Tuần này chúng mình bàn về Học thuyết nhân cách của Adler, còn được gọi là tâm lý học cá nhân qua các khái niệm về hồi ức đầu đời, mối liên quan giữa mặc cảm tự ti và phong cách sống được phát triển từ thời thơ ấu, ảnh hưởng của chòm sao gia đình, thứ tự sinh, mục đích sống định hình nỗ lực hướng tới tương lai, ba nhiệm vụ cuộc đời, nhận thức chủ quan về hiện thực, cảm thức cộng đồng và mối quan tâm xã hội.
Có hai điều mình thấy thú vị khi liên hệ với triết học và giáo lý nội môn, đó là mục đích sống định hình nỗ lực vươn tới tương lai, và mối quan tâm xã hội, cảm thức cộng đồng như một chỉ số quan trọng của sức khỏe tâm thần.
Minh triết thiêng liêng cho rằng mục đích sống vốn đã luôn hiện hữu trong mỗi người, như một thôi thúc tiến hóa hướng tới sự hoàn thiện, một hình ảnh lý tưởng tương lai, cao cả, đẹp đẽ của mỗi người, chứa đựng tiềm năng phát triển cao nhất của người đó. Mục đích sống là biểu lộ của Thiên Ý qua Thiên Cơ - vốn là kế hoạch thiêng liêng dành cho nhân loại, hành tinh, vũ trụ, mà mục đích của mỗi kiếp sống hay mục đích linh hồn của mỗi người và một phần của kế hoạch thiêng liêng đó.
Từ hồi học Yoga Nidra và biết đến câu sankalpa, mỗi ngày mình đều luôn nhắc lại lời khẳng định về mục đích sống, sứ mệnh dành cho bản thân: “Tôi là suối nguồn bác ái ngọt ngào dịu mát và ánh sáng minh triết thiêng liêng. Cứu người, giúp đời, hướng thượng, hướng thiện, tôi phụng sự Thiên Cơ với sức mạnh chữa lành và khai sáng”.
Khi nói về sự tiến hóa tâm thức, giáo lý minh triết thiêng liêng đề cập đến mục tiêu tiến hóa của giới nhân loại với tâm thức tự ngã (self-consciousness) là hướng tới tâm thức linh hồn hay tâm thức nhóm, tâm thức tập thể (soul consciousness, group consciousness). Sự phát triển từ phàm ngã đến tích hợp hay thấm nhuần linh hồn cũng là sự tiến hóa từ sự chú ý ích kỷ, tư lợi cho bản thân đến mối quan tâm mở rộng hướng tới gia đình, cộng đồng, quốc gia và rộng hơn nữa là toàn bộ nhân loại trên thế giới. Con người vốn là một sinh vật xã hội, và tất cả mọi chúng sinh trong tự nhiên đều có mối quan hệ tương tức, kết nối lẫn nhau. Hiểu được sự kết nối mang tính nhất thể này sẽ mang lại một ảnh hưởng tích cực. Ta biết rằng mình không hề cô đơn, ta biết rằng mình là một với tất cả, những gì mình làm tốt cho cộng đồng, cho người khác, cũng là làm tốt cho chính mình. Hạnh phúc lý tưởng là khi chúng ta có được cảm giác viên mãn trong 3 kết nối quan trọng: với chính linh hồn, phần thiên tính bên trong mình (1), với người khác, xã hội (2), với thiên nhiên (3).
Tất cả những khổ đau đều bắt nguồn từ tam độc, Tham Sân Si, vốn là những ảo cảm, ảo tưởng của bản ngã ích kỷ. Thế nên, như một sự xác nhận cho quan điểm của Adler (về cảm thức cộng đồng và mối quan tâm xã hội là chỉ số quan trọng cho sức khỏe tâm thần), ta thấy rằng khi tâm thức mình hướng đến những người khác, đến tập thể hay cộng đồng lớn hơn bản thân mình, tư duy, định hướng cuộc đời của chúng ta cũng cao cả hơn, ý nghĩa hơn. Và như thế, những đau khổ của bản ngã ích kỷ cũng trở nên nhỏ bé, nhạt nhòa. Đúng hơn thì, khi ta sống với tâm thức cao cả, ta sẽ biểu lộ những phẩm tính của linh hồn vốn là an vui, hân hoan, phụng sự, bác ái, những điều kiện của sức khỏe tâm thần hay hạnh phúc đích thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét