start-up trong lĩnh vực Tech-Ed hay thậm chí có người đang gap year sau khi đi làm,... mỗi thứ mình gặp đều khiến mình nhớ cả; thậm chí những lần mình cũng phải tự đẩy bản thân khỏi vùng an toàn như tắm nước lạnh buổi sáng sớm nè...
Nhưng mình muốn trả lời câu hỏi theo kiểu hướng về thứ chạm mình nhiều nhất, vì nó dễ trả lời =))) Trong hành trình 14 ngày ở LAdakh, mình có đến thăm một ngôi trường thay thế, alternative tên là SECMOL.
ĐÂy là một ngôi trường khá thú vị, nó đã truyền cảm hứng cho phân cảnh cuối của bộ phim 3 idiots, và thậm chí founder của nó cũng là inspiration cho nhân vật chính Rancho Chanchad. Tóm lược về ngôi trường này, thì đây là nơi dành cho những bạn học sinh bị fail kì thi tuyển vào lớp 10, đây là một ý tưởng khởi xướng bởi các bạn sinh viên ở Ladakh khi họ thấy giáo dục có quá nhiều vấn đề và cần thay đổi.
Điều khiến mình chạm nhất ở đây, chính là việc các bạn học sinh được thấy được những hi vọng về chính bản thân, có cơ hội được tin vào chính mình và khám phá được tiềm năng bên trong.
Mình gặp và trò chuyện vs rất nhiều bạn ở đây, câu hỏi mình đặt ra là bạn đã thay đổi gì sau khi học ở đây một khoảng thời gian. Đa phần các bạn đều cho một sự so sánh tương tự như vầy: Trước kia các bạn tin là mình ngu, kém cỏi, thất bại, vô dụng, không biết làm các công việc đơn giản như rửa chén, quét nhà, làm vườn, sửa chữa đồ đạc, nay các bạn đều làm được những việc đó, thậm chí còn phát triển được các năng khiếu nghệ thuật nữa. Mình rất bất ngờ khi thấy trong thời gian rảnh, có bạn ngồi nặn đất sét, có bạn ngồi vẽ trên đá, có bạn ngồi thiết kế ngôi nhà bằng gỗ, có bạn ngồi viết nhạc... đây là những điều mà các bạn chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm. Đó là vài thay đổi bên ngoài.
Các bạn chia sẻ giờ đây các bạn không còn tự gán cái mác ngu si, kém cỏi nữa, mà cảm thấy tự tin vào chính mình hơn. Khi đến campus SECMOL, người hướng dẫn, giải thích về trường cho tụi mình là chính các bạn học sinh và một vài bạn TNV. Mình có hỏi sau này các bạn muốn làm gì, dù rụt rè, nhưng các bạn đã dám nói lên ước mơ của mình. Bạn thì muốn làm người dẫn đoàn trekking trên dãy himalaya, bạn thì muốn làm bartender sau khi tốt nghiệp, bạn thì muốn trở thành animator,... Các bạn cũng được học cái entrepreneurship ở đây, khi tất cả các vấn đề đối mặt các bạn đều tự tìm cách giải quyết bằng nguồn lực có sẵn và tri thức của chính mình. Những thứ này sẽ là nền tảng để các bạn làm những thứ mình mong muốn sau này.
Những thay đổi đấy cho thấy được tầm quan trọng của giáo dục và tiềm năng con người. Với triết lý, mục đích và phương pháp giáo dục phù hợp, ta có thể thúc đẩy con người phát triển theo hướng phù hợp nhất với họ.
Nói thế không có nghĩa trường này là perfect. Nó vẫn có nhiều thứ có thể làm tốt hơn nữa. Nhưng nó là một case rất thú vị, về cách nó làm giáo dục, và cách nó kiên định với mục đích của mình.
Mình có trao đổi vs một số bạn, thì có bạn bảo sao hông scale up cái model này lên khắp thế giới đi, nó hay vậy mà, sao hông đào tạo giáo viên đi, để về dạy ở các trường mainstream truyền thống.
Mình thấy đơn giản đó không phải mục tiêu của SECMOL và sứ mệnh nó muốn theo đuổi. SECMOL muốn tập trung vào các bạn fail lớp 10 ở LADAKH, cho thấy một cách giáo dục thay thế nền giáo dục truyền thống - nơi không có một chút liên hệ gì đến đời sống bản địa và chỉ lan tỏa sự độc canh văn hóa, độc canh tư duy.
Việc tập trung vào các bạn học sinh rớt lớp 10 được thể hiện rất rõ trong cách tuyển sinh, thiết kế chương trình và cách vận hành trường học (các bạn tự vận hành toàn bộ các hoạt động ở đây).
Một thứ khác nữa, đó là SECMOL có giới hạn về nguồn lực con người, tài chính, nên không thể scale up được. Với lại khi Scale up thì rất khó kiểm soát và tập trung được chất lượng, làm không khéo thì có khi lệch khỏi con đường ban đầu.
SECMOL rất hay, nhưng chính quyền không thích cũng chịu, cho nên dù có training cho giáo viên thì cũng khó áp dụng được trong môi trường mainstream, nơi chịu sự kiểm soát của chính phủ. Một trong những mục tiêu ban đầu ở SECMOL là tái thiết giáo dục (Educational Reform) ở Ấn Độ nói chung. Nhưng rất tiếc kế hoạch này bị đổ vỡ vào năm 2007 khi chính quyền "tấn công" vào SECMOL, để rồi cuối cùng trường này phải rút khỏi việc can dự vào giáo dục truyền thống, thay vào đó chỉ tập trung ở mỗi Leh mà thôi.
----
Câu chuyện của SECMOL là câu chuyện về sự hiểu mình, biết được nguồn lực của mình là gì, mục tiêu sứ mệnh mục đích là gì. Nếu mình không rõ cái đó, thì mình dễ sa đà vào những cái thứ cấp không ăn nhập với con đường đã chọn ban đầu, như thế rất nguy hiểm. Sau khi học bài học đó, SECMOL lại quay về đúng việc của mình, tập trung vào các bạn học sinh rớt lớp 10.
Còn để giải quyết câu chuyện lớn hơn, to hơn, nó phải nhờ một hình thái khác của nó: HIAL – Himalayan Institute of Alternative Ladakh, để đi chuyên sâu hơn, rộng hơn và làm được nhiều chuyện hơn - những thứ với tư cách SECMOL không thể làm được. Đối tác của HIAL ở level chính phủ, chứ không còn nhỏ lẻ ở địa phương nữa.
Mình nghĩ SECMOL là trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình, nó cũng là cái nhắc nhở bản thân mình về những gì mình làm. Không cần làm to, làm lớn làm gì, chỉ cần giúp được một cá nhân, một nhóm nhỏ là đủ rồi. Còn sau đó impact có được nhân lên hay không, có thì tốt, không có thì cũng chẳng sao. Miễn là mình thấy vui, và bạn bè, cộng cồng xung quanh mình được hưởng lợi chút gì đó là mình thấy quá tuyệt rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét