Trong khi các liệu pháp tiếp cận hiện đại coi thực tại như một sự thật khách quan và xem chân lý là duy nhất, thì quan điểm hậu hiện đại lại cho rằng thực tại được xây dựng thông qua nhiều quan điểm khác nhau, bị giới hạn bởi bối cảnh lịch sử và văn hóa.
Liệu pháp tiếp cận hậu hiện đại gắn với khái niệm về chủ nghĩa kiến tạo xã hội, trong đó thực tại không tồn tại độc lập, mà được xây dựng qua ngôn ngữ và tương tác xã hội, không có một cách duy nhất để hiểu thế giới.
Với liệu pháp trần thuật hay tự sự, thông qua ngôn ngữ, trị liệu được diễn ra qua một hệ thống đối thoại, giải cấu trúc, ngoại hóa vấn đề, tách vấn đề ra khỏi con người, giúp thân chủ thoát khỏi sự “mắc kẹt” trong các hệ thống ngôn ngữ và ý nghĩa cũ, viết lại, sáng tạo câu chuyện cuộc đời mới thay thế. Phương pháp được áp dụng là nhà trị liệu đặt mình ở vị thế “không biết gì”, tiếp cận thân chủ với sự tò mò, cởi mở, đồng hành, tạo điều kiện để giúp thân chủ trở thành chuyên gia kể về cuộc đời mình.
Trong khi đó tiếp cận giải pháp ngắn hạn, tập trung vào tương lai, thời gian được rút gọn, phù hợp với trẻ em…
Với các cách tiếp cận này, cho dù vấn đề là gì thì cứ tập trung vào mục tiêu của thân chủ, hướng đến xây dựng cái mình mong muốn. Các phương pháp có nhiều điểm chung với liệu pháp nhân vị trọng tâm.
Mình đã ngạc nhiên thú vị khi biết rằng “Nữ quyền” không chỉ là một phong trào về bình đẳng giới mà còn là tên của một liệu pháp tâm lý trị liệu. Buổi học bắt đầu kịch tính với những thước phim trích từ bộ series phim truyền hình “Hoa Hồng trên Ngực Trái”, nói về Khuê và thân phận người phụ nữ với những gánh nặng từ những định kiến, áp lực xã hội nội hóa khiến cô gần như phụ thuộc vào chồng, hy sinh cho gia đình và không được sống cuộc đời của chính mình…
Điều mình thích ở liệu pháp này là sự hướng tới thay đổi xã hội chứ không chỉ cá nhân, thúc đẩy một tầm nhìn mới về tổ chức xã hội, giải phóng cả nam và nữ khỏi ràng buộc của vai trò giới và giai cấp xã hội. Liệu pháp nhấn mạnh vào cốt lõi về sự trao quyền cho cá nhân, gắn liền với sự tham gia tích cực vào các nỗ lực thay đổi xã hội rộng lớn hơn. Ý thức công bằng xã hội không chỉ được nhìn từ góc độ giới mà còn hướng về những người yếu thế nói chung. Việc tham gia nhóm hình thành một mạng lưới xã hội hỗ trợ phụ nữ và các đối tượng yếu thế, giúp gia tăng sự kết nối và làm cho con người cảm thấy bớt cô độc. Bên cạnh đó, nhóm cũng cung cấp một không gian an toàn, nơi phụ nữ được trân trọng và có thể khẳng định bản thân, trong sự chấp nhận thương yêu, thấu hiểu và đồng cảm.
Liệu pháp giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong xã hội, định nghĩa lại nam tính và nữ tính theo các giá trị phi truyền thống và góp phần tích cực vào nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn hơn.
Bài học cũng đã khiến mình suy nghĩ về tính nam và tính nữ vốn phải được nuôi dưỡng và thể hiện một cách lành mạnh, cân bằng. Hơn nữa, bình đẳng giới không hẳn đồng nghĩa với việc cào bằng giữa hai giới mà còn cần có sự nhạy cảm giới, cũng như tập trung vào điểm mạnh của mỗi giới, để cho mỗi giới được trân trọng và phát huy thế mạnh của mình. Có như thế, sự phát triển mới thực là “trung - chánh” theo quan điểm của Dịch lý.
Liệu pháp thực tế (1965) hay Lý thuyết Lựa Chọn (1996) được sáng lập bởi William Glasser khi ông nhận ra những giới hạn của phân tâm học và phát triển quan điểm nên tập trung vào phần lành mạnh của thân chủ. Quan điểm chính của lý thuyết này là con người chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình, vốn được thúc đẩy bởi nhu cầu và mong muốn nội tại. Sự trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thân chủ được nhấn mạnh, với thông điệp rằng ta chỉ có thể kiểm soát được chính mình, thay vì chờ người khác thay đổi.
Lý thuyết này đưa ra 5 nhu cầu cơ bản là sinh tồn, yêu thương và gắn kết, quyền lực/kiểm soát nội tại, tự do/độc lập, và niềm vui thích. Khó khăn tâm lý xảy ra khi các nhu cầu tâm lý cơ bản này không được đáp ứng. Mỗi người đều có 5 nhu cầu này ở những mức độ khác nhau, trong đó, nhu cầu yêu thương và thuộc về được xem là quan trọng nhất dù cũng là nhu cầu khó thỏa mãn nhất do đòi hỏi sự hợp tác từ người khác.
Trọng tâm của liệu pháp hướng đến giúp thân chủ đưa ra những lựa chọn hiệu quả trong các mối quan hệ, mà trước hết cần thiết lập được mối quan hệ tốt giữa nhà trị liệu và thân chủ (liên minh trị liệu).
Lý thuyết này cho rằng vấn đề chính của con người thường liên quan đến các mối quan hệ, hoặc là không hài lòng, hoặc thiếu vắng các mối quan hệ; không thể kết nối với những người quan trọng trong cuộc đời. Mọi vấn đề tâm lý kéo dài đều là liên quan đến mối quan hệ. Ta chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu này bằng cách đạt được những hình ảnh nội tâm mà chúng ta xây dựng trong thế giới chất lượng của mình. Thế giới chất lượng là thế giới lý tưởng mà một người mong muốn được sống trong đó, vốn được xây dựng từ những trải nghiệm tích cực.
Lý thuyết này nói về hành vi toàn diện, cách ta phản ứng với môi trường, sự kiện; bao gồmi 4 thành phần gồm hành động, suy nghĩ, cảm xúc, sinh lý, liên quan đến nỗ lực tốt nhất để đạt được điều mình muốn và thỏa mãn nhu cầu. Sự nhấn mạnh nằm ở suy nghĩ và hành động. Hành vi là một ngôn ngữ, gửi đi thông điệp qua hành động. Lý thuyết khẳng định rằng thay đổi không chỉ đến từ sự thấu hiểu mà còn cần có hành động cụ thể.
Liệu pháp thực tế nhấn mạnh lựa chọn và trách nhiệm với nguyên tắc cốt lõi: “Người duy nhất bạn có thể kiểm soát là chính mình.” Các nhà trị liệu thực tế không dành nhiều thời gian lắng nghe những lời phàn nàn, chỉ trích, đổ lỗi (vốn được xem là những hành vi kém hiệu quả nhất). Thay vào đó, họ nhấn mạnh vào lựa chọn và trách nhiệm cá nhân, với niềm tin rằng thân chủ có nhiều quyền kiểm soát hành vi của mình hơn họ nghĩ, giúp họ nhận ra trách nhiệm với hành động của mình. Điều này được dựa trên tiền đề rằng thân chủ luôn có những lựa chọn và hãy tập trung vào những lĩnh vực mà mình có thể thực hiện lựa chọn.
Liệu pháp tập trung vào hiện tại, dù không từ chối hoàn toàn quá khứ, mà sẵn sàng lắng nghe về những thành công và những mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ, vì điều này có thể tái tạo. Dù quá khứ đưa chúng ta đến hiện tại nhưng nó không nhất thiết quyết định tương lai. Con người vẫn có tự do lựa chọn, dù trong giới hạn của thế giới bên ngoài.
Mô hình WDEP cụ thể hóa các bước giúp thân chủ nhận ra hành vi hiện tại không đáp ứng nhu cầu, họ có thể chọn hành vi khác hiệu quả hơn và chỉ có thể kiểm soát hành vi của chính mình. Điều này tạo nên động lực thay đổi và việc trị liệu sau đó tập trung vào việc khám phá và đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Thân chủ hiểu được rằng họ không phải là nạn nhân, và họ có khả năng đạt được cảm giác kiểm soát bản thân, nội tại và có nhiều lựa chọn mở ra cho họ.
W (Wants): Mong muốn của bạn là gì? Nếu bạn sống như mong muốn thì sẽ như thế nào?
D (Direction/Doing): Bạn đang làm gì?
E (Evaluation): Tự đánh giá xem hành vi hiện tại có giúp bạn đạt được điều mình mong muốn không?
P (Planning and Action): Lập kế hoạch hành động để đạt được mong muốn.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) dựa trên lý thuyết rằng niềm tin, hành vi, cảm xúc và phản ứng cơ thể có mối liên hệ tương tác lẫn nhau; sự thay đổi ở một khía cạnh này có thể đưa đến sự thay đổi ở khía cạnh khác. Rối loạn cảm xúc bắt nguồn từ niềm tin phi lý, thường được thể hiện qua các từ “phải”, “bắt buộc”, “nên”, được học từ người khác trong thời thơ ấu, và chính chúng ta đã duy trì niềm tin này qua tự ám thị và lặp lại, từ đó hình thành các thái độ và hành vi rối loạn chức năng. Con người bị xáo trộn không phải bởi các sự kiện mà bởi thái độ hay cách nhìn nhận của họ về chúng. Việc đổ lỗi là nguồn gốc của nhiều rối loạn cảm xúc. Do đó, mỗi người chịu trách nhiệm cho trạng thái cảm xúc của mình.
Ba niềm tin phi lý cốt lõi (ba điều “buộc phải”) mà con người thường dính mắc đó là:
(1) nhu cầu phải thành công và được chấp nhận, yêu mến;
(2) sự đòi hỏi người khác phải đối xử tốt, công bằng, tử tế với mình;
(3) kỳ vọng thế giới phải thỏa mãn mọi mong muốn của mình.
Nhà trị liệu áp dụng kỹ thuật hành vi (điều kiện hóa, làm mẫu), kết hợp với chiến lược nhận thức để giúp thân chủ kiểm tra và thay đổi niềm tin của mình như tranh luận, thách thức những niềm tin phi lý qua việc đặt câu hỏi về các tư duy tuyệt đối như “phải”, “nên”, “cần”. Quá trình trị liệu mang tính giáo dục, nhà trị liệu hướng dẫn thân chủ nhận diện và tranh luận với những niềm tin phi lý, thay thế chúng bằng những nhận thức hợp lý hơn qua việc đọc sách, thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ, từ tuyệt đối sang linh hoạt hơn. Ngoài ra còn có kỹ thuật tạo cảm xúc, phát triển cảm xúc lành mạnh thay thế những cảm xúc tiêu cực; sử dụng sự hài hước để chỉ ra sự phi lý trong tư duy, để không quá nghiêm trọng với bản thân và có thể cười về những suy nghĩ tự bại của mình; nhập vai để bộc lộ và xử lý cảm xúc trong các tình huống cụ thể nhằm rèn luyện để không bị ảnh hưởng bởi phản ứng của người khác, tăng cường sự tự chấp nhận và trách nhiệm cá nhân.
Liệu pháp nhấn mạnh rằng khi ta học cách chấp nhận thực tế cuộc sống, bao gồm cả niềm vui và nỗi đau, một cách không phán xét, ta sẽ có khả năng tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Vì thế, mục tiêu của nhà trị liệu, ngoài việc giúp thân chủ giảm thiểu rối loạn cảm xúc và hành vi tự hại qua việc xây dựng một triết lý sống thực tế và khả thi, còn là giúp thân chủ phát triển ba dạng chấp nhận vô điều kiện:
(1) Tự chấp nhận bản thân
(2) Chấp nhận người khác, và
(3) Chấp nhận cuộc sống.
Thách thức của CBT khi áp dụng trong bối cảnh của Việt Nam có lẽ do những niềm tin về chuẩn mực thành công của xã hội bảo thủ và chuộng vật chất đã ăn khá sâu vào quần chúng. Để thực sự độc lập khỏi những tư duy đám đông “dòng chính” này không dễ dàng. Nó đòi hỏi một sự bứt phá mạnh mẽ, vốn phải dựa trên một sự thức tỉnh tâm linh cũng như sự tự tri sáng tỏ, cùng với sự can đảm, chính trực, cảm giác tự trọng lành mạnh và việc dám sống thực với chính mình. Với sự tự tin, tự tri sâu sắc, bên cạnh sự kỷ luật, kiên trì, tự giác, lòng dũng cảm của người quân tử, sự thấu hiểu lẽ tự nhiên và khai ngộ minh triết (Đạo), nhận ra hạnh phúc và nguồn lực đích thực vốn nằm trong những nguồn lực hay sự giàu có tinh thần chứ không phải bên ngoài hay vật chất, con người mới có thể phá chấp, buông bỏ những dính mắc này và có thể chấp nhận vô điều kiện bản thân, người khác và xã hội.
Bạn có thể áp dụng các kỹ thuật chánh niệm như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của mình? Bạn đánh giá như thế nào về giá trị của việc trở nên chánh niệm hơn?
Chánh niệm là ý thức, tỉnh giác, chú tâm, hiện diện trọn vẹn ở giây phút hiện tại, ở đây, bây giờ.
Một kỹ thuật giúp chúng ta có thể giữ được chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày là việc giữ thái độ của người quan sát, tách rời, không dính mắc với tất cả những suy nghĩ, hành động, cảm xúc của mình. Chỉ quan sát với một sự chấp nhận, điềm tĩnh, từ bi. Khi chúng ta có thể giữ được chánh niệm như vậy, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả các cảm xúc, suy nghĩ đều vô thường, chúng chợt đến rồi đi, và ta không bị đồng nhất với chúng, không bị cuốn theo chúng.
Chúng ta cũng có thể dần dần mở rộng sự quan sát của mình, không chỉ là cảm xúc, suy nghĩ, những cảm thọ trên thân thể mà còn là âm thanh, màu sắc, hương vị, tất cả mọi thứ của cảnh trần xung quanh mình. Rèn luyện như thế giúp chúng ta tăng cường sức mạnh quán sát của bản thân, cũng như gia tăng ý thức về môi trường xung quanh, những người khác và bản thân mình đang như thế nào trong môi trường đó. Khả năng chánh niệm như thế giúp chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với đời sống, nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống trong những gì tưởng chừng như giản dị.
Một kỹ thuật chánh niệm khác nữa là rèn luyện sự chú tâm, đặt tất cả tâm ý mình, dốc lòng dốc sức vào từng hành động mình làm, toàn tâm toàn ý. Khi chúng ta làm việc với sự hiện diện, trọn vẹn và chú tâm như thế, chúng ta đang thổi hồn, đưa vào đó năng lượng và tình thương, bởi năng lượng đi theo sau tư tưởng. Nơi nào có sự chú tâm, nơi đó công việc được hoàn thành với hiệu quả cao, với vẻ đẹp và năng lượng tích cực.
Một kỹ thuật khác là việc sử dụng hơi thở làm chiếc neo đưa chúng ta trở về hiện tại, bởi hơi thở luôn luôn hiện diện ở hiện tại. Nên bất cứ khi nào tâm trí đang lang thang, hoặc khi đối diện với cảm xúc khó, chúng ta có thể hít thở sâu để nhắc mình quay về ý thức với hiện tại.
Sống với chánh niệm chính là sống “thiền”, là thiền trong những hoạt động hàng ngày. Chánh niệm không phải là ngồi thiền tĩnh tọa. Nhưng việc ngồi xuống mỗi ngày để tham thiền sẽ nuôi dưỡng thêm chánh niệm trong đời sống, giúp chúng ta có thể giữ chánh niệm ngày càng dễ dàng hơn.
Giá trị của việc trở nên chánh niệm hơn đó là một cuộc sống tỉnh thức, tự do khỏi những thôi thúc của bản năng, tự do khỏi sự phán xét của định kiến, thiên kiến, hiểu được rõ ràng bản thân và người khác, làm chủ cuộc đời mình, và ngày càng tinh tấn trên con đường mở rộng tâm thức, tiến hóa tinh thần.
Mấy hôm nay, thực ra đã mấy tuần nay khi Hỏa tinh đối đỉnh Pluto, mình cũng đã trải qua những trận chiến drama thực sự kinh khủng ở ngoài đời. Phải đối diện với sự vu khống, chửi mắng và tấn công của đám đông, bóng tối bên ngoài; cơn tức giận uất ức và bóng tối ở bên trong.
Điều giúp mình chuyển hóa và đi qua được có lẽ chính là nhờ sự trụ tâm trên "ngọn tháp cao" của linh hồn, để có thể vững vàng trước những giông bão ảo cảm quay cuồng đó. Mình càng thấy rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện định lực và sự tỉnh thức sáng suốt trước cơn bão cuồng nộ mà nếu không trụ vững sẽ có thể rất dễ dàng bị cuốn theo và chìm trong đó.
Mình chấp nhận bị ghét bỏ, xua đuổi vì ta không thể kiểm soát được sự yêu ghét của người đời, chấp nhận mình chưa đủ trình độ và năng lực để cảm hóa và yêu thương. Mình cũng cần có sự tự tri và phải hiểu rõ bản thân để không bị dao động.
Mình đã phản kháng rất mạnh mẽ, dữ dội nhưng bất bạo động và tỉnh thức, chịu đựng thử thách. Và mình đã đi qua cơn bão như thế.
Cập nhật ngày 22.11.2024: Học thêm được một phương pháp nữa từ chia sẻ của Ý ở buổi học nhóm IHS, mà thực ra chính xác là mình đã áp dụng mỗi lúc căng thẳng khó khăn nhất: tụng mantram hay niệm Phật.
Liệu pháp Gestalt là một trường phái tâm lý học trị liệu ở Áo, Đức đầu thế kỷ 20, dựa trên ba nền tảng là thuyết hiện sinh, hiện tượng học và lý thuyết trường. Với nền tảng thuyết hiện sinh, liệu pháp Gestalt quan niệm rằng con người luôn trong quá trình trở thành, tái tạo, và tái khám phá bản thân; con người không có một bản sắc cố định mà liên tục phát triển khi đối mặt những thách thức mới. Với nền tảng hiện tượng học, liệu pháp nhấn mạnh việc tập trung vào cách thân chủ nhận thức về thực tại của họ, thay vì áp đặt cách diễn giải từ bên ngoài. Với nền tảng lý thuyết trường, thân chủ phải được nhìn nhận trong bối cảnh của họ, như một phần của môi trường luôn biến đổi. Nhà trị liệu đưa thân chủ từ trạng thái phụ thuộc vào sự hỗ trợ của môi trường sang trạng thái tự hỗ trợ bản thân và tái hợp nhất những phần bị chối bỏ trong nhân cách của họ. Việc tích hợp những phần bị chối bỏ trong nhân cách là quan trọng bởi vì những phần không được thừa nhận sẽ tạo ra những mảnh vụn cảm xúc làm rối loạn nhận thức về hiện tại; những vấn đề chưa được xử lý sẽ tồn tại cho đến khi cá nhân đối mặt và xử lý với những cảm xúc chưa được bày tỏ, vốn sẽ tạo thành những tắc nghẽn trên thân.
Liệu pháp Gestalt nhấn mạnh vào khoảnh khắc hiện tại và việc con người cần được hiểu trong mối quan hệ liên tục với môi trường của họ. Tất cả các yếu tố của thân chủ như thể chất, cảm xúc, hành vi, đều quan trọng như nhau và đều được xem xét đến trong toàn thể. Ba cốt lõi của liệu pháp là nhận thức, sự lựa chọn và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mục tiêu của Gestalt nhằm giúp thân chủ mở rộng nhận thức về trải nghiệm trong thời điểm hiện tại, từ đó tạo nên sự thay đổi. Giả định cơ bản ở đây là con người có khả năng tự điều chỉnh khi nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh họ. Việc nâng cao và làm phong phú nhận thức, tự thân có đã có tác dụng chữa lành. Với nhận thức, con người có thể đối mặt, chấp nhận và tích hợp những phần bị phủ nhận. Phương pháp tập trung vào trải nghiệm “ở đây” và “bây giờ”, cách con người trải nghiệm, sự chân thực của nhà trị liệu, quá trình tìm hiểu khám phá qua đối thoại.
Việc tập trung vào hiện tại được xem là một đóng góp quan trọng của phương pháp này gợi nhắc mình đến phương pháp thiền Vipassana và việc rèn luyện giữ chánh niệm của Phật giáo, vốn có tính chữa lành rất cao. Thông qua việc tập trung quán sát trải nghiệm hiện tại, quán sát những thay đổi trên thân, hơi thở, cảm xúc, suy nghĩ ở hiện tại chúng ta được neo giữ trong khoảnh khắc ở đây và bây giờ. Bởi vì quá khứ đã qua, tương lai thì chưa tới. Chính khoảnh khắc hiện tại là cái chân thật nhất mà ta có thể tiếp xúc, chứa đựng sức mạnh lớn lao để chuyển hóa, khi ta hoàn toàn có được ý thức về nó. Ý thức về hiện tại giữ cho chúng ta chánh niệm và tỉnh giác, vốn giúp ta duy trì được trạng thái làm chủ bản thân, không bị đồng nhất với cả cảm xúc, hay suy nghĩ, mà tách rời, khách quan với chúng. Thái độ của người quan sát này chính là thái độ của Linh Hồn, tỉnh thức, từ góc độ nội môn. Khi tỉnh thức với sức mạnh của Linh Hồn, chúng ta sáng suốt và nâng cao nhận thức, nhận ra phản ứng của phàm ngã và chặn đứng nó ngay trước khi nó phát triển, từ đó mà định lực và nội lực tự thân của ta ngày càng vững mạnh, và sự phản ứng vô thức, theo tiềm thức, thói quen hay bản năng càng bị suy yếu, giảm dần. Nhận thức này dần dần đưa chúng ta đến việc làm chủ cuộc đời mình.
Nhà trị liệu đặt mình hoàn toàn vào trải nghiệm của thân chủ, hiện diện trọn vẹn trong quá trình trị liệu, không phán xét, phân tích hay diễn giải, tin tưởng vào sự phát triển thông qua tiếp xúc chân thực, duy trì ý thức về sự hiện diện độc lập của bản thân và thiết kế các thử nghiệm giúp thân chủ nhận thức rõ hơn về hành vi của họ trong từng khoảnh khắc. Nhà trị liệu giúp thân chủ đối mặt trực tiếp với suy nghĩ, cảm xúc và hành động trong tương tác với mình.
Tiếp xúc qua các giác quan (nhìn, nghe, ngửi, chạm, chuyển động…) là yếu tố then chốt để tạo nên sự thay đổi và phát triển trong liệu pháp Gestalt, như nguồn sống nuôi dưỡng sự phát triển và là quá trình liên tục điều chỉnh sáng tạo giữa cá nhân và môi trường. Tiếp xúc hiệu quả là sự tương tác với thiên nhiên và con người mà không đánh mất cảm nhận về cá tính riêng của bản thân; điều này cần có nhận thức rõ ràng, năng lượng dồi dào và khả năng thể hiện bản thân.
Lưu ý rằng sau tiếp xúc cần có giai đoạn rút lui để tích hợp những gì đã học được. Nếu tiếp xúc quá mức mà thiếu giai đoạn rút lui, con người sẽ bị choáng ngợp, kiệt quệ về cảm xúc, giảm kết nối với cảm giác bên trong, thiếu cơ hội để học hỏi từ những trải nghiệm vì ở chế độ "phản ứng liên tục”, thiếu không gian để tái tạo năng lượng… Điều này làm mình liên hệ với chu kỳ tuần hoàn âm dương của đời sống, sự thở ra và hít vào đều tất yếu và cần thiết.
“Điều nghịch lý thú vị là khi tôi chấp nhận bản thân mình đúng như tôi vốn là, thì lúc đó tôi mới có thể thay đổi.” ~ Carl Rogers
Có lẽ trong các liệu pháp tâm lý được học đến giờ, nhân vị trọng tâm của Carl Rogers là cái mà mình thấy chạm và thích nhất, bởi tính nhân văn của nó. Có gì đó thật dịu dàng, bao dung và đầy tính chữa lành. Khác với phân tâm học của Freud quá chú trọng vào quá khứ, bệnh tật và mặt tối của bản chất con người, liệu pháp nhân vị trọng tâm tập trung vào sự hiện diện trọn vẹn với con người hiện tại, và hướng đến ánh sáng, tin tưởng vào ánh sáng thiên tính đẹp đẽ luôn ở đó, ẩn sâu trong bản thể con người, chờ được hiển lộ và phát tỏa.
Liệu pháp dựa trên niềm tin vào tiềm năng lớn lao về việc con người có thể hiểu chính mình, tự định hướng, tự chữa lành và tự thực chứng. Cách tiếp cận này mang tính cách mạng và ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực tâm lý trị liệu hiện đại từ khi nó ra đời, với việc xem thân chủ là tác nhân chính của sự thay đổi. Vai trò của nhà trị liệu sẽ giống như một người bạn đồng hành hơn là một chuyên gia áp đặt, tạo ra môi trường an toàn, tôn trọng, để thân chủ nới lỏng cơ chế phòng vệ, thay đổi những nhận thức cứng nhắc về bản thân và tự do khám phá những khía cạnh cuộc sống mà trước đây họ phủ nhận.
Sự thay đổi tích cực xuất hiện khi một người biết chấp nhận bản thân nhiều hơn, sống thật hơn với chính mình và bớt bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của người khác. Tất nhiên, nhận diện và soi tỏ thấu những mặt tối không phải là buông xuôi hay để mình chìm đắm trong đó. Công việc chuyển hóa tiếp sau đó cần rất nhiều tình thương, chánh niệm tỉnh thức, và nhất là nỗ lực làm tăng trưởng ánh sáng nội tâm. Khi ánh sáng được thắp lên thì bóng tối tự nhiên cũng được đẩy lùi.
Sự đồng hành chân thành, thấu cảm và sự chấp nhận tích cực vô điều kiện từ nhà trị liệu sẽ giúp nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân của thân chủ trên con đường tự khám phá bản thân, giúp họ dần dần phát triển khả năng tự chủ cuộc sống, tự tin vào quyết định của mình.
Nhân vị trọng tâm cũng tin vào khả năng sáng tạo bẩm sinh trong mỗi con người, và tính chất chữa lành và chuyển hóa của quá trình sáng tạo. Nhiều hình thức nghệ thuật biểu đạt khác nhau như viết, vẽ, điêu khắc, âm nhạc, sáng tác ngẫu hứng, nhảy múa… có thể giúp giải tỏa, thúc đẩy sự chữa lành và tự nhận biết của thân chủ.
Nhân vị trọng tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của của việc sống thật với bản thân, trung thực và nhất quán (congruence), quan trọng nhất là với chính mình. Vấn đề tâm lý thường có nguyên nhân từ những xung đột nội tâm, vốn xảy ra khi có điều gì đó chưa hài hòa với lương tri, với bản thể chân thật cao cả và sâu thẳm của một người. Và thực ra, ở một mặt nào đó, sự xung đột này là cần thiết để bắt đầu hành trình thức tỉnh.
Rõ ràng, khả năng thấu cảm là đặc tính cốt lõi cần thiết của người tham vấn trong liệu pháp nhân vị trọng tâm. Vậy làm sao để nâng cao khả năng phát triển sự thấu cảm với một người mà ta thấy khó tương tác? Có lẽ là sẽ cần thật nhiều lòng từ bi, tình thương, bao dung, chấp nhận, buông bỏ mọi phán xét, thiên kiến, và đặt bản thân vào hoàn cảnh của một người để có thể hiểu những “cuộc chiến”, nỗi khó khăn, đau đớn mà họ đang đối mặt. Mình có làm được không?
Chủ đề bài học rất hay, muốn viết nhiều thứ mà nhiều việc quá nên nộp bài vào phút cuối, chỉ kịp viết vội để có bài nộp thôi, chưa thể hiện được hết những điều muốn nói.
Trong thời đại ngày nay, con người đang đối mặt với nhiều thách thức, những câu hỏi hiện sinh được đặt ra về sự cô đơn, khủng hoảng nhân dạng, ý nghĩa cuộc đời, nỗi lo về tương lai, sự tự do chân thật...
Theo mình chủ đề hiện sinh đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người là câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời hay sâu xa hơn là về danh tính thật sự của con người. Phải chăng con người chỉ có mỗi thể xác này, và nếu chết là hết thì cuộc đời có vô nghĩa quá chăng khi mọi thứ sẽ tan biến vào cát bụi khi ta không còn trên cõi đời này.
Mình thích tính hành động, tích cực và dấn thân của chủ nghĩa hiện sinh nhưng mình không hẳn đồng ý hoàn toàn với nó. Dưới góc nhìn triết học nội môn mà mình đang nghiên cứu, mình tìm ra được những tương đồng và hiểu được sự khác biệt vốn có thể giải thích được hầu hết các vấn đề mà triết học hiện đại còn hoang mang.
Theo minh triết thiêng liêng hay triết học nội môn, chúng ta như là những thực thể tinh thần đang có trải nghiệm con người trên cõi trần này. Khi hiểu về nguồn cội tinh thần sâu xa và cao quý này, con người sẽ giải quyết được nỗi sợ về cái chết. Bên cạnh đó, minh triết thiêng liêng cũng cho chúng ta bức tranh lớn về vũ trụ, với nhiều cõi giới khác nhau, cùng những quy luật riêng của nó. Việc hiểu rằng vũ trụ mà chúng ta đang sống trong đó không phải là ngẫu nhiên mà là có luật, hoạt động theo Thiên Luật. Khi hiểu được đằng sau mọi hình tướng đẹp đẽ của biểu lộ và thiết kế tài hoa của Thiên Nhiên, chúng ta sẽ thấy trân trọng và biết ơn cuộc sống này hơn. Minh triết thiêng liêng cũng nói về Thiên Cơ như một kế hoạch thiêng liêng lớn dành cho nhân loại, mà mục đích linh hồn trong mỗi kiếp sống của mỗi người là một mảnh ghép trong bức tranh lớn đó. Hiểu được điều này sẽ cho chúng ta định hướng về mục đích sống, thấy mình là một phần trong vũ trụ, và hướng tới những điều cao cả hơn chính bản thân. Từ đó, cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc với việc phụng sự Thiên Cơ.
Tuần này chúng mình bàn về Học thuyết nhân cách của Adler, còn được gọi là tâm lý học cá nhân qua các khái niệm về hồi ức đầu đời, mối liên quan giữa mặc cảm tự ti và phong cách sống được phát triển từ thời thơ ấu, ảnh hưởng của chòm sao gia đình, thứ tự sinh, mục đích sống định hình nỗ lực hướng tới tương lai, ba nhiệm vụ cuộc đời, nhận thức chủ quan về hiện thực, cảm thức cộng đồng và mối quan tâm xã hội.
Có hai điều mình thấy thú vị khi liên hệ với triết học và giáo lý nội môn, đó là mục đích sống định hình nỗ lực vươn tới tương lai, và mối quan tâm xã hội, cảm thức cộng đồng như một chỉ số quan trọng của sức khỏe tâm thần.
Minh triết thiêng liêng cho rằng mục đích sống vốn đã luôn hiện hữu trong mỗi người, như một thôi thúc tiến hóa hướng tới sự hoàn thiện, một hình ảnh lý tưởng tương lai, cao cả, đẹp đẽ của mỗi người, chứa đựng tiềm năng phát triển cao nhất của người đó. Mục đích sống là biểu lộ của Thiên Ý qua Thiên Cơ - vốn là kế hoạch thiêng liêng dành cho nhân loại, hành tinh, vũ trụ, mà mục đích của mỗi kiếp sống hay mục đích linh hồn của mỗi người và một phần của kế hoạch thiêng liêng đó.
Từ hồi học Yoga Nidra và biết đến câu sankalpa, mỗi ngày mình đều luôn nhắc lại lời khẳng định về mục đích sống, sứ mệnh dành cho bản thân: “Tôi là suối nguồn bác ái ngọt ngào dịu mát và ánh sáng minh triết thiêng liêng. Cứu người, giúp đời, hướng thượng, hướng thiện, tôi phụng sự Thiên Cơ với sức mạnh chữa lành và khai sáng”.
Khi nói về sự tiến hóa tâm thức, giáo lý minh triết thiêng liêng đề cập đến mục tiêu tiến hóa của giới nhân loại với tâm thức tự ngã (self-consciousness) là hướng tới tâm thức linh hồn hay tâm thức nhóm, tâm thức tập thể (soul consciousness, group consciousness). Sự phát triển từ phàm ngã đến tích hợp hay thấm nhuần linh hồn cũng là sự tiến hóa từ sự chú ý ích kỷ, tư lợi cho bản thân đến mối quan tâm mở rộng hướng tới gia đình, cộng đồng, quốc gia và rộng hơn nữa là toàn bộ nhân loại trên thế giới. Con người vốn là một sinh vật xã hội, và tất cả mọi chúng sinh trong tự nhiên đều có mối quan hệ tương tức, kết nối lẫn nhau. Hiểu được sự kết nối mang tính nhất thể này sẽ mang lại một ảnh hưởng tích cực. Ta biết rằng mình không hề cô đơn, ta biết rằng mình là một với tất cả, những gì mình làm tốt cho cộng đồng, cho người khác, cũng là làm tốt cho chính mình. Hạnh phúc lý tưởng là khi chúng ta có được cảm giác viên mãn trong 3 kết nối quan trọng: với chính linh hồn, phần thiên tính bên trong mình (1), với người khác, xã hội (2), với thiên nhiên (3).
Tất cả những khổ đau đều bắt nguồn từ tam độc, Tham Sân Si, vốn là những ảo cảm, ảo tưởng của bản ngã ích kỷ. Thế nên, như một sự xác nhận cho quan điểm của Adler (về cảm thức cộng đồng và mối quan tâm xã hội là chỉ số quan trọng cho sức khỏe tâm thần), ta thấy rằng khi tâm thức mình hướng đến những người khác, đến tập thể hay cộng đồng lớn hơn bản thân mình, tư duy, định hướng cuộc đời của chúng ta cũng cao cả hơn, ý nghĩa hơn. Và như thế, những đau khổ của bản ngã ích kỷ cũng trở nên nhỏ bé, nhạt nhòa. Đúng hơn thì, khi ta sống với tâm thức cao cả, ta sẽ biểu lộ những phẩm tính của linh hồn vốn là an vui, hân hoan, phụng sự, bác ái, những điều kiện của sức khỏe tâm thần hay hạnh phúc đích thực.
Tôi sẽ cho em tám câu sau đây như những hạt giống tư tưởng để em tham thiền, và tôi yêu cầu em suy ngẫm kỹ lưỡng về chúng trong tám tháng tới:
Tháng 1—Trên ngọn tháp của tôi, tôi đứng vững và chẳng gì có thể chạm tới tôi nơi đây. Tôi tự hiến mình cho công việc đến với tôi.
Tháng 2—Chỉ có linh hồn tôi mới có thể chạm đến điểm sức mạnh nơi tôi đang đứng, và con đường đó luôn rộng mở cho linh hồn tôi. Tôi tự hiến mình cho nhiệm vụ được linh hồn giao phó.
Tháng 3—Từ điểm cao vời, tôi thường xuyên bước xuống để cùng với các huynh đệ đi trên những con đường của đời sống và vẻ đẹp. Tôi tự hiến mình cho nhiệm vụ giúp đỡ họ.
Tháng 4—Tôi tìm cách tuôn đổ ánh sáng rạng ngời của tình thương lên tất cả những ai tôi gặp và tôi hiến dâng bản thân cho cuộc sống với tình thương rạng ngời này.
Tháng 5—Với sự vô tâm thiêng liêng, tôi đối mặt với cuộc sống hằng ngày của mình, biết rằng mọi sự đều ổn thỏa. Tôi hiến dâng bản thân để hỗ trợ những người tôi phụng sự, các Chân sư của Thánh đạo.
Tháng 6—Với sự điềm nhiên thiêng liêng chân chính, tôi gánh vác mọi trách nhiệm đến với mình, bởi vì không gì có thể chạm đến linh hồn tôi. Tôi hiến dâng bản thân để biểu lộ sự tự tin này.
Tháng 7—Những người được trao cho tôi để yêu thương, trên những con đường của đời sống, tôi yêu thương và phụng sự. Tôi nhìn họ với đôi mắt không sợ hãi. Tôi hiến dâng bản thân để tiếp thêm sức mạnh cho họ trong linh hồn họ.
Tháng 8—Trên tháp đài của mình, ở nơi cao vời của tầm nhìn, giờ đây tôi đứng vững và từ điểm đó, tôi sống, yêu thương, và làm việc. Tôi hiến dâng bản thân cho định mệnh cao cả này.
Nếu em có thể nắm bắt được tính chân thực của sự phụng sự và tính hữu dụng của sự phụng sự mà em có thể mang lại, em sẽ đạt được tiến bộ lớn khi tôi hướng dẫn em lần sau.
22.10.2024
Em thấy mình đứng áp lưng với bạn em, hai tay đưa lên cao trong tư thế hiến dâng, quy phục và cầu nguyện, tiếp nhận những luồng ánh sáng tuôn đổ xuống mạnh mẽ. [Chúng em đứng trên nóc một tòa nhà màu trắng, có hình mái vòm, như bán cầu úp xuống. Nó nằm trên một đỉnh đồi, xung quanh có biển và rừng cây. Không khí rất trong lành. Đó là một trung tâm giáo dục cộng đồng, có thư viện, phòng thiền, phòng workshop, bếp chay và phòng ăn].
MỘT VÀI CẢM NGHĨ VỀ HỘI NGHỊ MFVN – SUỐI RAO 2024 (HOÀNG QUỐC KHÁNH)
Khi bức tranh tú mỹ linh thiêng mở ra, khuôn diện của Thầy trong sáng thấu triệt, thần thái anh minh tỏa rạng bình an. Dù Thầy đã rời đi từ lâu, linh hồn của Thầy, trái tim của Thầy chưa từng rời xa nơi này. Thầy vẫn ở bên mỗi chúng ta, vẫn rung cùng nhịp đập với trái tim mỗi người. Vẫn là sự minh triết, ân cần, trìu mến, từ bi, thanh tịnh, khả ái, dịu dàng vô bờ… Đối với em, Thầy thực sự là người Cha kính yêu! Khoảnh khắc đó, như thể một tia chớp phóng thẳng vào sâu thẳm trong tâm khảm, chẳng rõ là nhân tính yếu đuối, hay nỗi nhớ trào dâng không ngớt, mà xúc động khôn nguôi, chẳng ngăn được đôi mi ngấn lệ.
Phải một trái tim thuần khiết, một trái tim hướng thiện, thấu cảm nhân sinh, nhạy cảm tinh tế, siêu linh thực thụ mới vẽ nên được bức tranh truyền thần sinh động đến vậy phải không Ngọc Ý? Một bức tranh có giá trị hơn vạn lời nói. Biết ơn em!
Đối với em, U Thư là biểu tượng bất tử của MFVN. Nếu câu chuyện về cuộc đời U được chuyển thể, tác phẩm ấy xứng đáng được xếp vào hàng Sử thi kinh điển, sánh ngang với Odyssey... Một Hercules điển hình với đạo tâm tinh thần nhiệt huyết, cháy bỏng, được tiến hành một cách bền bỉ và thông minh trong phong thái của một Chiến Binh, sẵn sàng tiến vào trận chiến để chiến thẳng. Vượt qua mọi trở ngại và thử thách của bản thân và hoàn cảnh, đó là một Chiến Binh chiến đấu cho lý tưởng là Chân Lý, tiêu biểu cho khát vọng phụng sự Hội Đồng những Đấng Cao Cả. Ở cuối chu kỳ nhỏ của mình, U chọn rũ bỏ phú quý, quên hết vui buồn, mọi chuyện tùy duyên, không cưỡng cầu, không cố chấp, coi sống chết như cỏ rác, xem vinh nhục tựa khói mây. Có đôi khi em trộm nghĩ, những gì U làm thật lớn lao, điều mà có lẽ mình chưa thực hiện được. Con không biết nói gì hơn là bày tỏ lòng kính phục đến U ạ.
Tuổi già! Không, con không thấy tuổi già nào ở đây cả. Nếp thời gian của tuổi tác chỉ làm cho vẻ đẹp ấy khí chất hơn. Đó là vẻ đẹp của sự từng trải, của lửa thời gian hun đúc, nhẹ nhàng mỉm cười trước mọi ảo cảm, ân cần và chu đáo nâng đỡ những người xung quanh, kiệm lời và thích lắng nghe "tiếng nói vô thinh". Điểm lên bộ y phục tao nhã là chiếc vòng cổ hình chiếc lá căng tràn nhựa sống của Kim Tinh, hành tinh của tình yêu và mỹ lệ. Chẳng phải Đức Christ đã nói “Ta và Cha ta là một”, là Đấng Thanh Xuân Vĩnh Cửu. Đối với con, vẻ đẹp của U vượt lên thời gian ạ.
Đôi khi trong tâm trí còn đầy rẫy thiên kiến, ảo vọng và hạn hẹp của mình, em suy nghĩ có phải là có một rào cản giữa mình và chú K. Nhưng thực sự không phải vậy! Sự nghiêm khắc và kỷ luật của chú đến từ trách nhiệm nặng nề trên vai chú, và trách nhiệm được nhận lãnh từ những vị Thầy và Đấng Cao Cả mà chú và chúng ta tôn kính. Càng yêu thương chúng ta chú càng phải trụ vững trong quy định, nguyên tắc, giám luật. Cái nắm tay vào buổi đêm thứ bảy trong vòng tròn tình thương là khoảnh khắc em cảm nhận sâu sắc sự ấm áp của tình yêu thương của chú. Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc.
“Hội Nghị Suối Rao đắc mọi điều
Mặt trời soi chiếu triệu hoa tâm
Cùng nhau hội tụ cùng phụng sự
Tích hợp trong tim hát tiếng yêu.
Có nàng Trang Vũ luôn hóm hỉnh
Nhiệt tình dẫn chuyện nhóm phiêu diêu
Cùng nhau thắt chặt tình huynh đệ
MF bên nhau đến mãn chiều.”
Trang à! Mọi người thường nói về cậu như một phát kiến. Mình lại trộm nghĩ rằng có lẽ cậu là Mummy, cậu không cần ai khai quật, cậu tự trỗi dậy khi thời điểm chín muồi phải không 😛 Về ý tưởng "giáo dục trong Kỷ nguyên mới" của cậu, nó vô cùng thiết thực và cậu yên tâm, bất kể khi nào cậu cần tớ... anh Tony sẽ ở bên cạnh cậu, một người vô cùng tâm huyết và sẵn sàng đón nhận ý tưởng này.
Nếu một ai muốn hiểu và cảm nhận ý nghĩa của "biển cả tình thương", hãy ở bên Daisy; chỉ ba ngày thôi, họ sẽ viên mãn. Heil Zalo... Lộn lộn... Yolo! Xin tôn vinh Ngài Đấng Trung Gian Thiêng Liêng, Đấng Ngự Trị trên Thánh Địa, Kèn Trompet của Thượng Đế! Yolo, Yolo, Yolo!
Kloves à! Em có bao giờ nghĩ cái tên này không chỉ dành riêng mình em không? Em là Leo và với một chữ K khác của anh, Leo cũng có thể nói tôi là chúng ta mà. Em trẻ nhưng linh hồn em không hề trẻ như vẻ bề ngoài. Mặt trời là cội nguồn tình thương trong thái dương hệ này. Mặt trời mang lại cho em sự tỏa rạng. Mặt trời thu hút vạn vật, chiếu sáng và nuôi dưỡng tất cả. Mặt trời cũng ban tặng cho em sự rộng rãi và hào phóng. Thật vui vì được chứng kiến những gì em đang và sẽ làm cho người khác. “Tôi là Cái Đó”, tỏa sáng Kloves lên thế gian nhé.
Em có một kết nối với Vũ, nhưng đợt này Vũ và Vian khiến em nghi ngờ nhân sinh. Mọi giá trị đều bị đảo lộn hết cả. Vậy thực sự trong hai bạn, ai là chồng và ai là vợ? Chà, ở trên cõi Bồ Đề, chúng ta có điều gọi là Lưỡng Tính Thiêng Liêng – Divine Hermaphrodite. Hai bạn lĩnh ấn tiên phong nhé!
Mình rất yêu mến Kim Long, Hoàng Tử Dừa! Nhìn dáng vẻ cặm cụi tay đao tay búa dịu dàng phá hủy lớp vỏ cứng cáp của quả dừa với động cơ đầy yêu thương, mình liên tưởng đến ngay người phụng sự Bảo Bình "Tôi là nước [dừa] Bến Tre, tuôn đổ đến những người đang khát". Keep going, my Bro!
Em có một ấn tượng đặc biệt với bạn Vũ Steiner. Bạn gần như trở thành một người khác khi cất lên tiếng hát. Đó là một khoảnh khắc thú vị và bất ngờ. Trước khi bạn hát, em cảm nhận dường như có sự hiện diện của các Deva quanh HN, và khi bạn bắt đầu xướng lên, cứ như thể tiếng mưa xung quanh là sự đáp ứng của các thiên thần bé nhỏ đáng yêu, những thực thể vốn rất nhạy cảm với âm thanh và màu sắc, tất nhiên là nếu nó xuất phát từ trái tim. Không biết bài trình bày về số 8 có gợi một cảm hứng gì nơi em không, anh hy vọng là Hội nghị năm sau, nhóm sẽ được nghe một bài hát có 8 câu. Hê hê, nó sẽ là vậy nhỉ, vì “niềm tin là chất liệu của những sự việc được mong cầu, và là bằng chứng của những gì không được nhìn thấy” 😃
Có một điều em hơi tiếc nuối là chưa được nói chuyện với bạn Xuyên Lan. Em cảm nhận được sự "cô độc" trong lời tâm sự của bạn. Nhưng em vui vì như cô Tuija có nói rằng sự cô độc là dấu hiệu của những người chí nguyện, những người đã và sẽ bước chân trên con đường Đệ Tử vì "trong sự cô độc, hoa hồng của linh hồn mới phát triển. Trong sự cô độc, Chân Ngã mới có thể lên tiếng. Trong sự cô độc, các năng lực và những ân sủng của con người Tinh Thần mới có thể bén rễ và nở hoa trong phàm ngã...". Xuyên Lan à! Em không còn đơn độc nữa đâu, ở đây có gia đình của em, “gia đình” không xây dựng bằng tay, vĩnh cửu trên Thiên Đường. Luôn cầu chúc phúc lành đến em.
Khi "ngắm nhìn" chị Thùy Linh Đô Nồ Chăm Pơ, dường như em chỉ thấy hài nhi Christ đang nô đùa tinh nghịch, tích cực, xông xáo, chỉn chu và tinh tế trong công tác tổ chức, nhưng không quên các sự vụ toàn cầu. Đứa trẻ tinh khôi, vị Chúa hài đồng này không thích chiến tranh, không thích bom đạn; nó chạy nhảy vô tư với hành trang là một khát vọng trao tặng cho tất cả nhân loại cùng thưởng thức chiếc kẹo ngọt hòa bình. Điều đó chắc chắn là thế, trong niềm tin và xác quyết.
Ấn tượng về Nguyệt là một thiếu nữ đoan trang, dung nhan hiền thục, có một vẻ đẹp nội hàm, toát lên năng lượng tích cực và khí chất bẩm sinh, vốn là sự hun đúc màu nhiệm của sách vở. Một người con gái tri thức, nghi thái thanh lịch thu hút người nghe, bởi sách vở bồi đắp cho em những kiến thức cuộc đời, đem đến cho em khí tiết chân, thiện, mỹ để em hiểu đời, hiểu người, tự tin và xuất chúng. Một người như vậy, cho đến khi em trình bày, anh tự hỏi rằng em có biết mình đã chọn một chủ đề mà nhóm luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu không. Một bài trình bày đã phả một hơi nóng gay gắt vào gáy của nhóm vốn vô cùng sợ…Deadline 😃 Hy vọng HN năm sau em sẽ “dịu dàng” hơn.
Chị Diệu Bình! Chúa ơi, "chị" ấy hơn tuổi mẹ em. Sám hối chị, cách xưng hô không thay đổi thái độ lễ phép của em đâu ạ. Thật đánh kính vì hơn vạn lời nói, sự kiên trì và nỗ lực của chị chính là biểu hiện tuyệt vời nhất của câu nói “cuộc sống là không ngừng bỏ cuộc”... Ý lộn, “Không bao giờ bỏ cuộc - Never Give Up”!
Có một hân hoan khi gặp Khang. Thoạt nhìn bạn, mình liên tưởng đến bản thân hồi học đại học…rất sinh viên, rồi khi bạn giới thiệu là kế toán mình vẫn thấy giống bản thân vì tôn chỉ kế toán “đầy đủ, chính xác, kịp thời” là tính chất của Xử Nữ. Cái tên nói lên tất cả, anh em mình lại cùng “Khờ” như nhau. Đúng là “tứ hải giai huynh đệ” nhỉ.
"Chỉ trong vòng núi ấy, Mây thẳm khó tìm ra". Có những người đi thoáng qua cuộc đời mình, để lại một nỗi tiếc nuối âm ỉ, khôn nguôi. Chỉ là cảnh tiên ngoài cõi tục, nơi Mây trắng nhởn nhơ, còn mình chỉ là kẻ chìm đắm trong cõi tục, mãi mãi không thể hiểu thấu được cái thú tuyệt diệu của đạo lý Thiền môn, núi sông Mây trắng mà mình thấy, cuối cùng chỉ là ảo ảnh thôi. Tình yêu đến trong chớp mắt nhưng muốn quên thì có lẽ hết cả cuộc đời, dù biết là như thế, nhưng con người vẫn luôn khao khát tình yêu, dù ngàn dặm cũng truy tìm tình yêu, muốn kết thúc một đoạn tình duyên trong kiếp này, để thanh xuân chẳng phải hối tiếc. Thôi thì, hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ, bởi trên đá Tam sinh, duyên kiếp mấy đời, Tường Vân nhỉ!
Hỡi Sa Tăng!!! Ý lộn Santa... Á lộn Sanat! (Lạy Chúa lòng lành! Không có bất cứ sự bất kính nào ở đây ngoài lòng tận hiến và tôn kính Ngài ạ!) không có gì giữa tớ và cậu ngoài một chữ "Thương". Tạ ơn Chúa vì được gặp cậu!
Có một sự bối rối và lẫn lộn không hề nhẹ. Đến bây giờ em vẫn không biết chị tên là Mai Hoàng Trúc Lâm hay Lâm Hoàng Trúc Mai nữa. Mặc dù em đã phải repeat bài "Hoang Mang" của Hồ Quỳnh Hương trong 15' để phân biệt, đối chiếu, so sánh, hồi quy, quy nạp, suy luận, phán đoán, thậm chí kêu gọi trực giác, cuối cùng vẫn là bế tắc. Sau rốt mới thấy mình ngớ ngẩn, vấn đề không thể được giải quyết nếu mình cứ quanh quẩn ở cái tên. Chính "suy nghĩ trong trái tim" mà chúng ta thấu hiểu nhau, và chúng ta được liên kết với nhau bởi tia nắng số 8 đến từ "trái tim vĩ đại của tình thương rực lửa" phải không chị Lâm Hoàng Trúc Mai, ý lộn, Mai Hoàng Trúc Lâm, ý lộn, Mai Trúc Hoàng Lâm...? 😥🤨😟😱🥶🥵😰
Em đã sởn gai ốc khi chị Thiên Nga đọc lời sấm truyền về sự xuất hiện của Cô Tuija. Em tin rằng một trong những tư cách khi Cô đến với Hội nghị là vị Sứ Giả của Thánh Đoàn. Chúng ta lại được động viên bởi những lời này trong TWM “Chúng tôi quan sát với sự trìu mến tất cả các bạn, những người mà, với các thể yếu ớt và nhạy cảm, vẫn đấu tranh, làm việc, chiến đấu, thất bại, tiếp tục và phụng sự. Không một giờ phụng sự nào được cống hiến trong sự đau khổ và căng thẳng, không một ngày lao động nào bị theo sau với các dây thần kinh bị tra tấn, với cái đầu mệt mỏi và với trái tim đau đớn, được phép bỏ qua không được chú ý. Chúng tôi biết và chúng tôi quan tâm, tuy nhiên, chúng tôi không thể làm gì được cả, còn bạn, đang đấu tranh trong lĩnh vực của thế gian, có thể làm trong số những gì được đòi hỏi. Nghiệp quả của thế gian nhấn chìm mỗi người trong các bạn ở thời kỳ này. Phải chi bạn có thể nhận thức được điều đó, thời gian còn ngắn và sự nghỉ ngơi, vui chơi và an bình đang tiến đến.”
Em và chị Hoa thực ra có nhiều điểm chung, mặc dù đôi khi hai cái cứng gặp nhau nó cũng keng keng tí. Cái gì thái quá cũng bất cập mà, nhưng thực ra, cách tiếp cận thực tiễn của chị cũng là cách của em, vì em có hai dấu hiệu hành thổ (Virgo, Taurus) và tâm lá số nằm ở nhà 4. Bài thuyết trình của chị rất hữu ích với em (và với mọi người) vì các chân lý đã trải qua giai đoạn thực nghiệm. Thực ra, chị đã gỡ cho em một trong những nút thắt của cuộc đời. Em không thể chinh phục, tán tỉnh một cô gái nếu câu đầu tiên cô ấy thốt lên khi gặp em là "cháu chào CHÚ ạ! Terrible nightmare! Bây giờ thì khác rồi, em đã tìm thấy bí quyết trẻ hóa ở đâu, em đã có thể trở lại tuổi thể chất lý tưởng 20. Đa tạ chị đã thắp lên ngọn lửa hy vọng vốn đã tồi tàn trong em!
Cái cảm giác đầu tiên khi Điệp hỏi mình trong đêm khuya thanh vắng như thể giữa cô giáo và học sinh trả bài. Mình sững sờ trong 1s để tự vấn hình như mình đã tốt nghiệp cấp một và mình hơn “cô giáo” một tuổi hay sao ấy nhỉ? Cơ mà, chuyện đó có thực sự quan trọng? Điệp hỏi, mình trả lời, cô giáo hỏi, mình trả bài ngoan ngoãn. Vạn vật thái hòa!
Anh không nghĩ một thiếu nữ trẻ như em lại có một cách tiếp cận với trường nội môn chững chạc cho đến khi ngắm nhìn lá số của em, Mai Phương ạ. Liên kết với bài giảng của cô Tuija, Saturn là hành tinh của cơ hội ở ngay trong nhà 9 Minh triết. Cơ hội ở đây là để lựa chọn đúng và hành động với tính toàn vẹn và vì lợi ích cao cả. Sự lựa chọn đúng sẽ đưa đến thành công. Lựa chọn sai lầm dẫn đến vòng luẩn quẩn rắc rối hoặc quay trở lại với vực thẳm của kết tinh và đóng băng trong quá khứ. Sự hiện diện của em rõ ràng cho thấy sự khôn ngoan khi lựa chọn ngôi trường MF. Trở thành Phượng Hoàng Lửa em nhé.
Khởi đầu hành trình, em có một áp lực nhỏ khi đứng trước mặt cô Tuija, cứ như thể có một âm thanh vang vọng trong đầu rằng "tôi là tượng, không nói được", và rồi Công Túa xuất hiện, vị cứu tinh của đời mình. Về Công Túa, mình chỉ ngắm thôi, chỉ cần ngắm đồng chí Lan Hương, đảng viên kỳ cựu của Đảng MF, thế giới bỗng thu bé lại vừa bằng một “cô gái”.
Anh Chương sơ di ớt luôn mang lại cảm giác an tâm. Bạn thiếu cung bảy, yên tâm, đã có anh Chương; bạn muốn một người điều hành nhóm đáng tin cậy, chúng tôi có anh Chương; bạn cần một mentor đầy đồng cảm, đã có anh Chương, bạn nợ, anh ấy còn nợ nhiều hơn bạn; bạn đang khát khao Ánh sáng, về đây với chúng tôi, vì chúng tôi có người dẫn bạn trở về cội nguồn "Ánh Sáng của Thế Gian". Fantastic work!
Cảm giác đầu tiên khi em bước chân vào SG là sự hụt hẫng, vì không thấy chị Thùy Linh Obama đâu. Thực ra đàn ông chỉ là những đứa trẻ con có râu thôi; đôi khi vẫn mong ngóng điều gì đó như mong mẹ về chợ có quà vậy. Đó là mong mỏi của em về chị đấy, mong chị phiên dịch cho cô Tuija, mong chờ nụ cười tinh nghịch và cuốn hút của chị. Và rồi hân hoan, phấn khích và cả bất ngờ khi gặp chị ở chân Tượng Đức Chúa. Hành trình của chúng ta không và sẽ không bao giờ bị ngắt quãng. Chuyến đi này lại nhận một ấn tượng tấn lượng về chị, em có cảm giác chị nhìn đâu cũng ra huyền bí: cung hai với tính chất thu hút bạn bè đến sân bay, và uống đủ 5 ly bia tượng trưng cho nguyên khí trí tuệ; hix, nhậu mà cũng minh triết được. Haha! Hành trình nhỏ tạm kết thúc, nhưng đồng thời lại mở ra một chu kỳ mới với những ý tưởng về cuộc Đại hải trình tìm kiếm một nửa trái tim cho em mà chị hứa hẹn là một hoa tiêu lão luyện 😅 ghi nhận từ tâm nhưng không quên nhắc "the blind leads the blind" là đời em lại cám cảnh ấy.
Với chị Trinh Lan, không có gì ngoài hai chữ "biết ơn"; em là một người Bảo Bình, ý nghĩa của cuộc đời chỉ gói gọn trong hai từ phụng sự, là được yêu thương và nói một cách "bóng bẩy" tuôn đổ "nước của sự sống" để đáp ứng nhu cầu của người đang khát. Những ý tưởng và các dự án đang triển khai của chị cùng anh chị em khác thực sự thiết yếu và cơ bản; thiện chí và minh triết cần được lan truyền, đặc biệt là với một thế hệ Việt Nam năng động và đầy nhu cầu như hiện nay. Những gì chị làm là những gì em luôn khát vọng 🥰 “Great is the day of opportunity”.
Anh Dũng và em đều là người Xử Nữ nên có rất nhiều điểm tương đồng, có thể nói rằng "người này hành động như thể người kia hành động", ngoại trừ anh sợ zợ, còn em thì... chưa biết. Chúng ta hòa nhịp với nhau thật dễ dàng nhỉ.
Em luôn yêu quý chị Hà Duyên; điều em mong mỏi và luôn hân hoan là khi được nhìn thấy nụ cười của chị. Trong hành trình này, thường trực trên môi chị là nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc. Cuộc sống đẹp làm sao!
Mỗi khi ăn cơm (tại sao cứ phải là lúc ăn cơm nhỉ?) đôi mắt em lại ráo riết tìm kiếm Tony. Đúng rồi! Mặc dù đã khai vị 8 cuốn nem, tráng miệng 4 chén bún thập cẩm em vẫn xách bát đũa sang mâm Tony, chỉ để tìm kiếm nụ cười và niềm hân hoan, hý hửng, hóm hỉnh, hào hứng, hăng hái, hăm hở của Tony. Cơ mà, nhìn anh Tony thương lắm. Làm sao không thương được, một người đàn ông manly, mạnh mẽ lần đầu tiên trong cuộc đời phải qua đêm ở một nơi xa lạ mà không có bà xã chứ. Chu choa, tội quá!
Cũng có một người em luôn đi tìm là chị Jade, chỉ để sáu con mắt nhìn nhau (bốn con của chị, hai con của em, không tính “Eye of Shiva”). Vậy là đủ hiểu nhau rồi, bởi “niềm vui của tình bằng hữu được thử thách và trắc nghiệm sẽ là của bạn, vì các năm trôi qua sẽ chứng tỏ cho bạn ai là người cộng tác được lựa chọn của bạn, và trong cộng đồng đau khổ, mối liên kết được củng cố sẽ đến”.
Có lẽ em là người bạn đồng hành thực thụ của chị Tâm, mà chỉ là không rõ em tháp tùng chị như chị có thể nghĩ hay chị tháp tùng em, vì em chưa thấy Hổ Báo nào cần tháp tùng ạ. Chắc chị chưa biết là một chiếc lá khẽ rơi cũng khiến em hoảng sợ ạ. Thank U so much!
Em có chút đam mê về chiêm tinh và cũng thích thú khám phá, tìm đọc, nghiên cứu về lĩnh vực này. Em vẫn giữ niềm tin sắt đá, vững chắc, tuyệt đối là vòng hoàng đạo cai quản thái dương hệ này chỉ có mười hai cung, cho đến khi em gặp anh Hiếu, em mới biết mình đã sai, quá sai. Em không ngờ vũ trụ này thực ra có mười ba cung, mà cung cuối cùng đó là cung... kính vợ! Hix! Lạ một điều là cung này cũng cai quản cả anh Tony, anh Dũng... Lý thuyết chiêm tinh trong em hoàn toàn sụp đổ rồi. Em thực sự tuyệt vọng! 😭
Chị Hilary Yến đừng lo lắng quá về việc nhớ kịch bản nhé. Vị Tinh Quân Trí Nhớ là Chủ Tể Cung Ba chứ không phải Cung Năm. Việc của chị chỉ cần là một Thái Dương Thiên Thần yêu thương thông tuệ, một Thực Thể Tâm Lý như được diễn trình bởi Đức Christ lịch sử, bởi chị là người dẫn đường cho tâm lý nội môn hiển lộ trên thế gian trong Kỷ nguyên mới mà. Các cung khác luôn ở bên chị: “Tous pour un, un pour tous”!
Có vẻ như chưa bao giờ MFVN thiếu những giọng oanh vàng thánh thót, nhả ngọc phun châu, và xướng lên như những thiên thần về Chân Lý Muôn Thuở. Mỗi cái tên mà chúng ta mang trong một kiếp sống chẳng phải là định mệnh phải không chị Yến (HN)? Cả nhóm đã sẵn sàng để nghe tiếng “hót” du dương, êm ái, sâu lắng của chị rồi đấy.
Anh Hải Hoàng (bạn cùng giường của em) luôn khăn áo chỉnh tề, sơ vin đóng thùng, đúng là bí thơ chi bộ đánh kính. Em đã nghĩ trong đầu mình có nên nói với anh rằng “anh ơi, đây là Hội nghị giáo dục, và chúng ta không cần phải thực sự nghiêm trang như khi họp đảng bộ”; hix cùng đắp một cái chăn mà cũng không đủ dũng khí nói. Dù em đã cố nhịn cười trong không khí nghiêm túc, nhưng em đã cười, em thật tồi tệ.
Khánh đã chứng minh cậu và nụ cười là các thuật ngữ đồng nghĩa, và có thể thay thế lẫn nhau. Chẳng phải Đức Thầy dạy chúng ta rằng hãy "Hành động đầy niềm vui, và con đường của sự toàn phúc sẽ mở ra trước mắt [chúng ta]". Lại nữa hoạt náo, năng động, nhạy bén, nhiệt tình là tính cách của cậu, và cậu thấy đấy, đó là chất kết dính nhóm lại với nhau.
Ngọc Khánh đừng quên, chúng ta cùng Khánh khỉ là một tam giác. Anh đã nghĩ, nếu em có mặt thì các khoảng thời gian thảo luận cuối mỗi bài trình bày lại được nghe tiếng em, vì em rất thích đặt câu hỏi. Mọi người rất nhớ em!
Mối liên hệ giữa Zim và em không thể diễn tả thành lời nên em đã không định thổ lộ tâm tư, nhưng mọi bài viết về nhóm sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu Zim. Ngôn từ của em bất lực nên em mượn tạm đoạn trích này vậy, dù đó chỉ là một nỗ lực yếu ớt để diễn tả thôi: "Diện mạo họ có thể khác, nhưng trái tim bạn sẽ nhận ra họ. Bạn đã ôm ấp họ trong vòng tay và trong trái tim mình giữa những sa mạc ngập ánh trăng của Ai cập và vùng đồng bằng cổ xưa của Mông Cổ. Các bạn từng cùng nhau rong ruổi trên lưng ngựa trong binh đoàn của những vị tướng quân đã rơi vào quên lãng, và sống cùng nhau trong những hang động đầy cát của người cổ đại. Các bạn được kết nối với nhau vĩnh viễn, và bạn sẽ không bao giờ đơn độc."
Cũng không thể không nhắc đến hai đảng viên nhí May Nguyen Dac và Công Chúa Hoa Hồng, các bạn chính là mầm non, là hy vọng của MF. Các bạn đang được tắm mình trong suối nguồn của sự sống vĩnh hằng, trong biển cả của minh triết để chuẩn bị cho nền văn minh mới mà chính các bạn sẽ là những người kiến tạo. À! Hai bạn chắc chưa đọc được tiếng Việt nên nhờ phụ huynh truyền đạt lại ạ. Xin cam on!
Và còn anh Tùng Phạm, anh Sáng, anh Hương, chị Oanh Trịnh, chị Hà Trần, Ngọc Ánh, Như Trang, Bình An, Bình Minh, Mia, Thùy Dung, Diệu Liên…bao con người thân thương nữa. Chúng ta chưa từng chia tách nhau, vì “các bạn được kết nối với nhau vĩnh viễn” mà. Mọi người nhớ anh chị lắm!
Các nhà trị liệu Phân tâm cho rằng trải nghiệm thời thơ ấu và quá khứ là những yếu tố quyết định quan trọng đến hành vi hiện tại. Theo mình thì điều này xảy ra khi con người chưa thực sự chánh niệm hay ý thức.
Tất cả những trải nghiệm thời thơ ấu và quá khứ được ghi nhận và lưu giữ trong tiềm thức một cách vô thức. Vô thức là tác nhân chi phối phần lớn cuộc sống của chúng ta, ở những nơi nào chúng ta không hữu thức, hay không soi chiếu bằng ánh sáng ý thức với sức mạnh của chánh niệm, tỉnh giác. Vô thức khiến con người hành xử một cách máy móc, bởi những thôi thúc bản năng, hay tập khí của nghiệp quả và thói quen của quá khứ. Tiềm thức vận hành dựa trên sự liên hệ những điều tương đồng nên vận hành của tiềm thức dễ trói buộc chúng ta trong những định kiến của quá khứ, do đó không còn thực tế, không còn phù hợp với bối cảnh thực tại. Vậy nên, nếu chúng ta sống bởi sự điều khiển của thói quen, của tập khí quá khứ và định kiến từ trải nghiệm quá khứ, chúng ta sẽ sống trong sương mù ảo cảm chứ không thật sự tiếp xúc với sự sống động và tươi mới của thực tại.
Tuy nhiên, khi chúng ta sống với sự chú tâm, tỉnh giác hay chánh niệm, thì chúng ta sẽ làm chủ được suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Những hành xử của chúng ta bấy giờ sẽ không còn dựa trên ảo cảm của quá khứ mà sẽ đúng đắn, chân chánh, từ lời nói chánh ngữ, đến suy nghĩ chánh tư duy và hành động chánh nghiệp.
Ứng dụng vào cuộc sống đó là việc rèn luyện và vun bồi năng lực chánh niệm, tỉnh giác, để có thể tách mình khỏi ảnh hưởng của tiềm thức hay trải nghiệm quá khứ và sống chân chánh. Một ứng dụng khác nữa, với mình đó là vào việc nuôi dạy trẻ em. Khi hiểu được những tổn thương mà ta có thể vô tình gây ra cho trẻ có thể ảnh hưởng nhiều như thế đến cuộc sống và hạnh phúc của đứa trẻ đó khi trưởng thành sau này, chúng ta sẽ chú ý đến cách giáo dục và đối xử với trẻ em. Làm sao để trẻ em luôn được nuôi dưỡng trong bầu không khí yêu thương, trân trọng.
Buổi học đầu tiên của lớp "Lý thuyết tham vấn trị liệu" khai giảng tối chủ nhật ngày 06/10/2024, tụi mình được giới thiệu về 3 nội dung chính: hệ thống các lý thuyết tâm lý về tham vấn trị liệu, chân dung nhà tham vấn lý tưởng và các vấn đề đạo đức trong tham vấn.
1. Các lý thuyết tham vấn trị liệu được phân loại thành các nhóm chính với các từ khóa như:
- Nhân vị trọng tâm: lắng nghe tích cực, chấp nhận vô điều kiện, hiện thực hóa, thấu cảm, chân thực, phi cấu trúc.
- Nhận thức hành vi: thay đổi hành vi, tái cấu trúc nhận thức, suy nghĩ tiêu cực.
- Phân tâm: vô thức, Ego, phòng vệ, quá khứ.
- Hậu hiện đại: kiến tạo xã hội, tập trung giải pháp, trần thuật.
- Hiện sinh: tự do, ý nghĩa cuộc sống, cái chết, trách nhiệm làm người, nỗi lo.
Hiểu biết đa lý thuyết giúp nhà tham vấn linh hoạt trong thực hành.
2. Chân dung nhà tham vấn lý tưởng
Những phẩm chất quan trọng mà nhà tham vấn chuyên nghiệp cần có theo mình đó là chân thực, đáng tin cậy, bình an, tôn trọng, biết lắng nghe, đức hạnh.
Ngoài ra, mình được học thêm từ buổi học các phẩm tính hay khác như: nhận thức cao về bản thân, biết rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự trọng, đánh giá cao bản thân, sẵn sàng thay đổi, biết đưa ra lựa chọn mang tính định hướng cuộc sống, hài hước, biết chấp nhận sai lầm, chánh niệm, sống trong hiện tại, hiện diện hay có mặt trọn vẹn với thân chủ, quan tâm chân thành đến hạnh phúc của người khác, biết duy trì giới hạn lành mạnh, nhạy cảm với các ảnh hưởng của sự khác biệt văn hóa, biết tự chăm sóc bản thân.
Tầm quan trọng của trị liệu cá nhân: việc nhà trị liệu được trải nghiệm vai trò thân chủ sẽ nâng cao khả năng đồng cảm, thấu hiểu cho thân chủ, cũng như giúp nhà trị liệu tự khám phá và phát triển bản thân.
Tự đánh giá: So sánh bản thân hiện tại với chân dung nhà tham vấn lý tưởng nêu trên, mình thấy đã có được hầu hết các đức tính quan trọng nhưng vẫn còn cần phải bồi dưỡng thêm năng lượng bình an. Bản thân vẫn còn những cảm xúc tiêu cực, bất an, tập khí nóng giận cần được chuyển hóa và cần yêu thương, chăm sóc bản thân hơn.
Điểm mạnh của bản thân là sự tôn trọng, chân thực, đáng tin cậy.
Hoạt động cụ thể để phát triển là tiếp tục thực tập chánh niệm, tham thiền hàng ngày để ngày càng bình an và vững chãi hơn.
3. Nguyên tắc đạo đức cơ bản trong tham vấn: việc tôn trọng các nguyên tắc đạo đức cơ bản thể hiện tính chuyên nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho cả hai phía.
- Tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ. Thân chủ có quyền đưa ra quyết định. Ngay từ phiên đầu tiên, phải thông báo với các bên liên quan. Biên bản giấy, thân chủ đọc và ký kết, đây là sự đồng thuận có hiểu biết.
- Không gây hại, đây là nguyên tắc ưu tiên.
- Bảo mật thông tin. Ngoại lệ khi thân chủ muốn gây hại cho bản thân hay cho người khác, vấn đề liên quan đến pháp luật.
- Tính chuyên nghiệp trong mối quan hệ đòi hỏi duy trì ranh giới nghề nghiệp, tránh quan hệ kép, đa chiều.
- Nhận thức văn hóa: tôn trọng đa dạng văn hóa, điều chỉnh can thiệp phù hợp văn hóa.
Góc xanh nhỏ thân thương trước nhà. Cây đậu biếc anh trồng. Còn nhớ ngày 6.3 anh mang sang nhà. Hôm đó đưa Chị Huệ từ sân bay về, bất ngờ thấy ai đó kiên nhẫn ngồi chờ đợi lặng lẽ trên ghế đá dưới chung cư. Tan chảy vì cảm động và hạnh phúc... Cây lớn nhanh và ra hoa mỗi ngày, thương lắm.
Hoa sống đời từ hôm Tết đã chết trụi hết đợt hoa và lá cũ, giờ lại tái sinh những cánh hoa cam mới.
Mấy cây rau càng cua mọc dại, không biết từ lúc nào đã phủ xanh um cái chậu đất trống.
Một số ý chính note lại từ buổi chia sẻ của Cô Bội Quỳnh trên zoom sáng nay về giáo dục khai phóng.
Giáo dục khai phóng cần có nền tảng triết học sâu sắc (tìm hiểu đến cốt lõi bản chất của vấn đề). Vấn đề nhiều khi không còn là vấn đề khi ta hiểu được bản chất, đứng "trên" vấn đề.
Tư duy khai phóng có thể được rèn luyện qua tư duy đa chiều. Đặt câu hỏi: What is the problem? How? Why? So What? ...
Hôm qua, lâu lắm rồi mới thấy lại bồ câu đậu trước nhà. Lần trước là đôi bồ câu trắng thật đẹp đã 6 năm rồi. Lần này là đôi bồ câu xanh xám. Buổi sáng mình thấy ngoài ban công. Lát hồi ra bếp lại thấy nữa, nhưng không chụp kịp, và không biết có phải cùng chú chim bồ câu đó không. Từ bếp nhìn ra thấy chú ấy đậu trên đường bê tông nối chính giữa khu nhà. Vui nhất là lát sau lại thấy chú ấy đậu ngay bên ban công sau nhà bếp. Cứ lính quýnh không biết phải làm gì, phải lấy gì cho chú ấy ăn. Quay lại thì chú ấy đã bay mất rồi.
Cảm ơn Đom Đóm đã cho mình cơ hội phụng sự cộng đồng này! Cảm ơn tất cả những phản hồi của người tham dự!! Trân trọng và biết ơn. 💗🙏
--
“SHADOW WORK – LÀM VIỆC VỚI PHẦN TỐI” có lẽ là chủ đề được rất nhiều bạn quan tâm trên hành trình đi tìm chính mình. Vì thế, Public Talk thứ 2 của CHUỖI CHƯƠNG TRÌNH PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG THƯỜNG NIÊN diễn ra chiều 6/7 vừa qua đã mở ra những vùng trời mới mẻ cho chúng ta khám phá.
Tiến sĩ Phạm Thùy Dương - nhà nghiên cứu Triết học Nội môn rất giản dị, dễ thương và nhiệt tâm chia sẻ rất nhiều kiến thức hay kèm theo bài tập tự đánh giá và những cách thực hành đơn giản để mọi người dễ dàng tiếp cận hơn.
Mình khá thú vị khi chị Dương chia sẻ: Shadow Work không chỉ là việc làm hòa với phần tối mình, chuyển hóa và chữa lành, mà còn giúp chúng ta tiếp cận được những tiềm năng nằm sâu bên trong và khai phá nó. Mình nhận ra đây là một hành trình cần rất nhiều dũng cảm và sự kiên nhẫn với chính bản thân, và cũng đầy hứng thú và tò mò vì chạm vào phần tối và cả phần sáng của mình.
“Chánh niệm - Tự nhận thức bản thân” và “Từ bi với chính mình” là 2 keyword quan trọng của công việc Shadow Work mà chị Dương nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và chị cũng chia sẻ đây là công việc suốt đời và giúp chúng ta dần chấp nhận, yêu thương, chữa lành cho không chỉ cho chính mình mà còn rất nhiều mối quan hệ xung quanh.
BTC gửi đến các bạn một vài chia sẻ đến từ các bạn sau khi tham gia nhé:
💞 “Mình thán phục kiến thức sâu rộng và uyên bác của cô Thùy Dương. Sự nhiệt tình truyền tải của cô vô cùng ấn tượng. Sự chu đáo của BTC và thái độ nghiêm túc của người tham gia.”
💞 “Em ấn tượng nhất về sự nhấn mạnh về self awareness (Without self awareness, transformation is impossible). Hơn nữa, khi chị Dương chia sẻ những phương cách chỉ là gợi ý, tham khảo, từ đó, giúp em thấy được sự quan trọng của tự nhận thức bản thân. Năng lượng của buổi chia sẻ rất dễ chịu, nội dung được biên soạn cực kỳ sâu, gần gũi và logic. Nội dung rất gần với bản thân em, từ đó, em đã nhận diện được điều mình có thể làm cho bản thân. Tấm lòng và sự say mê được thể hiện mạnh mẽ qua cách chị Dương chia sẻ. Em chân thành cảm ơn lòng nhiệt thành và thời gian chị Dương đã dành ra.”
💞 “Điều ấn tượng của mình trong chương trình, đó là hiểu thêm về góc nhìn Shadow Work và các phương pháp thực hành, có thêm những món quà bất ngờ cho bản thân. Biết ơn chị Thùy Dương đã mang đến những trí tuệ, trải nghiệm trên hành trình học và trải nghiệm, chia sẻ cho cộng đồng được khai mở. Không gian vườn có mùi thơm thoang thoảng, rất thích!”
💞 “Nội dung chương trình rất mới với mình. Người điều phối được nhiều ví dụ đơn giản hóa khái niệm. Chị Dương có giọng nói dịu dàng, ngọt ngào. Cảm ơn chị Dương rất nhiều! Em đã học được rất nhiều từ buổi hôm nay. Em chúc chị an yên, hạnh phúc. Em rất mong được nghe thêm nhiều chia sẻ từ chị Dương.”
💞 “Mình cảm thấy rất thú vị và hữu ích. Mở ra một chân trời mới mẻ về việc lý giải tâm lý và cảm xúc của bản thân và người khác.”
💞 “Mong cô Dương và Vườn Đom Đóm sẽ cùng nhau thực hiện nhiều hơn những chương trình thú vị và hữu ích như thế này.”
💞 “Vườn tuyệt đẹp từ trong nhà ra ngoài sân. Lần đầu tiên đến Vườn, cảm xúc thật hạnh phúc vì mình thật “sáng suốt” khi đăng ký tham gia chương trình và trải nghiệm.”
💞 “Điều làm mình ấn tượng nhất là sự sâu sắc về kiến thức và trải nghiệm về cả tâm lý và tâm linh trong chủ đề này. Sự chánh niệm và từ bi - đây là chia sẻ sâu sắc và mang đầy yêu thương về chủ đề mà mình được nghe. Public Talk này cho mình cảm thấy thật bình an, tỏ tường, lắng đọng nhiều bài học và tò mò, mong muốn học hỏi & phát triển một cách an vui.”
💞 “Em vô cùng biết ơn, trân trọng và thương mến chị Dương. Em hi vọng được trao đổi và gặp gỡ với chị trong tương lai về sự phát triển tâm hồn và tâm linh. Không gian vườn thật bình yên, đẹp, đơn giản, mộc mạc. Kết thúc chương trình em như được khai ngộ.”
Hôm nay, ngày thứ 2 của chuỗi chương trình phục vụ cộng đồng vẫn đang được diễn ra. Sự nghiêm túc tham gia và hiện diện trọn vẹn của mọi người chính là năng lượng lành góp phần vào sự tròn đầy của những trải nghiệm và giúp chúng ta khám phá sâu hơn về chính mình nên các anh chị và các bạn nhớ tham gia đầy đủ & đúng giờ nhé!
Hẹn gặp mọi người ở các phiên làm việc tiếp theo! ❤️❤️❤️
22.01.2024 Hội ngộ tri kỷ trong nước mắt sau hai năm tưởng như đã mất nhau mãi mãi. "Khô mộc phùng xuân" và tình yêu thương vẫn luôn ở đó, hồi sinh và chữa lành. Hôm qua, em xúc động nghe anh huýt sáo bài hát này... 💕
"Làm thế nào một người có thể tìm thấy linh hồn của chính mình, hoặc xác định được sự kiện là linh hồn có thật? Làm thế nào người đó có thể tái điều chỉnh bản thân cho thích ứng với các điều kiện của cuộc sống linh hồn, và bắt đầu hoạt động một cách hữu thức và đồng thời với tư cách một linh hồn và là một con người? Hành giả phải làm gì để mang lại sự hợp nhất thiết yếu giữa linh hồn và các khí cụ của linh hồn nếu y muốn đáp lại sức thôi thúc tiến tới trong bản tính của chính mình? Làm thế nào y có thể biết rõ, chứ không chỉ có tin tưởng, hy vọng và ước vọng?
Tiếng nói với bề dày kinh nghiệm của minh triết Đông phương bảo cho chúng ta biết chỉ có một điều: – Hãy hành thiền. Đương nhiên người ta sẽ hỏi: “Tất cả chỉ có thế sao?” và được trả lời: “Đúng vậy.” Nếu hành giả tham thiền đúng đắn, và bền lòng thực hiện trong đời, thì sự giao tiếp với linh hồn sẽ ngày càng được thiết lập vững vàng. Kết quả của sự giao tiếp này thể hiện thành kỷ luật tự giác, sự thanh hóa, và một cuộc đời đầy nguyện vọng tinh thần và phụng sự. Chúng ta sẽ thấy rằng, hiểu theo nghĩa của Đông phương, tham thiền là một tiến trình trí tuệ, đưa đến sự hiểu biết và khai ngộ của linh hồn. Đó là sự kiện thực tế trong thiên nhiên “Mỗi người sẽ trở thành chính điều mình suy nghĩ."
~ Trích "Từ trí tuệ đến trực giác", Alice Bailey, trang 61.
Chị B. hỏi: Hành thiền ở đây là gì? Thiền Anapanasati, Vipasana, Raja .. thiền nào cũng được và sống thiền hay chỉ là 1 loại thiền nào ở trên thôi?
Dạ em nghĩ ở đây Alice Bailey nói đến tham thiền chung, tổng quan, có nghĩa là tĩnh lặng để đi sâu vào nội tâm mình, bản thể mình, phản tư, chiêm nghiệm, trầm tư..., nó có nhiều dạng. Em nghĩ như vậy nó sẽ gần với thiền quán, thiền minh sát (Vipassana), giữ chánh niệm, sống thiền, hoặc tham thiền về một tư tưởng gốc (thực ra chính là quán Pháp trong tứ niệm xứ thân thọ tâm pháp của Vipassana, Pháp Dharma ở đây là sự vận hành của Vũ Trụ, Tự Nhiên, Đạo, là mọi thứ trong cuộc sống).
Cốt lõi của việc thiền để tìm thấy và nghe thấy tiếng nội tâm, tiếng nói vô thinh đó là sự tĩnh lặng những ồn ào bên ngoài, những xáo trộn của đời sống phàm ngã để lắng nghe hay cảm nhận được thiêng liêng, linh hồn. Khi một người trầm tư chiêm nghiệm một câu hỏi, một công án hay vấn đề gì đó, họ cũng đang tiến dần vượt qua cõi hạ trí để thâm nhập vào các cõi thượng trí cao hơn... chạm tới linh hồn.
Dạ, bởi vì cái trí (hạ trí) với những chitta luôn xáo trộn (tâm viên ý mã), như con khỉ chạy lăng xăng, nên tham thiền để lắng tâm trí xáo trộn đó lại, tĩnh lặng các thể thấp, thì mới có thể chỉnh hợp với rung động của linh hồn.
Mình vui vì nhận được những phản hồi tích cực và bài chia sẻ hữu ích cho cộng đồng. Biết ơn Thanh và Mai Anh cùng các bạn đã tổ chức một chương trình ý nghĩa. Biết ơn vì được dự phiên chia sẻ tuyệt vời của Thanh và đêm nhạc hát từ trái tim thật vui, cảm động của Thầy Hà. Biết ơn tất cả mọi người đã đến đây. 💗💖💖
--------------- Chúng ta đã có phiên làm việc vô cùng chăm chỉ và hiệu quả trong 4 tiếng. Cuối chương trình tụi mình đã nhận được rất nhiều chia sẻ tốt đẹp của mọi người dành cho phiên làm việc này, xin gửi tới bạn:
"Chủ đề rất hữu ích cho tất cả mọi người để có ý thức và thay đổi bản thân, làm chủ bản thân".
"Ngưỡng mộ kiến thức tâm linh, huyền học mà chị Dương có".
"Chương trình giải đáp được những thắc mắc của bản thân, tìm được phương pháp sẽ áp dụng trên con đường phát triển bản thân".
"Chủ đề súc tích, cô đọng, nhiều kiến thức, mong chị Dương sẽ có thêm nhiều chủ đề như này nữa."
''Mình đang bị trầm cảm, nhìn tất cả mọi việc không hề có ý nghĩa. Tuy nhiên, sau khi nghe bài giảng của cô Thùy Dương, em cảm thấy cuộc sống có 1 lối thoát cho mình, thấy sáng tỏ và có hy vọng hơn để tự mình giúp chính mình chứ không phải phụ thuộc vào người khác''
"Vườn có quá ấm cúng và an toàn, về Vườn như về nhà, như được thấy, chạm thưởng thức từng góc thân quen."
"Mình luôn yêu mến không gian của Vườn. Tươm tất, tinh tế, ấm áp và nhiều năng lượng chữa lành."
"Điều ấn tượng nhất với em là tinh thần của Đom Đóm, vì vậy em luôn mong muốn được quay lại Vườn".
"Biết ơn sự chia sẻ và cảm phục sự phụng sự của tập thể Đom Đóm."
Cầu chúc chúng ta luôn vững vàng, mạnh mẽ và có thật nhiều tình yêu thương cho chính mình, bạn nhé!
Hãy tiếp tục cùng tụi mình cập nhật những hình anh của các phiên tiếp theo ở các bài viết sau nhé!
Sáng 18/09/2023, từ tòa nhà của Mạng lưới Phật giáo dấn thân quốc tế (INEB) tại Bangkok, chúng tôi di chuyển xuống phía Nam đến Wat Chak Daeng. Wat tiếng Thái có nghĩa là ngôi chùa, đền thờ. Wat Chak Daeng nằm bên dòng sông Chao Phraya thuộc tỉnh Samut Prakan. Ngôi chùa nổi tiếng với những chiếc áo cà sa được làm bằng vật liệu tái chế từ chai nhựa PET. Sợi polyester tái chế từ chai nhựa, trộn với sợi vải cotton và hạt nano kẽm oxit giúp khử mùi, làm áo có tính kháng khuẩn, mềm mại, không nhăn, dễ giặt và nhanh khô.
Ý tưởng tận dụng đồ cũ này, theo lời Sư Thầy trụ trì Wat Chak Daeng, Phra Mahapranom Dhammalangkaro, đã có từ truyền thống xa xưa khi Đức Phật khuyến khích các tăng sĩ tiết kiệm, góp nhặt những mảnh vụn từ bãi rác và nghĩa địa về rồi giặt sạch và chắp vá lại, tự may thành chiếc y cà sa để mặc. [Tìm hiểu thêm tôi mới biết rằng chiếc cà sa, tiếng Phạn là ‘kasaya’, vốn không có nghĩa áo hay y phục mà là ‘bạc màu, hư hoại’. Tôi giật mình nhận ra ẩn dụ sâu xa của ‘kasaya’ hay ‘hoại sắc’, giống như tấm thân vô thường rồi cũng sinh diệt này, để đừng quá dính mắc vào mọi hình tướng hồng trần]…
Nhưng ngày nay thế thời đã khác, ở những thùng rác bây giờ, cái người ta tìm thấy nhiều nhất là rác thải nhựa. Rác thải nhựa mất hàng mấy trăm năm đến cả ngàn năm để phân hủy. Thậm chí khi phân hủy, hạt vi nhựa thấm vào môi trường, len lỏi vào không khí, vào chuỗi thức ăn, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, gây ung thư. Rác thải nhựa trôi nổi làm ngạt thở, gây chết sinh vật biển, ô nhiễm đại dương. Rác thải nhựa đã thực sự trở thành một vấn nạn toàn cầu (*).
Từ cách đây cả hơn chục năm về trước, Sư Thầy trụ trì chùa Chak Daeng đã trăn trở làm sao để giải quyết vấn nạn này. Mỗi lần nước triều dâng cao, rác thải nhựa từ sông Chao Phraya lại tràn vào chùa. Lúc đó đa phần rác thải nhựa chỉ được đổ bỏ vào bãi chôn lấp, trong khi đốt nhựa cần lò đốt rác tốn kém với công nghệ hiệu quả để xử lý khí độc. Rồi cơ duyên đến, nhân một chuyến đi học tập tại Đài Loan, Thầy được tham quan nhà máy tái chế chai nhựa PET thành sợi vải. Thế là ý tưởng may áo cà sa làm bằng vải tái chế từ chai nhựa đã được ấp ủ, nung nấu. Khi về lại Thái Lan, Thầy đã phải mất hơn 3 năm thử nghiệm. Sau này có thêm sự hợp tác từ công ty Global Chemical, hỗ trợ máy móc và công nghệ, thành phẩm cuối cùng dần dần hoàn thiện.
Cứ 15 chai nhựa làm được 1 chiếc áo. Quá trình diễn ra qua nhiều công đoạn. Chai PET không màu được làm sạch, phân loại, loại bỏ lớp dán nhãn bên ngoài và nắp nhựa để tái chế riêng, rồi ép thành kiện và gửi đến nhà máy để nghiền và tạo thành sợi tổng hợp. Sợi tổng hợp sau đó được gửi trở lại chùa, dệt thành vải và được cắt may thành áo. Trong chùa có cả một xưởng may, tạo ra nhiều những sản phẩm đa dạng khác như áo thể thao, áo thun, túi vải, nón, chăn mền… Có lần chiếc áo dạ hội từ nhựa tái chế được gửi đến cuộc thi Miss Earth Thái Lan và đã giành giải thưởng.
Xưởng may tại chùa
Hiện nay, dự án được vận hành như một doanh nghiệp cộng đồng, giúp tạo ra việc làm cho nhiều người dân, đa số là những người phụ nữ nội trợ, người về hưu, và cả người khuyết tật. Giá một chiếc áo cà sa sản xuất tại Wat Chak Daeng dao động từ 1500 - 5000 bath Thái (khoảng từ 1 - 3 triệu VNĐ). Giá cao nhưng nhu cầu luôn cao vì mọi người mong muốn ủng hộ sản phẩm ý nghĩa với môi trường và cộng đồng này.
Các dạng rác thải nhựa khác được tái chế thành vật liệu xây dựng giả gỗ, làm mái nhà, gạch con sâu lát nền. Vật liệu giả gỗ tái chế từ rác thải nhựa không bị phồng, không bắt lửa, không thấm nước, chống mối mọt. Gần đây, cộng đồng hợp tác với công ty Corsair mới thành lập năm 2020 (**), có trụ sở chính tại Thái Lan cho khu vực châu Á và Hà Lan cho khu vực châu u, để tái chế rác nhựa thành nhiên liệu. Công ty đang mở rộng sản xuất và thu gom rác nhựa, gồm cả các loại túi nylon, bao bì nhựa từ cộng đồng mang lại. Corsair sử dụng công nghệ nhiệt phân cao cấp trong lò phản ứng kín, chuyển hóa chúng thành các dạng nhiên liệu dầu nhiệt phân lỏng, than carbon đen và khí đốt.
Thầy cùng các sư trong chùa vận động người dân tham gia chiến dịch thu gom chai nhựa, vớt rác trên sông Chao Phraya. Thu nhặt rác mang đến chùa không chỉ là để tái chế, mà sâu xa, nó nhắc nhở mọi người có trách nhiệm hơn với sự tiêu thụ của mình, giảm bớt việc tạo ra rác thải. Trong khi ở những chùa khác, người ta cúng dường thực phẩm và quần áo thì tại Wat Chak Daeng, người dân có thể cúng dường rác thải nhựa! Mọi người khắp nơi gửi các chai nhựa PET đến Wat Chak Daeng, để chúng được tiếp tục một đời sống hữu ích mới.
Chưa hết, một mảng quan trọng khác ở Wat Chak Daeng là tái chế rác thực phẩm thành phân hữu cơ. Rác thực phẩm, thức ăn thừa thu gom từ cộng đồng trộn với lá cây gom từ việc quét sân mỗi ngày ở chùa được đưa vào hệ thống máy ủ phân to bằng nguyên cái nhà, tạo ra phân bón dạng lỏng và rắn từ quá trình lên men vi sinh được tối ưu hóa trong thời gian ngắn. Như thế, thức ăn thừa hôm nay được chuyển hóa thành phân để trở lại nuôi đất, góp phần vun trồng nên hoa trái cho mai sau. Khí methane sinh ra được thu chứa trong các thùng kim loại. Khí sinh học này được kết nối với van dẫn vào bếp, dùng để nấu ăn. Tất cả đều được tận dụng, không có gì bỏ đi cả.
Chùa Chak Daeng trở thành một trung tâm giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường trong cộng đồng, cũng như đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải. Thành công của Chak Daeng đã tạo nên một ảnh hưởng tốt đẹp lan tỏa. Nhiều trường học, tổ chức, cơ quan chính phủ đã gửi người đến tham quan học tập các mô hình xử lý rác thải tại đây.
Hôm đó, chúng tôi được thực hành làm chậu cây nhỏ từ xi măng và vật liệu xốp, sau đó vẽ trang trí. Và tại xưởng tái chế, chúng tôi chia thành 2 nhóm, một nhóm lọc, tháo nhãn dán trên vỏ chai và một nhóm gắn dây kẽm nối các chai với nhau. Chúng tôi cũng được xem các video về chùa và nghe các Sư Thầy nói chuyện. Thầy nhấn mạnh giá trị của cây xanh, nhất là khi với số lượng lớn, chúng giúp giải tỏa stress, là nơi trú ẩn cho động vật, tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt độ môi trường vi khí hậu, cung cấp oxy, lọc khí. Bộ rễ của chúng có tác động như một bờ kè, giúp giữ nước cho mùa khô.
Chia sẻ kinh nghiệm, Thầy nói 3 nhóm cần hợp tác, làm việc cùng với nhau là cộng đồng, bắt đầu từ chính gia đình mỗi chúng ta (1), chính phủ (2), và doanh nghiệp/công ty tái chế (3). Và quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức mọi người về các vấn đề môi trường cũng như khuyến khích giải pháp sáng tạo cho chúng. Thầy khuyên hãy cứ bắt đầu, nếu có thất bại thì đừng bỏ cuộc, mà đứng dậy, rút ra bài học rồi lại đi tiếp. Ba khía cạnh trong thực hành Phật giáo Văn - Tư - Tu mà Thầy nói đến, tôi thấy đều có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực đào tạo, rèn luyện. Đó chính là vòng tròn lắng nghe, xem đọc, học hỏi lý thuyết, quan sát (Văn), sau đó suy tư, chiêm nghiệm, đúc kết (Tư), rồi áp dụng, làm, thực hành trong đời sống (Tu) và tiếp tục quan sát, đúc kết, ứng dụng, nhờ đó mà liên tục cải tiến.
Việc dọn dẹp môi trường bên ngoài cho sạch sẽ và tái chế rác thải ngẫm ra cũng không khác mấy với sự tu tập, thanh luyện nội tâm. Chánh niệm, tham thiền là nghệ thuật nhận diện và chuyển hóa những rác thải hay chất độc của tâm, biến chúng thành những phẩm tính tích cực. Khi tâm trí trong sạch thì hạnh phúc chân thật vốn luôn hiện hữu sẽ được hiển lộ.
Viết những dòng này ngày cuối năm, tôi nhớ đến câu “Không bùn, không sen” của Sư Ông. Thương chúc tất cả chúng ta sẽ được chuyển hóa, biến đổi thành một phiên bản mới, tốt đẹp hơn, an vui hơn trong năm mới! 💓
---
(*) Theo báo cáo từ trang World Population Review năm 2021, trong top 10 các nước thải rác nhựa gây ô nhiễm đại dương, Philippines đứng đầu bảng với 35% lượng rác thải nhựa đại dương toàn cầu, còn Việt Nam đứng thứ 8 và Thái Lan đứng thứ 10. Đáng chú ý top 10 này đa số là các quốc gia Đông Nam Á, có bờ biển dài, lượng mưa lớn và hệ thống quản lý chất thải kém. Cũng theo trang này, những quốc gia sản xuất hoặc tiêu thụ nhiều nhựa nhất không hẳn là những quốc gia thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất, nhờ cơ chế quản lý, hệ thống phân loại và tái chế tốt.
(**) Năm 2021, Corsair công bố chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) về tín chỉ plastic (plastic credit), được vận hành trên nền tảng Ethereum blockchain, như một phương thức mới mẻ, sáng tạo và thuận tiện trong ghi nhận việc làm sạch mội trường và chuyển hóa rác thải nhựa. Tương tự như tín chỉ carbon, mỗi tín chỉ plastic đại diện cho một lượng rác thải nhựa xác định đã được chuyển hóa, không còn gây ô nhiễm môi trường.
P/S: Tình cờ, tôi mới biết một ngôi chùa đặc biệt khác ở Thái Lan, Wat Pa Maha Chedi Kaew, được xây dựng với 20 tòa nhà làm từ hàng triệu vỏ chai bia cũ. Nó gợi nhớ đến thời gian làm dự án ở Sóc Trăng hơn 10 năm trước. Sóc Trăng có nhiều chùa Khmer đẹp mà mỗi lần có bạn bè đến thăm chúng tôi hay dẫn đi chơi. Gần văn phòng chúng tôi cách khoảng 8 km có ngôi chùa Khmer hay được gọi là Chùa Chén Kiểu được dát bằng những mảnh sứ từ chén kiểu rất đẹp ngày xưa.