“Điều nghịch lý thú vị là khi tôi chấp nhận bản thân mình đúng như tôi vốn là, thì lúc đó tôi mới có thể thay đổi.” ~ Carl Rogers
Có lẽ trong các liệu pháp tâm lý được học đến giờ, nhân vị trọng tâm của Carl Rogers là cái mà mình thấy chạm và thích nhất, bởi tính nhân văn của nó. Có gì đó thật dịu dàng, bao dung và đầy tính chữa lành. Khác với phân tâm học của Freud quá chú trọng vào quá khứ, bệnh tật và mặt tối của bản chất con người, liệu pháp nhân vị trọng tâm tập trung vào sự hiện diện trọn vẹn với con người hiện tại, và hướng đến ánh sáng, tin tưởng vào ánh sáng thiên tính đẹp đẽ luôn ở đó, ẩn sâu trong bản thể con người, chờ được hiển lộ và phát tỏa.
Liệu pháp dựa trên niềm tin vào tiềm năng lớn lao về việc con người có thể hiểu chính mình, tự định hướng, tự chữa lành và tự thực chứng. Cách tiếp cận này mang tính cách mạng và ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực tâm lý trị liệu hiện đại từ khi nó ra đời, với việc xem thân chủ là tác nhân chính của sự thay đổi. Vai trò của nhà trị liệu sẽ giống như một người bạn đồng hành hơn là một chuyên gia áp đặt, tạo ra môi trường an toàn, tôn trọng, để thân chủ nới lỏng cơ chế phòng vệ, thay đổi những nhận thức cứng nhắc về bản thân và tự do khám phá những khía cạnh cuộc sống mà trước đây họ phủ nhận.
Sự thay đổi tích cực xuất hiện khi một người biết chấp nhận bản thân nhiều hơn, sống thật hơn với chính mình và bớt bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của người khác. Tất nhiên, nhận diện và soi tỏ thấu những mặt tối không phải là buông xuôi hay để mình chìm đắm trong đó. Công việc chuyển hóa tiếp sau đó cần rất nhiều tình thương, chánh niệm tỉnh thức, và nhất là nỗ lực làm tăng trưởng ánh sáng nội tâm. Khi ánh sáng được thắp lên thì bóng tối tự nhiên cũng được đẩy lùi.
Sự đồng hành chân thành, thấu cảm và sự chấp nhận tích cực vô điều kiện từ nhà trị liệu sẽ giúp nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân của thân chủ trên con đường tự khám phá bản thân, giúp họ dần dần phát triển khả năng tự chủ cuộc sống, tự tin vào quyết định của mình.
Nhân vị trọng tâm cũng tin vào khả năng sáng tạo bẩm sinh trong mỗi con người, và tính chất chữa lành và chuyển hóa của quá trình sáng tạo. Nhiều hình thức nghệ thuật biểu đạt khác nhau như viết, vẽ, điêu khắc, âm nhạc, sáng tác ngẫu hứng, nhảy múa… có thể giúp giải tỏa, thúc đẩy sự chữa lành và tự nhận biết của thân chủ.
Nhân vị trọng tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của của việc sống thật với bản thân, trung thực và nhất quán (congruence), quan trọng nhất là với chính mình. Vấn đề tâm lý thường có nguyên nhân từ những xung đột nội tâm, vốn xảy ra khi có điều gì đó chưa hài hòa với lương tri, với bản thể chân thật cao cả và sâu thẳm của một người. Và thực ra, ở một mặt nào đó, sự xung đột này là cần thiết để bắt đầu hành trình thức tỉnh.
Rõ ràng, khả năng thấu cảm là đặc tính cốt lõi cần thiết của người tham vấn trong liệu pháp nhân vị trọng tâm. Vậy làm sao để nâng cao khả năng phát triển sự thấu cảm với một người mà ta thấy khó tương tác? Có lẽ là sẽ cần thật nhiều lòng từ bi, tình thương, bao dung, chấp nhận, buông bỏ mọi phán xét, thiên kiến, và đặt bản thân vào hoàn cảnh của một người để có thể hiểu những “cuộc chiến”, nỗi khó khăn, đau đớn mà họ đang đối mặt. Mình có làm được không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét