Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Viết phản tư lớp tâm lý trị liệu - Buổi 6. Liệu pháp Gestalt

Liệu pháp Gestalt là một trường phái tâm lý học trị liệu ở Áo, Đức đầu thế kỷ 20, dựa trên ba nền tảng là thuyết hiện sinh, hiện tượng học và lý thuyết trường. Với nền tảng thuyết hiện sinh, liệu pháp Gestalt quan niệm rằng con người luôn trong quá trình trở thành, tái tạo, và tái khám phá bản thân; con người không có một bản sắc cố định mà liên tục phát triển khi đối mặt những thách thức mới. Với nền tảng hiện tượng học, liệu pháp nhấn mạnh việc tập trung vào cách thân chủ nhận thức về thực tại của họ, thay vì áp đặt cách diễn giải từ bên ngoài. Với nền tảng lý thuyết trường, thân chủ phải được nhìn nhận trong bối cảnh của họ, như một phần của môi trường luôn biến đổi. Nhà trị liệu đưa thân chủ từ trạng thái phụ thuộc vào sự hỗ trợ của môi trường sang trạng thái tự hỗ trợ bản thân và tái hợp nhất những phần bị chối bỏ trong nhân cách của họ. Việc tích hợp những phần bị chối bỏ trong nhân cách là quan trọng bởi vì những phần không được thừa nhận sẽ tạo ra những mảnh vụn cảm xúc làm rối loạn nhận thức về hiện tại; những vấn đề chưa được xử lý sẽ tồn tại cho đến khi cá nhân đối mặt và xử lý với những cảm xúc chưa được bày tỏ, vốn sẽ tạo thành những tắc nghẽn trên thân. 

Liệu pháp Gestalt nhấn mạnh vào khoảnh khắc hiện tại và việc con người cần được hiểu trong mối quan hệ liên tục với môi trường của họ. Tất cả các yếu tố của thân chủ như thể chất, cảm xúc, hành vi, đều quan trọng như nhau và đều được xem xét đến trong toàn thể. Ba cốt lõi của liệu pháp là nhận thức, sự lựa chọn và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mục tiêu của Gestalt nhằm giúp thân chủ mở rộng nhận thức về trải nghiệm trong thời điểm hiện tại, từ đó tạo nên sự thay đổi. Giả định cơ bản ở đây là con người có khả năng tự điều chỉnh khi nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh họ. Việc nâng cao và làm phong phú nhận thức, tự thân có đã có tác dụng chữa lành. Với nhận thức, con người có thể đối mặt, chấp nhận và tích hợp những phần bị phủ nhận. Phương pháp tập trung vào trải nghiệm “ở đây” và “bây giờ”, cách con người trải nghiệm, sự chân thực của nhà trị liệu, quá trình tìm hiểu khám phá qua đối thoại. 

Việc tập trung vào hiện tại được xem là một đóng góp quan trọng của phương pháp này gợi nhắc mình đến phương pháp thiền Vipassana và việc rèn luyện giữ chánh niệm của Phật giáo, vốn có tính chữa lành rất cao. Thông qua việc tập trung quán sát trải nghiệm hiện tại, quán sát những thay đổi trên thân, hơi thở, cảm xúc, suy nghĩ ở hiện tại chúng ta được neo giữ trong khoảnh khắc ở đây và bây giờ. Bởi vì quá khứ đã qua, tương lai thì chưa tới. Chính khoảnh khắc hiện tại là cái chân thật nhất mà ta có thể tiếp xúc, chứa đựng sức mạnh lớn lao để chuyển hóa, khi ta hoàn toàn có được ý thức về nó. Ý thức về hiện tại giữ cho chúng ta chánh niệm và tỉnh giác, vốn giúp ta duy trì được trạng thái làm chủ bản thân, không bị đồng nhất với cả cảm xúc, hay suy nghĩ, mà tách rời, khách quan với chúng. Thái độ của người quan sát này chính là thái độ của Linh Hồn, tỉnh thức, từ góc độ nội môn. Khi tỉnh thức với sức mạnh của Linh Hồn, chúng ta sáng suốt và nâng cao nhận thức, nhận ra phản ứng của phàm ngã và chặn đứng nó ngay trước khi nó phát triển, từ đó mà định lực và nội lực tự thân của ta ngày càng vững mạnh, và sự phản ứng vô thức, theo tiềm thức, thói quen hay bản năng càng bị suy yếu, giảm dần. Nhận thức này dần dần đưa chúng ta đến việc làm chủ cuộc đời mình. 

Nhà trị liệu đặt mình hoàn toàn vào trải nghiệm của thân chủ, hiện diện trọn vẹn trong quá trình trị liệu, không phán xét, phân tích hay diễn giải, tin tưởng vào sự phát triển thông qua tiếp xúc chân thực, duy trì ý thức về sự hiện diện độc lập của bản thân và thiết kế các thử nghiệm giúp thân chủ nhận thức rõ hơn về hành vi của họ trong từng khoảnh khắc. Nhà trị liệu giúp thân chủ đối mặt trực tiếp với suy nghĩ, cảm xúc và hành động trong tương tác với mình.

Tiếp xúc qua các giác quan (nhìn, nghe, ngửi, chạm, chuyển động…) là yếu tố then chốt để tạo nên sự thay đổi và phát triển trong liệu pháp Gestalt, như nguồn sống nuôi dưỡng sự phát triển và là quá trình liên tục điều chỉnh sáng tạo giữa cá nhân và môi trường. Tiếp xúc hiệu quả là sự tương tác với thiên nhiên và con người mà không đánh mất cảm nhận về cá tính riêng của bản thân; điều này cần có nhận thức rõ ràng, năng lượng dồi dào và khả năng thể hiện bản thân. 

Lưu ý rằng sau tiếp xúc cần có giai đoạn rút lui để tích hợp những gì đã học được. Nếu tiếp xúc quá mức mà thiếu giai đoạn rút lui, con người sẽ bị choáng ngợp, kiệt quệ về cảm xúc, giảm kết nối với cảm giác bên trong, thiếu cơ hội để học hỏi từ những trải nghiệm vì ở chế độ "phản ứng liên tục”, thiếu không gian để tái tạo năng lượng… Điều này làm mình liên hệ với chu kỳ tuần hoàn âm dương của đời sống, sự thở ra và hít vào đều tất yếu và cần thiết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét