Liệu pháp thực tế (1965) hay Lý thuyết Lựa Chọn (1996) được sáng lập bởi William Glasser khi ông nhận ra những giới hạn của phân tâm học và phát triển quan điểm nên tập trung vào phần lành mạnh của thân chủ. Quan điểm chính của lý thuyết này là con người chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình, vốn được thúc đẩy bởi nhu cầu và mong muốn nội tại. Sự trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thân chủ được nhấn mạnh, với thông điệp rằng ta chỉ có thể kiểm soát được chính mình, thay vì chờ người khác thay đổi.
Lý thuyết này đưa ra 5 nhu cầu cơ bản là sinh tồn, yêu thương và gắn kết, quyền lực/kiểm soát nội tại, tự do/độc lập, và niềm vui thích. Khó khăn tâm lý xảy ra khi các nhu cầu tâm lý cơ bản này không được đáp ứng. Mỗi người đều có 5 nhu cầu này ở những mức độ khác nhau, trong đó, nhu cầu yêu thương và thuộc về được xem là quan trọng nhất dù cũng là nhu cầu khó thỏa mãn nhất do đòi hỏi sự hợp tác từ người khác.
Trọng tâm của liệu pháp hướng đến giúp thân chủ đưa ra những lựa chọn hiệu quả trong các mối quan hệ, mà trước hết cần thiết lập được mối quan hệ tốt giữa nhà trị liệu và thân chủ (liên minh trị liệu).
Lý thuyết này cho rằng vấn đề chính của con người thường liên quan đến các mối quan hệ, hoặc là không hài lòng, hoặc thiếu vắng các mối quan hệ; không thể kết nối với những người quan trọng trong cuộc đời. Mọi vấn đề tâm lý kéo dài đều là liên quan đến mối quan hệ. Ta chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu này bằng cách đạt được những hình ảnh nội tâm mà chúng ta xây dựng trong thế giới chất lượng của mình. Thế giới chất lượng là thế giới lý tưởng mà một người mong muốn được sống trong đó, vốn được xây dựng từ những trải nghiệm tích cực.
Lý thuyết này nói về hành vi toàn diện, cách ta phản ứng với môi trường, sự kiện; bao gồmi 4 thành phần gồm hành động, suy nghĩ, cảm xúc, sinh lý, liên quan đến nỗ lực tốt nhất để đạt được điều mình muốn và thỏa mãn nhu cầu. Sự nhấn mạnh nằm ở suy nghĩ và hành động. Hành vi là một ngôn ngữ, gửi đi thông điệp qua hành động. Lý thuyết khẳng định rằng thay đổi không chỉ đến từ sự thấu hiểu mà còn cần có hành động cụ thể.
Liệu pháp thực tế nhấn mạnh lựa chọn và trách nhiệm với nguyên tắc cốt lõi: “Người duy nhất bạn có thể kiểm soát là chính mình.” Các nhà trị liệu thực tế không dành nhiều thời gian lắng nghe những lời phàn nàn, chỉ trích, đổ lỗi (vốn được xem là những hành vi kém hiệu quả nhất). Thay vào đó, họ nhấn mạnh vào lựa chọn và trách nhiệm cá nhân, với niềm tin rằng thân chủ có nhiều quyền kiểm soát hành vi của mình hơn họ nghĩ, giúp họ nhận ra trách nhiệm với hành động của mình. Điều này được dựa trên tiền đề rằng thân chủ luôn có những lựa chọn và hãy tập trung vào những lĩnh vực mà mình có thể thực hiện lựa chọn.
Liệu pháp tập trung vào hiện tại, dù không từ chối hoàn toàn quá khứ, mà sẵn sàng lắng nghe về những thành công và những mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ, vì điều này có thể tái tạo. Dù quá khứ đưa chúng ta đến hiện tại nhưng nó không nhất thiết quyết định tương lai. Con người vẫn có tự do lựa chọn, dù trong giới hạn của thế giới bên ngoài.
Mô hình WDEP cụ thể hóa các bước giúp thân chủ nhận ra hành vi hiện tại không đáp ứng nhu cầu, họ có thể chọn hành vi khác hiệu quả hơn và chỉ có thể kiểm soát hành vi của chính mình. Điều này tạo nên động lực thay đổi và việc trị liệu sau đó tập trung vào việc khám phá và đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Thân chủ hiểu được rằng họ không phải là nạn nhân, và họ có khả năng đạt được cảm giác kiểm soát bản thân, nội tại và có nhiều lựa chọn mở ra cho họ.
W (Wants): Mong muốn của bạn là gì? Nếu bạn sống như mong muốn thì sẽ như thế nào?
D (Direction/Doing): Bạn đang làm gì?
E (Evaluation): Tự đánh giá xem hành vi hiện tại có giúp bạn đạt được điều mình mong muốn không?
P (Planning and Action): Lập kế hoạch hành động để đạt được mong muốn.