Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Chạm tới linh hồn

 "Làm thế nào một người có thể tìm thấy linh hồn của chính mình, hoặc xác định được sự kiện là linh hồn có thật? Làm thế nào người đó có thể tái điều chỉnh bản thân cho thích ứng với các điều kiện của cuộc sống linh hồn, và bắt đầu hoạt động một cách hữu thức và đồng thời với tư cách một linh hồn và là một con người? Hành giả phải làm gì để mang lại sự hợp nhất thiết yếu giữa linh hồn và các khí cụ của linh hồn nếu y muốn đáp lại sức thôi thúc tiến tới trong bản tính của chính mình? Làm thế nào y có thể biết rõ, chứ không chỉ có tin tưởng, hy vọng và ước vọng?

Tiếng nói với bề dày kinh nghiệm của minh triết Đông phương bảo cho chúng ta biết chỉ có một điều: – Hãy hành thiền. Đương nhiên người ta sẽ hỏi: “Tất cả chỉ có thế sao?” và được trả lời: “Đúng vậy.” Nếu hành giả tham thiền đúng đắn, và bền lòng thực hiện trong đời, thì sự giao tiếp với linh hồn sẽ ngày càng được thiết lập vững vàng. Kết quả của sự giao tiếp này thể hiện thành kỷ luật tự giác, sự thanh hóa, và một cuộc đời đầy nguyện vọng tinh thần và phụng sự. Chúng ta sẽ thấy rằng, hiểu theo nghĩa của Đông phương, tham thiền là một tiến trình trí tuệ, đưa đến sự hiểu biết và khai ngộ của linh hồn. Đó là sự kiện thực tế trong thiên nhiên “Mỗi người sẽ trở thành chính điều mình suy nghĩ."

~ Trích "Từ trí tuệ đến trực giác", Alice Bailey, trang 61.

Chị B. hỏi: Hành thiền ở đây là gì? Thiền Anapanasati, Vipasana, Raja .. thiền nào cũng được và sống thiền hay chỉ là 1 loại thiền nào ở trên thôi?

Dạ em nghĩ ở đây Alice Bailey nói đến tham thiền chung, tổng quan, có nghĩa là tĩnh lặng để đi sâu vào nội tâm mình, bản thể mình, phản tư, chiêm nghiệm, trầm tư..., nó có nhiều dạng. Em nghĩ như vậy nó sẽ gần với thiền quán, thiền minh sát (Vipassana), giữ chánh niệm, sống thiền, hoặc tham thiền về một tư tưởng gốc (thực ra chính là quán Pháp trong tứ niệm xứ thân thọ tâm pháp của Vipassana, Pháp Dharma ở đây là sự vận hành của Vũ Trụ, Tự Nhiên, Đạo, là mọi thứ trong cuộc sống).

Cốt lõi của việc thiền để tìm thấy và nghe thấy tiếng nội tâm, tiếng nói vô thinh đó là sự tĩnh lặng những ồn ào bên ngoài, những xáo trộn của đời sống phàm ngã để lắng nghe hay cảm nhận được thiêng liêng, linh hồn. Khi một người trầm tư chiêm nghiệm một câu hỏi, một công án hay vấn đề gì đó, họ cũng đang tiến dần vượt qua cõi hạ trí để thâm nhập vào các cõi thượng trí cao hơn... chạm tới linh hồn.

Dạ, bởi vì cái trí (hạ trí) với những chitta luôn xáo trộn (tâm viên ý mã), như con khỉ chạy lăng xăng, nên tham thiền để lắng tâm trí xáo trộn đó lại, tĩnh lặng các thể thấp, thì mới có thể chỉnh hợp với rung động của linh hồn.



Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

Chia sẻ về Tiềm Thức trong dự án cộng đồng ở Đom Đóm Healing Garden

 



Mình vui vì nhận được những phản hồi tích cực và bài chia sẻ hữu ích cho cộng đồng. Biết ơn Thanh và Mai Anh cùng các bạn đã tổ chức một chương trình ý nghĩa. Biết ơn vì được dự phiên chia sẻ tuyệt vời của Thanh và đêm nhạc hát từ trái tim thật vui, cảm động của Thầy Hà. Biết ơn tất cả mọi người đã đến đây. 💗💖💖

---------------

Chúng ta đã có phiên làm việc vô cùng chăm chỉ và hiệu quả trong 4 tiếng. Cuối chương trình tụi mình đã nhận được rất nhiều chia sẻ tốt đẹp của mọi người dành cho phiên làm việc này, xin gửi tới bạn:

"Chủ đề rất hữu ích cho tất cả mọi người để có ý thức và thay đổi bản thân, làm chủ bản thân".

"Ngưỡng mộ kiến thức tâm linh, huyền học mà chị Dương có".

"Chương trình giải đáp được những thắc mắc của bản thân, tìm được phương pháp sẽ áp dụng trên con đường phát triển bản thân".

"Chủ đề súc tích, cô đọng, nhiều kiến thức, mong chị Dương sẽ có thêm nhiều chủ đề như này nữa."

''Mình đang bị trầm cảm, nhìn tất cả mọi việc không hề có ý nghĩa. Tuy nhiên, sau khi nghe bài giảng của cô Thùy Dương, em cảm thấy cuộc sống có 1 lối thoát cho mình, thấy sáng tỏ và có hy vọng hơn để tự mình giúp chính mình chứ không phải phụ thuộc vào người khác''

"Vườn có quá ấm cúng và an toàn, về Vườn như về nhà, như được thấy, chạm thưởng thức từng góc thân quen."

"Mình luôn yêu mến không gian của Vườn. Tươm tất, tinh tế, ấm áp và nhiều năng lượng chữa lành."

"Điều ấn tượng nhất với em là tinh thần của Đom Đóm, vì vậy em luôn mong muốn được quay lại Vườn".

"Biết ơn sự chia sẻ và cảm phục sự phụng sự của tập thể Đom Đóm."

Cầu chúc chúng ta luôn vững vàng, mạnh mẽ và có thật nhiều tình yêu thương cho chính mình, bạn nhé!

Hãy tiếp tục cùng tụi mình cập nhật những hình anh của các phiên tiếp theo ở các bài viết sau nhé!

Mến thương!

The DomDom Healing Garden



Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Chiếc áo cà sa ở Wat Chak Daeng

Sáng 18/09/2023, từ tòa nhà của Mạng lưới Phật giáo dấn thân quốc tế (INEB) tại Bangkok, chúng tôi di chuyển xuống phía Nam đến Wat Chak Daeng. Wat tiếng Thái có nghĩa là ngôi chùa, đền thờ. Wat Chak Daeng nằm bên dòng sông Chao Phraya thuộc tỉnh Samut Prakan. Ngôi chùa nổi tiếng với những chiếc áo cà sa được làm bằng vật liệu tái chế từ chai nhựa PET. Sợi polyester tái chế từ chai nhựa, trộn với sợi vải cotton và hạt nano kẽm oxit giúp khử mùi, làm áo có tính kháng khuẩn, mềm mại, không nhăn, dễ giặt và nhanh khô.

Ý tưởng tận dụng đồ cũ này, theo lời Sư Thầy trụ trì Wat Chak Daeng, Phra Mahapranom Dhammalangkaro, đã có từ truyền thống xa xưa khi Đức Phật khuyến khích các tăng sĩ tiết kiệm, góp nhặt những mảnh vụn từ bãi rác và nghĩa địa về rồi giặt sạch và chắp vá lại, tự may thành chiếc y cà sa để mặc. [Tìm hiểu thêm tôi mới biết rằng chiếc cà sa, tiếng Phạn là ‘kasaya’, vốn không có nghĩa áo hay y phục mà là ‘bạc màu, hư hoại’. Tôi giật mình nhận ra ẩn dụ sâu xa của ‘kasaya’ hay ‘hoại sắc’, giống như tấm thân vô thường rồi cũng sinh diệt này, để đừng quá dính mắc vào mọi hình tướng hồng trần]… 

Nhưng ngày nay thế thời đã khác, ở những thùng rác bây giờ, cái người ta tìm thấy nhiều nhất là rác thải nhựa. Rác thải nhựa mất hàng mấy trăm năm đến cả ngàn năm để phân hủy. Thậm chí khi phân hủy, hạt vi nhựa thấm vào môi trường, len lỏi vào không khí, vào chuỗi thức ăn, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, gây ung thư. Rác thải nhựa trôi nổi làm ngạt thở, gây chết sinh vật biển, ô nhiễm đại dương. Rác thải nhựa đã thực sự trở thành một vấn nạn toàn cầu (*). 

Từ cách đây cả hơn chục năm về trước, Sư Thầy trụ trì chùa Chak Daeng đã trăn trở làm sao để giải quyết vấn nạn này.  Mỗi lần nước triều dâng cao, rác thải nhựa từ sông Chao Phraya lại tràn vào chùa. Lúc đó đa phần rác thải nhựa chỉ được đổ bỏ vào bãi chôn lấp, trong khi đốt nhựa cần lò đốt rác tốn kém với công nghệ hiệu quả để xử lý khí độc. Rồi cơ duyên đến, nhân một chuyến đi học tập tại Đài Loan, Thầy được tham quan nhà máy tái chế chai nhựa PET thành sợi vải. Thế là ý tưởng may áo cà sa làm bằng vải tái chế từ chai nhựa đã được ấp ủ, nung nấu. Khi về lại Thái Lan, Thầy đã phải mất hơn 3 năm thử nghiệm. Sau này có thêm sự hợp tác từ công ty Global Chemical, hỗ trợ máy móc và công nghệ, thành phẩm cuối cùng dần dần hoàn thiện. 

Cứ 15 chai nhựa làm được 1 chiếc áo. Quá trình diễn ra qua nhiều công đoạn. Chai PET không màu được làm sạch, phân loại, loại bỏ lớp dán nhãn bên ngoài và nắp nhựa để tái chế riêng, rồi ép thành kiện và gửi đến nhà máy để nghiền và tạo thành sợi tổng hợp. Sợi tổng hợp sau đó được gửi trở lại chùa, dệt thành vải và được cắt may thành áo. Trong chùa có cả một xưởng may, tạo ra nhiều những sản phẩm đa dạng khác như áo thể thao, áo thun, túi vải, nón, chăn mền… Có lần chiếc áo dạ hội từ nhựa tái chế được gửi đến cuộc thi Miss Earth Thái Lan và đã giành giải thưởng. 

Xưởng may tại chùa

Hiện nay, dự án được vận hành như một doanh nghiệp cộng đồng, giúp tạo ra việc làm cho nhiều người dân, đa số là những người phụ nữ nội trợ, người về hưu, và cả người khuyết tật. Giá một chiếc áo cà sa sản xuất tại Wat Chak Daeng dao động từ 1500 - 5000 bath Thái (khoảng từ 1 - 3 triệu VNĐ). Giá cao nhưng nhu cầu luôn cao vì mọi người mong muốn ủng hộ sản phẩm ý nghĩa với môi trường và cộng đồng này.







Các dạng rác thải nhựa khác được tái chế thành vật liệu xây dựng giả gỗ, làm mái nhà, gạch con sâu lát nền. Vật liệu giả gỗ tái chế từ rác thải nhựa không bị phồng, không bắt lửa, không thấm nước, chống mối mọt. Gần đây, cộng đồng hợp tác với công ty Corsair mới thành lập năm 2020 (**), có trụ sở chính tại Thái Lan cho khu vực châu Á và Hà Lan cho khu vực châu  u, để tái chế rác nhựa thành nhiên liệu. Công ty đang mở rộng sản xuất và thu gom rác nhựa, gồm cả các loại túi nylon, bao bì nhựa từ cộng đồng mang lại. Corsair sử dụng công nghệ nhiệt phân cao cấp trong lò phản ứng kín, chuyển hóa chúng thành các dạng nhiên liệu dầu nhiệt phân lỏng, than carbon đen và khí đốt. 

Thầy cùng các sư trong chùa vận động người dân tham gia chiến dịch thu gom chai nhựa, vớt rác trên sông Chao Phraya. Thu nhặt rác mang đến chùa không chỉ là để tái chế, mà sâu xa, nó nhắc nhở mọi người có trách nhiệm hơn với sự tiêu thụ của mình, giảm bớt việc tạo ra rác thải. Trong khi ở những chùa khác, người ta cúng dường thực phẩm và quần áo thì tại Wat Chak Daeng, người dân có thể cúng dường rác thải nhựa! Mọi người khắp nơi gửi các chai nhựa PET đến Wat Chak Daeng, để chúng được tiếp tục một đời sống hữu ích mới.

Chưa hết, một mảng quan trọng khác ở Wat Chak Daeng là tái chế rác thực phẩm thành phân hữu cơ. Rác thực phẩm, thức ăn thừa thu gom từ cộng đồng trộn với lá cây gom từ việc quét sân mỗi ngày ở chùa được đưa vào hệ thống máy ủ phân to bằng nguyên cái nhà, tạo ra phân bón dạng lỏng và rắn từ quá trình lên men vi sinh được tối ưu hóa trong thời gian ngắn. Như thế, thức ăn thừa hôm nay được chuyển hóa thành phân để trở lại nuôi đất, góp phần vun trồng nên hoa trái cho mai sau. Khí methane sinh ra được thu chứa trong các thùng kim loại. Khí sinh học này được kết nối với van dẫn vào bếp, dùng để nấu ăn. Tất cả đều được tận dụng, không có gì bỏ đi cả.


Chùa Chak Daeng trở thành một trung tâm giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường trong cộng đồng, cũng như đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải. Thành công của Chak Daeng đã tạo nên một ảnh hưởng tốt đẹp lan tỏa. Nhiều trường học, tổ chức, cơ quan chính phủ đã gửi người đến tham quan học tập các mô hình xử lý rác thải tại đây. 

Hôm đó, chúng tôi được thực hành làm chậu cây nhỏ từ xi măng và vật liệu xốp, sau đó vẽ trang trí. Và tại xưởng tái chế, chúng tôi chia thành 2 nhóm, một nhóm lọc, tháo nhãn dán trên vỏ chai và một nhóm gắn dây kẽm nối các chai với nhau. Chúng tôi cũng được xem các video về chùa và nghe các Sư Thầy nói chuyện. Thầy nhấn mạnh giá trị của cây xanh, nhất là khi với số lượng lớn, chúng giúp giải tỏa stress, là nơi trú ẩn cho động vật, tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt độ môi trường vi khí hậu, cung cấp oxy, lọc khí. Bộ rễ của chúng có tác động như một bờ kè, giúp giữ nước cho mùa khô. 

Chia sẻ kinh nghiệm, Thầy nói 3 nhóm cần hợp tác, làm việc cùng với nhau là cộng đồng, bắt đầu từ chính gia đình mỗi chúng ta (1), chính phủ (2), và doanh nghiệp/công ty tái chế (3). Và quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức mọi người về các vấn đề môi trường cũng như khuyến khích giải pháp sáng tạo cho chúng. Thầy khuyên hãy cứ bắt đầu, nếu có thất bại thì đừng bỏ cuộc, mà đứng dậy, rút ra bài học rồi lại đi tiếp. Ba khía cạnh trong thực hành Phật giáo Văn - Tư - Tu mà Thầy nói đến, tôi thấy đều có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực đào tạo, rèn luyện. Đó chính là vòng tròn lắng nghe, xem đọc, học hỏi lý thuyết, quan sát (Văn), sau đó suy tư, chiêm nghiệm, đúc kết (Tư), rồi áp dụng, làm, thực hành trong đời sống (Tu) và tiếp tục quan sát, đúc kết, ứng dụng, nhờ đó mà liên tục cải tiến. 

Việc dọn dẹp môi trường bên ngoài cho sạch sẽ và tái chế rác thải ngẫm ra cũng không khác mấy với sự tu tập, thanh luyện nội tâm. Chánh niệm, tham thiền là nghệ thuật nhận diện và chuyển hóa những rác thải hay chất độc của tâm, biến chúng thành những phẩm tính tích cực. Khi tâm trí trong sạch thì hạnh phúc chân thật vốn luôn hiện hữu sẽ được hiển lộ.

Viết những dòng này ngày cuối năm, tôi nhớ đến câu “Không bùn, không sen” của Sư Ông. Thương chúc tất cả chúng ta sẽ được chuyển hóa, biến đổi thành một phiên bản mới, tốt đẹp hơn, an vui hơn trong năm mới! 💓

---

(*) Theo báo cáo từ trang World Population Review năm 2021, trong top 10 các nước thải rác nhựa gây ô nhiễm đại dương, Philippines đứng đầu bảng với 35% lượng rác thải nhựa đại dương toàn cầu, còn Việt Nam đứng thứ 8 và Thái Lan đứng thứ 10. Đáng chú ý top 10 này đa số là các quốc gia Đông Nam Á, có bờ biển dài, lượng mưa lớn và hệ thống quản lý chất thải kém. Cũng theo trang này, những quốc gia sản xuất hoặc tiêu thụ nhiều nhựa nhất không hẳn là những quốc gia thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất, nhờ cơ chế quản lý, hệ thống phân loại và tái chế tốt. 

Link: https://worldpopulationreview.com/country-rankings/plastic-pollution-by-country 

(**) Năm 2021, Corsair công bố chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) về tín chỉ plastic (plastic credit), được vận hành trên nền tảng Ethereum blockchain, như một phương thức mới mẻ, sáng tạo và thuận tiện trong ghi nhận việc làm sạch mội trường và chuyển hóa rác thải nhựa. Tương tự như tín chỉ carbon, mỗi tín chỉ plastic đại diện cho một lượng rác thải nhựa xác định đã được chuyển hóa, không còn gây ô nhiễm môi trường.

Link: https://corsairnow.com 

P/S: Tình cờ, tôi mới biết một ngôi chùa đặc biệt khác ở Thái Lan, Wat Pa Maha Chedi Kaew, được xây dựng với 20 tòa nhà làm từ hàng triệu vỏ chai bia cũ. Nó gợi nhớ đến thời gian làm dự án ở Sóc Trăng hơn 10 năm trước. Sóc Trăng có nhiều chùa Khmer đẹp mà mỗi lần có bạn bè đến thăm chúng tôi hay dẫn đi chơi. Gần văn phòng chúng tôi cách khoảng 8 km có ngôi chùa Khmer hay được gọi là Chùa Chén Kiểu được dát bằng những mảnh sứ từ chén kiểu rất đẹp ngày xưa.