Mình đã ngạc nhiên thú vị khi biết rằng “Nữ quyền” không chỉ là một phong trào về bình đẳng giới mà còn là tên của một liệu pháp tâm lý trị liệu. Buổi học bắt đầu kịch tính với những thước phim trích từ bộ series phim truyền hình “Hoa Hồng trên Ngực Trái”, nói về Khuê và thân phận người phụ nữ với những gánh nặng từ những định kiến, áp lực xã hội nội hóa khiến cô gần như phụ thuộc vào chồng, hy sinh cho gia đình và không được sống cuộc đời của chính mình…
Điều mình thích ở liệu pháp này là sự hướng tới thay đổi xã hội chứ không chỉ cá nhân, thúc đẩy một tầm nhìn mới về tổ chức xã hội, giải phóng cả nam và nữ khỏi ràng buộc của vai trò giới và giai cấp xã hội. Liệu pháp nhấn mạnh vào cốt lõi về sự trao quyền cho cá nhân, gắn liền với sự tham gia tích cực vào các nỗ lực thay đổi xã hội rộng lớn hơn. Ý thức công bằng xã hội không chỉ được nhìn từ góc độ giới mà còn hướng về những người yếu thế nói chung. Việc tham gia nhóm hình thành một mạng lưới xã hội hỗ trợ phụ nữ và các đối tượng yếu thế, giúp gia tăng sự kết nối và làm cho con người cảm thấy bớt cô độc. Bên cạnh đó, nhóm cũng cung cấp một không gian an toàn, nơi phụ nữ được trân trọng và có thể khẳng định bản thân, trong sự chấp nhận thương yêu, thấu hiểu và đồng cảm.
Liệu pháp giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong xã hội, định nghĩa lại nam tính và nữ tính theo các giá trị phi truyền thống và góp phần tích cực vào nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn hơn.
Bài học cũng đã khiến mình suy nghĩ về tính nam và tính nữ vốn phải được nuôi dưỡng và thể hiện một cách lành mạnh, cân bằng. Hơn nữa, bình đẳng giới không hẳn đồng nghĩa với việc cào bằng giữa hai giới mà còn cần có sự nhạy cảm giới, cũng như tập trung vào điểm mạnh của mỗi giới, để cho mỗi giới được trân trọng và phát huy thế mạnh của mình. Có như thế, sự phát triển mới thực là “trung - chánh” theo quan điểm của Dịch lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét