Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Ba cấp độ tu tập trong Phật giáo



Buổi chia sẻ của Sara "View, Meditation and Action in Buddhism", 4.11.2018
"Sara Finnerty sinh năm 1971 tại Hoa Kỳ. Cô đã theo Phật giáo Kim Cương Thừa từ năm 1991. Cô đã gặp Lama Ole Nydahl khi còn là một sinh viên đại học ở San Francisco.
Sara đã giúp thành lập và sống tại các trung tâm Phật Giáo Kim Cương Thừa trên toàn nước Mỹ từ năm 1993, ở California, Texas, New Mexico và hiện đang ở Nevada. Theo yêu cầu của Lama Ole, cô đã đi giảng dạy Phật giáo Kim Cương Thừa từ năm 2015. Hiện tại, cô sống ở Las Vegas, Nevada và Seattle, Washington." ~ Saigon Gompa
Tối hôm qua được gặp lại nhóm các bạn Saigon Gompa và đi dịch cho bài nói chuyện của Cô Sara Finnerty. Buổi nói chuyện được tổ chức trong một phòng nhỏ Cà Phê Trung Nguyên trên đường Võ Văn Tần.

Mình có dịp được ôn lại và hệ thống hóa những gì đã tìm hiểu về Phật Pháp trước đây từ bài giảng của cô. Cô thật trẻ trung và ấm áp so với tuổi 47 của mình. Cô gợi nhớ cho mình rất nhiều đến Kelly, cũng gần trạc tuổi cô. Kelly và Sara, hai người phụ nữ xinh đẹp với trái tim nồng ấm và tấm lòng của Bồ Tát. Dù chỉ mới gặp nhưng Cô đã tạo cho mình những cảm giác rất tin tưởng, dễ chịu, bởi cô luôn động viên, khuyến khích và bảo mình đừng lo lắng, hãy “have fun”, vui vẻ và thoải mái.

Mình tóm tắt lại theo trí nhớ những điểm quan trọng trong bài nói của cô tối qua. Điều cô nói được Đức Phật giảng ngắn gọn mà tinh túy trong Kinh Pháp Cú: "Không làm các điều ác (1), Siêng làm những điều lành (2), Giữ tâm ý trong sạch (3)."

Người ta nói rằng Đức Phật đã giảng 84 vạn pháp môn tùy theo căn cơ của mỗi người.

3 cấp độ trong Phật Giáo

Cấp độ đầu tiên 
Cấp độ đầu tiên Đức Phật nói với những người tìm đến Ngài vì quá đau khổ và xin Ngài chỉ dạy cách thoát khỏi khổ đau. Đức Phật đã nói về Nghiệp và Nhân Quả (Karma và Causality). Trong tiếng Phạn, Karma có nghĩa là Action - Hành động. Tất cả những “hành động” của thân, khẩu, ý đều dẫn đến những tác động hay hệ quả nào đó. Nhận thức được điều này chúng ta hiểu rằng chính mình chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Chính mình là người kiến tạo nên tương lai của mình bằng những hành động của ngày hôm nay. Không có Vị Chúa nào phán xét chúng ta, hay Định Mệnh quyết định cuộc đời ta. Với ý thức đó, ta không còn đổ lỗi cho số phận, cho hoàn cảnh, cho chính phủ….

Khổ, Vô Thường, Vô Ngã

Vậy thì làm thế nào để thoát khỏi khổ đau trong đời sống? Đức Phật đã đưa ra 10 lời khuyên, trong đó có 3 lời khuyên về thân, 4 lời khuyên về khẩu và 3 lời khuyên về ý (tâm thức) giúp con người chuyển hóa khổ đau, hướng tới đời sống hạnh phúc.

Ba lời khuyên về thân:
  • Không sát sinh, không giết hại sự sống. Thay vào đó, hành động tích cực là trân trọng, bảo vệ sự sống, mở rộng lòng từ bi với tất cả mọi chúng sinh. 
  • Không lấy những gì không thuộc sở hữu của mình, và người ta không cho mình, không trộm cắp. Thay vào đó, thực hành bố thí, quảng đại (generosity), rộng lượng giúp đỡ người khác.
  • Không tà dục. Thay vào đó, giữ gìn tịnh hạnh, bảo vệ hạnh phúc gia đình của mình và của những người khác, mang lại niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác.

Bốn lời khuyên về lời nói (khẩu nghiệp):
  • Không nói dối với ý định làm hại người khác. Thay vào đó, nói lời chân thật, khiến người khác có thể tin tưởng mình.
  • Không nói lời thêu dệt, ngồi lê đôi mách (gossip). Thay vào đó, nói những lời động viên, khích lệ, ngợi khen chân thành những phẩm chất tốt đẹp của người khác.
  • Không nói lời gây chia rẽ, mất đoàn kết. Thay vào đó nói những lời tạo nên sự hòa thuận trong tập thể, góp phần làm cho mọi người vui vẻ, tăng tình thân ái, đoàn kết.
  • Không chửi thề, không nói lời thô tục, hung ác, không chửi mắng, chỉ trích làm cho người nghe hổ thẹn, khổ đau. Thay vào đó, nói lời dịu dàng, thanh nhã, khiến mọi người ai cũng hoan hỷ, tin tưởng và quý mến mình.
Ba lời khuyên về tâm ý (mind):
  • Không sân hận, thù ghét, giận hờn. Thay vào đó thực hành từ bi, yêu thương mọi chúng sanh, thực tập nhẫn nại trước khó khăn, nghịch cảnh.
  • Không tham lam những hình tướng vật chất bên ngoài. Muốn như vậy phải hiểu được Vô Thường. Hiểu được mọi thứ bên ngoài có sinh có diệt, luôn biến đổi, không thường hằng. Không có cái tôi độc lập, mà luôn tùy thuộc vào những điều kiện nhân duyên. Hiểu rằng không có cái gì là của tôi...
  • Không si mê, không bối rối. Bối rối, si mê vì chưa hiểu được lý vô thường vô ngã. Muốn vậy cần thực tập thiền, cần tách ra khỏi suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, trở thành người quan sát, nhận biết nó, không bị cuốn theo nó. Nhận ra mình không phải là những gì mình trải nghiệm (experiences) mà chính là người trải nghiệm (experiencer). [Mắt thấy nhưng không nhìn thấy được chính mình.] 
Người đời tham, sân, si vì bám víu vào những điều kiện bên ngoài, ngỡ đó là cội nguồn của hạnh phúc trường tồn, và bám chấp vào bản ngã, cái tôi, mà không biết nó mang hương vị khổ đau.
Động lực để mọi người hành động đều là để được hạnh phúc.

Bước cơ bản đầu tiên trong thực hành thiền là việc tập trung định trí. Ta có thể dùng hơi thở để neo lại tâm ý, không cho nó chạy lăng xăng. Cứ thư giãn, chỉ nhận biết, không phán xét, phân tích, để suy nghĩ, cảm xúc trôi qua như những đám mây đến rồi đi. 

Thiền không phải là làm cho không còn suy nghĩ bởi vì điều đó là không thể.

Cấp độ thứ hai - Con Đường Bồ Tát

Cấp độ này dành cho những người mong muốn thực tập giải thoát vì lợi ích của mọi chúng sanh. Đức Phật khuyên họ tu tập Bồ Tát Đạo. 

Sáu pháp tu của Bồ Tát - Lục Độ Ba La Mật
Sáu pháp tu đưa chúng ta vượt ra ngoài sự bám chấp vào cái tôi bản ngã. (Bring us beyond the fixing on our ego).
  • Generosity - Bố thí, độ lượng, quảng đại
  • Meaningful behaviors - Trì giới. 
  • Tinh tấn - Joyful efforts - Toàn tâm toàn ý, chú tâm hoan hỷ. Put the best of yourself to what you are doing.
  • Nhẫn nhục - Nhẫn nhục trước những khó khăn, nghịch cảnh, trước những người khó chịu. Hiểu rằng ai cũng như mình, cũng có những nỗi khổ riêng, cũng muốn mưu cầu hạnh phúc.
  • Thiền định - Meditation: Dù bốn điều trên đưa chúng ta ra khỏi sự bám chấp vào cái tôi. Nhưng điều thực sự có thể mang lại bốn điều trên lại chính là tham thiền. Chỉ có thông qua tham thiền, chúng ta mới gia tăng sức mạnh nội tại để thực hành tốt những điều trên.
  • Trí tuệ - Wisdom. Trí tuệ hiểu về chân lý, nhân quả, vô thường, vô ngã.
Thực hành: sống trong đời như những Vị Bồ Tát thành tựu 6 ba la mật trên, vì lợi ích của mọi chúng sinh. Tham thiền.

Cấp độ thứ ba - Kim Cương Đạo - Đồng nhất với tâm thức của Phật

Đức Phật giảng pháp này cho những người nhìn thấy sự tỏa rạng chiếu sáng, bình an phúc lạc của Ngài và tin tưởng rằng mình cũng có bản chất đó, cũng có thể có được sự giác ngộ, tỏa sáng đó. Sự hiện diện của Đức Phật khiến cho tất cả những ai xung quanh Ngài cũng cảm thấy được bình an, hạnh phúc, hứng khởi, hướng thượng, lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Hiểu rằng bản chất tinh túy của chúng ta là Phật tánh, là nhận thức, là tâm thức không thể bị hủy diệt, tràn ngập phúc lạc, bình an, không sợ hãi. 

Thực hành thiền: Đồng nhất hóa hình ảnh Vị Phật vào trong chính chúng ta. 

Hằng ngày trong cuộc sống: xem mình như một vị Phật, sống với những phẩm tính của Đức Phật, với Từ Bi, Trí Tuệ, Nhẫn Nại, Vô Úy, Hoan Hỷ, hiểu được chân lý, tự tin vào sức mạnh của bản thân kiến tạo cuộc đời, sống với sự tự tại, bình an, hoan hỷ, vô úy, ngập tràn phúc lạc.  





Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Cõi trần ảo mộng

...Khi thiền xong em lại có cảm giác trần gian chỉ là mộng ảo và muốn đạt được trạng thái an lạc không vướng bận buồn vui nhân gian. Không biết đây có phải vấn đề gì không tốt không ạ? 

Em thân mến, khi mình tham thiền rồi đạt được trạng thái an lạc, đó là điều tốt, bởi đó cũng là một trong những hiệu ứng mong muốn của chúng ta khi ngồi thiền. Tham thiền mang lại rất nhiều lợi ích và tác dụng chữa lành cho cả ba thể thấp, sức khỏe cho thể xác, làm ổn định thể tình cảm và bình tâm cho thể trí. Tuy nhiên, với tham thiền huyền môn, mình sẽ còn cần phải đi xa hơn thế nữa, chứ không chỉ kẹt lại hay dừng ở trạng thái hỷ lạc đó. Tham thiền huyền môn còn là công việc xây dựng chiếc cầu nối giữa phàm ngã với linh hồn, để ánh sáng của linh hồn có thể qua đó mà khai sáng, mở rộng tâm thức của chúng ta, khiến chúng ta ngày càng thêm tỉnh thức, minh triết và bác ái. 

Việc em cảm thấy trần gian chỉ là mộng ảo cũng có nhiều phần chân lý trong đó, bởi cõi hồng trần vốn vô thường, mọi sắc tướng vốn không hiện hữu (hay có tự tính) riêng biệt mà chúng dựa trên sự tương tức, tương liên lẫn nhau, dựa vào nhiều điều kiện (duyên) mà hình thành hay hoại diệt. Việc hiểu được vô thường, không dính mắc quá vào thế giới vật chất của cõi hồng trần và hướng thượng đến những lĩnh vực tinh thần cao cả hơn là rất tốt. Tuy nhiên, cũng không cần quá cực đoan mà hãy giữ sao cho mình đi trên con đường cân bằng, con đường Trung Đạo. “Be in the world but not of the world”, sống trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới. Nhận ra rằng chúng ta là những thực thể tinh thần thiêng liêng nhưng cũng trân trọng những trải nghiệm của phàm ngã trên cõi hồng trần, bởi chúng là cần thiết và quan trọng cho sự tiến hóa. Cho dù biết đó là một cuộc dạo chơi, thì cũng hãy chơi hết mình, bởi cõi hồng trần chính là nơi cho chúng ta thực hành, rèn luyện và học những bài học quý giá để phát triển. 

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Làm sao để biết một việc có nên làm hay không?

Làm sao nhận biết một việc là có nên làm hay không?

Khi em càng thực hành tu tập nhiều thì tâm thức em càng được hòa nhập nhiều với linh hồn, em càng nhạy cảm với tiếng nói bên trong, tiếng nói của lương tri và tự nhiên em sẽ biết được việc mình làm có phải là đúng.

Ngoài ra, em có thể dùng 3 tiêu chí (ba bộ lọc) sau, nếu việc mình làm đáp ứng được đủ cả 3 tiêu chí sau thì em biết rằng mình có thể tiếp tục:

(1) Việc đó không gây hại cho chính bản thân mình 
(2) Việc đó không gây hại cho những người khác
(3) Việc đó không gây hại cho thiên nhiên, môi trường.

Như vậy, nếu việc làm nào của mình mà vừa đem lại lợi ích cho bản thân, cho người khác, và cho thiên nhiên, môi trường thì việc đó là việc rất rất nên làm. 

Làm sao để định trí?

Tâm trí thường suy nghĩ miên man khi ngồi tĩnh lặng cũng là chuyện bình thường như người ta hay nói “tâm viên ý mã”. Do đó mình mới cần thực tập thiền định. Ban đầu chưa quen mình có thể dễ bị miên man, nhưng không sao cả, cứ mỗi lần miên man mà mình nhớ ra quay về với bản thân và hiện tại là tốt rồi. Mình có thể miên man rồi nhớ quay về lại như vậy cả ngàn lần cũng không sao hết. 

Mình cứ thực tập đều đặn rồi dần dần việc định trí sẽ ngày càng hoàn thiện và dễ dàng hơn. Em nhớ thư giãn và thả lỏng, càng thư giãn và thả lỏng thì mình lại càng dễ tập trung và định trí lâu mà không bị mệt mỏi hay căng thẳng.

Em có thể dùng hơi thở như chiếc neo để giúp mình định trí trong hiện tại. Trong những công việc hằng ngày, em cố gắng duy trì chánh niệm tỉnh giác, tức là chú tâm vào từng việc mình làm, tỉnh giác và quán sát từng cảm xúc, suy nghĩ khởi sinh, những thay đổi cơ thể của mình, tách mình ra làm người lặng lẽ quan sát chính bản thân mình. 




Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Saigon Gompa và dòng truyền thừa Karma Kagyu


07.09.2018 Buổi nói chuyện của anh Detlev về "Thiền trong đời sống hiện đại" được tổ chức bởi nhóm Saigon Gompa - the Diamond Way Buddhism

Hai tuần trước tình cờ qua Mi giới thiệu mà mình đi dịch cho buổi nói chuyện của anh Detlev về "Thiền trong đời sống hiện đại". Anh Detlev là người Đức, làm việc cho BMW, nhân dịp nghỉ phép anh cùng vợ đi du hành mấy nước châu Á kết hợp với việc chia sẻ về Phật pháp. Anh đã biết đến Phật pháp từ những năm hai mươi mấy tuổi và đã có hơn 30 năm học tập và thực hành cùng với Thầy Lama Ole Nydahl. 

Sau buổi nói chuyện với nhóm đông khán giả công chúng thì hai ngày cuối tuần kế đó là những ngày học chuyên sâu hơn cùng với nhóm nhỏ Saigon Gompa tại nhà anh Torsten. Mình nhớ ngày xưa hình như có lần đã đi nghe một buổi workshop do nhóm Saigon Gompa tổ chức tại khách sạn Sen Việt trên đường Cao Thắng, cũng về Phật giáo Tây Tạng. Lần đó chưa có ấn tượng gì mấy. Rồi bẵng đi một thời gian mấy năm qua. Cuộc hội ngộ lần này thực ra là hoàn toàn mới, những người bạn mới. Mọi người ai cũng thân thiện, dễ thương. Họ là một nhóm nhỏ chỉ khoảng chừng chục người, gần một nửa là người nước ngoài, thực tập cùng nhau mỗi tối thứ tư tại nhà anh Torsten. Mỗi người đều có những cái hay và thú vị. Nhờ đó mà mình mới biết thêm những lĩnh vực ngành mới mà các bạn đang làm, như Biotherapy của Trà Ngân, hay Systemic Constellation của anh Torsten... 

Mình được tặng cuốn "Chết không sợ hãi" do các bạn trong nhóm dịch, của Lama Ole Nydahl. Mình mua thêm cuốn sách "Theo Chân các Đạo Sư Tây Tạng" của Lama và say sưa đọc hết một lèo chỉ trong một buổi sáng. Mình được truyền cảm hứng từ Ông và các bạn để giờ mỗi ngày đang thực hành lễ lạy năm vóc sát đất. Mình bắt đầu tập từ ngày 18.9, với 20 lần một ngày, chắc còn lâu mới đến 111111.  Nghĩ đến các bạn tập 200 cái một ngày hay có những bạn tu tập toàn thời gian đến 3000 cái một ngày mà ngưỡng mộ. Chừng nào đạt mốc sáu số 1 đó mình sẽ ăn mừng, hihi, và dự định là sẽ vẫn tiếp tục duy trì thực hành cả sau đó. Đó là một bài tập vừa tốt cho sức khỏe thể chất, vừa tốt cho cả việc tu luyện thân, khẩu, tâm ý, làm giảm bớt bản ngã và loại bỏ những nghiệp xấu tích lũy của quá khứ và tất cả những bất thiện nghiệp. Mình thấy khỏe và đầu óc sáng suốt ra hẳn sau mới vài ngày tập...

Mọi chuyện không gì là ngẫu nhiên và mình cảm thấy cuộc gặp gỡ này có thật nhiều ý nghĩa tâm linh. Nó giúp mình xác nhận thêm về một số điều mình đã từng băn khoăn. Mình hiểu thêm về lịch sử Phật giáo Tây Tạng với bốn trường phái Kim Cương Thừa chính hiện nay là Gelugpa (Ngài Đạt Lai Lạt Ma, vị Tổ là Tsongkhapa, hóa thân của Đức Văn Thù Bồ Tát), Nyingmapa, Kagyupa và Sakyapa. Học một tông phái là sẽ hiểu được mọi tông phái [Một câu châm ngôn Tây Tạng nói rằng khi bạn ném một bông hoa vào mạn đà la, nó rơi vào vị thần nào thì vị ấy là của bạn. Bất cứ tông phái nào bạn gặp đầu tiên và nhận được giáo huân từ đó sẽ rất quan trọng với bạn]. Mỗi trường có đặc tính chuyên biệt riêng.  Như trường Gelugpa thiên về đào tạo ra các học giả, kinh viện, còn trường Kagyupa hay dòng truyền thửa Karma Kagyu tập trung vào việc thực hành nhiều. Dòng truyền thừa Karma Kagyu là một trong những dòng truyền thừa lâu đời nhất ở Tây Tạng, đứng đầu là các Đức Karmapa tái sinh. Lama Ole Nydahl là học trò của Đức Karmapa thứ 16. Và hiện nay là Đức Karmapa thứ 17, Ngài có một người vợ xinh đẹp và họ vừa có con cách đây khoảng một tháng.

Dòng truyền thừa Karma Kagyu tiếng Việt gọi là Ca Nhĩ Cư (dòng khẩu truyền, nhĩ truyền) với vị Tổ là Marpa, cũng là vị Thầy của Đức Milarepa. Cuộc đời của Milarepa là một câu chuyện thú vị và cảm động về sự chuyển hóa, Ngài được xem như vị hành giả vĩ đại nhất Tây Tạng. Câu chuyện của Ngài dạy chúng ta bài học về sự khiêm tốn, việc tỉnh giác về sự vô thường và cái chết.

Tam Bảo trong Phật Giáo: Phật, Pháp, Tăng, thì trong Kim Cương Thừa hay Mật Thừa, vai trò của Vị Thầy là rất quan trọng. Đối với người Tây Tạng, đây là yếu tố cần thiết thứ tư cho sự giác ngộ. "Trạng thái giác ngộ của người Thầy sẽ là cầu nối giữa người học trò với Phật. Vị Thầy là biểu hiện của sự thống nhất bao hàm cả ba yếu tố Tam Bảo."

Giác ngộ là sự nhận biết được bản chất chân thật của tâm thức, vô tận, trong sáng và rộng mở, vô úy, tràn đầy niềm vui, tình thương và sức mạnh của nó vượt ra khỏi mọi trí tưởng tượng.

Có một số đoạn trong sách mình thấy hay nên chép lại ở đây.

Về Karma: Đối với một bậc đã giác ngộ thì nghiệp là không gian tự do để vận dụng nhưng đối với những chúng sinh bình thường, nó là một chuỗi nguyên nhân và kết quả. Nó theo họ vì sự vô minh và nó đặt ra một thế giới có điều kiện. Nghiệp mà bạn trải nghiệm là một dấu ấn liên tục được tích tụ của đời này và muôn kiếp trong quá khứ. Nếu không được gột rửa hay chuyển hóa, những dấu ấn này sẽ phát triển bẳng chính sức mạnh của chúng.

Với phương pháp của Phật giáo Đại Thừa, những chúng sinh có lòng yêu thương lớn lao có thể thẩm thấu và thay đổi nghiệp xấu của người khác. Họ không chỉ loại bỏ những tác hại, sự khổ đau mà còn loại bỏ cả những nguyên nhân cơ bản gây ra khổ đau, sự vô minh.

Một người chỉ cần nhận ra một phương pháp để tới được giác ngộ, giống như chỉ cần ăn một đĩa là bạn đủ no. Dù một nhà hàng tốt có thể có nhiều món.

Về lễ khai tâm - điểm đạo: Bằng sự tập trung, với những pháp khí thực hiện nghi lễ, người thầy sẽ kích hoạt một phần tâm thức Phật vô biên và truyền trao nó cho đệ tử. Kết quả là hành giả có thể trải nghiệm cả tự thân và thế giới ở mức cao hơn cho tới khi mọi hoạt động trở nên tự nhiên và không cần nỗ lực. 

Hành giả nên kiên trì theo đuổi dòng truyền thừa nào mà mình thấy thích hợp nhất và không bao giờ có ý nghĩ rằng những dòng truyền thừa khác là thấp kém hơn mình.

Về vấn đề chữa bệnh: "Hãy làm tất cả những gì có lợi mà con có thể làm cho người khác và đừng bao giờ nghĩ về bản thân con."

...Để phá tan cái tôi, sự ngã mạn thì cần phải có một thứ thuốc nổ cực mạnh, và Karmapa thì có rất nhiều.

...Kim Cương Chùy là biểu tượng của Trí Bát Nhã, con đường dẫn tới đại giác ngộ.

"Karmapa Chenno": hiệu lực của câu chú này rất mạnh mẽ, và nó có nghĩa là "Người thực hành lời Phật dạy đang đến với tôi."

Om Mani Padme Hum: Vua của các mantra, là lời cầu nguyện của Đức Quán Thế Âm, biểu hiện tình thương yêu của tất cả các Vị Phật với chúng sinh và chuyển hóa phiền não thành trí tuệ; sự bám chấp và thù hận thành bản chất tự nhiên tốt đẹp của tâm.

Mật Thừa sử dụng thần chú để cam kết làm những điều tốt đẹp.

Mahakala (Đại Hắc Thiên): một trong những vị thần hộ pháp của Tây Tạng. Sức mạnh của vị ấy là để chinh phục những điều xấu và năng lượng vô biên của Ngài là để phá hủy những cảm thọ phiền não bên trong, cũng như những khó khăn bên ngoài để chúng ta có thể trưởng thành. Ngược với vẻ bề ngoài, bản chất của vị ấy là tình thương của tất cả các Chư Phật.

Tulku nào thực sự là những người giữ được sự tỉnh thức về bản chất của tâm, thường sẽ là những bậc thầy siêu việt. 

Đại Thủ Ấn (Chagchen hay Mahamudra) chính là tự tính của mọi vật và tồn tại trong trạng thái tỉnh giác tại bất cứ thời gian, bất cứ nơi nào, đó là giác ngộ hoàn toàn.

Không điều gì có thể phá hủy nghiệp lành bằng sân hận.

















Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Tri kỷ





Tối về đến Tây Ninh, đã thấy trên bàn có gói quà chia tay của Vỹ như là một lời chúc cho mình... Đúng kiểu một tình yêu tri kỷ mà mình thích!

*****

"Let Love play godlike music in my heart
and fill with harmony my world!
Fly magic sounds, find the path
To whom my life I will devote"

*****

Twinflame Reunion Prayer

God, bless so that my twinflame will be my lifepartner and we will reunite according to your laws of perfect reunion.





Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Như một lời chia tay

Bữa nay đọc được bài viết về Khánh Ly, giọng ca huyền thoại mà cả má và mình đều rất mê ngày xưa. Nghe những tâm sự của bà bỗng nhiên thấy rưng rưng...

..."Ai cũng phải chia tay, nhưng nếu tôi có kỉ niệm thì đó là điều tôi mang theo. Đến một lúc nào đó, sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, chúng ta không mang theo được gì, chỉ mang theo được kỉ niệm mà thôi.

Tôi hi vọng tôi sẽ trở thành kỉ niệm của mọi người và mọi người cũng là kỉ niệm của tôi để tôi mang đi xa. Mọi người ở lại, hãy nhớ kỉ niệm giữa chúng ta. Tuy chia xa, nhưng chúng ta vẫn mãi gần nhau, như “áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”.

...Tôi rất bình an khi nghĩ đến cái chết. Tôi biết, khi mình chia tay, ra đi, không phải mình mang theo cái gì mà để lại được cái gì cho người thương yêu mình. Đó là để lại một tấm lòng."








Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Biệt Đội Siêu Lầy





Cảm ơn các cô chú TA, quản sinh và các bạn nhỏ thương mến của STEM for Change đã cùng làm nên một mùa hè đáng nhớ!!

Cảm ơn Cô Vân Trang Nguyễn và Team truyền thông quyền lực với con đường ký ức đẹp lung linh sắc màu! Cảm ơn Cô Hang Vu và những giây phút khởi động đầy ắp tiếng cười hào hứng mỗi sáng. Cảm ơn những email động viên, nhắc nhở mỗi ngày của Cô Thuyet Nguyen!

Biệt Đội Siêu Lầy siêu đáng yêu và đầy tình cảm của cô! Rachel Velviet Thái Huỳnh Phạm Thục Quyên Trần Vỹ Khang Thuận, Minh. Cô thật may mắn được đồng hành cùng các con, không chỉ giỏi giang, mà còn có tinh thần chủ động, tự giác và rất ý thức. Điều cô cảm động và quý nhất ở tụi con còn là tinh thần đồng đội và tình cảm gắn kết, tương trợ nhau của nhóm. Cô nhớ vở kịch bác nông dân hai lúa Rachel Velviet dzui tính của nhóm mình. Cô nhớ mấy lúc tụi con cùng ngồi lập trình, bàn bạc giải pháp hay hăng hái làm Kahoot, vẽ poster với nhau. Cô nhớ những giọt nước mắt của các con và cả các bạn ở những nhóm khác trong ngày học cuối cùng...

Cô mong rằng những ký ức đẹp của mùa hè này sẽ khơi nguồn cảm hứng để các con bước tiếp với những hành trình khám phá khoa học và tấm lòng vì cộng đồng, với cái đầu sáng suốt, đôi tay khéo léo và trái tim yêu thương. Thương các con thiệt nhiều!!!

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Christopher Robin




"True friends are forever." Một bộ phim cảm động, đáng yêu và đầy ý nghĩa về gia đình và tình bạn. Sự xuất hiện kỳ diệu của những người bạn tuổi thơ đã giúp Christopher nhận ra được những điều gì thật sự quý giá trong cuộc sống.

Tối qua đi xem cùng các em bộ phim này. Có cả nước mắt và thật nhiều nụ cười. Thương Pooh và tất cả các bạn nhỏ đáng yêu hết sức ở khu rừng trăm mẫu. Những câu nói tưởng chừng như vu vơ của Pooh lại ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống.





Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Vườn thuốc nam Huỳnh Lương

Nhờ Vỹ giới thiệu mà tụi mình biết đến vườn thuốc nam Huỳnh Lương. Nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ, giống như một khu vườn bí mật, vườn thuốc nam hiện ra thật đơn sơ và bình yên trước mắt. Ở đó có những tình nguyện viên đến làm việc, từ người già như bà Út đến những người trẻ tri thức như bạn Hiếu, và một cô bé đến từ miền Trung. Cảm nhận được tinh thần cộng đồng và thiện nguyện thấm đẫm nơi đây. Một nơi dành cho cộng đồng, do cộng đồng chăm sóc và hoạt động vì cộng đồng. Cả việc khám chữa bệnh và bốc thuốc hàng tuần cũng đều miễn phí.

Ngày 30.8 fellow batch 2 có một buổi reflection ở đó. Mình ấn tượng bởi chia sẻ chân thành của Nicole và các bạn, về sự chấp nhận và yêu thương bản thân, về những giọt nước mắt, về việc cởi mở với cái sự vulnerable trong mỗi chúng ta để hiểu nhau hơn. Bữa hôm đó bọn mình còn được Hiếu phát cho cuốn sổ tay nhỏ về những loài cây cỏ làm thuốc có thể thay thế cho mật gấu, và chiếc quạt với cùng thông điệp từ tổ chức Animal Asia.

Ngày 1.8, má và dì Tú xuống Tây Ninh thăm. Mình dẫn má và dì đi thăm vườn thuốc nam. Thật may mắn hôm đó có Thầy là anh Triều nên má và dì được Thầy dẫn đi khắp vườn, giải thích cặn kẽ về những loại cây và còn được khám bệnh, bốc thuốc. Mình thấy vui vì hai bà rất thích thú, đến nỗi má cũng mong muốn trồng được một mảnh vườn thuốc nam như thế.



Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Karma

Chị cho em hỏi là karma nếu muốn chấm dứt thì có những cách nào? Và có cách nào để thử nghiệm được hành động hiện tại là của karma cũ hay mới. 


Hi em, câu hỏi của em là một vấn đề LỚN đó nha. Đó là cả bài toán của việc thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử (samsara). Nó không đơn giản, nó chính là cả quá trình tu tập mà các tôn giáo hướng đến.

Vậy thì sao để biết được hành động hiện tại có tạo ra hay là đang trả cái trước? Ý em là thoát khỏi vòng luẩn quẩn như thế nào khi mà mỗi kiếp ngắn ngủi trả thì ít mà tạo ra thêm nhiều?

Vì nhân quả trùng trùng duyên khởi nên rất khó biết cái gì xảy đến cho ta là do nhân hay quả nào. Việc quan trọng là mình giữ được chánh niệm, mindful, tỉnh thức về mọi hành động của mình.

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn như thế nào? Karma có thể hóa giải thông qua: phục vụ tha nhân (service), tham thiền để thanh tịnh hóa các chủng tử của nghiệp trong tâm thức, và trả quả trong đau khổ (suffering). Khi mình tham thiền thì trí tuệ phát sinh, giúp mình nhìn sâu vào các căn nguyên nghiệp quả và hóa giải các tập khí. Vì các chủng tử nghiệp được lưu giữ trong tâm thức, nên cốt lõi ở đây là làm thanh tịnh tâm thức thông qua thiền, quán sát thân tâm, cẩn trọng trong từng suy nghĩ và hành động của mình. Khi mình hành động với sự tỉnh thức thì mình không bị hành động theo tập khí của nghiệp lực và mình đang dần hóa giải nó.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Thảo Hoàng viết cho Trẻ Đồng Xanh

Tối nay ở nhà Long Hoa ở Tây Ninh có một vòng tròn be bé, cũng vẫn nắm tay hít thở và ôm nhau, cảm thấy vui và nhớ nhiều. Bà con cũng bắt đầu check energy level và dùng các “thuật ngữ” từ Hội An, đi loanh quanh thấy biển cửa hàng bán rau đồng xanh hay tên cửa hàng là tên của trẻ bé nào là lại nhớ haha. Cảm thấy được truyền cảm hứng để không phải để Hội An dừng lại ở đó, mà tìm cách tiếp tục tinh thần đồng xanh bằng cách này hay cách khác ở một nơi khác.

Gửi tới những người anh em thật nhìu yêu thương và biết ơn!


Giữ lại cho mình cơn mưa trên nóc nhà phố cổ
Bè bạn quây quần chia sẻ những mảnh ghép mùi vị và tình người như một lẽ hết sức tự nhiên
Giữ lại cho mình một khoảng lặng yên
Của chiếc lá khô ôm yêu thương trên từng nét mực
Giữ lại những cái xoa tay mỗi sáng mai thức
Truyền cho nhau năng lượng để cùng vững bước đi
Giữ lại những êm đềm của dòng sông thầm thì
Giấu bên trong sự dữ dội của cả hoang tàn và sức sống

Giữ lại nhiều lắm…

Bếp có hương chanh sả
Vườn có gieo mầm yêu thương
Trong cuốn sổ có những chiếc lá
Nét vẽ ngây ngô mộc mạc
Và sắc màu hiện lên dưới những bàn tay bé nhỏ
Ngôi nhà cho em mèo có ô cửa sổ lấp ló
Đâu đó chú Tre vẫn giữ những mảnh nhỏ nhất làm đồ chơi
Và mặt trời mỉm cười chào những bạn nhỏ đang xoay xoay theo nhạc
Gió nhẹ xào xạc và cánh đồng có cánh diều bay

Tay trong tay
Dắt nhau về mùa hè năm ấy
Ở nơi ấy – đồng xanh!

Giữ lại hết những xanh biếc thơm mát ngọt ngào
Giữ lại hết hay gửi gió cho hương tan vào không gian
Gửi sóng để biển đưa vào khoảng trống giữa hàng triệu triệu hạt cát?

Sau tất cả, vũ trụ cũng đã ghi lại hết
Vũ trụ chờ câu chuyện chúng mình viết tiếp
Liệu chúng mình có đủ dũng cảm để luôn chọn yêu thương?
Mong là thế, đồng xanh nhỉ! 

Yêu thương,

Viết từ Tây Ninh tháng 6/2018
Hoàng Phương Thảo



Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Tạm biệt Hội An



Tạm biệt Trẻ Đồng Xanh với thật nhiều kỷ niệm bên những người em, người bạn yêu thương!

Mới đó mà 2 tuần rồi. Bữa ni Sài Gòn mưa buồn. Đọc những gì Vân Trang, Vỹ và Hằng viết, thấy bàng bạc thương yêu... 

*****

Trại trẻ đồng xanh và lần thứ 4 về Hội An. 

Hai tuần vừa ngắn vừa dài, vừa thong thả vừa gấp gáp, vừa lạ lẫm vừa thân quen, vừa cho vừa nhận và trong ngần ấy thứ đọng lại là biết bao yêu thương, từ trẻ nhỏ, trẻ lớn và cộng đồng.


Và mình cũng biết rằng đây sẽ là lần cuối mình cố đếm số lần đến nơi đây.

Vân Trang

*****


1.

Mình đang ngồi ở sân bay, chạy ra chạy vào rốt cuộc quyết định không về nhà dì mà ngồi lại để viết. Nghĩ một chút, mới hiểu lý do tại sao linh cảm, ngay từ đầu, đã mách bảo hãy ngồi lại đây trước khi bước chân ra những đường những phố của SG. 

Sân bay tựa như bức tường 9 3/4 trong Harry Potter: chỉ cần dăm bước chân vào trong, chìa 1 tấm vé, sẽ về với Hội An, với những yêu thương dềnh dàng, với những giọt nắng hè và nét cười trong vắt, với những nứt vỡ của trái tim và những bàn tay hàn gắn; nếu mình chạy 100m về hướng còn lại,mình sẽ ào vào dòng chảy của Sài Gòn, ngược hướng lên Tây Ninh, và trở về với một nếp sống, một vai trò khác. Chốn này, ầm ào của hội ngộ và chia ly, là nơi hai thế giới ấy giao thoa -như cửa sông, khi hai dòng nước ở cạnh nhau, va đập, hòa thành một vùng của những chùng chình và dềnh dàng. Mình ngồi đây, viết, gọi tên những dềnh dàng, để thanh thản bước tiếp.

Có đôi cậu hỏi mình "Trẻ Đồng Xanh năm nay, mình cảm thấy như thế nào?". Mình không trả lời rõ ràng được. Ngày cuối ở cạnh nhau, mình lầy với Kin bởi thấy cảm xúc không chịu định hình cho. Nó cứ mơ hồ, bàng bạc. Không phải vì không cảm, mà cảm quá nhiều thứ cùng một lúc nên trái tim bối rối không biết neo đậu vào đâu. Mình đã nói với Kin "i need to re-center myself. My heart is scattered'. 

Những người đồng hành cùng Trẻ Đồng Xanh hay hỏi "Rốt cuộc, Trẻ Đồng Xanh là cái gì? Là social project, là doanh nghiệp xã hội, là làm cho vui, ...?" Mình không trả lời được. 

Trẻ Đồng Xanh, với mình, có rất nhiều hình hài: ban đầu là một  cuộc dạo chơi (làm cho vui), một hoài niệm (về ấu thơ lang thang khắp đồng bãi cùng nội), rồi trở thành một 'phòng thí nghiệm' để được học qua làm, là một 'không gian' để cùng nhau kết nối, dung dưỡng, chữa lành; là một món quà (tưởng là cho đi, hóa ra nhận lại một trời lai láng); một 'bộ lọc' để tìm đồng đội; một 'níu kéo' để giữ kết nối với quê hương, vân vân và mây mây...

Bây giờ, với mình, Trẻ Đồng Xanh chỉ còn là một cái tên; mỗi năm, những con người tìm đến nhau, cùng hoài thai một trải nghiệm rất khác. 'Hoài thai' đó là quá trình lụi tàn của những ý niệm và sở hữu; Trẻ là kết tinh tinh thần của vòng tròn, vừa mong manh, vừa mãnh liệt sức sống. Quá trình đó vừa hào hứng, vừa sợ hãi. "Sự ra đời của một đứa trẻ đi cùng sự ra đời của một người mẹ"; mỗi chặng của Trẻ Đồng Xanh là một nứt vỡ mới, một phản chiếu mới về chính con người bên trong của mình. Trẻ Đồng Xanh mỗi năm là một thứ trái chín cây trong nắng hè. Ngày trại kết thúc, thứ quả chín mọng, nứt vỡ, thả tràn vào không gian đậm hương những hạt li ti, gieo vào lòng trẻ lớn, trẻ nhỏ, cộng đồng những mầm sống mới cho một chu trình 'hoài thai' khác. 

Mình biết ơn tất cả: chị Dương, chị Kin, Vi Vi, Thảo Hoàng, Thuyết, Linh, Phố, em Vân Trang, em Hằng, em Dung, em Huy, em Ben, em Ngọc, em Yến, em June. Cuộc tình vừa qua là một hẹn hò rất đẹp của mùa hè; một chuyện tình được vun vén của cộng đồng chung quanh, của vũ trự. Trong chuyện tình này, mình thấy mình đã yêu và được yêu, thấy mình được mềm mại và cứng cáp, thấy mình được lớn lên, được cùng người mình yêu quý chăm chút, hoài thai cho những yêu thương bé bỏng khác.  Chuyện tình này đi về đâu, mình không biết. Những kết nối đang định hình, cứ để chúng được là. Mình sẽ chờ để một ngày mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. 

Cứ để chuyện tình này như một khoảng dịu êm, để ngả lưng, úp mặt, để tim được mềm và thấy lòng xanh biếc, để dung dưỡng và chữa lành trong những chặng sắp đến.

2.

"Nhớ trở về mà khóc giữa đồng xanh!

Khóc cười giữa cỏ cây,
lăn vào  vòng tay của đất.
Sinh ra từ đất,
chết trở thành đất,
mà cả đời cưỡi lên đất!

Có gì hiền hơn màu xanh cỏ cây,
lặng thinh nuôi lớn,
lặng thinh nghe những nỗi niềm,
lặng thinh đón giọt nước mắt tủi lòng,
lặng thinh hàn gắn.

Nhớ trở về mà khóc cười với biển xanh!
Để nghe sóng hát,
để nghe lòng vỡ nát - những tình!

Có gì thăm thẳm hơn màu của biển đâu?
Tự đáy sâu muôn trùng,
hơn triệu năm trước, dưỡng thành sự sống,
dưỡng thành ta của triệu năm sau.

Có gì dữ dội hơn màu xanh của biển đâu?
Cuốn phăng!
Đập nát!
Nhấn chìm những mảnh hồn vỡ nát!
Trả lại cho mình - trái tim!

....
Chào nắng! 

Thương.

V, SG 6/2018


*****

Lúc chia tay chị Dương, em hỏi Ben cảm thấy thế nào. Hóa ra cảm giác cứ bàng bạc giống nhau mấy đứa. Trẻ Đồng Xanh năm nay đã để lại nhiều hình ảnh đẹp không những về không gian, thời gian mà còn về con người và những quan tâm ở trong đó. Giữa cái vòng tròn lớn là một vòng tròn nhỏ, giữa một vòng tròn nhỏ là một điều gì đó chẳng biết đặt tên sao rất mong manh "fragile".  Và ai ai cũng cố gắng tạo ra và bảo vệ nó.

Lúc chia tay cũng là thời điểm chúng mình bắt đầu gói ghém lại những điều đẹp đẽ lại rồi. Va li của em giờ cũng đầy hơn trước. 

Hôm qua Linh bảo trông em như đang yêu. Ừa, em đang yêu thật mà, một cảm giác rất trọn vẹn với những việc mình làm cùng mọi người, rất trọn vẹn với nơi mình sống, rất trọn vẹn trong từng cái nắm tay, cái ôm, cái xoa đầu vuốt tóc, cái quẹt cơm trên miệng của bé Hưng. 

Em cám ơn Trẻ Đồng Xanh, cám ơn chị Vỹ, chị Kin, chị Vi, bé Huy, em Yến; Cám ơn chị Dương, chị Thuyết, chị Phố, chị Linh, chị Thảo, bé Dung, bé Ngọc, bé iu Bèn Ben Bén Đặng Thành Đạt, Trang, cám ơn chú bảo vệ nhà cộng đồng, cô bán nước mía, cô Đông, chị Nở, cám ơn nhà Đất, vườn cây, cám ơn June.... vì đã chung tay tạo ra một trải nghiệm rất yêu này. 

"Đã là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc là phải xanh"- Nói bằng giọng Quảng nhé =)

Thương mến,

Hằng của Trẻ Đồng Xanh 2018

*****

Linh đã về, ngủ 1 giấc thật sâu. Sáng nay thì đã bắt đầu có cảm giác nhớ mọi người... (Cái tội phản ứng chậm) :P

Hôm trước có nói món quả là những cuốn sách có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cá nhân và công việc của Linh. Linh Linh gửi tặng mọi người:

1. On becoming a person - Carl Rogers.
Bản tiếng Việt: Tiến trình thành nhân. (Đọc bản tiếng Anh hay hơn á)
2. A way of being - Carl Rogers.
3. Dibs in search of self - Virginia Axline
Bản tiếng Việt cuốn này đọc cũng hay "Sa mạc nở hoa".
https://tamlytrilieu.wordpress.com/category/sach-tam-ly-tr%E1%BB%8B-li%E1%BB%87u/sa-m%E1%BA%A1c-n%E1%BB%9F-hoa/

Thật sự cám ơn, cám ơn những người anh em rất nhiều, rất nhiều, rất rất nhiều.
Tạm biệt.

Linh





Thư gửi Cầu Vồng


Quỳnh Trang

Con là cô bé có đôi mắt đen láy, thích được đi du lịch, thích học môn tiếng Anh và thích tất cả các màu, nhất là màu xanh dương. Gia đình con có đến 9 người ở Cẩm Thanh. Con sống với ông bà ngoại, cậu mợ, ba mẹ và hai em trai. Một em nhỏ mới 3 tuổi rưỡi và em Hưng năm nay 9 tuổi cũng tham gia trại hè Trẻ Đồng Xanh ở nhóm cô Hằng. Có một điều thú vị đó là ngày đầu tiên khi nhóm Cầu Vồng chúng mình đi tham quan vườn rau hữu cơ Thanh Đông, bác nông dân dẫn nhóm mình đi khắp vườn và giải thích, trả lời cho những câu hỏi của chúng mình cũng chính là ông ngoại của con. Còn bà ngoại, cậu và mẹ con là người đã nấu những bữa ăn trưa thật ngon cho cả trại. Bữa hôm đi vườn đó, con còn đạp xe chở một bạn nhỏ theo đi và về an toàn nữa. Đúng như tinh thần “những thiên thần bảo hộ, cho nhau và cho các bạn nhỏ” của nhóm mình và chủ đề quan tâm và yêu thương của trại hè, con ha. Con thích vẽ nên đã tham gia xưởng Màu đến hai ngày liên tiếp. Con chỉ cho cô xem những bức tranh thú vị của con nữa. Buổi tối đêm thứ tư của trại, nhóm Cầu Vồng chỉ còn có hai cô cháu mình nên con hơi buồn, nhưng mình đã được ghép cùng với nhóm cô Ngọc và chơi trốn tìm trong bóng tối thật vui con ha. 

Cảm ơn con đã đến với trại hè Trẻ Đồng Xanh, cảm ơn ông bà và mẹ con đã hỗ trợ xưởng vườn và cung cấp thức ăn sạch lành mạnh cho cả trại! Chúc con có một mùa hè thật vui với nhiều kỷ niệm đáng nhớ!

Thương con.

*****


Thảo Uyên

Con là cô bé hay ngồi lặng lẽ đọc sách. Nhà con ở Cửa Đại có bốn người, ba mẹ, chị và con. Bình thường con hơi khép kín và ít nói. Nhưng con thích ca hát. Vui nhất là hôm ở trạm chuyển động tự do, mình cùng tập hát và xem cô Hằng với cô Vi Vi đóng kịch ứng tác. Cô rất vui thấy con cười nhiều cùng các bạn. Con cũng rất chăm chỉ khi được giao các nhiệm vụ ở xưởng Bếp, hay khi cùng làm các công việc trực lao động được phân công cho nhóm, con đều cần mẫn làm cẩn thận. Ngày cuối ở xưởng Chăm Sóc, con còn xung phong thực tập gội đầu cho bạn nữa. Ước mơ của con là sau này lớn lên trở thành bác sĩ, là người sẽ chăm sóc và chữa lành cho những người khác. Chúc cho ước mơ của con sẽ trở thành hiện thực trong tương lai nhé! Cảm ơn con đã đến chơi với Trẻ Đồng Xanh năm nay!

Thương con.

*****


Bảo Ngọc

Đây là lần đầu tiên con tham gia trại hè Trẻ Đồng Xanh nhưng mà tiếc quá vì gia đình con đi du lịch nên con chỉ tham gia được ba ngày đầu. Nhà con ở Cẩm Nam, ngoài bố mẹ, con sống cùng bà nội, bà cố và em trai 6 tuổi nữa. Con thích ăn sushi và uống nước dưa hấu. Con là một cô bé hiền lành, tình cảm và nhân hậu. Con rất thương em mèo June. Cô nhớ khi hỏi gì con cũng “dạ” thật ngoan. Buổi chiều ngày đầu con hơi mệt nên cô cũng hơi lo. Nhưng qua mấy ngày sau thấy con khỏe lại và tham gia tích cực ở các xưởng cùng các bạn thì cô an tâm hơn rồi. Tham gia làm đồ chơi với vật liệu tái chế từ xưởng của cô Phố hay xưởng Tre của chú Tân và xưởng làm Diều của chú Ben, con đều hoàn thành có được những tác phẩm đem về. Trưa ngày thứ ba, khi mình được phân công nhiệm vụ “trực bữa ăn”, con còn đại diện nhóm lên giới thiệu các món ăn cho cả trại. Khi hỏi điều gì con thích nhất ở trại hè, con đã nói đó là được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị. Cô chúc con tiếp tục có một chuyến du lịch thật vui cùng gia đình và tận hưởng một mùa hè nhiều màu sắc nhé!

Thương con.



Ông bà ngoại Quỳnh Trang và nhóm




Sản phẩm của con từ xưởng của chú Tân Tre


Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Chào Hội An


Em đã đến Hội An rồi. Hội An đón em bằng bầu trời âm u và cơn mưa lâm râm áp thấp nhiệt đới. Chú xe ôm chở em từ sân bay về thẳng đến nơi tập kết của bọn em, đi qua cầu Cẩm Nam, đến 473 Nguyễn Tri Phương, hẻm có cổng màu xanh, đi hết cuối hẻm là căn nhà có bảng ghi "Âu Thuyền 15 độ Bắc". Em đến đã có Vỹ, Thuyết, Thảo và Linh ở đó rồi. Nhà là một căn biệt thự to và đẹp, phía trước có nguyên hồ bơi, và trước nữa là khúc sông nhỏ với những chiếc thuyền sơn màu xanh đang neo trên bờ... Em đã đến Hội An lần này là lần thứ ba rồi mà lúc nào cũng thấy thích. Phố cổ nhỏ xinh, sinh động, cây xanh mát...  Tụi em vừa dọn dẹp xong phòng khách và phòng ngủ. Em cũng vừa gặp Yến và Vi Vi... Bây giờ em làm việc nốt, nhiệm vụ của mentor, comments cho reports của các bạn bên trường Morya. Trời đang mưa tầm tã...

Nhiều việc lắm ạ. Ngoài việc của Trẻ Đồng Xanh, em đang phải tranh thủ đọc thêm sách về STEM và đọc tài liệu trường Morya... Bận rộn nhưng mà vui anh ha!

...

Em vừa đi ăn cơm chay về, trời mưa nên tụi em mua đồ ăn về cho các bạn. Giờ em đang ngồi trong phòng gõ những dòng này. Ngoài phòng khách các bạn đang ăn vui vẻ, nói chuyện rôm rả, trong tiếng nhạc nền và giọng hát của Lý... Thật ấm áp và lâng lâng...

Hồi nãy em Dung chở em đi qua những con đường nhỏ, những ngôi nhà màu vàng, những chiếc đèn lồng cao cao. Hội An đầy khách du lịch, nhiều Tây hơn là Ta nữa...

Ah, em ăn ở quán chay tên là Đam. Quán không dùng bột ngọt, không hóa chất, cũng có mấy bạn Tây ăn ở đây. Đối diện quán, có ngôi nhà kia phía trước đầy những bông hoa nhỏ đỏ và trắng đẹp lắm. Em Dung nói đó là hoa Sử Quân Tử, có rất nhiều ở đây...

Sắp đến giờ họp rồi, thôi em chuẩn bị ra họp đây. 




Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

D.I.S.C



Người nhóm D: Mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, quyết đoán, đúng hạn, hành động nhanh, độc lập, tập trung, chủ động, quyết tâm.

Người nhóm I: Thuyết phục, cởi mở, vui vẻ, hài hước, nhiều thông tin, lạc quan, hoạt bát, thích cái mới.

Người nhóm S: Từ tốn, ổn định, chín chắn, thân thiện, kiên định, nồng ấm, trung thành, chung thủy, điềm tĩnh.

Người nhóm C: Chi tiết, trật tự, trách nhiệm, tận tâm, chuẩn mực, tập trung, logic, kỷ luật.

Một ngày thứ bảy thú vị và bổ ích để tìm hiểu hành vi, đặc điểm, điểm mạnh, điểm yếu, làm sao để phát huy, cần cải thiện điều gì của mỗi người thông qua công cụ DISC tại Viện Đào Tạo Bách Khoa. Kết quả trắc nghiệm của mình là thuộc nhóm S cao, kế đó là C. Thấy cũng khá đúng.





Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Đôi bồ câu trắng

Sáng sớm nay có đôi chim bồ câu trắng thật đẹp ở đâu bay đến đậu ngoài ban công. Đôi chim bồ câu trắng vốn là biểu tượng của thiên thần, hòa bình và tình yêu thủy chung hạnh phúc. Tự nhiên thấy vui và xúc động làm sao!



Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

Bé Dừa



Bé Dừa ở thôn Phong Vỹ nè. Bé Dừa thân thiện, tình cảm lắm. Thấy người đến thăm là nó nhảy cẫng đứng hẳn trên hai chân ấy. Buồn cười cái là cứ gọi "meo meo" là bé Dừa chạy lại, hihihi. Thương bé Dừa.



Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Phàm ngã và linh hồn

Việc nhận ra rằng linh hồn cần phàm ngã để biểu đạt chính nó là rất quan trọng. Phàm ngã biểu hiện linh hồn qua ba cõi thấp, cõi trần, cõi cảm dục và cõi hạ trí. Phàm ngã và linh hồn cần tích hợp với nhau và biểu hiện trong sự hợp nhất. Tuy nhiên, khi thúc đẩy bởi động lực tiêu cực, phàm ngã có thể cản trở Linh Hồn, khiến nó không đáp ứng với tiếng gọi bên trong hay tiếng gọi linh thiêng từ cõi cao hơn. Vì thế chúng ta có thể trải nghiệm cuộc chiến liên tục bên trong giữa phàm ngã và linh hồn (tình thương vô kỷ, từ bi, minh triết).

Bởi vì sự hướng đến bên ngoài của phàm ngã khiến cho nó có thể ngày càng cách xa linh hồn. Và rồi linh hồn có thể tạo ra những khủng hoảng có mục đích để tái định hướng và thức tỉnh phàm ngã, giúp nó sống với sự hiểu biết lớn hơn.

Khi chúng ta càng hợp nhất với linh hồn càng nhiều thông qua việc bồi dưỡng phẩm tính của phàm ngã, sống với chánh niệm tỉnh thức và tham thiền, chúng ta sẽ tiến triển về tâm linh.

Như thế, từng chút từng chút một, linh hồn ảnh hưởng lên phàm ngã và chúng ta thấy thói quen thay đổi, phẩm tính tốt, thiện chí và tinh thần phụng sự ngày càng nhiều khi càng cảm nhận được ảnh hưởng của linh hồn.

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Yêu đời


Là chữ em rút thăm được hôm nay, do Vân Trang lì xì. Thích quá!

"Tâm hồn vui tươi yêu đời của tôi là thanh nam châm kì diệu hút những điều tốt đẹp vào cuộc sống." 

Yeahhh!!!



Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Ước mơ thơ trẻ


Mình còn nhớ đó là khoảng năm lớp 3, khi mình được bước vào thế giới thú vị của cô bé Tottochan hiếu động đáng yêu cùng những ký ức trong trẻo về ngôi trường Tomoe độc đáo trên những toa tàu. Có lẽ những ai đã đọc “Tottochan, Cô Bé Bên Cửa Sổ” đều mơ ước về một môi trường giáo dục hướng tới sự phát triển tự nhiên như Tomoe, nơi trẻ em được tôn trọng, lắng nghe với tình yêu thương, khiến chúng lớn lên mạnh mẽ với lòng tự tin. Phải chăng anh Bút Chì cũng đã được truyền cảm hứng từ Tottochan mà lập ra Toa Tàu, “nơi người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình”; hay Hằng Đào và Quỳnh Anh với Potato Kids - những lớp học ngoại khóa cho trẻ em ở Hà Nội và Vy Le với Trại Hè Trẻ Đồng Xanh ở Hội An, “nơi trẻ được sống trong thiên nhiên và học từ thiên nhiên”?
Rồi mình vào đại học, chuyên ngành môi trường và mối quan tâm về giáo dục đã dẫn mình tới những khái niệm ‘giáo dục vì sự phát triển bền vững’, lối sống ‘Xanh’, và tư duy hệ thống…  Mình nhận ra rằng, đằng sau những vấn đề kinh tế, chính trị, môi trường, đằng sau bề mặt của những hiện tượng chính là vấn đề trong nhận thức, tư duy và hệ giá trị. Do đó, muốn hướng đến một xã hội phát triển bền vững, điều quan trọng là phải thay đổi từ nhận thức, từ tầm nhìn của giáo dục. Cốt lõi của phát triển bền vững nằm ở việc trân trọng thiên nhiên như là biểu tượng của sự hợp nhất, minh triết và vẻ đẹp. Phát triển bền vững hàm chứa triết lý sống giản dị, tiêu thụ có trách nhiệm, và tinh thần trân trọng sự đa dạng, yêu thương, chăm sóc bảo vệ và hợp tác. Sự bền vững hướng đến những giá trị tốt đẹp, chân thực, mãi trường cửu với thời gian. “Sustainability is thinking about forever”.  Tư duy cho phát triển bền vững cần một tầm nhìn sâu sắc khi đối mặt với những lợi ích kinh tế hạn hẹp trước mắt mà tiềm ẩn nguy hại lâu dài về sau cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tư duy hệ thống đó hướng đến mở rộng tầm nhìn để hiểu mối liên hệ tồn tại giữa mọi sự vật, nhận thức được nguyên nhân sâu xa ẩn dưới bề nổi của những hiện tượng tưởng chừng như riêng rẽ. Nó giúp ta thấy bức tranh chính xác hơn của hiện thực được nhìn từ nhiều góc độ, khuyến khích ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề và đưa ra những giải pháp với tầm nhìn xa rộng và bền vững.
Vậy thì, làm thế nào để hiện thực hóa giáo dục vì sự phát triển bền vững?
Mùa hè năm 2008, mình được may mắn tham dự khóa học ngắn 2 tuần ‘Youth Encounter to Sustainability’ (YES) tại Áo.  Đó là một trong những kỷ niệm tuyệt vời mà bây giờ gần 10 năm rồi mình vẫn còn thấy thật vui khi nhớ lại. Bọn mình là 36 bạn trẻ đến từ 27 nước trên thế giới, từ những nền văn hóa khác nhau, tất cả đã cùng bên nhau, học và chơi hết mình suốt hơn hai tuần đó, cùng hát hò, nhảy múa, thân ái và gắn bó như một đại gia đình. Bọn mình đã được tiếp cận đến những mặt khác nhau của phát triển bền vững qua những bài giảng đầy cảm hứng, những buổi làm việc nhóm cùng giải quyết vấn đề, cùng thực hiện một dự án xuyên suốt khóa học, xem phim tài liệu, nói chuyện với chuyên gia, thảo luận, vẽ tranh tập thể, và trải nghiệm thực tế.  Bọn mình được tham quan những cánh quạt điện gió trong vùng, trang trại hữu cơ Amoda, nhà máy tái chế PET, trung tâm năng lượng tái tạo ở Grussing, bảo tàng kỹ thuật ở Vienna… Và có cả một ngày bọn mình được đắm mình trong thiên nhiên khi đi bộ trên vùng đất ngập nước trong công viên quốc gia và chèo thuyền dọc sông Đa-nuýp.
Lúc đó mình đã từng mơ có một ngày YES sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Đúng một năm sau, cảm ơn Chị Nguyệt Live&Learn, mình vui mừng chứng kiến mô hình tích hợp nhiều hoạt động và trải nghiệm gần tương tự, VYS 2009, Diễn Đàn Thanh Niên & Phát Triển Bền Vững - chủ đề Biến Đổi Khí Hậu diễn ra trong 5 ngày tại Sóc Sơn, Hà Nội. Lần này mình tham gia với vai trò là người hỗ trợ, phụ trách đề tài về các nguồn năng lượng và môi trường. Các bạn trẻ năng động, nhiệt huyết với môi trường khắp ba miền đất nước sau đó đã cùng thành lập Mạng Lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam và đến nay VYS mỗi năm vẫn được tổ chức duy trì. Mình vui mừng thấy hy vọng đang lan tỏa từ những hạt giống tích cực, tươi xanh đó.
Ai đó nói rằng “Sống là học.” Giáo dục không chỉ gói gọn trong bốn bức tường lớp học. Giáo dục là cả cuộc sống. Qua tương tác với gia đình, bạn bè, cộng đồng, chúng ta ‘học’ từ tất cả những trải nghiệm của mình, từ tất cả những người mà mình gặp, từ quan sát thiên nhiên. Nó liên quan đến toàn bộ cộng đồng, nó là cả một hệ sinh thái giáo dục.
Có phải tất cả chúng ta ai cũng ước mơ đến một thế giới ấm no tươi đẹp, công bằng, hòa bình và hạnh phúc, một xã hội hướng đến sự phát triển bền vững, nơi mọi người sống hòa hợp với thiên nhiên và chan hòa thân ái với nhau, với cỏ cây muôn loài? Cũng không quá mơ mộng lắm đâu, bởi những mô hình cộng đồng tỉnh thức, hướng đến phát triển bền vững đã được hiện thực hóa như ngôi trường xanh Green School ở Bali, hay Gaia Ashram ở Thái Lan, cộng đồng Findhorn ở Anh, mạng lưới các Làng Sinh Thái toàn cầu (Global Ecovillage Network) và Làng Mai trên khắp thế giới.  
Ở những cộng đồng tỉnh thức, người ta nhận ra và trân trọng tính nhất thể của vạn sự (Oneness). Mọi thứ đều kết nối và liên hệ lẫn nhau trong mạng lưới của đời sống. Tất cả là Một. Ý thức sinh thái sâu xa là ý thức tâm linh.
Thế nên, điều quan trọng không chỉ là cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn là nuôi dưỡng tâm hồn yêu thương, ý chí mạnh mẽ và trí tuệ, tạo nên những con người nhân ái, tự do và hạnh phúc. Những điều này được thể hiện trong triết lý giáo dục của Steiner mà mình rất tâm đắc. Tin vui là ở Việt Nam đã có những trường học với nền tảng triết lý giáo dục của Steiner như thế.
Bạn có thể đọc thêm về Giáo Dục Steiner ở link sau:
và bài viết của Chị Phan Lê Minh về “Tương lai của những trẻ em Steiner.”


Để khép lại những tản mạn này, mình xin trích dẫn ở đây đoạn viết về Giáo Dục Steiner ở link trên:


Giáo dục vì những đứa trẻ hạnh phúc, tự do và mạnh mẽ


“Triết lý giáo dục Waldorf Steiner hướng người học trở thành những con người cá nhân tự do, có đam mê và lý tưởng sống.


Nền giáo dục hiện ngay quá tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, bồi đắp cho học sinh thêm sức cạnh tranh. Phương pháp giáo dục Steiner ngược lại, là nền giáo dục theo chủ nghĩa lý tưởng. Giáo dục rất gần với triết lý của Aristote: “Giáo dục TRÍ NÃO mà không giáo dục TRÁI TIM thì coi như không giáo dục gì cả”.


Các nhà trường theo Steiner không đặt mục tích tạo ra học giả, kỹ thuật gia, doanh nhân thành đạt… Mục tiêu là tạo nên những công dân tự do, không sợ hãi, sống hài hòa vui vẻ.
Trong môi trường giáo dục Steiner, nhà giáo tuyệt đối không áp đặt uy quyền lên học trò. Giáo viên chỉ đóng vai trò người dẫn đường để mỗi học sinh học tập bằng sự vui thích, khám phá.


Trẻ được học các môn rất phong phú: thủ công, hội họa, điêu khắc, kịch nghệ… đến ngôn ngữ, toán học, khoa học,… Từ các trải nghiệm thực tế, trẻ sẽ nhận biết thế mạnh, sở thích và đam mê của mình.


Các trường học Steiner không có cạnh tranh, thi đua, không có thưởng-phạt. Tư tưởng cốt lõi là xây dựng động lực bên trong mỗi học sinh. Trẻ đến trường sẽ cảm nhận tình yêu thương, ấm áp từ lớp học, từ thầy cô…


Học sinh Steiner thường được nhận xét là “Chơi nhiều hơn học”. Kỳ thực, việc dạy và học không tập trung vào kiến thức. Trẻ tiếp thu kiến thức, trải nghiệm nghệ thuật, tình yêu thiên nhiên qua hoạt động chơi. Từ đó, nuôi dưỡng ý chí, nuôi dưỡng năng lực và mong muốn làm việc của đứa trẻ qua từng giai đoạn.

Theo một công trình nghiên cứu tại châu Âu, người ta thấy rằng chỉ số sáng tạo của học sinh theo phương pháp giáo dục Steiner cao hơn học sinh nền giáo dục công. Học sinh Steiner cũng hạnh phúc với cuộc sống của mình, sống hòa đồng, bao dung và thích đóng góp cho xã hội hơn.”