Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) dựa trên lý thuyết rằng niềm tin, hành vi, cảm xúc và phản ứng cơ thể có mối liên hệ tương tác lẫn nhau; sự thay đổi ở một khía cạnh này có thể đưa đến sự thay đổi ở khía cạnh khác. Rối loạn cảm xúc bắt nguồn từ niềm tin phi lý, thường được thể hiện qua các từ “phải”, “bắt buộc”, “nên”, được học từ người khác trong thời thơ ấu, và chính chúng ta đã duy trì niềm tin này qua tự ám thị và lặp lại, từ đó hình thành các thái độ và hành vi rối loạn chức năng. Con người bị xáo trộn không phải bởi các sự kiện mà bởi thái độ hay cách nhìn nhận của họ về chúng. Việc đổ lỗi là nguồn gốc của nhiều rối loạn cảm xúc. Do đó, mỗi người chịu trách nhiệm cho trạng thái cảm xúc của mình.
Ba niềm tin phi lý cốt lõi (ba điều “buộc phải”) mà con người thường dính mắc đó là:
(1) nhu cầu phải thành công và được chấp nhận, yêu mến;
(2) sự đòi hỏi người khác phải đối xử tốt, công bằng, tử tế với mình;
(3) kỳ vọng thế giới phải thỏa mãn mọi mong muốn của mình.
Nhà trị liệu áp dụng kỹ thuật hành vi (điều kiện hóa, làm mẫu), kết hợp với chiến lược nhận thức để giúp thân chủ kiểm tra và thay đổi niềm tin của mình như tranh luận, thách thức những niềm tin phi lý qua việc đặt câu hỏi về các tư duy tuyệt đối như “phải”, “nên”, “cần”. Quá trình trị liệu mang tính giáo dục, nhà trị liệu hướng dẫn thân chủ nhận diện và tranh luận với những niềm tin phi lý, thay thế chúng bằng những nhận thức hợp lý hơn qua việc đọc sách, thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ, từ tuyệt đối sang linh hoạt hơn. Ngoài ra còn có kỹ thuật tạo cảm xúc, phát triển cảm xúc lành mạnh thay thế những cảm xúc tiêu cực; sử dụng sự hài hước để chỉ ra sự phi lý trong tư duy, để không quá nghiêm trọng với bản thân và có thể cười về những suy nghĩ tự bại của mình; nhập vai để bộc lộ và xử lý cảm xúc trong các tình huống cụ thể nhằm rèn luyện để không bị ảnh hưởng bởi phản ứng của người khác, tăng cường sự tự chấp nhận và trách nhiệm cá nhân.
Liệu pháp nhấn mạnh rằng khi ta học cách chấp nhận thực tế cuộc sống, bao gồm cả niềm vui và nỗi đau, một cách không phán xét, ta sẽ có khả năng tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Vì thế, mục tiêu của nhà trị liệu, ngoài việc giúp thân chủ giảm thiểu rối loạn cảm xúc và hành vi tự hại qua việc xây dựng một triết lý sống thực tế và khả thi, còn là giúp thân chủ phát triển ba dạng chấp nhận vô điều kiện:
(1) Tự chấp nhận bản thân
(2) Chấp nhận người khác, và
(3) Chấp nhận cuộc sống.
Thách thức của CBT khi áp dụng trong bối cảnh của Việt Nam có lẽ do những niềm tin về chuẩn mực thành công của xã hội bảo thủ và chuộng vật chất đã ăn khá sâu vào quần chúng. Để thực sự độc lập khỏi những tư duy đám đông “dòng chính” này không dễ dàng. Nó đòi hỏi một sự bứt phá mạnh mẽ, vốn phải dựa trên một sự thức tỉnh tâm linh cũng như sự tự tri sáng tỏ, cùng với sự can đảm, chính trực, cảm giác tự trọng lành mạnh và việc dám sống thực với chính mình. Với sự tự tin, tự tri sâu sắc, bên cạnh sự kỷ luật, kiên trì, tự giác, lòng dũng cảm của người quân tử, sự thấu hiểu lẽ tự nhiên và khai ngộ minh triết (Đạo), nhận ra hạnh phúc và nguồn lực đích thực vốn nằm trong những nguồn lực hay sự giàu có tinh thần chứ không phải bên ngoài hay vật chất, con người mới có thể phá chấp, buông bỏ những dính mắc này và có thể chấp nhận vô điều kiện bản thân, người khác và xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét