Bạn có thể áp dụng các kỹ thuật chánh niệm như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của mình? Bạn đánh giá như thế nào về giá trị của việc trở nên chánh niệm hơn?
Chánh niệm là ý thức, tỉnh giác, chú tâm, hiện diện trọn vẹn ở giây phút hiện tại, ở đây, bây giờ.
Một kỹ thuật giúp chúng ta có thể giữ được chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày là việc giữ thái độ của người quan sát, tách rời, không dính mắc với tất cả những suy nghĩ, hành động, cảm xúc của mình. Chỉ quan sát với một sự chấp nhận, điềm tĩnh, từ bi. Khi chúng ta có thể giữ được chánh niệm như vậy, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả các cảm xúc, suy nghĩ đều vô thường, chúng chợt đến rồi đi, và ta không bị đồng nhất với chúng, không bị cuốn theo chúng.
Chúng ta cũng có thể dần dần mở rộng sự quan sát của mình, không chỉ là cảm xúc, suy nghĩ, những cảm thọ trên thân thể mà còn là âm thanh, màu sắc, hương vị, tất cả mọi thứ của cảnh trần xung quanh mình. Rèn luyện như thế giúp chúng ta tăng cường sức mạnh quán sát của bản thân, cũng như gia tăng ý thức về môi trường xung quanh, những người khác và bản thân mình đang như thế nào trong môi trường đó. Khả năng chánh niệm như thế giúp chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với đời sống, nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống trong những gì tưởng chừng như giản dị.
Một kỹ thuật chánh niệm khác nữa là rèn luyện sự chú tâm, đặt tất cả tâm ý mình, dốc lòng dốc sức vào từng hành động mình làm, toàn tâm toàn ý. Khi chúng ta làm việc với sự hiện diện, trọn vẹn và chú tâm như thế, chúng ta đang thổi hồn, đưa vào đó năng lượng và tình thương, bởi năng lượng đi theo sau tư tưởng. Nơi nào có sự chú tâm, nơi đó công việc được hoàn thành với hiệu quả cao, với vẻ đẹp và năng lượng tích cực.
Một kỹ thuật khác là việc sử dụng hơi thở làm chiếc neo đưa chúng ta trở về hiện tại, bởi hơi thở luôn luôn hiện diện ở hiện tại. Nên bất cứ khi nào tâm trí đang lang thang, hoặc khi đối diện với cảm xúc khó, chúng ta có thể hít thở sâu để nhắc mình quay về ý thức với hiện tại.
Sống với chánh niệm chính là sống “thiền”, là thiền trong những hoạt động hàng ngày. Chánh niệm không phải là ngồi thiền tĩnh tọa. Nhưng việc ngồi xuống mỗi ngày để tham thiền sẽ nuôi dưỡng thêm chánh niệm trong đời sống, giúp chúng ta có thể giữ chánh niệm ngày càng dễ dàng hơn.
Giá trị của việc trở nên chánh niệm hơn đó là một cuộc sống tỉnh thức, tự do khỏi những thôi thúc của bản năng, tự do khỏi sự phán xét của định kiến, thiên kiến, hiểu được rõ ràng bản thân và người khác, làm chủ cuộc đời mình, và ngày càng tinh tấn trên con đường mở rộng tâm thức, tiến hóa tinh thần.